Nguồn lực cho thể thao còn thiếu, hay phân bổ chưa hợp lý?
Trong 1 năm qua, thể thao Việt Nam đang dần hụt hơi tại những sân chơi lớn nhất. Nguyên nhân được cho là bởi các nguồn lực tập trung cho ngành thể thao còn chưa tương xứng với kỳ vọng. Nhưng bên cạnh câu chuyện chi "bao nhiêu", việc chi "như thế nào" cũng quan trọng không kém.
Chia sẻ cùng địa phương
Những năm gần đây, từng có ý kiến cho rằng nguồn ngân sách nhà nước dành cho phát triển thể dục thể thao cần tăng lên. Nhưng thay vào đó, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chỉ điều chỉnh ở một mức độ vừa phải, thay vì tăng đột biến. Đằng sau sự tính toán căn cơ đó là một câu chuyện.
Thứ nhất, sau dịch COVID-19, thể thao Việt Nam bước vào 2 kỳ SEA Games liên tiếp, và một trong số đó diễn ra trên sân nhà. Nguồn kinh phí dựa trên ngân sách để thưởng cho VĐV, vì thế, có thể tăng cao đột biến. Đây là điều những người chịu trách nhiệm về mặt tài chính phải dự trù trước.
Thứ hai, Bộ VH-TT&DL có thể muốn tạo động lực khiến ngành thể thao buộc phải tìm đến những nguồn lực khác để cùng phát triển. Đó là nguồn kinh phí từ Sở VH-TT của các địa phương, ban ngành, cũng như các nguồn lực xã hội hóa từ khu vực tư nhân.
Trên thực tế, ý niệm huy động thêm các nguồn lực của Bộ VH-TT&DL là hoàn toàn có lý. Bởi, những khoản chi cho sự nghiệp thể dục, thể thao của các địa phương vốn không hề nhỏ. Hà Nội là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất trong việc tập trung nguồn lực.
Để đảm bảo vị thế dẫn đầu trong thể thao thành tích cao, hàng năm Hà Nội chi rất lớn cho hoạt động này. Con số Hà Nội đầu tư cho mỗi môn thể thao, đặc biệt là những môn hướng đến ASIAD và Olympic, là mơ ước với nhiều địa phương khác. Họ chi khoảng 18-20 tỷ đồng/ năm cho Boxing, và 15-17 tỷ/ năm cho Cầu mây, là những môn hướng đến ASIAD.
Những khoản chi Hà Nội dành cho thể thao đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong 2 năm qua. Đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam đã giành HCV tại ASIAD 19, với nòng cốt các thành viên là VĐV của Hà Nội. Boxing Hà Nội có 1 HCĐ tại ASIAD 19 của Lưu Diễm Quỳnh, và vé Olympic của Hà Thị Linh.
Hà Nội thậm chí còn chia sẻ trách nhiệm phát triển thể thao thành tích cao của quốc gia. Chuyên gia Tawan Mungphingklang thuộc biên chế đội Boxing nữ Hà Nội. Mọi khoản chi cho công việc của HLV này ở đội tuyển quốc gia được Hà Nội chi trả, chứ không phải Cục TDTT. Tuy nhiên, ông luôn sẵn lòng hỗ trợ công việc của đội tuyển, ngay cả với những VĐV không phải của Hà Nội. Trước tấm vé Olympic của Hà Thị Linh, ông Tawan đã gặt hái thành công cùng Võ Thị Kim Ánh, VĐV thuộc đơn vị An Giang. Đây đều là những dẫn chứng có thực ở 2 vòng loại Olympic.
Khám phá mức trợ cấp VĐV đỉnh cao
Trả lời trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ sự thật: Lương VĐV thể thao thành tích cao còn thấp, nhất là với VĐV đội tuyển quốc gia. Con số này dao động khoảng 7 triệu đồng/ tháng, và không được nhận 2 đầu lương.
