Nhớ Trịnh: Ngũ hành… Sơn
Tôi nhớ về Trịnh trong sự tương tác giữa thời gian và Trịnh và âm nhạc bằng cái triết luận Á Đông từ ngàn xưa đọng lại: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Không biết âm nhạc của Trịnh sẽ biến dịch như thế nào trong sự vô thường của ngàn luân nhỉ?
Không phải Ngũ hành sơn với những trận Hoa sơn luận kiếm trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Không phải Ngũ hành Sơn - Đà Nẵng với những cảnh sắc thiên nhiên phiêu mỹ. Luận về nhạc Trịnh, đã có rất nhiều diễn đàn với những luận thuyết: sức quyến rũ khác thường trong ca từ của Trịnh, âm hưởng Phật giáo trong giai điệu Trịnh, chiều sâu tư tưởng triết học hiện sinh trong ca khúc Trịnh, chất thơ của chủ nghĩa lãng mạn trong tình khúc Trịnh, phá cách trong nhạc Trịnh...
Còn tôi nhớ về Trịnh trong sự tương tác giữa thời gian và Trịnh và âm nhạc bằng cái triết luận Á Đông từ ngàn xưa đọng lại: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Không biết âm nhạc của Trịnh sẽ biến dịch như thế nào trong sự vô thường của ngàn luân nhỉ?
Theo triết học cổ phương Đông, vạn vật đều sinh ra từ 5 bản nguyên Kim (kim loại), Mộc (cây cối), Thủy (nước), Hỏa (lửa), Thổ (đất). Học thuật phương Đông có câu: “Phong sinh khởi thủy”, gió đi khắp nơi để mọi vật sinh ra, nước đến đâu thì mọi vật ở đó đâm chồi nảy lộc. Vậy với 5 nguyên tố ngũ hành, ta bắt đầu từ Thủy và theo vòng quay của ngũ hành tương sinh để luận về nhạc Trịnh trong sự tương hỗ đó nhé.
Thủy Sơn: Đêm thấy ta là thác đổ
Có người nói âm nhạc của Trịnh là dòng nước, chảy từ thung khe ra sông suối: Lời của dòng sông ở “Bến sông kể chuyện”, “Có một dòng sông đã qua đời”, "Ôi những dòng sông nhỏ/ Lời hẹn thề là những cơn mưa" (Tình xa). Có người nói âm nhạc của ông là những con sóng, ngày đêm đùa nghịch bờ cát trắng (Biển nhớ, Sóng về đâu, Biển nghìn thu ở lại, Muôn trùng biển ơi). Có người nói âm nhạc của ông là những hạt mưa mát lành với “Mưa hồng”, “Mưa mùa ha”, “Chìm dưới cơn mưa” và "Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội/ Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời" (Biết đâu nguồn cội). Có người lại cho rằng âm nhạc của ông là những giọt nước mắt “Ướt mi” "Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống/ Thành hồ nước long lanh" (Như cánh vạc bay), “Rơi lệ ru người”, “Giọt nước mắt cho quê hương”, “Giọt lệ thiên thu”…
Tôi cho rằng nhạc Trịnh là mặt hồ nước, không có “Khói trời mênh mông sương phiêu khói huyền” như những cảnh cổ trang mà là mặt hồ long lanh phản chiếu những đám mây “Để gió cuốn đi”. Và đêm đến, trong những giấc mơ, mặt hồ nước mộng mị thành dòng thác đổ... Nhưng dù là gì thì cái chất thủy trong nhạc Trịnh cũng không cuộn tung tuôn chảy dạt dào như thủy triều, không là giọt nước làm tràn chiếc ly âm nhạc. Cái tính nước trong nhạc Trịnh thấm vào mỗi nốt nhạc mà cho ra những ca khúc trong trẻo mát lành vừa đẫm tình người vừa đậm phận đời.
