"Người trong giang hồ" một thời Hải Bánh: Tự viết tặng mình một chữ "An"

Thứ Ba, 22/11/2022, 10:50

Ông Nguyễn Tuấn Hải, tức Hải “Bánh”, ngay khi mở đầu câu chuyện đã đề xuất: "Đừng gọi tôi là giang hồ, tôi chỉ là người đã từng ngụp lặn trong chốn giang hồ mà thôi". "Người trong giang hồ" một thời, mà chỉ cần nhắc tên ai cũng biết là ai, giờ đã bước sang tuổi 56.

Hơn 21 năm trong trại, giờ đây khi trở về, ông Hải bảo, có lúc cảm thấy mình bơ vơ giữa xã hội 4.0 quay cuồng. Chọn một công việc vừa để có thu nhập, cũng là một cuộc chơi để thỏa mãn chính mình, thỏa mãn niềm đam mê vẽ vời, giờ đây, cuộc sống của ông hình như rất thảnh thơi bên những chiếc bình gốm.

Tự do là điều xa xỉ

Một buổi chiều cuối thu, nắng vàng như rót mật, bên ấm trà sen thơm ngát, thứ quà đặc biệt tinh tế của người Hà Nội gốc, ngắm "người trong giang hồ" một thời khẽ nâng tách trà nhỏ xíu như mắt trâu, nhấp một ngụm nhỏ, chợt một ý nghĩ len lỏi trong tâm trí tôi: Có gì đó như là sai sai, cái con người tay hổ, lưng gấu kia, khắp người vằn vện như vườn bách thú kia, đậm chất võ biền đến thế kia, thật không hợp tí nào với tách trà sen mắt trâu màu nâu đất.

310399965_807195347255627_7948224165833058227_n.jpg -0

Khi tôi đến, ông Hải vẫn đang đeo tạp dề, và buộc phải dừng cọ để tiếp khách. Chúng tôi ngồi giữa những lọ gốm đã thành phẩm và cả những lọ còn đang vẽ dang dở. Không học qua trường lớp chính quy nào, tất cả chỉ là năng khiếu bẩm sinh và tự trau dồi, rèn luyện thêm cho mình kỹ năng khi còn trong trại giam, nhưng ông Hải có thể nhìn người đối diện và phác họa luôn vào bình gốm rất nhanh.

"Ở trong trại, tôi tự mày mò viết chữ kiểu thư pháp, sau thấy cũng nhiều người thích và khen nên tôi tập trung luyện nét vẽ. Cái ngày được trả tự do, tôi còn ngồi vẽ nốt bức tranh tặng một cán bộ trong trại mà trước đó tôi đã hứa với ông ấy. Giờ này, được thỏa mãn cầm cây cọ theo cách của mình, được làm công việc yêu thích mà trong những năm tháng đầu đời của tuổi trẻ, cũng đã có lúc thoáng nghĩ tới, tôi thật không mong muốn gì hơn. Tự do đã có lúc với tôi là điều xa xỉ".

Tính tới cái ngày được nhận quyết định về lại xã hội, thì tức là tròn 2 năm ông Hải cũng như các phạm nhân khác không được gặp người thân vì dịch COVID-19, thế nên lâu rồi ông cũng đã mất cảm giác mong ngóng người thân. Khi những phạm nhân được tha tù đã xếp hàng ở sân trại để chuẩn bị ra về, không khí rất náo nức phấn khởi, thì ông Hải kể rằng, ông vẫn bình thản cầm cây cọ thực hiện nốt những nét vẽ cuối cùng.

Chỉ đến khi một cán bộ bảo ông Hải ngồi lên xe máy để chở ra cổng trại, khi chia tay ra về, vị cán bộ tên Tuyên nói: "Thôi anh Hải về mạnh khỏe nhé!", và nhìn ra ngoài cổng, thấy bạn bè, người thân đã đứng đợi từ bao giờ, thì hai chân gã giang hồ từng làm rúng động cả nước với vụ án nổi tiếng một thời bỗng khuỵu xuống, một cảm giác đến giờ vẫn không thể gọi tên. "Nó xen lẫn một chút tủi thân, một chút nghẹn ngào, một chút vui mừng, và gì nữa tôi cũng không thể gọi được thành tên. Nhưng rất có thể là vì tôi đã từng nghĩ tự do với tôi là điều quá xa xỉ, nên khi được tự do, tôi bấn loạn cảm xúc..." - ông Hải nói.

