Những cuốc xe bé mọn…

Thứ Năm, 16/02/2023, 08:54

Trong cơn mưa nặng hạt đầu xuân, chú xe ôm kiên nhẫn đứng chờ tôi. Từ cơ quan xuống đường, tôi mới nhớ ra là mình không đem theo áo mưa. Tôi còn chưa biết tính sao, thì chú đưa vội cho tôi chiếc mũ bảo hiểm và bảo: "Cô chờ tôi". Rất nhanh, chú quay trở lại, đưa cho tôi chiếc áo mưa giấy và nói: "Đầu năm, mừng tuổi cô cái áo mưa".

Rồi chú nổ máy, len vào dòng xe ken đặc giờ tan tầm. Tắc đường. Cuốc xe ôm đầu năm, trận tắc đường đầu năm, nhưng tôi lại không thấy sốt ruột. Tự nhiên lúc ấy, tôi có ý định mời chú xe ôm một tách cà phê. Phần vì các ngả đường đều tắc thì cũng không về nhà tầm này được, phần vì tôi cảm thấy chú xe ôm này có điều thú vị. Và cả vì, tôi vẫn đang xúc động bởi cái áo mưa chú mùng tuổi tôi.

1. Tôi cũng không ngờ là chú xe ôm lại nhận lời, dù tôi không phải là khách quen của chú. Có thể là vì, trong số rất nhiều khách đi xe chú, tôi là người đầu tiên mời chú cà phê. Và cũng có thể đã lâu lắm rồi, chú không có thời gian, không có cơ hội, không có người trò chuyện cùng. Quán cà phê ngay bên đường, tôi chọn một chỗ ngồi còn vương vị Tết, ngay dưới tán một cành đào chúm chím hoa.

1.jpg -0
Chú xe ôm tên Khiết với những câu chuyện bé mọn đầu năm.

Tôi hỏi thăm chú một vài câu. Chẳng ngờ chú cởi mở vô cùng. Chú tên Thanh Khiết, hơn 60 tuổi, quê ở Nam Định. Chú có hai con trai. Con trai cả lái taxi ở Hà Nội này. Anh thứ 2 đang đi xuất khẩu ở Đài Loan. "Hai con đều đã có gia đình. Vậy là chú không phải bận tâm gì nữa nhỉ?", tôi khẽ hỏi. Chú lắc đầu: "Tôi nào đã được thảnh thơi, tôi vẫn còn phải nghĩ nhiều cô ạ. Cả hai thằng con tôi đều có những nỗi khổ riêng. Thằng con đầu sinh năm 1983, ngoan và hiền lành, luôn nghe lời bố mẹ. Chỉ có một điều nó làm trái lời tôi. Đó là nó quyết tâm yêu và sống với vợ nó. Mặc dù nó biết hoàn cảnh phức tạp của nhà người ta. Khi cháu trai tôi được hơn một tuổi, vì thương cháu nên tôi cũng đành xuôi. Tôi đã nuôi lợn và mấy chục con gà, định là sẽ làm đám cưới cho chúng nó. Nhưng rồi, lợn gà phải bán hết, khi nó tận mắt chứng kiến vợ nó đưa một người đàn ông khác về nhà trọ. Rồi chúng nó đường ai nấy đi, chỉ thương cháu tôi không được sống trong một gia đình đủ đầy. Bây giờ, con tôi nó lặng lẽ lắm, tối ngày chạy xe taxi. Giục nó lấy vợ, nó không nói gì".

Anh con trai thứ 2 của chú Khiết có vợ và hai con, một trai một gái. Nhưng cháu trai đầu 12 tuổi bị bệnh loạn dưỡng cơ, hai chân cháu yếu lắm, không đi lại được. "Nhà tôi đã đưa cháu đi khắp các bệnh viện nhưng vô vọng. Giờ cháu không thể đến trường được nữa. Tôi chỉ ước rằng mình có thể đổi cho cháu đôi chân khỏe mạnh, để nó có thể chạy nhảy, vui đùa", rồi chú bỗng im lặng, buông tiếng thở dài.

Để xua đi nỗi buồn, tôi hỏi chú về thời tuổi trẻ. Chú bảo chú từng đi bộ đội, đóng quân ở Campuchia. Năm 1984 chú ra quân, về quê lấy vợ, sinh con, bươn trải cuộc sống đến tận bây giờ. Cách đây mấy năm, chú bỏ nghề thợ xây ở quê, lên Hà Nội chạy xe ôm. Rồi chú đưa cả vợ con lên bám trụ ở thủ đô. Vợ chú đi dọn nhà thuê theo giờ. Còn chú cả ngày chạy xe. Cuộc sống vất vả, nhưng dẫu sao tối tối, trong căn phòng trọ ở phố Đội Cấn, người vợ tần tảo vẫn nấu cơm chờ chú.

