Người nghèo đi học

Thứ Bảy, 21/05/2022, 13:00

Nâng cao chất lượng giáo dục thì phải cần tăng học phí. Đó là lý do các trường tư luôn đắt đỏ hơn các trường công. Mặc định từ bao năm qua của giáo dục ở ta: Trường tư chỉ dành cho nhà khá giả. Trường quốc tế dành cho người giàu.

Trường công và các trường nghề dành cho người nghèo. Thu nhập thuần (không tính học thêm) của các giáo viên trường công luôn bị coi là thấp hơn so với thu nhập của giáo viên trường tư và quá cách biệt với giáo viên trường quốc tế. Cái nghèo ám ảnh khi nói về trường công, kể cả người học lẫn người dạy.

258250823_1282500055528344_2577574032274405525_n.png -0

Trường công mô hình tiên tiến

Làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có đặt hàng TP Hồ Chí Minh cùng Bộ nghiên cứu về việc thí điểm trường công thu phí cao. Thực ra đặt hàng này không mới khi mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã thí điểm từ 2005, với mô hình “Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” bằng trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3). Sau gần 10 năm thí điểm ở Trường THPT Lê Quý Đôn, năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành bộ tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Năm 2015, UBND TP phê duyệt đề án thực hiện trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ở 3 trường: THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Du, và THPT Nguyễn Hiền. Từ đó đến nay, 2022, số trường công thu học phí cao hơn đã tăng từ 3 đến 40 trường. Theo đó, ngoài khoản phí hiện hành là 120.000 đồng/tháng, các trường này còn thu thêm các khoản khác để thực hiện “mô hình tiên tiến” vào khoảng 1.500.000 đồng/học sinh/tháng. Với “mô hình tiên tiến” sẽ là tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, tăng cường tiếng Anh, học với giáo viên người nước ngoài, dạy các bộ môn năng khiếu, môn tự chọn, kỹ năng sống, chương trình ngoại khóa, cơ sở vật chất cũng như vật tư thực hành. Khoản tăng trên chưa bao gồm tiền ăn bán trú, xe đưa rước.

Với “mô hình tiên tiến” này, Sở Giáo dục Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã triển khai trên toàn thành phố đến nay là 16 trường bậc mầm non, 13 trường cấp tiểu học, 8 trường cấp THCS và 3 trường cấp THPT, hiện có thêm hơn 10 trường đã đăng ký và một số trường đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai.

Thoạt nhìn, các phụ huynh TP Hồ Chí Minh hẳn vô cùng yên tâm với việc đi học của con cái mình. “Mô hình tiên tiến” có vẻ vô cùng hợp lý vì trường công từ bao năm qua luôn “thua” trường tư ở việc các con học tiếng Anh kém hơn, ít được thực hành, kỹ năng sống, ngoại khóa… Thêm vào nữa, việc gia tăng khoản thu còn có thể giúp cho các giáo viên trường công tăng thêm thu nhập để đảm bảo theo nghề. Nhìn thực tế ở nhiều trường công không nổi tiếng hoặc ở các khu lao động vùng ven, chắc chắn ai nấy đều thở dài vì vật giá leo thang nhưng học phí thấp khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề, lũ trẻ đi học thiếu thốn đủ điều. Chúng ta ai nấy cũng đều mong trường công nào cũng sẽ áp dụng “mô hình tiên tiến” để đảm bảo công bằng giáo dục cho mọi đứa trẻ. Chỉ là nếu “mô hình tiên tiến” chỉ khởi chạy được bằng việc tăng phí thì dường như “chát” quá với những gia đình nghèo.

Muốn con học giỏi, cha mẹ phải có tiền

12,3% cha mẹ có thu nhập cao sẽ cho con đi học tại trường dân lập, tư thục. Chỉ có 1,3% cha mẹ thu nhập thấp lựa chọn tương tự. Gánh nặng tài chính là lý do mà nhiều cha mẹ lựa chọn trường công thay vì các trường dân lập hoặc tư thục. Khi mà chi phí cho giáo dục tại trường công theo khảo sát mức sống dân cư năm 2020 là 6,1 triệu đồng/năm trong khi trường dân lập là khoảng 25,3 triệu đồng/năm và tư thục là 17,8 triệu đồng/năm. Chi phí bình quân trên đầu người cho giáo dục năm 2012 là 4.082.000 đồng, 2014 tăng thêm khoảng 10% (4.557.000 đồng), 2020 đã là 7.075.000 đồng. Việc học hành ngày càng đắt đỏ. Con cái càng lớn, học càng cao thì chi phí cho giáo dục cũng tăng lên. Là còn chưa kể những chi phí khác như học thêm, giáo cụ sách vở…

Vẫn biết rằng để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như gia tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống cho hàng triệu giáo viên thì không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Và đó cũng là lý do mà không chỉ TP Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành khác cũng đã bắt đầu với các mô hình trường công lập tự chủ tài chính, theo đó, mức học phí, đóng góp cao hơn để tái đầu tư cho hệ thống giáo dục. Các phụ huynh có khả năng chi trả cao hơn, con cái sẽ được học ở những ngôi trường tốt hơn. Đó cũng là quy luật thị trường mà giáo dục khó lòng đứng ngoài.

