Những ánh đèn pha rực lên trong đêm

Thứ Tư, 22/02/2023, 21:27

Tết Nguyên đán năm Mão này đến sớm hơn thường lệ. Chỉ sau Tết Dương lịch có ba tuần đã là giao thừa nên nhiều người có cảm giác dồn dập đến khó thở. Và Tết đi qua cũng quá nhanh. Chớp mắt đã qua mùng, con người ta lại quay về với những vòng lặp cũ kỹ của những ngày bình thường cũ kỹ.

Sáng sớm chờ họp, theo thói quen, tôi lục tìm lại ký ức (memories) trên trang facebook của mình. Đây là một thói quen đã hình thành mấy năm nay. Lục tìm lại, xem những gì mình từng đăng tải, thấy cái nào nhí nhố thì xóa bỏ đi. Riết rồi thấy mình cũng đỡ nhí nhố hẳn. Mà cũng nên bớt đi cái nhí nhố ấy. Tuổi 50 đến nơi rồi còn gì.

Những ánh đèn pha -0

Và bức ảnh được đăng tải đúng 1 năm trước khiến tôi giật mình. Đúng ngày này, 1 năm trước, là 30 tháng Chạp năm Sửu. Năm đó, đêm giao thừa không có pháo hoa. Sau một năm oằn mình nếm trải những bi thương nhất của đại dịch, không bắn pháo hoa cũng là một quyết định nhân văn. Lòng không Tết thì làm sao có thể hưởng thụ Tết.

Bức ảnh ấy được tôi chụp bằng cái iPhone cũ kỹ của mình, qua ô cửa sổ từ lầu 21 khu chung cư. Ngay kế bên chung cư tôi sống là một bãi đất trống được tận dụng làm bãi đỗ xe container. Và trong cái khoảnh khắc trừ tịch không trăng, không pháo hoa đó, hàng chục chiếc xe container xếp ngay hàng thẳng lối đồng loạt mở đèn sáng chói. Cái thứ ánh sáng của những chiếc đèn pha công suất lớn kia rực lên trong đêm tối đen như mực. Nó đã khiến lòng tôi tỉnh thức một hi vọng cho năm kế tiếp và tôi đã ghi lời nguyện cầu cho mọi người một năm mới hanh thông. Những quầng sáng từ đám xe container kia hóa ra đã từng là một thứ ánh sáng mong manh hi vọng ở cuối đường hầm tối và dài. Để rồi tôi và cả những người xung quanh tôi đều đã đi qua năm Dần một cách bình an nhất cho dù đó đây vẫn có những biến cố không ngờ.

Những ánh đèn pha -0
Những ánh đèn pha -1

Còn nhớ, cái Tết năm Dần ấy là một cái Tết còn vương lại nhiều ám ảnh của một năm dịch bệnh. Cũng chỉ trước Tết một thời gian thôi, lệnh phong tỏa mới được dỡ bỏ. Có những người quen đã vĩnh viễn không còn nữa. Cuối năm cũng ít hơn các cuộc tất niên. Đầu năm gặp nhau cũng vẫn nhắc về cái ký ức hoang tàn cũ. Nhưng cũng không ai quên những khoảnh khắc sẻ chia dù bé nhỏ nhưng ngọt ngào. Đôi khi chỉ là một túi rau củ; một vài khoanh cá kho; mấy hộp khẩu trang... Những chuyến quà trao tay cứ đan nhau xuyên lòng thành phố như vậy. Nhờ đó mà người ta còn niềm tin vào sự chân thành. Để sống, để yêu, và để viết. Đó cũng là năm tôi đặt bút viết một ca khúc đầu tiên của mình nói về thành phố mình gắn bó hơn 20 năm trời. "Sài gòn ôm tôi", tên bài hát nói lên tất cả. Mỗi gương mặt thân quen ở đây chính là đại diện cho thành phố thân thương này. Và những gương mặt ấy đã ôm tôi vào lòng, cứu vớt tôi đi qua những thời khắc khó khăn và cùng cực nhất trong đời mình.

