Nhạc Việt đang bứt phá ra thế giới?

Thứ Ba, 13/06/2023, 09:40

Đời sống nhạc Việt thời gian qua được kích hoạt bởi những con số ấn tượng, những triệu view, những “cú nhảy” ngoạn mục ra khỏi biên giới. Phải chăng nhạc Việt đang vươn mạnh ra quốc tế?

Những con số ấn tượng

Trong vài năm trở lại đây, V-pop chứng kiến sự trỗi dậy của EDM, rap/hiphop, indie… tạo nên sự đa dạng cho thị trường âm nhạc. Nhưng cũng có xu hướng, nhiều nghệ sĩ hiện nay biết tận dụng công nghệ, mạng xã hội mang lại sự nổi tiếng nhanh và độ phủ sóng rộng. Cuối năm 2022 đầu năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của nhạc Việt nhờ công nghệ và các nền tảng TikTok, Facebook. Có lẽ, chưa bao giờ, đời sống nhạc Việt lại sôi động đến thế.

Nhạc Việt đang bứt phá ra thế giới? -0
Đời sống âm nhạc cần được kích hoạt bởi những dự án mang tính cống hiến.

Ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc Việt và lan tỏa ra nhiều nước. Vừa qua, ca khúc này lên sân khấu “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” - một chương trình truyền hình rất nổi tiếng của Trung Quốc. “Dạ vũ”, “Bên trên tầng lầu” và “Ngây thơ” là ba ca khúc cũng phủ sóng Trung Quốc của Tăng Duy Tân.

Đặc biệt, ca khúc “Ngây thơ” mà Tăng Duy Tân cùng nữ ca sĩ Huang Ling hát bằng tiếng Trung đã đạt hơn 10 tỉ view trên Douyin, góp mặt tại QQ Music- bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu Trung Quốc. Ngoài ra, “Hai phút hơn” của Pháo cũng gây sốt và được nhiều nghệ sĩ Trung Quốc như Trương Nghệ Hưng, Lưu Vũ Ninh... quay video với phần nhạc nền ca khúc. “Tình bạn diệu kỳ” (AMEE), “Cứ chill thôi” (Chillies, Rhymastic, và Suni Hạ Linh), Bigcityboi (Binz)... cũng viral trên khắp mạng xã hội Trung Quốc. Ở trong nước, những sản phẩm âm nhạc này cũng phủ sóng trên các nền tảng, đạt những con số triệu view đầy ấn tượng.

Không thể phủ nhận nhạc Việt thời gian qua đã có những làn gió mới từ những nghệ sĩ trẻ. Đời sống âm  nhạc chứng kiến sự bùng nổ của họ khi biết sử dụng thế mạnh của công nghệ để lan tỏa. Nhưng, thực tế đó chỉ là bề nổi của một thị trường âm nhạc vẫn đang “manh mún và rời rạc”, “một hệ sinh thái âm nhạc mất cân bằng”. (Lời của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh). Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam chưa đủ lớn mạnh và chuyên nghiệp để vươn ra tầm quốc tế.

Nhiều lạc hậu và khoảng cách với thế giới

Tại cuộc họp báo giới thiệu sự trở lại của dự án “Gió mùa”, nhạc sĩ Quốc Trung cũng thẳng thắn trả lời về việc ca sĩ Sơn Tùng vừa ra mắt một MV tiếng Anh và dự định “Mỹ tiến”. Ông nói: “Các nghệ sĩ của Thái Lan, Singapore thị trường âm nhạc của họ đã vượt chúng ta nhiều năm còn chưa làm được việc Mỹ tiến, thì nghệ sĩ Việt Nam không thể làm được”. Ông cho rằng, nhiều khi các nghệ sĩ trẻ dùng “Mỹ tiến” để làm màu.

Nhạc Việt đang bứt phá ra thế giới? -0
Không nên ảo tưởng nhạc Việt đang phát triển và vươn ra thế giới vì những ca khúc như “See tình”.

Nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định: “Nghệ sĩ muốn vươn ra tầm quốc tế  cần sự nỗ lực của nhiều người trong một thời gian dài, cần một sự chuẩn bị để phát triển bền vững ở tầm vĩ mô, ở chính sách của một quốc gia chứ không phải chỉ là nỗ lực, mong muốn của một vài cá nhân. Kpop Hàn Quốc phát triển nhiều năm, có độ lan tỏa mạnh mẽ trong nước và khu vực, mới đây họ mới bước sang những thị trường lớn như Mỹ. Và thành quả này không phải chỉ là nỗ lực của một vài nghệ sĩ mà nó đòi hỏi sự nỗ lực trong một thời gian dài của cả một hệ sinh thái liên quan như nhà tổ chức, chính sách từ chính phủ, sự hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn”.

Nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định: “Chúng ta rất lạc hậu và có khoảng cách lớn với họ. Tôi chưa nhìn thấy có bất cứ dự án hay nghệ sĩ nào của Việt Nam có thể bước ra bình đẳng với các nghệ sĩ thế giới. Thị trường ở những nước phát triển tính cạnh tranh rất mạnh, đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất lớn. Còn ở nước ta, thị trường âm nhạc còn manh mún, chúng ta không có trên bản đồ biểu diễn của các nghệ sĩ lớn trong khu vực. Chỉ một vài cá nhân, một vài bài hát nổi tiếng, chưa nói lên điều gì. Thậm chí, cần cẩn trọng vì các nghệ sĩ trẻ dễ ảo tưởng về tài năng của chính mình. Làm nghệ thuật là một con đường dài, rất dài”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh khẳng định: “Nhạc Việt hiện nay đang mất cân bằng sinh thái, sự mất cân bằng ấy một phần lỗi ở truyền thông khi báo chí gần như chỉ đưa tin về những con số triệu view”.

Ông nói, với những hiện tượng đang nổi, chúng ta vui, vì nhạc Việt được lan tỏa, nhưng đừng lấy đó mà tự hào thái quá và cũng đừng ảo tưởng là âm nhạc Việt Nam đã quá đẳng cấp rồi. “Âm nhạc chuyên nghiệp không đơn giản vậy đâu. “Gangnam style” đình đám một thời, vượt ra khỏi châu Á đến khắp thế giới, mà giờ thì mất tăm, bởi chính giá trị thực của nó. Rồi “Lambada” cũng vậy. Những ai đã từng nghe âm nhạc của châu Mỹ Latinh thì sẽ hiểu được rằng, khi một nền âm nhạc thật sự lan tỏa và ảnh hưởng trên thế giới là thế nào.

Không có bất cứ một nền âm nhạc Âu Mỹ hay trên thế giới nào mà lại không ngưỡng mộ, nể trọng và say đắm những “The Girl from Inpanema”, “Besame Mucho”, “Morning of the carnival”... Đó thật sự là những bài hát vượt tầm Nam Mỹ và trở thành kinh điển của thế giới, được thu đi thu lại với hàng trăm ca sĩ, hàng ngàn bản phối. Hãy học hỏi cách mà âm nhạc Nam Mỹ lan tỏa, nó sâu tận trong tâm hồn, và sống mãi với thời gian”.

Ông cho rằng, chúng ta vui cho “See tình” nhưng phải tỉnh táo và đừng mắc kẹt vào lòng tự hào như vậy. “Chúng ta còn phải cố gắng nhiều lắm, bởi chỉ mới là khúc “dân vũ” cho dân châu Á vui đùa thôi. Còn chuyện xuất khẩu âm nhạc và để nhạc Việt có sức ảnh hưởng trên thế giới, đó là câu chuyện dài về sự tương quan giữa các nền kinh tế, nền văn hóa và cả sự trợ giúp chiến lược của lãnh đạo một quốc gia, như Hàn Quốc đã làm. Chứ nó không đơn giản là việc truyền thông PR đơn lẻ của những nhà sản xuất âm nhạc rồi tung lên mạng”.

