Những "cung bậc cảm xúc" tại phiên tòa đại án Vạn Thịnh Phát

Thứ Hai, 25/03/2024, 10:25

Một phiên tòa thật dài và đặc biệt, theo đúng ý nghĩa của nó. Ở đây, ngoài các con số về tiền bạc, còn là những câu chuyện bên trong nó, một góc tối của xã hội được phơi bày. Chuyện đưa và nhận hối lộ lâu nay vẫn là đề tài "nhạy cảm" nhưng ở vụ án này, mọi thứ chi tiết đến trần trụi…

1. Tháng 3 nắng đổ trên đầu, khoảng không gian trước Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh trở nên nóng bỏng hơn khi chứng kiến một vụ án đặc biệt mang tên Vạn Thịnh Phát được đưa ra xét xử. Để có một tấm ảnh chụp cánh cổng tòa với nhiều lớp an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt, phóng viên phải có mặt lúc 4 giờ sáng. Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa làm việc xuyên đêm, đến mờ sáng họ cũng gặm bánh mỳ như chúng tôi, thậm chí nước cũng không kịp uống. Họ phải tập trung cao độ cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong suốt quá trình xét xử vụ án.

Những
Bà Lan hầu như không bịt khẩu trang trong suốt những ngày xét xử.

Những người được tòa triệu tập đeo thẻ màu sắc riêng, có đánh số thứ tự, khi vào cổng phải qua ba lớp an ninh. Mọi thứ đều để lại bên ngoài, chỉ được mang giấy bút hoặc tài liệu theo. Phóng viên tác nghiệp tại tòa đi theo lối riêng, theo sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng chức năng. Trong mỗi ngày xét xử, chúng tôi được chủ tọa cho vào phòng 15 phút để chụp ảnh. Sau đó trở về phòng để theo dõi phiên tòa trực tuyến. Qua mỗi ngày xử, quy định lại xiết chặt hơn, phóng viên chỉ được phép cầm giấy và bút vào phòng tác nghiệp, ai có nhu cầu thì mượn máy tính của tòa.

Người được chú ý nhiều nhất trong "đại án" Vạn Thịnh Phát chính là bị cáo Trương Mỹ Lan. Bà Lan là nhân vật được báo chí chụp ảnh, quay phim nhiều hơn cả. Có lẽ biết mình nổi bật nên bà Lan là người duy nhất không đeo khẩu trang trong suốt những ngày xét xử. Phong cách ra tòa của "madam" Vạn Thịnh Phát luôn là áo sơ mi trắng, hồng hoặc vàng nhẹ. Bà Lan được xếp ngồi hàng ghế đầu tiên, đối diện hàng ghế với bị cáo bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước, người đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD của Vạn Thịnh Phát và bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

Những phần xét hỏi các bị cáo tại ngân hàng SCB, bà Lan luôn chăm chú lắng nghe. Bà buộc phải nghe vì tất cả các bị cáo, từ Chủ tịch SCB đến Tổng giám đốc các thời kỳ đều khai làm thuê cho bà, thực hiện theo chỉ đạo của bà. Họ được bà cất nhắc lên làm chủ tịch, giám đốc, được cho tiền, cho cổ phiếu và trả lương hậu hĩnh hằng tháng.

Cánh phóng viên ngày nào cũng ngồi đếm các con số mà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lấy ra từ Ngân hàng SCB. Phi vụ nào cũng hàng ngàn tỷ, trăm ngàn tỷ đồng. Rồi qua mỗi năm tháng, con số lên tới 1 triệu tỷ. Chúng  tôi quay sang hỏi nhau, một triệu tỷ là bao nhiêu tiền, nó nhiều như thế nào, to bằng cái gì… Rất nhiều người dân Việt Nam cũng không thể hình dung được con số ấy.

