Những bài học online còn xa vời vợi…

Chủ Nhật, 21/11/2021, 09:39

Căn nhà nhỏ của cô giáo Lê Thị Hòa - giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn nằm ngay mặt đường thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội. Gian nhà ngoài rộng rãi hơn, cô Hòa treo chiếc bảng đen, thêm giá sách nhỏ, xếp vài bộ bàn ghế cũ để có chỗ cho các em học sinh đến học trực tiếp.

Nơi góc phòng, chiếc bàn cũ kĩ để chiếc máy tính cũng cũ kĩ trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cô trong những tiết dạy online. Trong lớp học đặc biệt ấy, cô Hòa xoay như chong chóng giữa bảng đen và máy tính…

Bảng đen và máy tính

Nếu không đến thăm cô giáo Hoà và trở thành người dự giờ bất đắc dĩ, hẳn tôi sẽ không hình dung ra được cô giáo dạy thế nào, học sinh học thế nào trong mùa dịch bệnh ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Tôi cũng không nghĩ rằng có những lớp học nửa trực tiếp nửa trực tuyến như thế đang ngày ngày được vận hành bởi những cô giáo đầy tâm huyết.

Đầu năm học này, cô Hoà được phân công dạy lớp 2E. Lớp có 47 học sinh, nhưng khi vào học online, cô Hoà chỉ thấy có 33 em vào lớp. Cất công tìm hiểu, cô biết được rằng 14 em học sinh còn lại mỗi em một hoàn cảnh. Một học sinh bị bệnh nặng phải tạm nghỉ học để điều trị, một học sinh khác do dịch bệnh đang mắc kẹt ở Tuyên Quang nên chưa thể về Hà Nội đi học. Còn lại 12 em học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học trực tuyến. Cô Hoà bảo, không phải các em thiếu thiết bị học tập, bởi ngay từ đầu năm học, các cấp chính quyền, phòng giáo dục và nhà trường đã đi khảo sát và hỗ trợ thiết bị cho các em. Khi đã có sóng và máy tính rồi nhưng các em còn nhỏ chưa biết cách sử dụng, lại không có người hướng dẫn, đồng hành. Bố mẹ các em bận đi làm không có thời gian kèm con học bài, thành ra những giờ giảng online của cô vẫn cứ xa vời vợi.

Hằng ngày vào lớp dạy, cứ nghĩ đến 12 em học sinh đang từng ngày ngóng chờ được đến lớp, cô Hòa không đành lòng. "Năm ngoái, dịch bệnh nên các con học lớp 1 đã thất thường, nhiều con chưa đọc thông viết thạo. Năm nay mà bỏ buông các con nữa thì sẽ hổng kiến thức, rồi có khi không theo được chương trình, tôi lo lắm". Rồi cô xin với chính quyền địa phương và nhà trường gom các con lại, hàng ngày đến nhà cô để nghe giảng trực tiếp.

1.jpg -0
Cô giáo Lê Thị Hòa đang dạy lớp học nửa trực tuyến nửa trực tiếp tại nhà.

Vậy là ngày nào cũng vậy, cứ 7 giờ 30 phút sáng, cô Hòa bật máy tính để duyệt cho các em vào lớp online, rồi mở cửa đón 12 học sinh đến nhà. Trong cơn mưa lạnh đầu đông, cậu bé Nguyễn Tú Long Nhật, nhà ở tận thôn Cây Chay, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai phải dậy sớm đến nhà cô cho kịp giờ học. Cởi chiếc áo mưa, mặt mũi cậu bé ướt nhèm trông thật thương. Nhật hiện đang xa bố mẹ, em ở với bà nội. Bà già rồi không biết dùng máy tính để hướng dẫn cháu học online, thành ra nhà có máy nhưng để không. Cô Hòa bảo vẫn biết là phải tuân thủ quy định phòng chống dịch, nhưng thời gian nghỉ dịch kéo dài lâu quá, không nỡ "để quên" các con ở nhà. Ngày nào đón các con cô cũng cẩn thận hướng dẫn các con sát khuẩn, rửa tay trước khi vào lớp.

Đúng 8 giờ, buổi học bắt đầu. Để cả học sinh ở xa hay ở gần đều nghe được, cô Hòa nói to hết cỡ, thao tác nhanh thoăn thoắt. Cô nắn nót viết từng dòng chữ trên chiếc bảng đen, rồi lại quay về máy tính chia sẻ màn hình slide bài giảng. Đang cầm phấn lại chuyển sang nhấp chuột. Hết quan sát, chỉnh tư thế, nhắc nhở các con đang học online lại quay ra hướng dẫn, bắt tay uốn từng nét chữ các con học trực tiếp. Trước mặt cô bé Lại Thuỳ Linh nhà thôn Phố Gốt, xã Đông Sơn là quyển sách giáo khoa Toán rách bươm mặc dù màu giấy còn mới tinh. "Các em của con nghịch sách con. Ở nhà con không thể học được vì phải trông em Con phải đến nhà cô giáo mới ngồi học được". Bé Linh mới học lớp 2 mà đã có 5 đứa em, em út mới có 8 tháng, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Người mẹ trẻ vừa lo kiếm tiền vừa nuôi 6 người con thì làm gì còn thời gian để biết con mình học hành thế nào.