Cái ánh đèn rực lên đêm giao thừa đó đã không lướt qua tôi vội vàng. Tôi nhớ, mình từng nhìn rất sâu, rất lâu vào vùng ánh sáng hấp dẫn đó và hình dung ra tất cả những gương mặt đã bên cạnh mình. Đã không còn bất kỳ chút lý trí nào khi biết thừa rằng những chủ xe chỉ thắp đèn lên để cúng xe lúc giao thừa mà thôi nhưng tôi lại cảm nhận được cái quầng hi vọng và ấm áp từ những đèn pha rực lên đó. Nếu như năm ấy có pháo hoa, có lẽ tôi đã để mình hút vào cái vẻ đẹp rực rỡ nhưng nhàm chán thường niên mà bỏ qua những vùng sáng dưới thấp. Và tôi nhớ lại giao thừa mới nhất. Trong căn nhà rộng nhưng vắng người của cha, tôi đã nằm im trong bóng tối cho qua phút giao thừa. Hai năm dịch không được về ăn Tết với cha, tôi đã dằn vặt rất nhiều. Để rồi về lại, giao thừa cũng chỉ là khoảng tối vì cha có tuổi rồi nên đi ngủ sớm. Còn lại mình tôi, thắp hương cúng bái xong cũng là lúc lên giường.

Những ánh đèn pha -0

Năm Dần đã đi qua thế nào, chắc không còn cần nhắc lại nữa. Một năm chưa thể gượng dậy sau dịch đã khiến kinh tế mỗi nhà bị ảnh hưởng rất nhiều. Thị trường chứng khoán giảm chỉ số từ 1600 xuống chỉ còn mức dưới 1200, kéo theo nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh quẫn cùng. Rồi thị trường bất động sản thì bất động và rủi ro trái phiếu thường trực như một thanh gươm Damocles lơ lửng trên đầu. Nhiều người không dám sắm một cái tết ra trò và những người nông dân cũng buồn đi quá nhiều lần bởi nông sản, hoa trái của họ hoặc không bán được, hoặc bán như cho. Nhưng dường như không nghe thấy ai than thở câu nào. Tất cả cùng hiểu rằng đó là một hoàn cảnh chung mà mỗi người cần vượt qua bằng nghị lực, và bằng cả niềm tin rằng "năm sau rồi sẽ khác".

Năm Mão này chắc chắn rồi sẽ phải khác cho dù có nhiều dự báo về những khó khăn sẽ sớm bài binh bố trận ngáng chân con người. Nhưng có khó khăn nào mà con người chúng ta không thể vượt qua đây, khi chính chúng ta từng đi qua năm khó khăn tai ương nhất với mối đe dọa sống còn của bệnh dịch. Cái cảm giác "cuối cùng chúng ta vẫn còn may mắn được sống sót" có thể là một liều thuốc tinh thần tốt nhất, để mỗi người cùng hiểu rằng hóa ra điều quan trọng nhất là mình còn tồn tại. Và sau dịch bệnh, đa số cũng nhận thấy rằng cái gì là phù du và cái gì đọng lại mãi. Chính những sẻ chia mà họ từng cho và nhận của một năm dịch bệnh đã mở ra một nhận thức vốn bị che mờ bấy lâu nay. Đó chính là tình yêu thương giữa con người với con người. Không có nó, ta khó có thể đi qua được dù là một trở ngại bé nhỏ.

Tôi chợt nhớ cậu em quen thân mới từ giã cõi đời chỉ vài hôm trước Tết. Lựa chọn dại dột của nó có lẽ cũng đi từ điểm nó cảm thấy đơn độc vô cùng khi không có được những sẻ chia đúng lúc. Sẻ chia chính là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất mà chúng ta cần có, và cũng luôn sẵn có nếu chịu mở lòng.

Tấm ảnh những ánh đèn pha rực lên trong đêm giao thừa là một ký ức mạng khiến tôi bừng tỉnh thêm lần nữa. Trong bóng tối vô cùng kia, vẫn luôn có những ngọn đèn. Và trong chính mỗi cõi lòng ta, cũng nên luôn thắp lên những ngọn đèn.

Vì, ai đó, ở đâu đó, có thể sẽ thấy ngọn đèn trong lòng ta như một quầng hi vọng…

Hà Quang Minh
.
.