Mộc Sơn: khu “Vườn xưa” xanh mướt với “Đóa hoa vô thường” ngát hương
Thường thì Trịnh hay sáng tác vào mùa thu ở Huế, còn mùa đông, xuân, hạ thì ông sống ở Sài Gòn để rong chơi, để hát ca với công chúng. Những tình khúc Trịnh đã được viết ra trên một tấm bàn gỗ mộc mà nay vẫn còn lưu giữ được. Những bài hát của Trịnh Công Sơn về rừng, về cây, về hoa có thể kể tới như: “Cỏ xót xa đưa”, “Rừng xưa đã khép”, “Rừng xanh mãi mãi”, “Bốn mùa thay lá”, “Quỳnh hương”, “Chuyện đóa quỳnh hương”, “Giọt nước cành sen”, “Em là bông hồng nhỏ”, “Góp lá mùa xuân”…
Theo tính đại diện trong thuyết ngũ hành thì âm nhạc của Trịnh là gì trong 6 nạp âm của hành mộc: Tang đố mộc (cây dâu tằm), Tùng bách mộc (cây tùng già), Dương liễu mộc (cây dương liễu), Thạch lựu mộc (cây lựu trên đá), Bình địa mộc (cây đất đồng bằng) hay Đại lâm mộc (cây trong rừng già)? Tôi cho rằng cái bản mệnh mộc của nhạc Trịnh phải thuộc về khu “Vườn xưa” với những tình khúc đẹp bon sai và “Chiếc lá thu phai”, “Hoa vàng mấy độ”, “Hoa xuân ca”. Trong khu vườn âm nhạc mướt xanh đó, ta có thể thấy những vẻ đẹp không suy hao bởi thời gian của các ca khúc về tình yêu “Diễm xưa”, “Ru em từng ngón xuân nồng”... Trong khu vườn đó, ta cảm được những ân tình không thoái mòn bởi không gian của các nhạc phẩm phản chiến: “Đại bác ru đêm”, “Dân ta vẫn sống”... Khu vườn đó tỏa mùi hương bởi những khúc hát ấm nồng về phận người: “Ở trọ”, “Hãy yêu nhau đi”…
Hỏa Sơn: Đời ta có khi là đốm lửa/ Một hôm nhóm trong vườn khuya
Âm nhạc Trịnh là lửa thì lửa đó thiêu đi những bất trắc của đời sống, hóa đi những bất định của thời không, rụi đi những bất toàn kiếp nhân sinh. Âm nhạc Trịnh là lửa thì ngọn lửa đó ngậm ngùi trước mong manh phận người, sưởi ấm những thân phận yếm thế: “Người già và em bé”, “Bà mẹ Ô Lý”... Từ trong tàn tro nhen lên những đốm lửa lộng sáng một cách rực phiêu…
Nếu là Phúc đăng hỏa (lửa đèn dầu) thì tình khúc Trịnh sẽ ghẹo “Nguyệt ca”: "Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi". Nếu là Lư trung hỏa (lửa trong lò) thì nhạc khúc Trịnh sẽ cháy lên trong tâm tưởng người nghe những vùng cảm xúc “Tưởng rằng đã quên”, kích hoạt lên, sưởi ấm trong ta những miền ký ức xưa xa mà “Người về bỗng nhớ”. Nếu là Sơn hạ hỏa (lửa chân núi) thì nhạc Trịnh sẽ bùng lên ý thức tự tôn tự cường dân tộc “Việt Nam ơi hãy vùng lên”. Nếu là Sơn đầu hỏa (lửa đỉnh núi) thì nhạc Trịnh sẽ tỏa sáng lấp lánh như “Nắng thủy tinh”. Âm nhạc của Trịnh không thể là Tích lịch hỏa, không thể là những tia lửa rạch ngang bầu trời trong những cơn mưa bởi “Ta phải thấy mặt trời”, “Xin mặt trời ngủ yên”. Còn nếu âm nhạc của Trịnh là Thiên thượng hỏa (lửa trên trời) thì đó là ngọn nến trời soi sáng vào những trang kinh Phúc âm với “Lời buồn thánh”, “Thiên sứ bâng khuâng” hay những trang kinh Phật với “Cát bụi”, “Một cõi đi về” mà phật tử Nguyên Thọ (pháp danh của Trịnh Công Sơn khi quy y tại chùa Phổ Quang ở dốc Bến Ngự, Huế) lật từng trang cho sư phụ đọc.
Thổ Sơn: “Cát bụi mệt nhoài, sỏi đá ưu phiền”
Với hơn 600 bản tình ca và dấu ấn riêng biệt trong cuộc đời sáng tác của mình, sự nghiệp, di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã trở thành ngọn núi trong dòng chảy đương đại. Trên ngọn núi đó, cái chất thổ của ngũ hành in dấu lên những ca khúc ông như thế nào? Như Lộ bàng thổ (đất ven đường), các nốt nhạc hợp thành ca khúc của Trịnh là những hạt bụi trong cuộc “Du mục” theo gót hài giai nhân, theo “Dấu chân địa đàng”, theo dấu giày người nghệ sĩ phiêu lãng qua các miền đất, xứ sở để tìm vẻ đẹp lộng lẫy của đời sống nhiều bộn bề này. Như Bích thượng thổ (đất trên vách), nhạc Trịnh phủ lên bức tường âm nhạc những hình hài đời sống “Cho quê hương mỉm cười”. Như Thành đầu thổ (đất trên thành), giai điệu nhạc Trịnh ngân lên khúc khải ca về nỗi ưu tư lộng đẹp những âm thanh của đời sống mà ông đã trải nghiệm. "Mặt đất ưu tư đã mở nụ cười" (Ta thấy gì đêm nay). Như Sa trung thổ (đất pha cát), nhạc khúc Trịnh vọng lại tiếng vang qua lăng kính của nhân sinh quan yêu đời, yêu người dù đời sống còn nhiều bất an. Như Đại trạch thổ (đất nền nhà), ngôn ngữ nhạc phẩm Trịnh cực thuần Việt cho dù ông không sử dụng nhiều điển tích trong kho tàng tục ngữ ca dao và cho dù ca từ có những câu khó hiểu như: "Tóc em gầy trong gió", "Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi" thì đó quyết không phải là từ Hán Việt. Như Ốc thượng thổ (đất trên mái), âm nhạc của Trịnh đẹp và buồn, mang nỗi cô đơn và niềm tuyệt vọng như những chi tiết hoa văn kỳ ảo của hoa bảo tiên (cách điệu từ hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn) trang trí trên mái ngói âm dương các cung điện.
