Những bó hoa dưới chân tượng đài

Thứ Hai, 21/08/2023, 08:05

Những ngày đầu tháng 8, một năm về trước, trên trang cá nhân của mình, tôi đã chia sẻ gì? Ký ức mạng của tôi từ ngày tháng đó chính là tấm ảnh xin lại của một đồng nghiệp. Anh chụp những bó hoa được đặt dưới chân tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” ở Hà Nội.

Đó là những bó hoa nhỏ bé thôi, thậm chí có những bó chỉ có một bông. Đa phần là hoa cúc. Cũng có một vài nhành hoa trắng. Sự giản dị của những bó hoa ấy khiến tôi suy đoán chúng được đặt đó bởi người dân chứ không phải bởi bất kỳ một cơ quan, đoàn thể nào.

a1.jpeg -0
Học sinh Thủ đô dâng hoa tại tượng đàì “Công an nhân dân vì dân phục vụ”

Cũng ký ức mạng của tôi, những ngày đầu tháng 8, 5 năm về trước, chia sẻ quan điểm riêng về chuyện tượng đài khi mà chốn mạng xã hội lao xao từ chuyện tượng đài 1.400 tỷ ở một địa phương phía Bắc. Tôi nói về sự cần thiết của tượng đài trong đời sống cũng như không gian công cộng. Song, tôi nhấn mạnh về ý nghĩa của tượng đài và tính mỹ thuật của tượng đài. Chúng ta có quá nhiều tượng đài chưa đẹp và quá thiếu tượng đài thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Vậy mà ta cứ đi cãi nhau về chuyện tiền của đầu tư. Ít ai nghĩ, nếu có một tượng đài đẹp ở một không gian đẹp, địa phương sẽ hưởng lợi ích lâu dài như thế nào từ dịch vụ, du lịch, thương mại…

Cũng tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” ấy, sau khi khánh thành (17/7/2022), đã không thiếu những tranh luận xoay quanh. Nói về thẩm mỹ, về ý nghĩa, mỗi người có cảm nhận riêng và khó có ai dám chắc ý mình là chân lý tuyệt đối. Cái lao xao khen - chê ấy rồi lắng lại rất nhanh sau vài ngày, giống y như bao chuyện tranh luận nóng hổi thời sự trên mạng xã hội. Người ta chóng quên. Người ta vội vã cho trào lưu mới. Người ta thậm chí có thể mâu thuẫn với chính điều mình mới nói cách đó vài hôm.

Sau cái lắng lại đó là sự việc xúc động lòng người khi 3 chiến sĩ PCCC hi sinh khi chữa cháy trong vụ hỏa hoạn quán Karaoke tại quận Cầu Giấy - Hà Nội. Tôi nhớ, Báo Thanh niên có một bài viết có nhan đề “3 chiến sĩ PCCC hy sinh, ngập tiếc thương từ cư dân mạng: Các anh không bao giờ bị lãng quên”. Và những bó hoa nhỏ bé được đặt dưới chân tượng đài mà bạn tôi chụp ảnh lại đã thể hiện chính lòng tiếc thương mà đồng bào dành cho chiến sĩ. Và tôi đã chia sẻ rằng: “Có một tượng đài lớn hơn, đã được dựng lên trong lòng mỗi người”.

Tôi nhớ, cũng dịp ấy, tôi có chuyến công tác ra Hà Nội. Người lái xe mà tôi thuê chở tôi từ Sân bay Nội Bài về trung tâm lại chính là một chiến sĩ PCCC. Cậu còn trẻ lắm. Ngoài giờ làm việc, hôm nào không phải trực đơn vị, cậu tranh thủ chạy xe thêm tuyến Hà Nội - Nội Bài để tăng thêm thu nhập. Ngồi trên xe, nghe cậu kể chuyện nghề, trong lòng tôi đã mang quá nhiều day dứt. Họ, những chiến sĩ thầm lặng, có những mảnh đời ít ai hiểu được, những vất vả chẳng mấy khi họ bộc lộ ra. Tôi chỉ biết, nếu hôm đó mà có lệnh tập trung đơn vị khẩn cấp, chắc cậu sẵn sàng bỏ tôi lại để về đơn vị và tôi cũng sẵn lòng bắt xe khác để về nhà. Nhưng may cho tôi, và cũng may cho đời là chuyến đón tôi về suôn sẻ. Nói may cho đời là bởi, nếu cậu phải về tập trung gấp, có nghĩa là ở đâu đó có cháy to.

