Nhà văn đừng quay lưng với cái ác

Thứ Năm, 22/06/2023, 21:00

Nhà văn sáng tạo chống cái ác thì thời nào cũng có. Nhà văn chống cái ác bậc thầy thế giới phải kể đến Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky với tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt”. Các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng đều dùng ngòi bút tuyên chiến với cái ác.

Nhà văn không chỉ ca ngợi, tôn vinh cái đẹp, cái tốt, ngợi ca con người và xã hội tốt đẹp mà còn phải nhận biết cái ác, chỉ ra cái ác, dự báo sức hủy diệt của cái ác với con người và xã hội.

1. Nhà văn Diêm Liên Khoa nói rằng: “Nếu văn học chỉ quan tâm đến tính thiện và tình yêu thì đơn giản và nông cạn. Cái vĩ đại của văn học là quan tâm đến bóng tối và cái ác. Bởi khi ta quan tâm đến cái ác thì ta mới thấy được cái thiện. Và khi ta quan tâm đến bóng tối thì mới thấy được ánh sáng”.

1.jpg -0
Những đại án tham nhũng, kinh tế thời gian qua là tư liệu vô cùng phong phú, hấp dẫn cho các nhà văn sáng tạo tác phẩm

Ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Minh Châu rất tinh tế phát hiện ra cái ác ẩn nấp kín đáo trong cái đẹp huyền diệu. Sau cái “…bức tranh mực Tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút hồng hồng do mặt trời soi vào” và hiện ra một “Chiếc thuyền ngoài xa”. Đẹp! Thật đẹp! Nhưng mấy ai biết khi chiếc thuyền cập bến, là cận cảnh người chồng đánh người vợ bằng chiếc thắt lưng một cách dã man. Nghiến răng ken két, đánh và chửi rủa: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết đi cho ông nhờ”. Vậy là đằng sau cái đẹp huyền diệu của thiên nhiên, là cái ác ẩn náu và xuất hiện bất cứ lúc nào. Nguyễn Minh Châu đã khiến người đọc căm phẫn gã chồng vũ phu, người đọc thương người vợ, nếu ở đó là nhảy vào can ngăn, hoặc giáng một quả đấm vào mặt gã chồng, cứu người đàn bà yếu đuối. Nguyễn Minh Châu tìm ra nguyên nhân của những trận đòn roi là: Đói khổ quá. Khổ quá là lôi vợ ra đánh. Là bế tắc, tuyệt vọng không biết thế nào để thoát ra. Vì luẩn quẩn trong vòng đói khổ, không giải tỏa, giải thoát được là… đánh vợ. Là con người tăm tối, u mê cả đời trên biển cả, xa cách xã hội người đến mức không còn biết làm người. Vì thế không biết yêu thương, mà chỉ biết hành hạ, đọa đày người thân. Nhà văn đã biết nhìn sâu vào góc khuất con người, và qua hình tượng nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu mong muốn một đời sống vật chất no đủ cùng một đời sống tinh thần cao đẹp.

Ông Nguyễn Huy Thiệp là người viết nhiều về cái ác. Trong truyện ngắn “Sang sông”, ông viết: "Bản chất đời sống con người có sự ác". Truyện ngắn “Tướng về hưu” có nhân vật là cô con dâu ông tướng làm việc ở bệnh viện phụ sản, công việc hàng ngày là nạo phá thai. Rau thai nhi bỏ đi được cho vào phích đá mang về nhà nấu cho chó, cho lợn ăn. Ông tướng dắt con trai xuống bếp “chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu”. Sau khi ông tướng giận dỗi bỏ đi nằm, cô con dâu lạnh lùng chất vấn người ở: “Sao không cho vào máy xát?”. Đọc mà gai cả người, lạnh cả gáy.

