Những đám đông mang gương mặt u mê

Thứ Năm, 11/07/2024, 15:20

"Gối chỉ quỳ một lần duy nhất/ Là lúc tiễn đưa cha về với mẹ, cuối trời". Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ cuối trong bài thơ "Đầu gối" của cố nhà thơ Dương Đức Quảng khi nhìn mấy bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội cả tuần nay. Các nhân vật quỳ trong bức ảnh được cho là đang công tác tại một trường đại học. Và, người được đảnh lễ không ai khác chính là một vị tu hành nổi tiếng nhất nhì mạng xã hội, có những phát ngôn sai với giáo lý nhà Phật, vừa bị "tuýt còi".

1. Việc ngưỡng mộ, tôn thờ một ai đó là chuyện bình thường và bất cứ người nào cũng có cái quyền ấy. Dư luận cho rằng, trong một buổi lễ tri ân Ngày Nhà giáo, khi mà các thầy cô giáo mới xứng đáng là những người được tôn vinh thì hành động ấy có vẻ như đang đi ngược với đạo lý thầy-trò. Vì, người được đảnh lễ lại là học trò của những người đang quỳ gối kia.

Tôi thì không nghĩ thế, tôi đoán rằng, có thể đó là những người cùng tham gia trong buổi tiệc tri ân lên tới cả nghìn khách và khi gặp được "idol" thì xúc động quá mà tỏ lòng mến mộ mới có hành động như thế, chứ nếu đúng những người đang quỳ gối kia là các thầy, cô giáo thật thì hành động ấy có vẻ đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt ta ngàn đời nay. Vì không thể nào, thầy lại quỳ trước trò như thế. Vì vậy, tôi mong dư luận đã nhầm.

Những đám đông mang gương mặt u mê -0
Một buổi nghe giảng pháp trong chùa (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Tôi cũng mong, giá như những bức ảnh kia đừng xuất hiện đúng thời điểm này, khi mà dư luận đang bức xúc với một số vị khoác áo cà sa giảng pháp online, truyền bá những điều không đúng với giáo lý của nhà Phật và bên dưới có cả hàng nghìn người ngồi nghe, gồm đủ các tầng lớp, độ tuổi, thành phần... thì quả bóng bức xúc đã không bị nổ tung ra ngàn mảnh như thế. Dù ít dù nhiều, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới những vị chân tu; đặc biệt là các thế lực thù địch có thể lợi dụng để bôi nhọ tổ chức tôn giáo hợp pháp.

Lỗi tại ai khi để xảy ra quá nhiều những câu chuyện lùm xùm này? Trước hết, phải khẳng định rằng, những clip giảng pháp kèm theo những câu chuyện mê tín dị đoan, dọa dẫm đại chúng, đi ngược với giáo lý nhà Phật đã tồn tại trên mạng xã hội nhiều năm nay, nhưng chính chúng ta đã từng có thời gian nghĩ nó là bình thường. Và, đương nhiên, đệ tử của một số vị tu hành này không những coi là bình thường mà còn tin tưởng "sư phụ" của họ tuyệt đối. Họ phải tin, phải hơn cả ngưỡng mộ, hơn cả thần tượng thì họ mới có thể ngồi nghe một cách say sưa, thậm chí xúc động và khóc lóc tập thể, ngày này sang ngày khác như vậy được.

Cho dù, kết cục của mỗi vị giảng pháp online đều giống nhau ở chỗ "cúng dường thì mới có phước báu, càng cúng nhiều, phước báu càng nhiều" thì trong cái đám đông ngồi dưới kia, cũng không mấy ai nhận ra. Nếu để ý kỹ một chút, không khó để phát hiện những gương mặt u mê cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà đôi lúc nhìn kỹ họ, tôi chợt giật mình vì trong ấy có rất nhiều người được cho là thuộc tầng lớp dân trí cao, có người làm bác sĩ, giáo viên. Và, sinh viên, học sinh, thật tiếc, nhiều đến mức đáng báo động.

2. Xã hội sẽ đi về đâu với một bộ phận người trẻ luôn tin rằng, cúng dường thật nhiều thì cuộc sống mới sung sướng. Không biết có bao giờ họ đặt câu hỏi: Số tiền cúng dường ấy được dùng vào việc gì? Liệu có đồng tiền nào trong số ấy được dùng để mua đồng hồ đắt tiền và phục vụ cho riêng đời sống cá nhân sung túc, vinh thân phì gia, xa hoa mật mỡ của một số vị mà họ vẫn tôn thờ hay không?

Đã có những câu chuyện, dẫn chứng về người đi tu, khi phạm giới và bị kỷ luật, họ hoàn tục, trở về với đời thường và đem theo rất nhiều tiền, lấy vợ, sinh con, sống một cuộc đời giàu sang, an nhàn. Điển hình như một vị trụ trì ở Tam Đảo từng bị một cô nhà báo bóc phốt và được cư dân mạng mỉa mai đặt cho cái tên "Thích Tí Khí". Không biết khi ấy, bao nhiêu người u mê cúng dường cho vị này có ngộ ra điều gì đó hay không. Họ có hiểu rằng, những đồng tiền mồ hôi công sức mà thậm chí họ không dám dùng để báo hiếu bố mẹ nhưng sẵn sàng mang đi để đổi lấy phước báu, đã được vị sư này sử dụng như thế nào?

