Những được mất khi ngập trong "biển" tin nhắn smartphone

Thứ Ba, 28/11/2023, 09:23

Tôi nảy ra ý định viết đề tài này do tình cờ đọc được một status trên trang Facebook của một nhà báo. Anh đồng thời cũng là CEO của một công ty truyền thông lớn có uy tín và rất thành công. Tác giả bài viết đã đặt ra một vấn đề khá thú vị: “Có phải chúng ta đã trở nên ngu ngơ rất nhiều khi ngập chìm trong những tin nhắn trên điện thoại?”.

Bài viết công bố số liệu nghiên cứu của một công ty nghiên cứu thị trường có tiếng tăm ở Hoa Kỳ, rằng học sinh trung học trung bình mỗi tháng nhắn chừng 4.000 tin. Như thế, mỗi ngày một em nhắn hơn 130 tin - con số kỷ lục. Tác giả kể lại chuyện xảy ra khi dẫn đoàn học sinh tham quan một địa danh nổi tiếng, như là kỳ quan thế giới hiện đại. Tất cả các em học sinh trung học trong đoàn đều lăm lăm điện thoại và chúng hối hả nhắn tin, cũng như chờ đợi tin trả lời.

Khi hướng dẫn viên nói về kỳ quan này, tác giả phát hiện ra rằng hầu hết các em học sinh chỉ lắng nghe trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa hai tin nhắn. Người ta ít khi đọc cái gì nữa vì những tin nhắn. Người ta không tập trung, không lắng nghe gì nữa giữa những tin nhắn. Người ta cũng chẳng suy nghĩ gì nữa giữa những tin nhắn. Việc quan trọng với rất nhiều người là gửi tin nhắn đi và chờ đợi tin trả lời. Khoảng thời gian giữa chúng người ta mới dành chút ít để lắng nghe...

ABC -0
Việc quá chú tâm vào tin nhắn điện thoại khiến nhiều người tốn rất nhiều thời gian và trí lực. (Ảnh minh họa)

Đọc xong status của anh bạn nhà báo, tôi đã thử làm một cuộc thăm dò ý kiến mini về việc có phải chúng ta đang trở nên ngu đi vì tin nhắn điện thoại. Và, tôi đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau về những điều được - mất khi ngập chìm trong đống tin nhắn điện thoại.

Thầy giáo Bùi Thanh, nguyên hiệu trưởng một trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội nêu ý kiến: Ngu đi thì chưa chắc. Nhưng, trở nên ngơ ngác hơn, trở nên thiếu tập trung hơn, dần dần hình thành thói quen không nghe ai cả, không đọc gì cả, chỉ lăm le chuyện phiếm thì là chuyện có thật, là chuyện chắc chắn.

Anh Hà Quảng, giám đốc một công ty thiết kế nội thất tại Đà Nẵng viết: “Tôi để ý các bạn trẻ ở cơ quan tôi, ở những nơi tôi tiếp xúc và làm việc, hiện tượng nhắn tin như vừa nói ở trên là khá phổ biến. Có bạn hầu như cả ngày chỉ nhăm nhe nhắn tin và chờ đợi tin nhắn. Tôi đi đến một nhận xét rằng các bạn thuộc típ này rất thích dành thời gian cho chuyện phiếm, thích giao tiếp, thích bàn luận, nhưng là bàn luận và giao tiếp chuyện tầm phào không liên quan gì đến những vấn đề có ích lợi cụ thể”.

Một nữ kiểm toán viên tên Ngân làm việc tại một công ty kiểm toán tại Hà Nội thì thốt lên đầy bi đát, việc trở nên ngu ngơ vì tin nhắn điện thoại là hoàn toàn đúng với lớp trẻ bây giờ. Nhắn tin ngày, nhắn tin đêm. Lúc nào cũng lăm lăm cái điện thoại di động trên tay để nhắn tin. Nếu dân làm ăn hay vì công việc thì ko nói. Toàn buôn dưa lê thôi. Các em học sinh THPT hay sinh viên cao đẳng, đại học là hay mắc bệnh này nhất. Và, ko chỉ học sinh, sinh viên, ngay cả người lớn cũng vậy. Nếu vì trao đổi công việc mà phải ngập chìm trong bể tin nhắn thì đã đành, nhưng ngay cả đến khi đi du lịch, đi tham quan các di tích, thắng cảnh, cũng chỉ nhăm nhăm nhìn vào màn hình điện thoại để đọc và trả lời tin nhắn, quên cả thưởng thức vẻ đẹp, sự lạ ở những địa điểm đó thì thật là uổng phí cả những chuyến đi.