Năm nay cũng là năm đầu tiên khối lớp 2 học theo chương trình sách giáo khoa mới nên cô Hoà càng vất vả. Tối đến, cô miệt mài soạn giáo án, lên mạng tìm tòi thêm về nội dung dạy học, sao cho có thể truyền đạt cho các em một cách dễ hiểu, đúng trọng tâm. Chỉ cần thấy các con chăm chỉ vào học mỗi ngày là bao nhọc nhằn từ sáng đến đêm khuya vơi bớt đi, cô trò lại có động lực để cùng nhau cố gắng.

Thầy cô lực bất tòng tâm

Cách nhà cô Hòa không xa, cô giáo Phùng Thị Băng Hải cũng đang trong giờ dạy học. Góc dạy online của cô Hải đặt ngay tại phòng khách bài trí giản đơn. Không còn nhiều thời gian nữa cô Hải sẽ nghỉ hưu, cô không nghĩ rằng cuối quãng thời gian công tác lại xa rời bảng đen phấn trắng để mò mẫm với máy tính, với các ứng dụng dạy học. Cô Hải bảo để dạy học online thì lớp giáo viên già như cô phải nỗ lực gấp nhiều lần so với các thầy cô trẻ. Tranh thủ buổi tối mò mẫm soạn giáo án điện tử, chỗ nào còn lúng túng thì nhờ đồng nghiệp chỉ dẫn. Dần dần, tiết học online đã trở nên trơn tru. "Chương trình lớp 4 khó mà để các con bơ vơ, ngơ ngác trong không gian mạng, chỉ lo kiến thức cứ trôi tuột đi. Dạy trực tuyến vất vả mà hiệu quả thì tôi vẫn thấp thỏm, lo lắng", cô Hải bộc bạch.

Lớp cô Hải không có học sinh nào phải đến nhà cô học trực tiếp, nhưng có 3 nhóm học sinh phải đến nhà nhau học chung máy tính, điện thoại. Có em gia đình khó khăn chỉ có một chiếc điện thoại vào mạng được phải nhường cho anh chị học. Lại có em bố mẹ đi làm cả ngày nên, con không có người hướng dẫn, đành sang nhà bạn học nhờ.

2.jpg -0
Cô giáo Phùng Thị Băng Hải phải mượn máy tính của nhà trường để có thiết bị dạy trực tuyến.

Không chỉ học sinh mà nhiều giáo viên cũng thiếu thiết bị dạy học. Ở hoàn cảnh khó khăn của cô Hải, người chồng mất sớm khi các con còn nhỏ, một mình cô Hải chèo chống nuôi 2 con ăn học, thì một bộ máy tính, một bộ loa cũng không dễ gì có ngay được. Nhà trường đã tạo điều kiện cho cô mượn bộ máy tính cây để giảng dạy trong suốt thời gian qua. Vì không có loa nên cô Hải phải chia sẻ phần mềm dạy học zoom sang điện thoại để nghe được các em học sinh phát biểu.

Chính vì thiếu thiết bị đầu - cuối trong dạy học, nên ở một số địa phương khó khăn khi dịch bệnh bủa vây kịch bản học sinh "không đến trường vẫn học bình thường" là bất khả thi. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, thầy giáo Hoàng Thế Đệ - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phó Bảng (thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nói với tôi rằng, trước tình hình dịch bệnh lan đến tỉnh Hà Giang, số ca F0 tăng nhanh, học sinh toàn tỉnh đã tạm dừng việc đến trường từ ngày 1/11 đến hết ngày 13/11.

Không có điều kiện để dạy học trực tuyến, các thầy cô giáo chỉ còn cách gửi nội dung bài học, bài tập qua gmail, zalo. Học sinh làm bài, phụ huynh chụp lại và gửi cho giáo viên chấm và nhận xét. Có điều, không phải nhà nào cũng có mạng, có điện thoại thông minh để tiếp cận với bài học. Trước đây khi chưa có dịch, để giúp các em theo con chữ, nhiều thầy cô giáo ở Hà Giang đã chia nhau mỗi người một ngả đem tài liệu học đến tận nhà học sinh. Giờ phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch nên thầy trò chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại. Việc học hành với các em giờ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, miễn sao duy trì cho các em thói quen học tập, bám lớp bám trường.

"Thầy trò tôi nơi đỉnh trời này, chỉ ước ao được dạy và học một tiết học trực tuyến như thầy trò dưới xuôi, nhưng đến thời điểm này ước mơ vẫn chỉ là ước mơ", thầy Đệ đã nói với tôi như thế. Giờ đây, khi việc học trực tuyến ở miền xuôi đã phổ biến thì ở vùng cao vẫn là điều xa xỉ khi sóng kém, khi thiết bị học tập ở con số 0, khi những ông bố bà mẹ không thể đồng hành cùng con học online. Các thầy cô giáo có thể khắc phục khó khăn, ngày đêm gấp rút tiếp cận công nghệ để xây dựng bài học trực tuyến nhưng lực bất tòng tâm khi khâu vướng lại nằm ở học sinh.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, các thầy cô luôn trăn trở không yên. Bởi khi đó, khoảng cách số giữa các em học sinh ngày càng rõ rệt, dần sẽ tạo ra khoảng cách về học tập ngày càng xa hơn. Chính khoảng cách này đã khiến các em phải chịu thiệt thòi và bị tổn thương. Điều thầy cô lo lắng nhất, là dịch bệnh càng lây lan, thì vết thương này sẽ ngày càng loang rộng...

Thái Hưng
.
.