Để hiểu rõ hoàn toàn câu chuyện, chúng ta cần tách bạch 2 khái niệm "lương" và "thu nhập". Vào thời điểm Hà Thị Linh giành vé dự Olympic Paris, cô trở thành một trong những VĐV đầu tiên nhận được chế độ hỗ trợ VĐV đỉnh cao mới được Hà Nội thông qua. Cô sẽ hưởng mức bồi dưỡng 17 triệu đồng/ tháng trong 48 tháng tới, không gồm lương đội tuyển. Mức phụ cấp Hà Nội dành cho VĐV thể thao thành tích cao ở sân chơi quốc tế là sự kiện chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, ở phạm vi quốc gia, các địa phương cũng chi ra số tiền không nhỏ để bồi dưỡng, giữ chân VĐV hàng đầu của địa phương mình. Đây là chuyện không phải ai cũng biết.
Tại Nghệ An, những VĐV giành HCV Đại hội Thể thao Toàn quốc được hưởng trợ cấp 10 triệu đồng/ tháng trong 48 tháng. Nếu tính ở phạm vi thể thao trong nước, con số này của Nghệ An còn cao hơn Hà Nội, đơn vị trợ cấp 7 triệu đồng/ tháng cho thành tích tương đương. Những địa phương khác cũng có một số mức trợ cấp khác nhau.
Bên cạnh Đại hội Thể thao Toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần, VĐV đạt huy chương tại các giải quốc gia cũng được phong cấp Kiện tướng. Đây là điều kiện cần và đủ để một số địa phương thưởng chế độ phụ cấp cho VĐV. Con số này vào khoảng vài triệu đồng/ tháng, xét lại mỗi năm 1 lần.
Đáng nói hơn, mức phụ cấp nói trên được tách biệt hoàn toàn với tiền lương ăn tập hàng tháng ở địa phương hoặc đội tuyển quốc gia. Những con số kể trên là minh chứng cho thấy VĐV đỉnh cao, nhất là tuyển thủ vô địch các giải toàn quốc, có thể sống ổn với nghề.
Trong câu chuyện của Hà Thị Linh, tấm vé đến Olympic giúp cô đảm bảo mức thu nhập không dưới 24 triệu đồng/ tháng trong năm nay. Ngay cả trong trường hợp rời khỏi đội tuyển quốc gia, cô vẫn được hưởng chế độ phụ cấp kể trên. Nhiều HLV chia sẻ mặt bằng thu nhập cho VĐV hiện tại không quá thấp, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong việc giữ chân VĐV.
Để tìm ra đáp án cho câu hỏi vì sao VĐV có thu nhập không thấp nhưng vẫn không sẵn lòng gắn bó với nghề, mỗi người lại có câu chuyện khác nhau. Tại Nghệ An, các HLV luôn phải "thay máu" nguồn VĐV liên tục vì các em thường… đi xuất khẩu lao động ở độ tuổi 20-23. Ngoài ra, tình trạng phân bổ nguồn lực thiếu cân đối cũng là vấn đề nan giải.
Khó khăn và lãng phí
Bên cạnh tấm vé tham dự Olympic Paris của Hà Thị Linh, một vấn đề nổi cộm khác liên quan đến vòng loại 2 Thế vận hội là việc Nguyễn Thị Tâm bị loại.
Một tuần trước khi Nguyễn Thị Tâm bị gạch tên, VĐV này vẫn được các phương tiện truyền thông nhắc đến như gương mặt hàng đầu cho khả năng giành vé tham dự Olympic. Đặt trong giả định việc loại bỏ VĐV này là hợp lý, ngành thể thao nên có những hoạt động phối hợp kịp thời cùng giới truyền thông, để những thông tin đăng tải không bị "việt vị".
