Người thầy nào sẽ hỏi "Vần thơ của em là gì..."?

Thứ Sáu, 20/05/2022, 19:51

Thầy giáo John Keating (Robin Williams thủ vai) được học trò công kênh trong bộ phim “Dead Poets Society” của đạo diễn Peter Weir. Câu thoại "Carpe Diem... Hãy sống trọn hôm nay các cậu bé à. Hãy làm đời mình trở nên phi thường" của nhân vật này được xếp trong danh sách 100 câu thoại hay nhất lịch sử điện ảnh theo Viện Phim Hoa Kỳ.

Năm 2007, khi Viện Phim Hoa Kỳ chọn ra danh sách 50 nhân vật người hùng vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh của mình, họ đã đề cử nhân vật John Keating – một người thầy giáo trong tác phẩm “Dead Poets Society” (Hội thi nhân quá cố) vào xếp chung cùng những người anh hùng nổi tiếng như Atticus Finch trong “Giết con chim nhại”, nhà tiên tri Moses, Robin Hood, Siêu Nhân hay Mahamat Gandhi. John Keating tuy cuối cùng không vào đến danh sách cuối cùng, nhưng dù sao đi nữa, nhân vật hư cấu ấy vẫn mãi là một người hùng.

dead poet society.jpg -0

“Dead Poets Society” lấy bối cảnh những năm 1950 ở Wellton, một trường dự bị nam sinh bảo thủ ở bang New England, một ngôi trường xuất sắc với 75% học sinh đỗ vào các trường đại học Ivy League, một ngôi trường luôn duy trì bốn cột trụ là Truyền thống – Danh sự - Kỷ luật – Ưu tú. Cho đến một năm học mới, khi thầy giáo dạy môn văn học Anh John Keating xuất hiện, một học trò cũ tài năng từng tốt nghiệp ngôi trường này. Buổi học đầu tiên, ông bước vào lớp và huýt sáo.

Thầy John giới thiệu mình bằng cách đọc một câu thơ: “Ôi, thuyền trưởng, thuyền trưởng của tôi”, câu thơ mà Walt Whitman từng dành cho Abraham Lincoln khi vị tổng thống này tạ thế. Ông bảo học trò hãy gọi ông như vậy: thuyền trưởng.

Bọn học trò cảm nhận được đây là một lớp học khác thường, nhưng không ngờ được rằng thầy John thậm chí còn đưa chúng đến phòng kỷ yếu nơi treo bức tranh những học sinh kiệt xuất trước đây, rồi nói với chúng những điều như: “Bởi ta là thức ăn cho giun các em ạ. Bởi, tin tôi hay không cũng vậy, từng người chúng ta trong căn phòng này một ngày kia sẽ ngưng thở, cơ thể lạnh băng, và chết”. Ông giả giọng những hồn ma bóng quế để dặn dò chúng:

“Carpe Diem”.

Hãy sống trọn hôm nay.

Bộ phim “Dead Poets Society” ra đời vào năm 1989, nghĩa là đã hơn 30 năm, nhưng các thế hệ học sinh ngày nay nếu đã từng xem phim hẳn vẫn ước gì có một người thầy giáo như John Keating. Trong mắt ban giám hiệu của ngôi trường, thầy John dạy chúng phản kháng, dạy chúng nổi loạn, dạy chúng bất tuân kỷ luật, trái lời cha mẹ và tự hủy hoại mình. Còn trong mắt lũ nam sinh trung học, thầy dạy chúng mơ mộng, động viên chúng sống vì đam mê, dạy chúng xé bỏ những trang sách lỗi thời cũ kỹ, dạy chúng yêu thi ca bởi “y khoa, luật pháp, kinh doanh, kỹ thuật, đây đều là những mục tiêu cao quý và cần thiết để nuôi sống cuộc đời. Nhưng thi ca, cái đẹp, tinh thần lãng mạn, tình yêu, đó là những thứ mà vì nó, ta sống”, dạy chúng cất lên giọng nói của riêng mình và khi tiến lên, hãy tiến lên với tốc độ riêng, đừng ngó nhìn kẻ khác.