Chúng tôi nóng lòng chờ đợi tới lượt thẩm vấn bà Lan. Đến ngày thứ 5 của phiên xét xử, Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT kiêm Công ty cổ phần Tập đoàn Capella), hai bị cáo cuối cùng trong số 86 bị cáo trong vụ án được gọi lên xét hỏi. Không khí trong căn phòng báo chí nóng bức và ngột ngạt đến nghẹt thở, mặt ai cũng ướt đầm mồ hôi. Âm thanh chủ đạo là tiếng gõ bàn phím cùng tiếng sột soạt ghi chép. Chúng tôi phải cố gắng nghe được nội dung xét hỏi bà Lan để phản ánh thông tin chính xác, khách quan và trung thực nhất. Bà Lan trả lời rành mạch, lưu loát các câu hỏi của chủ tọa, đôi khi bà xin được nói thêm, diễn giải thêm nội dung trong vụ án. Đối chất với bị cáo Nguyễn Cao Trí, người bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỷ đồng, bà Lan không trách ông Trí, trái lại bà đã xin giảm án cho ông Trí vì sự thành khẩn nhận lỗi của ông ta và lời hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Đây có lẽ là tình tiết "nhẹ nhõm" nhất trong ngày xét xử. Nhưng ngay sau đó, cuộc đối chất nảy lửa tiếp tục diễn ra giữa bà Lan và dàn lãnh đạo Ngân hàng SCB về các thủ đoạn cực kỳ thâm sâu, hóc hiểm để chiếm đoạt tiền tại ngân hàng này. Mọi ánh nhìn và lời khai đều dồn về phía bà Lan, một bà chủ thực sự đã thao túng và nắm quyền chỉ đạo xuyên suốt Ngân hàng SCB trong suốt 10 năm trời.

Thời còn trên đỉnh cao quyền lực, bà Lan sẵn sàng chi ra 40 tỷ thưởng Tết cho cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB Bùi Anh Dũng; tặng 20 tỷ cho Phạm Thu Phong, cựu Trưởng ban Kiểm soát khi cô này xin nghỉ việc; tặng 10 triệu cổ phần, đương đương 100 tỷ cho Trương Khánh Hoàn, cựu Phó tổng giám đốc SCB và còn rất nhiều các khoản thưởng khác. Bà Lan thừa nhận, bà ta cho tất cả các nhân viên tại SCB, từ lao công, bảo vệ trở lên vì "cảm thấy họ làm việc vất vả".

Tiền lấy ở đâu mà cho nhiều thế? Ai cũng biết, Trương Mỹ Lan đã rút ruột SCB hàng trăm ngàn tỷ đồng, thì cho đi từng đó hoặc nhiều hơn thế nữa chắc hẳn bà cũng không cần phải tính toán. Điều này cũng được bà trả lời tại tòa: "Tiền của tôi cho nên không suy nghĩ, nó quá nhỏ so với tôi".

Một thời, tiền tiêu không hết, đếm không xuể, nay đứng trước tòa, bà Lan cay đắng thốt lên: "Bây giờ cả gia tộc tôi nợ nần". Hai con gái bà Lan ở ngoài đang đi gom nợ, rao bán tài sản để khắc phục hậu quả. Nhưng đó chưa phải là nỗi đau lớn nhất với người đàn bà này. Nhắc đến người cháu mà bà nuôi dưỡng, chăm sóc từ nhỏ, luôn xem bà là "mẹ", bà Lan đã khóc. Bà nói mình ân hận và tiếc nuối khi kéo cháu gái Trương Huệ Vân vào vòng lao lý. Vân từng là người đẹp nức tiếng trong giới doanh nhân, có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, nhưng rồi mọi thứ "đổ sụp" nhấn chìm bao ước mơ, dự định cùng những khát khao của một người phụ nữ đẹp. Vân đã khóc tại tòa, kể rằng làm việc theo sự hướng dẫn dạy bảo của cô ruột. Cô nói gì thì làm đó, tuyệt đối tin tưởng và tuyệt đối vâng lời.

Những ngày đứng trên công đường, tôi luôn thấy một Trương Mỹ Lan sắc lạnh biện hộ và đối đáp, đôi khi bà mềm yếu, nghẹn ngào rỏ lệ vì nỗi đau tình thân. Nhiều người nghĩ rằng, người đàn bà này đã chuẩn bị một tâm thế để đương đầu, đối mặt với hoàn cảnh. Nhưng, Trương Mỹ Lan đã khịu xuống, ngất xỉu khi nghe Viện Kiểm sát đề nghị án tử dành cho mình. Đứng trước cái chết, bà đã thật sự hoảng loạn và sợ hãi.  