a3.jpeg -0

Bác sĩ Văn Sơn từ Bệnh viện Việt Đức cũng chia sẻ, tin nhắn cuốn người ta đi, lấy mất của người ta rất nhiều thời gian và trí lực. Vậy mà hầu như chẳng đem lại cho người ta cái gì có ích lợi cụ thể cho việc học hành, lao động, tích lũy kiến thức.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bênh vực cho việc sử dụng nhiều tin nhắn. Anh Hưng, một phiên dịch viên tiếng Anh tại Hải Dương viết: “Tôi cho rằng, tùy vào kiểu tin nhắn có nội dung gì, chứ tôi hiện có một người bạn trong Vũng Tàu, là một doanh nhân rất năng động, đã đi nhiều nước trên thế giới. Trước đây, để anh ấy đọc tin nhắn là cả một trời khó khăn, nay anh đang bị ung thư giai đoạn cuối, rất cần những tin nhắn động viên, an ủi, có ngày tôi phải nhắn tin hàng trăm lượt với anh để anh đỡ buồn, đỡ suy nghĩ và hành động tiêu cực. Hay như tin nhắn giữa nhóm chuyên môn phiên dịch của chúng tôi, toàn tin rất hóm hỉnh, vui tươi nhưng cũng đầy chất học thuật bổ ích.

Ca sĩ Minh Thu bày tỏ, những bạn bè, đồng nghiệp, người thân, hay các mối quan hệ xã hội khác đều mang đến cho ta nhiều hương vị cuộc sống qua các tin nhắn. Đặc biệt là tin nhắn của các bậc tiền bối dạy em nhiều điều, như các tin của các thầy là các nhạc sĩ nhắn cho em, thường rất quý. Vậy nên chả thấy ngu đi gì cả mà cứ khôn dần lên theo các tin nhắn đấy ạ.

a4.jpeg -1

Giáo sư Dũng, cán bộ giảng dạy tại một học viện tại TP Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Việc các em học sinh, sinh viên quá nghiện điện thoại và tin nhắn mà không nghe được các thông tin hữu dụng từ các bài giảng và lời thầy cô dạy trên lớp, thậm chí chẳng học hành gì được thì bị ngu ngơ dần đi là đúng rồi. Cuối cùng thì smartphone không phải là phương tiện kết nối mà con người trở thành nô lệ cho phương tiện ấy. Có một số típ người ưa nhắn tin trời bể các loại, rồi rơi vào mộng mị, ngu ngơ, để rồi smartphone thì ngày càng thông minh hơn sau mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, còn con người lại bị đần độn đi vì hội chứng tin nhắn”.

Còn cá nhân tôi thì cho rằng, bài viết trên Facebook của anh bạn tôi thực sự là một lời cảnh báo rất có trách nhiệm trước một thực trạng đáng quan ngại trong việc đắm chìm quá mức vào việc sử dụng tin nhắn hằng ngày không chỉ trong học sinh, sinh viên mà ngay cả trong cán bộ, công nhân viên, mọi giới trong xã hội ta hiện nay. Đương nhiên, khi người ta phát minh ra cái máy nhắn tin, rồi điện thoại có chức năng nhắn tin thì công năng của tin nhắn văn bản là điều không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Và, con người hiện đại, ngoài việc biết làm chủ bản thân, còn cần phải biết làm chủ cái smartphone của mình, phải biết sử dụng một cách rất chừng mực tính năng nhắn tin của nó.

Xin đừng để chiếc điện thoại biến chúng ta thành “nô lệ” của việc nhắn tin và trả lời tin nhắn, để rồi chiếc điện thoại di động cứ ngày càng thông minh hơn mà chúng ta lại cứ đờ đẫn, ngu ngơ hơn vì chúng. Đó cũng là sự được - mất trong cuộc sống thời đại 4.0 hiện nay với mỗi chúng ta - chủ nhân của những chiếc smartphone ngày một thêm tối tân và hữu dụng. 

Vũ Hùng
.
.