Phải nói rõ rằng “nếu đã từng xem phim” bởi những ai chưa từng xem hẳn cũng không ao ước như vậy. Những cậu học trò của ngôi trường Wellton (mà chúng thường gọi đùa là Hellton, “hell” nghĩa là địa ngục”) trước khi làm quen với thầy John Keating cũng không bao giờ nghĩ trên đời lại có thể tồn tại một người thầy như John Keating. Khi ông ra lệnh cho chúng xé sách, chúng ngỡ ngàng tư lự một lúc lâu. Khi ông bảo chúng làm thơ, chúng còn bối rối hoang mang như lần đầu đi tỏ tình. Những đứa học trò bị “cầm tù” quá lâu từa tựa... con vẹt trong một truyện ngắn của Andersen, sống trong lồng quý tộc nhiều rồi, chúng chẳng tưởng tượng nổi nơi rừng già có bóng mát hay trái ngon nữa, nơi đây có thể không hoàn hảo nhưng cũng đâu có nơi nào tốt hơn, nhiệm vụ của chúng chỉ còn là cười sao cho giống con người.

Ta cần giấc mơ vì thế, không phải vì ta có thể thay đổi hiện thực, mà để ít ra ta biết rằng, hiện thực có thể khác đi. Phần lớn cho rằng “Dead Poets Society’ đã có một cái kết buồn, khi thầy John - đại diện của triết lý giáo dục khai phóng - bị cho thôi việc sau vụ tự vẫn của một nam sinh, người đã tự nổ súng vì cậu trót biết mộng mơ về một con đường khác với con đường cha mẹ cậu sắp đặt. Khoảng thời gian với thầy John cuối cùng chỉ như giấc mơ ngắn ngủi, lũ học trò ở lại đã bắt đầu không có thầy, cuối cùng chúng vẫn không có thầy.

Nhưng đó vẫn là hai trạng thái khác nhau. Sự xuất hiện của thầy John, dù thoáng qua, dù có thể chẳng thay đổi được gì cái hệ thống giáo dục đã thâm căn cố đế ấy, thậm chí có lẽ chẳng thay đổi gì cuộc sống của những cậu học trò kia, chúng có lẽ sẽ lại tập làm con người mà cha mẹ - nhà trường ép chúng trở thành, nhưng nó để lại một mầm thơ, một mầm mơ, một mầm sống. Từ nay, chúng đã biết tưởng tượng ra một điều gì khác. Một người thầy vĩ đại có khi không phải vị thuyền trưởng dắt ta tới đích, mà chỉ là người thuyền trưởng nói với ta rằng có một nơi đáng để lướt sóng mà phiêu lưu.

the class.jpg -0
Thầy giáo Francois Marin trong “The Class”, phim giành giải Cành Cọ Vàng 2008 của đạo diễn Laurent Cantet

Thầy giáo Francois Marin trong “The Class” (Lớp học), một trong những bộ phim hiếm hoi nhận giải Cành Cọ Vàng với sự đồng thuận từ toàn bộ ban giám khảo, thì không hẳn là một người anh hùng hoàn hảo như thế. Anh đến dạy ở một ngôi trường trong khu lao động ở Paris, với các học sinh phần lớn là những thanh thiếu niên nhập cư mang những cái tên Trung Quốc, Ảrập, châu Phi... Mỗi ngày anh dạy chúng tiếng Pháp trong một tiếng đồng hồ, rồi lại trở về phòng giáo viên nơi những người đồng nghiệp than thở về công việc không tiến triển.

Học trò của anh xuất thân từ đường phố và chúng không cúi đầu. Anh dạy chúng về mệnh đề phụ không hoàn hảo, chúng cãi lại rằng đâu có ai nói mà dùng những loại ngữ pháp rối rắm đến thế. Anh viết câu mẫu dùng cái tên thông thường trong ngôn ngữ phương Tây, chúng bất bình vì cái tên ấy đặc da trắng thống trị, sao không dùng một cái tên của tầng lớp cần lao gần gũi với chúng hơn. Anh chỉ định một đứa đọc thật to đoạn cuối của “Nhật ký Anne Frank” cho cả lớp cùng nghe, nó nhất quyết không chịu và cho rằng anh đang trù dập nó, tại sao cả lớp anh không chọn ai mà lại chọn đúng nó. Tất cả những lý lẽ đơn thuần mà ở một lớp học khác được coi là nghiễm nhiên, thì ở đây, Francois phải cố gắng giải thích và biện minh cho từng hành động của mình.

Viên đá tảng cản đường Francois Marin không hẳn là sự cứng đầu bướng bỉnh của những đứa học trò không thực sự quan tâm chuyện học, mà là sự phân hóa xã hội, vấn đề người nhập cư luôn làm xã hội Pháp băn khoăn. Có một rào cản giữa anh, một thầy giáo da trắng, và những học trò đến từ phía bên kia thế giới, và ý tốt của anh là không đủ.