Nợ người vợ đầu một lời xin lỗi

Năm 2013, khi nhận tin cô con gái vừa sinh cháu ngoại bị tai nạn giao thông và đã chuẩn bị đưa vào nhà xác, từ trong trại, người đàn ông tưởng là gai góc ấy đã bưng mặt khóc, lòng dạ như gai cào, lửa đốt. Cô con gái ấy là lý do duy nhất để ông Hải cố gắng trong những năm tháng dài dằng dặc cải tạo mong ngày trở về. Đêm không ngủ được, nước mắt cứ thế chảy ra, người cha ấy nghĩ về những tội lỗi mình đã gây ra và nỗi day dứt, ân hận cứ thế dằn vặt tâm can.

"Chắc vì tôi đã làm điều ác nên bây giờ con tôi phải gánh chịu hậu quả. Lúc đó tôi chỉ ước mình có thể gánh thay nỗi đau thể xác cho con. Tôi không biết làm gì ngoài hằng ngày niệm Phật, cầu mong con gái tai qua nạn khỏi". Rồi như có một phép màu nào đó, cô con gái tưởng đã phải đưa vào nhà xác cứ tỉnh dần, tỉnh dần, và sau vài tháng thì sức khỏe hồi phục.

Từ trong trại, viết thư về cho con gái, khi nào người cha tội lỗi cũng dặn dò: "Nhà mình không có ai hư hỏng, chỉ có bố và chú Long, thế nên con cố gắng ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn, nghe lời cô Phượng (em gái út ông Hải), chứ không sau này người ta lại chửi là loại không cha không mẹ". Ngày con gái lấy chồng, người cha tội lỗi ấy cũng rơi nước mắt vì sung sướng.

Con rể ông - đã từng rất đắn đo khi nói quyết định cưới Vân (tên con gái ông Hải) với bố mẹ mình. Nhưng thật không ngờ, cha của cậu này khi nghe quyết định của con, đã thẳng thắn: "Vân là Vân, còn ông Hải là ông Hải". Thế nên, ngày đầu tiên về Hà Nội, ông Hải đã đến nhà thông gia trước, để cảm ơn gia đình họ đã yêu thương con ông, đã chấp nhận bé Vân làm dâu con và che chở con gái mình suốt những năm tháng bố nó còn trong trại.

Hỏi, sau người mẹ thì người phụ nữ nào đến bây giờ vẫn khiến ông day dứt nhất. Người đàn ông từng vùng vẫy trong giang hồ này cho biết, những ngày đầu về nhà, ông Hải dải đệm nằm ngay dưới chân bàn thờ mẹ, để cảm nhận được hơi ấm của mẹ vẫn đâu đây. Người mẹ cho đến giờ, vẫn là nỗi day dứt lớn nhất đời Hải “Bánh”.

Cả bố và mẹ đều mất khi ông Hải còn trong trại, không còn nỗi đau nào lớn hơn. Có một người phụ nữ nữa cũng khiến ông Hải day dứt, đó là người vợ đầu tiên và là duy nhất của ông, cũng chính là mẹ của con gái ông. "Người vợ đó là do bố mẹ tôi cưới cho, nhưng vì mải chơi, tôi đã để mất. Ly dị rồi mà mỗi khi vô tình gặp ngoài đường, tôi toàn phải quay đi vì xấu hổ. Đời tôi gặp nhiều phụ nữ, có thể làm bạn, có thể yêu, còn cưới thì chắc không vì tôi không đủ tự tin để mang lại hạnh phúc cho họ" - ông Hải trải lòng.

Mong tìm được chữ "An"

Thoát án tử - một ân huệ cuộc đời dành cho mình, ông Hải nói rằng, ông là người may mắn. Trong suốt quá trình 21 năm ở trại, ông Hải luôn được người thân, anh em bạn bè thăm hỏi. Chứ thực tế có những người đi tù, đợi chờ cả năm cũng không có ai lên thăm. Nhưng khi được về lại xã hội, cảm giác bơ vơ tụt hậu so với xã hội 4.0 là có thật. Ban đầu, ông Hải cũng từng tham gia một số lĩnh vực nhưng có thể do cách ly xã hội lâu quá nên không bắt nhịp được.

Những đêm không ngủ, định hình lại bản thân, xác định mình là ai, mình đang ở đâu, ông Hải đã chọn công việc bên những chiếc bình gốm với một cửa hàng gốm mang tên HB (viết tắt của cái tên Hải “Bánh”). "Lúc từ trại về Sài Gòn, thấy mọi người cứ xôn xao ầm ĩ mỗi khi tôi xuất hiện, tôi mới hỏi thì cháu tôi nói: "Mọi người đang xôn xao vì clip chú ra trại".