2. Nói về nhà văn chống cái ác, đầu tiên phải nói tới đội ngũ nhà văn Công an. Trước hết người “anh cả” đội ngũ nhà văn Công an là nhà văn Lê Tri Kỷ với tác phẩm “Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu”. Sau đó là nhà văn Ngôn Vĩnh với tiểu thuyết chống phỉ ở cao nguyên Đồng Văn “Bên kia cổng trời”, nhà văn Văn Phan với tiểu thuyết "Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'inville", nhà văn Tôn Ái Nhân quý danh là “nhà văn của những vụ án” với tiểu thuyết “Trinh sát Hà Nội”, nhà văn Nguyễn Như Phong với tiểu thuyết “Chạy án”... Các nhà văn ngoài ngành cũng quan tâm đến đề tài “Vì an ninh trật tự xã hội” viết về cuộc chiến chống cái ác. Nhà văn Xuân Đức với tiểu thuyết “Người không mang họ”, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy với tiểu thuyết “Sát thủ online”, nhà văn Nguyễn Đình Tú với tiểu thuyết “Phiên bản”… Các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng cũng viết truyện ngắn về đề tài này và được giải nhất Cuộc thi truyện ngắn, bút ký mang tên Cây Bút Vàng đầu tiên. Còn nhà văn Ma Văn Kháng với truyện ngắn “San Cha Chải” thì được Giải thưởng Cây Bút Vàng - giải cao nhất. 

Nhà văn đừng quay lưng với cái ác -0
Với tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt”, nhà văn Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky là bậc thầy viết về cái ác

Hơn 30 năm trước, Lại Văn Long viết truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện” và đoạt Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ. Ông viết về một kẻ giết người, song nó vốn là một kẻ thiện lương, là một chàng "Pa-ven của vùng kinh tế mới", một gã công nhân xuất khẩu lao động ở nước ngoài về không xin được việc “trở thành người thất nghiệp” và "đời bất công, người sướng mãi, kẻ khổ triền miên... Mẹ kiếp!". Vậy là không chịu làm kiếp nô lệ cha truyền con nối, nã súng vào “bọn trưởng giả cũ và mới sung sướng thỏa thuê vì tiền của, vì đe dọa hành hạ được người khác”. Tận diệt! Đó là hành động vùng dậy phản kháng quyết liệt chống lại áp bức bất công. Lời kẻ sát nhân lương thiện, cũng coi như là tuyên ngôn với áp bức, với cái ác: “Chỉ có người lương thiện thật sự mới dám nổ súng vào sự đè nén truyền kiếp! Tôi không muốn "con vua tiếp tục làm vua"... cha tôi đã tìm cách thanh toán việc này bằng ba mươi năm chiến đấu có tổ chức. Tôi đã làm theo cách của tôi. Tự giải phóng mình khỏi số phận đê hèn là một việc thiện, ít nhất là cho chính mình... Con tôi (nếu có) sẽ không bao giờ phải đi cắt cỏ ngựa thuê cho các thế hệ của dòng họ Lâm như ba đời trước nó...”. Nhà văn đã biến tác phẩm văn học thành nơi phê phán, lý giải, đấu tranh, phủ nhận cái ác; nói một cách hình tượng thì tác phẩm văn học là đoạn đầu đài xử lý cái ác bằng ngôn từ.

3. Viết văn chống cái ác như thế nào? Câu hỏi này thực quá khó. Trong một cuộc hội thảo, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị đã đặt ra vấn đề này: “Chúng ta đều biết khi con người trở nên vô cảm với cái ác, nghĩa là cái ác đang thắng thế, xã hội trở nên bất trắc và sự sống trở nên vô nghĩa đối với tất cả. Tiểu thuyết đang làm gì trong trạng thái tinh thần mang tính đối kháng quyết liệt đó? Nhà văn đang đứng ở đâu trong thời điểm đang rất cần có tiếng nói của lương tâm và lương tri này?”.

Nhà văn sáng tạo tác phẩm chống cái ác thường dựa theo tam giác nhân vật: Nạn nhân bị hại, hoặc bị giết chết - Sĩ quan cảnh sát và hành trình điều tra - Kẻ gieo gió gặp bão, hoặc thủ phạm giết người bị trừng trị. Ba đỉnh nhân vật quyền lực này có quan hệ chặt chẽ, luôn giằng co, níu giữ và đôi khi chơi trò “rung cây động rừng”, “mèo vờn chuột”, và “săn bắt”. Tính ly kỳ hấp dẫn là những tình huống bất ngờ, những âm mưu hiểm độc, những thủ đoạn tinh vi, những kỹ năng điều tra, và bản lĩnh nghề nghiệp, thêm tâm lý tâm trạng nhân vật sâu sắc, thêm số phận con người… là tác phẩm chiếm được trái tim người đọc. Dĩ nhiên, cao hơn nữa là tác phẩm mang thông điệp yêu thương con người, nhân bản, nhân văn.