Nhạc sĩ Dương Cầm cũng chia sẻ về việc, nghệ sĩ Việt muốn vươn ra tầm quốc tế còn cần rất nhiều thời gian. Trước hết, chúng ta phải thúc đẩy phát triển nền công nghiệp âm nhạc, cần có những chính sách vĩ mô từ chính phủ. Nhìn sang Hàn Quốc, từ nhiều năm trước, họ đã có chính sách gửi các nghệ sĩ tài năng ra nước ngoài học và trở về đóng góp cho đất nước. Phải mất 20 năm, đồng bộ trên các lĩnh vực âm nhạc, Hàn Quốc mới có một nền công nghiệp âm nhạc lớn mạnh như bây giờ và Kpop đang khuynh đảo thế giới, chinh phục cả những thị trường khó tính như Mỹ, Anh.

Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam cần làm gì để bước ra thế giới? Có lẽ, trước hết họ phải có khát vọng vươn ra biển lớn. Có khát vọng, họ cũng phải xác định đó là một con đường dài không ngừng học hỏi, nỗ lực và cống hiến bằng những dự án, những sáng tạo. Đây là điều mà nhạc sĩ Quốc Trung luôn đau đáu với các nghệ sĩ trẻ khi ông thấy họ mất phương hướng, ăn xổi chứ không kiên định đi một con đường dài.

Nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền, người nỗ lực sáng tạo trong hành trình 20 năm qua với cây đàn violin cũng cho rằng: “Thị trường âm nhạc của chúng ta chưa tới đâu mà  những nghệ sĩ trẻ lại thiếu ý thức xây dựng. Họ mải mê kiếm tiền bằng view, lượng fan hâm mộ... tạo nên một nền công nghiệp giải trí chứ không phải là một nền công nghiệp âm nhạc. Các ca sĩ trẻ có MV triệu view, đầu tư hình ảnh, công nghệ cao. Nhưng liệu những điều đó có giúp ích được gì cho đời sống âm nhạc hay không. Nếu bạn là một tài năng, phải nằm gai, nếm mật, khổ luyện để cống hiến chứ không phải chỉ kiếm tiền”. 

Nhạc Việt đang bứt phá ra thế giới? -0
Nhạc sĩ Quốc Trung.

Thị trường sẽ không mở ra cho chúng ta nếu chúng ta đóng cửa với thế giới, cơ hội cũng sẽ không đến nếu chúng ta không tạo ra cơ hội. Trước khi hội nhập thì chúng ta cần nghĩ đến việc đón nhận để nghệ sĩ và người làm sáng tạo có cơ hội được cọ xát, được giao lưu học hỏi để nhận biết được năng lực bản thân và từ đó nâng cao năng lực của mình. Trong nhiều năm qua, có thể nhận thấy trong mọi lĩnh vực biểu diễn và mọi dòng nhạc, việc nghệ sĩ Việt Nam đi ra thế giới gần như bằng không.

Nếu không phải những người Việt đang làm việc hay sinh sống bên ngoài thì nghệ sĩ sáng tạo ở Việt Nam bước ra ngoài do nhu cầu của thị trường hay có năng lực cạnh tranh bình đẳng và có một cá tính âm nhạc nổi trội là rất rất hiếm. Tuy vậy, cũng chưa thấy một tổ chức nào của Việt Nam giúp đỡ và hỗ trợ cho nghệ sĩ Việt trong việc này. Trong khi đó, ngay cả những nền công nghiệp âm nhạc phát triển nhất như Hàn Quốc, họ đều có những quỹ, những tổ chức hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ mở rộng thị trường và giới thiệu sản phẩm tới các thị trường mới.

Việt Linh
.
.