Khác với với John Keating như ngọn hải đăng, như thần tượng của lũ học trò, Francois biết rằng trong mắt những đứa trẻ kia, anh chỉ là một biểu hiện nữa cho thể chế quyền lực đang đè đầu cưỡi cổ chúng, muốn chúng phục tùng cái xã hội mà chính anh cũng đang phục tùng. Trong phút nóng nảy tranh cãi với những đứa trẻ, anh trót gọi chúng bằng một từ tục tĩu. Một đứa bị đuổi học, dù anh đã làm mọi cách để đứng về cậu học trò người Malawi mà anh biết rằng, nếu nó lại bị đuổi nữa, bố nó sẽ gửi nó về ngôi làng nghèo châu Phi, và tương lai khép lại.

Một người thầy giáo như Francois Marin có lẽ là kiểu thầy giáo mà ta thường bắt gặp, một người có lương tri và có khao khát giúp đỡ học trò, nhưng đôi khi chính anh cũng không biết phải làm sao, anh thấy mình bất lực, không làm cách nào để du di dù chỉ chút ít cái viên đá tảng đã có ở đây suốt bao thời đại. Đặt cho những người thầy trọng trách nuôi dưỡng tương lai có phải là quá nặng nề không, khi chính họ cũng bị hệ thống ràng buộc và trói chân tay? Nhưng giống với John Keating, điều anh muốn trao cho chúng chỉ là một hạt mầm nho nhỏ, một hạt mầm có thể sẽ không thay đổi được gì hết, nhưng thà rằng nó có tồn tại còn hơn không có nó.

Đó là lý do mà vào buổi học cuối năm, Francois hỏi từng đứa chúng đã học được gì, dù là một điều nhỏ nhất, như nói một câu tiếng Tây Ban Nha, như một bài hát, định lý Pythagore hay vài công thức hóa học. Anh bất ngờ khi một cô bé nói về việc cô đã đọc “Cộng hòa” của Plato, về cách mà Socrates đặt ra những câu hỏi cho những người đi đường cho đến khi họ phải tự chất vấn về niềm tin cố hữu của mình. Đó thực sự là một hạt mầm đã sẵn sàng được vun xới. Nhưng rồi, anh cũng buồn thật nhiều khi một học trò thành thực rằng, không, em đã chẳng học được gì, dù chỉ là một chút ít. Trong “Dead Poets Society” cũng có những học trò như vậy, những đứa trẻ sẵn sàng đổ lỗi cho thầy John để tránh liên luỵ cái chết của người bạn thân, những đứa học trò sau rốt vẫn lựa chọn sống đớn hèn.

Nhưng ngay cả cố gắng trồng hoa trên sa mạc cũng đâu nhất thiết phải là một việc làm vô ích. Những mầm non có thể mãi mãi không nảy hạt, có thể trong hàng trăm năm chúng cũng chỉ vùi trong cát, nhưng ít ra chúng đã ở đó, và biết đâu, một lúc nào đó sẽ có một cơn mưa? Có những cấu trúc xã hội căn cốt mà không một người thầy nào có thể dịch chuyển một ly, bởi chẳng phải chính họ cũng đã bị giam cầm trong đó, song một người thầy đáng kính không bao giờ nói “đằng nào cũng thế, ta không cần cố gắng”, một người thầy đáng kính là người như John Keating, người đã biết tất cả sự ngang ngược của thế giới và vẫn đọc to cho học trò bài thơ của Walt Whitman:

“Ôi tôi, ôi cuộc đời! Của những câu hỏi về những điều lặp đi lặp lại/ Của những chuyến tàu bất tận không niềm tin/ Của những thành phố tràn kín kẻ dại khờ.

Câu hỏi ấy, hỡi tôi! Thật buồn, hoài lặp lại/ Có gì tốt đẹp ở nơi đây, hỡi tôi, hỡi cuộc đời?/ Câu trả lời là: Vì bạn ở đây – vì đời, vì bản sắc hiện diện/ Rằng vở kịch này vẫn mạnh mẽ tiến lên/ Và bạn có thể đóng góp một vần thơ”.

Rồi người thầy ấy sẽ hỏi: “Thế còn em, vần thơ của em là gì?”.

Hiền Trang
.
.