Đó là lần đầu tiên tôi xuất hiện trên mạng xã hội, là do một người em quay rồi đưa tôi lên Tik tok. Chưa bao giờ tôi nghĩ ngày về của tôi lại ồn ào như vậy. Lúc còn trong trại, thấy mấy cháu trẻ vào bảo, trên mạng có rất nhiều bài viết nói về chú, bọn cháu đọc hết. Lúc đó tôi còn chưa hiểu mạng là gì. 21 năm, tôi nghĩ người ta phải quên tôi đi rồi”

Cách đây gần một tháng, trong đám tang của người cháu, giữa lúc tang gia bối rối, có một nhóm bạn trẻ mở điện thoại đưa ra tấm ảnh đến hỏi ông Hải, chú có biết người trong ảnh không. Họ lừa cháu 4 tỉ đồng. Nếu chú có thông tin thì giúp bọn cháu. Hóa ra, kẻ xấu lợi dụng hình ảnh của ông Hải để đi lừa đảo. Nhiều người khác cũng đu bám vào sự "nổi tiếng" của ông để câu view, câu like. Buổi sáng đi ăn bát phở cũng không ngon vì người ta thi nhau quay chụp rồi đẩy lên Tik tok. "Thế thì chị bảo làm sao mà tôi an yên được.

Chữ "An" là một hành trình phải đi tìm, mà tôi nghĩ là phải tìm kiếm một cách vất vả mới có được. Cũng có lúc tôi định tặng mình chữ "Mặc", tức là mặc kệ đời, mình sống cho mình và gia đình, còn lại mặc kệ. Nhưng cuộc sống buộc phải bắt nhịp, mình phải vận động nếu không sẽ bị tụt hậu. Mấy đứa cháu tôi bảo, bán hàng bây giờ phải livestream. Mà tôi thì không biết nói trước đám đông, mà người ta lại tò mò vào xem tôi là chính nên thỉnh thoảng tôi cũng phải ngó vào màn hình, chứ thú thực tôi không muốn xuất hiện đâu".

Cũng có đôi lần vô tình đọc được comment người đời nói về mình, tất nhiên là những lời không hay ho gì, như ngày xưa có khi phải tìm đến tận nơi đánh cho một trận, nhưng bây giờ thì ông Hải chỉ mỉm cười, và cách tốt nhất theo ông là bỏ điện thoại sang một bên. "Tôi ngủ dậy sớm. 4h30-5h đã dậy rồi. Ngồi tụng kinh cho cha mẹ và đứa cháu mà tôi thương nhất mới mất. Sau đó thì đạp xe một vòng hồ. Rồi lên phòng tập gym. Cho đến 09.00 sáng tôi mới kiểm tra điện thoại và làm việc từ đó đến tối. Chiều con gái gọi: "Bố ơi, con nấu cơm xong rồi, bố về ăn cơm"". Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong ngày của tôi. Tối ngồi trò chuyện với người thân trong gia đình, chơi với cô cháu ngoại... đêm có lúc giật mình tỉnh dậy toát mồ hôi, phải cấu vào tay mới biết đang được ở nhà mình".

Đã từng có dư luận cho rằng, sau này về xã hội, Hải “Bánh” sẽ bị trả thù. Tôi hỏi ông Hải về điều ấy, không nghĩ lâu, ông Hải nói rằng, sẽ chấp nhận nếu điều đó xảy ra: "Nếu có ngày đó thì đó là định mệnh, không cưỡng được, và tôi chấp nhận. Nhưng tôi nghĩ, thời của tôi qua rồi, những người cùng lứa với tôi già hết cả rồi. Sau bao nhiêu năm, không ai điên mà lại đi làm chuyện đó. Không ai đánh đổi gia đình vì một lý do trời ơi đất hỡi".

"Đánh đổi bao nhiêu bầm dập mới tìm được giây phút bình an, thế nên tôi khuyên các bạn trẻ, đừng tưởng cuộc sống giang hồ là hay ho. Lao vào, các bạn sẽ mất nhiều hơn được. Ngày xưa tôi chơi nhưng là một cuộc chơi vô bổ. Bây giờ tôi cũng chơi nhưng là cuộc chơi có ý nghĩa. Giang hồ, lưu manh tôi không sợ. Tôi sợ nhất Công an" - Ông Hải cũng chia sẻ nhiều về ý định sẽ rủ mấy cậu sinh viên mĩ thuật về làm việc ở cửa hàng gốm và cùng nhau thực hiện những ý tưởng nghệ thuật "điên rồ": "Tôi chỉ mong làm sao có đủ thời gian để thực hiện được những ý tưởng đó".

Thôi thì cũng mong, "người trong giang hồ" một thời sẽ vẫn "nổi tiếng", nhưng là nổi tiếng trong lĩnh vực gốm với thương hiệu HB và tìm thấy được chữ "An" cho cuộc đời mình.

Đinh Hiền
.
.