Một vấn đề khác nổi cộm xung quanh sự cố Nguyễn Thị Tâm là mối quan hệ hợp tác quốc tế trong thể thao giữa Việt Nam và các quốc gia khác có thể chịu ảnh hưởng xấu. Chuyên gia Tawan Mungphingklang không phải HLV chuyên môn đơn thuần. Ông từng là HLV trưởng đội tuyển Boxing Thái Lan tại Olympic London 2012, có tầm ảnh hưởng rất lớn ở châu lục.
Mới đây, chuyên gia Tawan đã khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến ông tiếp tục gắn bó với Boxing Việt Nam là để hiện thực hóa giấc mơ giành huy chương Olympic. Nhưng nguyện vọng của ông đã bị giáng một đòn mạnh, khi một trong những VĐV hàng đầu lại không được thi đấu. Liệu ông có thể toàn tâm toàn ý làm việc sau sự cố này?
Việc cử VĐV thay thế Nguyễn Thị Tâm, mỗi cán bộ quản lý trong ngành thể thao lại đưa ra một lý do khác nhau.
Theo Phòng Thể thao Thành tích cao 1 (thuộc Cục TDTT), Nguyễn Thị Tâm bị loại bởi cô không có thành tích tốt thời gian gần đây. Bên cạnh đó, đội tuyển cần có lớp VĐV kế cận, nên cần cử VĐV trẻ tham dự nhằm tích lũy kinh nghiệm, nhằm hướng đến những giải đấu lớn trong tương lai.
Ít ngày sau thông báo trên của Phòng Thể thao Thành tích cao 1, Cục TDTT lại đưa ra một lý do khác. Trong cuộc họp với Bộ VH-TT&DL, Cục TDTT nêu bật một chi tiết: VĐV thay thế Nguyễn Thị Tâm (Nguyễn Thị Ngọc Trân) được kỳ vọng giành vé tham dự Olympic.
Ngọc Trân được đôn lên thay thế Nguyễn Thị Tâm dù chưa từng vô địch quốc gia. Bên cạnh đó, cô cũng không đạt thành tích tốt tại một giải Boxing quốc tế cấp độ châu lục trước vòng loại 2 Olympic. Và đến khi bước vào thi đấu tại Thái Lan, VĐV này cũng để thua ngay trận đầu tiên.
Khi đi sâu vào danh sách nhân sự đội tuyển Boxing nữ Việt Nam, vốn được đặt kỳ vọng giành vé dự Olympic, câu chuyện nguồn lực mất cân bằng có thể thấy rất rõ. Đội tuyển hiện chia thành 2 nhóm tập tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết thúc chiến dịch vòng loại Olympic, đội tuyển tại Hà Nội giành 2 vé, dù toàn bộ nhân sự chỉ có 8 người.
Theo quyết định triệu tập đội tuyển Boxing nữ Việt Nam trong năm 2024, đội tuyển tại Hà Nội có 2 HLV và 6 VĐV. Đây đều là những võ sĩ đương kim vô địch quốc gia. Ngoài ra, 5/6 người có thành tích tốt ở các giải đấu quốc tế cấp độ cao nhất như Olympic, ASIAD, SEA Games.
Ở chiều ngược lại, đội tuyển tại TP Hồ Chí Minh có số lượng lên tới 14 người, gồm 2 HLV và 12 VĐV. Nhiều VĐV trong số đó chưa từng vô địch quốc gia. Một số gương mặt không có phong độ tốt gần đây, nhưng vẫn thường xuyên thi đấu, tập huấn quốc tế bằng ngân sách của Cục TDTT.
Nếu tính cả những thành viên đội tuyển Boxing nữ trẻ quốc gia (17 người tại TP Hồ Chí Minh), tổng nhân sự tại khu vực này lên tới 31 người. Con số này cũng có nghĩa nguồn ngân sách chi cho VĐV đội tuyển quốc gia tại TP Hồ Chí Minh lớn hơn rất nhiều so với Hà Nội, dù thành tích không hề tương xứng. Vậy tại sao tình trạng này vẫn diễn ra?