Nhìn vào những vụ án lớn mà cơ quan Công an triệt phá trong hơn 10 năm qua, có thể thấy thực tế đời sống đương đại là nguồn tư liệu vô cùng phong phú, hấp dẫn cho nhà văn sáng tạo tác phẩm. Bởi đã có những băng nhóm tội phạm hình sự liều lĩnh, manh động hơn nhiều những gì đã được đưa vào tiểu thuyết, phim ảnh. Đặc biệt, các vụ đại án tham nhũng thời gian gần đây với số tiền tham ô, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng mà thủ phạm trong các đại án này nếu không là quan chức, cán bộ nhà nước thì đều là loại tội phạm “cổ cồn trắng”, những kẻ có tri thức, thông thạo pháp luật, chuyên môn tài chính, kinh doanh, dù không sử dụng bạo lực nhưng lại có những thủ đoạn gian dối, gian lận chứng khoán, biển thủ tiền và tài sản, rửa tiền rất tinh vi, có tác hại rất nghiêm trọng đến an ninh chính trị, tiền tệ, và xã hội. Tội phạm ghê gớm như thế rất cần được thể hiện qua các nhân vật của văn học nghệ thuật...

Thời nào, xã hội nào cũng có cái ác cái xấu, chúng có sức sống vô cùng mãnh liệt không dễ diệt trừ, nhà văn dùng ngòi bút chống cái ác lại càng khó. Cho nên cuộc sống đòi hỏi phẩm chất nhà văn, bản lĩnh nhà văn chân chính khi đối mặt với cái ác. Ngòi bút nhà văn phải đứng dưới ánh sáng công lý bảo vệ những người lương thiện chịu bất công, chống lại cái xấu, cái ác không mệt mỏi.

Nhà văn viết về cái ác, chống cái ác, nhưng viết thế nào để bạn đọc cảm thấy chân thật, truyện không giả dối, không tô hồng nhân vật, không bôi đen xã hội, không gượng ép. Nhân vật dù có là anh hùng thì trước hết vẫn là con người bình thường. Cho nên, là sĩ quan cảnh sát điều tra cũng có lúc phải băn khoăn, cân nhắc lựa chọn khi bị kẻ ác mua chuộc, cũng có lúc dao động, sa ngã, thậm chí lỗi lầm. Nhà văn Tôn Ái Nhân quan niệm: “Đã là nhà văn Công an thì phải chống cái ác trong đời thường, đồng thời cũng phải chống cái ác trong tâm hồn con người”. Hầu như các tác phẩm thành công nhất của ông đều lấy tư liệu từ các vụ án có các tình huống bất ngờ, số phận éo le, đau khổ. Ông đi đến nhiều trại giam gặp gỡ các tội phạm giết người, và ông giải đáp câu hỏi: Tại sao cái ác hoành hành? Rồi ông cũng nhận ra: Thói sống vô cảm và ích kỷ của con người đã sinh ra cái ác. Ngoài ra, xã hội cũng đẩy con người đến cái ác. Vì thế phải làm cho con người yêu thương nhau, bạn đọc đọc tác phẩm của mình phải đau đời, phải sống đẹp, sống tốt để không sống ác.

Nhà văn dùng ngôn từ miêu tả âm mưu hiểm độc, thủ đoạn tinh vi, mánh khóe lắt léo của tội phạm để người đọc nhận chân cái ác cái xấu, để đề phòng, để như một bài học sống cảnh giác, phòng vệ. Nhà văn khi xây dựng nhân vật ác, xấu không nên miêu tả, tỉ mỉ, chi ly hành vi bạo lực của tội phạm. Không nên miêu tả cảnh giết người với quá nhiều tình tiết giật gân, câu khách, một cách phản cảm. Nhà văn viết tác phẩm về cái ác cũng như bác sĩ kê toa chữa bệnh. Nhà văn phải dùng loại “kháng sinh” nào để cản trở, ngăn chặn cái ác xuất hiện; dùng loại “thuốc bổ” nâng đỡ cơ thể nào, liệu pháp tâm lý nào để hướng con người đến giá trị nhân văn, đến tinh thần lạc quan, bản lĩnh vững vàng để thanh lọc cái ác đang ẩn chứa trong tâm hồn.

Cho nên nhà văn đừng quay lưng với cái ác!

Nhà văn Sương Nguyệt Minh
.
.