2. Một phiên tòa thật dài và đặc biệt, theo đúng ý nghĩa của nó. Khi những bản án được đề nghị, tôi thấy không khí khác hẳn ngày thường bên trong phòng xét xử. Có một sự trầm lắng, giống như nốt lặng trong khúc cua cuộc đời. Bị cáo Đỗ Thị Nhàn gục đầu xuống ghế, đôi mắt thất thần khi nghe bị đề nghị án chung thân.

Những
Bà Nhàn thường vận chiếc áo màu xanh nõn chuối.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước là quan chức "xô đổ" mọi kỷ lục về số tiền nhận hối lộ lâu nay. Bà Nhàn nhận đến 4 lần, tổng cộng 5,2 triệu USD, khoảng 120 tỷ trong thời gian rất ngắn sau khi tiến hành thanh tra tại Ngân hàng SCB.

Ra tòa với chiếc áo màu xanh nõn chuối, nếu không phải bà Nhàn thì màu áo xanh ấy phần nào làm mờ nhạt đi một bị cáo. Tôi không biết đó có phải là màu áo bà Nhàn yêu thích hay không, nhưng ngày nào bà cũng mặc nó. Chiếc áo của bà, cùng khuôn mặt thâm trầm giấu sau lớp khẩu trang, ngày nào cũng một nếp khiến cho phóng viên chụp ảnh rất khó để phân biệt đâu là ảnh ngày hôm qua và ảnh ngày hôm nay.

Trong suốt các ngày xét xử, tôi luôn thấy bà Nhàn cúi đầu, bà hiếm khi nhìn thẳng vào ống kính phóng viên, "bởi xấu hổ, nhục nhã vì hành vi của mình". Bà đã trả lời chủ tọa như thế khi được gọi lên bục xét hỏi về số tiền nhận hối lộ. Trước tòa, bà Nhàn cũng hứa sẽ tác động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận và xin không muốn nhắc lại nhiều lần việc này nữa.

Những
Ông Nguyễn Văn Hưng rất ít khi nhìn thẳng về phía trước.

Ngồi kế bà Nhàn là ông Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Ông Hưng dù bịt khẩu trang mấy lớp nhưng người ta vẫn dễ dàng nhận ra bởi mái tóc bạc trắng của ông. Đôi mắt ông thâm sâu, quầng đen lọt dưới cặp kính dày cộm. Ông Hưng bị Viện Kiểm sát truy tố tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" bởi hành vi chỉ đạo làm sai lệch hồ sơ thanh tra, sửa kết quả thanh tra, che đậy, lấp liếm sai phạm của Ngân hàng SCB, tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút ruột hàng trăm ngàn tỷ đồng tại ngân hàng này. Giúp "làm sạch" bộ mặt cho SCB, ông Hưng được nhận 390.000 USD, tương đương gần 9 tỷ đồng.

Những ngày đầu hầu tòa, ông Hưng luôn né tránh ống kính máy ảnh. Ông cúi xuống vân vê sấp tài liệu ôm theo. Ông hiểu rằng, mình là nhân vật được chú ý nhiều nhất trong dàn cựu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cùng bị truy tố và chắc chắn sẽ được nhắc tên lên mặt báo đầu tiên.

Mái tóc ông Hưng dường như bạc thêm trong mỗi ngày ra tòa, nhưng ông đã không còn "ngợp" trước ống kính máy quay nữa, ông bình tĩnh bước lên bục xét hỏi. Và, ông khóc, khi nói đến những người anh em đồng nghiệp của mình trong đoàn thanh tra. Ông Hưng nói rằng, có những anh em dưới quyền ông làm việc nghiêm túc và rất vất vả, họ thực sự không mưu cầu hay đòi hỏi quà cáp, họ không được hưởng đặc quyền gì cả. Nhưng vì là cấp dưới, làm theo chỉ đạo nên họ phải liên lụy. Ông Hưng nghẹn ngào xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho họ. Nhưng khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đề nghị 14 -15 năm tù cũng khiến ông Hưng ngồi sụp xuống ghế. Có lẽ, ông không nghĩ mình phải trả cái giá đắng chát đến vậy.

Tham dự phiên tòa, chứng kiến cung bậc cảm xúc của các bị cáo, tôi cảm nhận được một điều, ông Hưng, bà Nhàn hay bà Lan đều bị giằng xé bởi muôn vàn suy nghĩ.

Có lẽ, cái câu nói: "Tiền nhiều để làm gì!" chưa bao giờ lại đúng đến thế.

Ngọc Hoa
.
.