"Làm cái nghề chạy xe này cũng vui đáo để cô ạ. Tôi hơn 60 tuổi rồi vẫn chạy những cuốc xa. Mà xa thì nhiều chuyện thú vị". Mấy tháng trước, một người đặt xe chú từ đường Hoàng Hoa Thám về huyện Hưng Hà, Thái Bình. Chú đến, thấy anh chồng đánh xe ôtô, rồi hai đứa con líu ríu leo lên xe. Cô vợ từ trong nhà đi ra, mặc một bộ đồ rất đẹp, rồi cô ấy đeo khẩu trang, đeo kính mát, khoác cái áo chống nắng trùm kín người và ngồi lên xe tôi. Chồng cô mở cửa xe ô tô, tiến lại phía tôi: "Nhờ bác chở vợ cháu nhé. Đường xa, nếu giữa đường mà vợ cháu mệt thì bác dừng ở một quán nước cho vợ cháu nghỉ chút. Bố con cháu sẽ chờ ở Thái Bình". Thế rồi, chiếc xe đen bóng lao đi, hai con trai nhỏ của cô còn mở cửa kính ôtô ra vẫy vẫy tay tạm biệt mẹ. Lạ thật, nhà họ cùng đến một điểm, mà lại không đi cùng nhau. Hay họ đang cãi nhau? Không phải, anh chồng chẳng phải rất quan tâm, lo lắng cho cô vợ đấy sao. Đi được một lúc, cô vợ mở lời: "Đi xe máy thoáng thật chú ạ. Cháu bị chứng sợ không gian hẹp, cứ ngồi vào ô tô là cháu thấy bất an, tim đập nhanh, vã mồ hôi. Trước kia, đi đâu vợ chồng cháu đều đi xe máy cùng nhau. Nhưng giờ có hai con nhỏ, cháu quyết định mua ô tô để chồng cháu chở hai con cho đỡ nắng đỡ mưa. Còn cháu cứ bắt xe ôm thôi. Giờ đi đâu cháu cũng đi một mình, buồn lắm chú ạ. Có lẽ cháu sẽ mãi không bao giờ được đồng hành cùng chồng con trong những chuyến đi". Thật trớ trêu. Có người ước có ô tô thì chả có mà đi. Người có ô tô vẫn cứ phải đi xe ôm.

Đến nơi, cô ấy dặn: "Dự đám cưới xong cháu lại lên Hà Nội. Chú đợi cháu nhé. Cháu sẽ ăn tiệc cưới nhanh thôi". Thấy thương cô gái, nên chú Khiết bảo: "Cô cứ ăn uống, dự đám cưới đàng hoàng. Tôi sẽ chờ cô. Và đến 3 giờ chiều, chú lại chở cô về Hà Nội. Cũng như lúc xuất phát buổi sáng, chồng cô lại gặp chú dặn dò, rồi hai con trai cô lại líu rít tạm biệt mẹ. Điều đó chắc hẳn an ủi cô nhiều lắm.

Những cuốc xe bé mọn… -0
Nghề xe ôm nhìn tưởng tự do, nhẹ tênh tênh, nhưng nào có phải…

2. "Có đi xa mới kịp hiểu về hoàn cảnh nhiều người. Và ở tuổi này rồi, tôi hay nghĩ suy cô ạ", chú Khiết khẽ khàng. Dịp nghỉ lễ 30/4/2022, 6 giờ sáng chú đã có cuốc xe. Thấy địa chỉ nơi đến tận Văn Chấn, Yên Bái, chú nghĩ người ta gõ nhầm. Khách đi là một cô bé. "Có phải cháu về Yên Bái không, sao lại đặt xe đi xa thế?". "Dạ cháu không nhầm đâu bác. Nhà cháu ở Văn Chấn, Yên Bái. Cháu học đại học dưới này nhưng vì say xe mà hai năm rồi cháu chưa về nhà. Bố mẹ cháu mong lắm. Bác xem có chở cháu về được không". Người lái xe già nghĩ đến quãng đường hơn 200 cây số từ Hà Nội lên Yên Bái, lại không quen đường, nên ngại ngần. Lúc ấy, cô bé lấy điện thoại gọi cho bố. Người bố giọng khẩn thiết: "Bác làm ơn chở con bé về giúp tôi. Hai năm nay tôi chưa nhìn thấy nó. Thôi thì bác coi nó như con cháu bác, bác không quản đường sá xa xôi mà giúp tôi".