Những bó hoa dưới chân tượng đài -0
Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành, Đại úy Lê Ánh Sáng hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đèo Bảo Lộc

 Tôi không biết sau những ngày thương tiếc các chiến sĩ PCCC đã hi sinh, những bó hoa còn được đặt ở đó tiếp tục bao lâu. Nhưng tôi biết, có những người cũng đã đặt những bó hoa ở nơi 3 chiến sĩ CSGT mới vừa hy sinh ở Lâm Đồng do sụt lở đất trong khi họ đang làm nhiệm vụ cứu hộ. Và tôi hy vọng rằng, ở tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” ngoài Hà Nội cũng có những người lặng lẽ đến đặt hoa tưởng nhớ. Đất nước đã hòa bình mấy chục năm rồi, nhưng hầu như năm nào cũng có những chiến sĩ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Họ ra đi để lại đằng sau những nỗi đau rất lớn trong lòng người thân, trong lòng đồng đội mình. Và chắc chắn, có những người dân cũng cảm thấy xót xa về chuyện họ đã phải ra đi khi đang mang trên mình một sứ mệnh cao cả: Vì dân phục vụ.

Chúng ta ai cũng hiểu, trong mỗi ngành nghề đều có người này, người nọ. Cũng có những con sâu làm rầu nồi canh, để ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng, của đơn vị, của đồng đội. Nhưng họ chưa bao giờ là số đông cả. Số đông là những người lặng lẽ, ở những nơi lặng lẽ mà hiểm nguy nhất, với những cái tên như tên bao người bình thường khác. Cách họ hy sinh có thể khác nhau, hoàn cảnh họ hy sinh có thể khác nhau, nhưng sự hy sinh thì chỉ có một mục đích chung quan trọng nhất. Đó là họ phải thực hiện sứ mệnh của mình, để giữ sự bình yên trong cuộc sống này.

Khi họ rời xa cuộc sống này rồi, thực tế họ cũng không thể biết được ai đã dành cho họ những bó hoa nào. Nhưng với gia quyến của họ, những bó hoa ấy lại là minh chứng cho việc người thân đã hi sinh của mình được xã hội trân trọng nhường nào. Những người đặt những bó hoa dưới chân tượng đài cũng chỉ đơn giản muốn tưởng niệm những cá nhân giữ được tinh thần anh hùng của những người bảo vệ an ninh cho quốc dân đồng bào. Nhưng vượt trên hết, những bó hoa đó còn là một vinh danh vô ngôn cho tất cả những ai đang còn tiếp tục hành trình gian lao của những người chiến sĩ. Không có động lực nào lớn hơn là lòng tin của cộng đồng, sự tri ân của cộng đồng. Và những bó hoa đó cũng khiến phần lớn chúng ta phải tĩnh lặng lại, khi chúng ta hiểu ra “À, hóa ra cái tượng đài kia còn mang một ý nghĩa thiết thực hơn cả. Đó là khi người dân muốn tri ân, muốn bày tỏ tình cảm của mình cho những chiến sĩ, họ biết nơi để tìm đến và đặt một nhành hoa”.

Tôi chợt nhớ lại hình ảnh của những cành hoa trắng. Chúng dành cho những chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Và tôi nhớ, ngày đi thăm Đồng Lộc, tôi từng viết một ca khúc có tên “Những thanh xuân dở dang” mà trong đó có một đoạn đại ý rằng, “Chúng ta ai cũng sợ mình già đi nhưng thực tế, đôi khi hạnh phúc là được thấy mình già đi khi biết rằng có quá nhiều người không kịp già đi bởi họ đã phải dở dang cuộc đời ở giữa lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất”. Như Đại úy Lê Ánh Sáng hy sinh ở  đèo Bảo Lộc vừa rồi chẳng hạn. Khi các bạn đang đọc những dòng này, lẽ ra Ánh Sáng đang được tận hưởng hạnh phúc của đời mình trong một đám cưới đã được chuẩn bị đầy đủ. Vậy mà mới làm đám hỏi xong, Sáng đã ra đi khi đang làm nhiệm vụ và có thể, có những tấm thiệp hồng cho bạn bè mà anh còn chưa kịp gửi tận tay.

Và cũng chỉ trước đó chưa lâu, ở Đắk Lắk, 4 cán bộ chiến sĩ cũng hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Với chính sách đưa Công an chính quy về xã, nhiều người vì nhiệm vụ mà phải xa nhà. Một người bình thường mất đi, khoảng trống trong lòng người thân đã quá lớn rồi. Một người chiến sĩ trẻ hi sinh, tin dữ ập về đột ngột với gia đình, khoảng trống ấy còn vời vợi nhường nào.

Không tượng đài nào đủ để khỏa lấp khoảng trống vời vợi kể trên cả. Nhưng nếu có một tượng đài, chắc chắn sẽ có những người ở lại dắt những đứa trẻ đến đó và kể cho chúng nghe cha của mình đã hi sinh dũng cảm thế nào. Và một khi đứa trẻ nhìn thấy những cành hoa được đặt ở đó để tưởng niệm cha mình, nó sẽ lớn lên với lòng tin vào một xã hội còn giàu tình người.

Tôi ở xa Hà Nội quá. Có bạn bè nào có thể giúp đặt dưới chân tượng đài một cành hoa trắng hay không?

Hà Quang Minh
.
.