Tinh chất Thổ trong âm nhạc Trịnh là “cát bụi mệt nhoài” hay “sỏi đá ưu phiền”? Xuất thân từ "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy" và "Để một mai tôi về làm cát bụi" nhưng trên hành trình vạn dặm thiên lý của cõi sống và niềm đam mê, trong vòng quay phiêu luân của thời không, ông kết định mình thành viên đá cuội từ những sỏi đá ưu phiền. Viên cuội trắng phau ấy lăn trên khuông nhạc thành khắc khoải niềm yêu, khát khao nỗi thương và sẵn sàng hiến dâng cho tình yêu thương. Từ tên ca khúc (Rồi như đá ngây ngô, Tuổi đá buồn) cho đến ca từ, rất nhiều những hình hài, trạng thái, cách thức rung động của sỏi đá biến hiện trong cõi Trịnh. Sỏi đá trông em từng giờ/ Nghe buồn nhịp chân bơ vơ (Biển nhớ), Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đá thôi lăn (Nguyệt ca), Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui (Hãy yêu nhau đi), Mặt trời nào soi sáng tim tôi/ Để tình yêu xay mòn thành đá cuội (Cát bụi), Tôi xin làm đá cuội/ Và lăn theo gót hài (Biết đâu nguồn cội), Như từng viên đá cuội/ Rớt vào lòng biển khơi (Tình nhớ), Hòn đá lăn bên đồi/ Hòn đá rớt xuống cành mai (Ngẫu nhiên), Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau (Diễm xưa)…
Kim Sơn: Đường kiếm vô song
Với cây đàn guitar trên đôi vai gầy, yếu tố kim của ngũ hành trong cõi nhạc Trịnh chính là sợi dây Tây ban cầm ngân rung những âm điệu làm lay động tâm hồn người nghe. Chúng cực ấn tượng, bởi bài nào cũng chỉ phất phơ vài nét nhạc nhưng đã đạt đến độ cao nhất của nghệ thuật: sự giản dị. Vì thế nạp âm kim của ngũ hành trong Trịnh khúc phải ở thế cực vượng: Kiếm phong kim (vàng mũi kiếm).
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, khi đắc tới cảnh giới thượng thừa, kiếm thủ không mang kiếm, chỉ có hòn đá trong tay thì đường bay của đá chính là quỹ đạo những đường kiếm. Vậy là, không kiếm mà lại thành kiếm. Kiếm pháp vô song trong cõi nhạc Trịnh chính là tuyệt chiêu thượng thừa: lấy chữ từ trong túi ra. Mỗi khi sợi dây đàn rung lên thì lời ca cứ tuôn ra vừa tự nhiên vừa hồn nhiên như một mật pháp tuyệt truyền. Khi kiếm vung lên thì ánh vàng hữu xạ vừa thản nhiên vừa mặc nhiên như một bí pháp thất truyền. Ông không hề dụng công điêu khắc từng con chữ cho lời bài hát, hiếm sử dụng mỹ từ pháp và ít dùng các biện pháp tu từ học nhưng các bài nhạc của ông lại trở thành những bài thơ tình khi đứng độc lập.
Vậy cuối cùng cái bản năng căn cốt của nhạc Trịnh Công Sơn là gì: là hồ nước long lanh đêm phiêu mị thành dòng thác, là khu vườn xưa đẹp bon sai với chiếc lá thu phai và đóa hoa vô thường, là ngọn lửa lộng sáng một cách phiêu rực, là viên đá cuội nương náu yêu thương hay là những sợi dây guitar ngân rung đường quyền kiếm vô song? Cõi Trịnh ca là tổng hòa tất cả những bản nguyên ngũ hành trên, trong tính hiện thực của nó. Trịnh Công Sơn đã tự tạo ra dòng nhạc riêng của mình với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, buồn đau đời sống, khổ lụy trần gian, trầm thăng phận người, muôn vẻ tình yêu… Trở lại với câu hỏi đầu bài viết, trong sự vần xoay của ngàn luân, biến dịch của khúc Trịnh sẽ là: Âm nhạc và Trịnh và thời không quyện hòa trong nhau, đắm phiêu bên nhau…