Không hiếm những gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái không nhìn mặt nhau cũng chỉ vì lăn lóc sáng tối nghe pháp của những vị "tu" thì ít mà "hành" thì nhiều. Tôi từng nhận được tin nhắn qua Facebook của một người bạn. Cô ấy hỏi tôi có cách nào để ngăn chặn được việc mẹ cô ấy đi nghe những buổi thuyết giảng của vị sư X hay không. Liệu báo công an có được không. Không biết sư X giảng những gì mà mẹ cô, vốn là một người khôn ngoan, lọc lõi, thế nào mà tiền ki cóp bao nhiêu năm buôn bán, bà mang hết đi cúng dường. Kết cục là bố mẹ cô đã bỏ nhau vì từ khi theo thầy X, bà không màng gì đến gia đình, chồng con, cứ nghe tin thầy X đi giảng ở đâu là bắt taxi đi theo, bất cứ tỉnh nào.

Những tình huống này quả thực dù có thường xuyên làm nhiệm vụ tư vấn miễn phí cho rất nhiều bạn bè, nhưng tôi cũng đành bó tay. Chỉ dám khuyên cô ấy về động viên mẹ mình hãy sống tỉnh táo, lí trí và quan trọng nhất là phải hiểu đạo Phật chỉ là con đường mà đức Phật chỉ dẫn chúng sinh đi theo để thoát khổ. Đạo Phật càng không phải là cái gì đó huyền bí, đạo Phật là giác ngộ, là trí tuệ, là rất khoa học. Muốn hiểu, phải học và đọc nhiều và tự mình rút ra những kinh nghiệm từ trải nghiệm cuộc sống chứ không phải là ngồi nghe mấy bài giảng pháp của một vài vị tu hành nửa mùa.

Những đám đông mang gương mặt u mê -0
Việc đám đông đi theo ông Minh Tuệ những ngày qua khiến lực lượng chức năng rất vất vả trong việc đảm bảo an ninh, trật tự.

Lỗi đến từ đâu nữa? Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình. Có phải từ bản thân mỗi người hay không, khi sự hiểu biết không đến đầu đến đũa, cứ cho rằng khoác áo nhà tu là tối cao, là nói gì, làm gì cũng đúng. Rất nhiều người chưa biết, các vị tu hành cũng không khác gì chúng ta, chỉ là họ đang trên con đường tu tập mà thôi và trên con đường chông gai ấy, nhiều người không vượt qua được và phải bỏ cuộc.

Vì thiếu hiểu biết, vì u mê một cách thái quá nên mới cung kính khóc thút thít chắp tay vái lạy một cọng cỏ. U mê nên cho dù khi đã biết đó là "hàng fake", vẫn chấp nhận nghe giáo lý trí trá rằng, "dù giả hay thật thì cung kính vẫn có phước báu". Vì u mê nên mới xảy ra chuyện hàng nghìn người đi theo ông Minh Tuệ trong suốt một thời gian dài, cho đến bây giờ vẫn không ngừng tìm kiếm, gây phiền nhiễu cho bản thân ông Minh Tuệ và gia đình ông. Đó cũng là vấn đề khiến chính quyền phải tốn nhiều công sức, nhân lực để xử lý những hệ lụy liên quan... Cho dù ông ấy đã nói rất rõ ông ấy chỉ là người đang đi học, không phải là thầy, cũng không phải là sư, thế nhưng đoàn người “7 phần hiếu kỳ, 3 phần ngưỡng mộ” vẫn đu bám theo gây ảnh hưởng tới cộng đồng, tới trật tự an toàn giao thông, gây mệt mỏi cho rất nhiều người. Vì hiểu nửa vời nên mới quét đường và trải thảm cho ông Minh Tuệ đi.

Người ta đã chọn đi tu tức là chọn khổ hạnh, đã muốn bước lên chông gai để đo lòng mình còn sân si hay không, đã muốn nằm gai nơi nghĩa trang, hốc đá, đã chọn ăn một bữa trước Ngọ, mà lại còn trải thảm cho người ta đi, lại còn mang đồ ăn thức uống đến trước 3h sáng, chất đống như siêu thị mini, thì đó chính là sự vô minh. Thứ đáng sợ nhất trên đời là vô minh. Sai mà không biết mình sai.

3. Đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Những đám đông xuất hiện dày đặc gần đây trên mạng xã hội càng chứng tỏ điều đó. Rất tiếc, trong số nhiều fan cuồng của những vị giảng pháp online không chính đạo kia, lại có nhiều gương mặt mang danh trí thức. Nếu ung thư là do nghiệp kiếp trước, là do vong trả thù và nếu muốn khắc phục, chữa bệnh thì phải cúng tiền cho vong thì những bệnh viện ung bướu đã đóng cửa hàng loạt, xã hội chỉ quanh năm suốt tháng đi làm, đi ăn và đi cúng là có thể tiêu trừ mọi nghiệp chướng. Nếu tiền mà trả được thay nghiệp thì đã không có các đại án quan tham dính vòng lao lý, vì họ thừa tiền để hối lộ vong.

Nhiều người đặt câu hỏi, không biết trong số những người quỳ gối ở bức ảnh như phần đầu bài viết đề cập, đã người nào một lần trong đời quỳ gối trước bố mẹ mình như thế hay chưa? Cha mẹ mới chính là những vị Phật sống cần phải đảnh lễ hằng ngày, cần phải chăm sóc, nâng niu, báo hiếu. Nếu không hiểu được chân lý đơn giản ấy thì dù có ngồi nghe hàng nghìn buổi thuyết pháp, có cúng dường tỉ nọ tỉ kia, thì cũng là vô nghĩa mà thôi.

Đinh Hiền
.
.