"Hai bác cháu đi một mạch, chỉ dừng lại ven đường đúng một lần cho đỡ mệt rồi lại đi. Đường núi quanh co, trời nắng hầm hập, mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo tôi, chảy xuống mặt tôi, rỉ vào mắt cay xè. Cô bé vẫn chăm chú chỉ đường cho tôi. Đúng 12 giờ trưa, tôi đưa cô bé về đến nhà", chú Khiết kể. Vừa đến cổng, cô bé nhảy xuống xe, chạy lại ôm chầm lấy bố mẹ, rồi họ đều khóc, cả người xe ôm cũng thấy xúc động, bao nhiêu mệt nhọc tan biến cả. Dù bố mẹ cô bé nhiệt thành mời chú ăn cơm trưa, nhưng chú từ chối, về ngay cho kịp. 6 giờ chiều chú có mặt ở Hà Nội. "Mấy hôm sau tai tôi vẫn ù đặc vì gió núi thốc vào, lưng đau ê ẩm vì chạy xe lâu quá. Thú thật là hôm ấy tôi thương cô bé mà nhận lời, chứ nếu chạy quanh quanh Hà Nội thì vừa nhàn lại vừa đông khách. Đi hơn 400 cây số, nhận được hơn một triệu, nhưng chiều về tôi phải chạy xe không", chú bảo với tôi.

"Nghề xe ôm nhìn tưởng tự do, nhẹ tênh tênh, vậy mà có lần tôi hút chết đấy cô ạ. May giời thương, cho tôi sống mà ngồi đây kể lại cho cô nghe", giọng chú Khiết bỗng dồn dập. Một ngày cuối năm 2017. Cuối chiều, chú Khiết chạy nốt cuốc khách. Cậu thanh niên mặt mũi sáng sủa, ăn mặc lịch sự bắt xe từ phố Giảng Võ, bảo chú chở đến dốc Lĩnh Nam. Đi được một đoạn, cậu ta bảo chú dừng xe cho cậu ấy mua gói thuốc lá. Rồi một đoạn nữa, lại dừng xe để mua thẻ điện thoại. Trời tối nhanh và rét căm căm, chú bắt đầu sốt ruột. Đến dốc Lĩnh Nam chú dừng xe: "Đến nơi rồi, cậu cho tôi xin tiền". "Vào vệ đê đằng kia rồi cháu trả", cậu ta nói gấp gáp. Trong ánh sáng vàng vọt của đèn đường, chú Khiết nhìn ra đoạn đê trước mặt, con đường hun hút dẫn ra sông Hồng, lổn nhổn những viên đá hộc vắng lặng không một bóng người mà thấy lo lắng tột độ.

Đúng lúc đó có một tổ dân phòng đi tới hỏi chuyện. Chú mừng quá, liền trình bày sự việc. Ba anh dân phòng gọi ngay một đồng chí công an đến. Một lát sau, anh công an xuất hiện, kiểm tra giấy tờ của chú, rồi ôn tồn nói: "Anh trả tiền cho bác xe ôm để bác ấy đi". "Tôi không có tiền", cậu kia trả lời lạnh tanh. Bất ngờ, anh công an kiểm tra người cậu ta và lôi ra một con dao nhọn gọt hoa quả.

"Tôi như nghẹt thở, nhận ra mình vừa chở một tên lưu manh có dao trong người. Trời ơi, thật may là có dân phòng và công an đến kịp. Chứ không thì tôi đã bỏ mạng ở quãng đê ấy. Tôi phải cố gắng lắm mới chạy xe về được đến nhà trọ. Trời lạnh mà mồ hôi vã ra như tắm. Ngồi kể lại cho vợ con nghe mà chân tay tôi còn run lẩy bẩy. Sau đó tôi mới biết đã có vài vụ cướp của giết người xảy ra ở khu vực đó nên tổ dân phòng mới thường xuyên tuần tra. Vậy mà tôi vẫn vô tư chở khách. Đấy, cuộc sống của tôi là thế, buồn lo nhiều, mà vui cũng có. Thôi thì tôi cứ đi làm đến khi nào không còn sức nữa, được đồng nào hay đồng ấy để dành lúc ốm đau, không phiền đến con cái cô ạ". Dưới tán đào rực rỡ, những cuốc xe bé mọn, những câu chuyện bé mọn của chú xe ôm vừa nặng lại vừa nhẹ, vừa thú vị, vui vui lại giăng giăng buồn, như những giọt mưa xuân… 

Thái Hưng
.
.