Chỉ là trong cuộc nâng cao chất lượng giáo dục này, lại thêm nhiều người bị bỏ lại phía sau. Số tiền hỗ trợ cho người sinh con thứ 2 là 9 triệu đồng nhưng không thấm tháp vào đâu với quá trình lớn lên của đứa trẻ đó, khi những đứa trẻ đi học sẽ ngày càng ít cơ hội tiếp cận với những ngôi trường giá rẻ nếu như đâu đâu người ta cũng nói về trường công chất lượng cao.

Ngay tại Hà Nội, mỗi năm khi bước vào cuộc đua lớp 10, nhiều phụ huynh đã buộc phải cho con theo trường nghề nếu con họ không giành được suất học trường công. Như con số của năm 2022 tại Hà Nội, 129.000 học sinh thi vào 10 chỉ có 77.000 chỗ ngồi ở trường công. 52.000 học sinh sẽ không thể đỗ trường công, 27.000 học sinh trong số đó có thể vào các trường tư thục hoặc dân lập nhưng phải chịu mức học phí cao. Việc lựa chọn hệ Giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề nhiều khi không chỉ do học sinh đó học kém, không đỗ được trường công mà còn là cha mẹ không đủ tài chính cho con theo học các trường tư.

Khi mà định kiến giáo dục vẫn coi trẻ không đỗ được vào 10 là những đứa trẻ thất bại thì lựa chọn trường nghề hay giáo dục thường xuyên trở thành tổn thương đầu đời của những đứa trẻ 15 tuổi. “Giá như bố mẹ em giàu có hơn…”, đó là tâm sự của nhiều học sinh trượt lớp 10 trường công. Từ bao giờ, giáo dục bị gắn với tiền bạc như thế, trong suy nghĩ của nhiều đứa trẻ 15 tuổi?

Vấn đề càng trở nên căng thẳng hơn ở cấp đại học khi nhiều đứa trẻ phải từ bỏ con đường học tập vì không thể kiếm được học bổng mà cha mẹ lại không đủ tài chính. Tất nhiên, chúng ta vẫn luôn nói rằng: Đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. Nhưng hầu hết những cơ hội việc làm lại luôn có dòng ghi chú: Tốt nghiệp đại học. Thậm chí, nhiều công việc ở các cơ quan nhà nước, không có bằng đại học là cấm cửa, có vào được cũng không có cơ hội thăng tiến.

Công bằng giáo dục, con đường còn... xa?

Việc nâng cao chất lượng giáo dục luôn là trăn trở của Chính phủ, các ban ngành liên quan đến giáo dục. Việc làm sao để giữ chân và nâng cao chất lượng giáo viên cũng vậy. Nhất là việc sụt giảm số sinh viên thi vào Sư phạm những năm gần đây. Những trăn trở đó quay đi quay lại cũng lại là vấn đề tiền bạc. Giống như Y tế, nhưng Y tế còn có bảo hiểm y tế, Giáo dục lại không có được như vậy dù ngân hàng vẫn rộng mở cho những khoản vay cho giáo dục, nhiều hỗ trợ vay nhưng dường như chưa chạm được đến người nghèo.

Hôm trước, trên trang cá nhân của mình, tôi có “đùa” rằng: Nếu cứ đà nâng cao chất lượng giáo dục bằng thu phí cao, lẽ chúng ta phải tổ chức học bổng cho cả cấp mầm non, khi mà nhiều gia đình vẫn đau đầu chuyện cho con đi học trường nào chỉ phải đóng ít tiền thôi. Từ cấp mầm non đã vậy, nhiều người nghèo dù biết chất lượng của những nhóm trông giữ trẻ tự phát là rất kém, thậm chí con của mình có thể bị bạo hành, nhưng họ không có lựa chọn nào khác. Hay đơn cử với sách giáo khoa, không còn cơ hội “anh truyền em nối” như xưa, sách của thằng anh để lại con em không dùng được nữa, dù chúng chỉ cách nhau 3 năm, 4 năm.

Tôi không có ý oán thán giáo dục Việt Nam trong bài viết này mà chỉ muốn cùng nhau mổ xẻ lại vấn đề. Làm sao để không có ai bị bỏ lại phía sau như tinh thần của Chính phủ. Nên chăng chúng ta cần kêu gọi nhiều hơn từ sự đóng góp của xã hội thay vì đánh vào các phụ huynh? Nâng cao chất lượng giáo dục không chỉ bằng việc thu phí cao mà phải là sự đóng góp trách nhiệm xã hội từ các doanh nghiệp, hoặc hệ thống bảo hiểm giáo dục tương tự bảo hiểm y tế?

Nhìn những khoản lợi nhuận mà nhiều công ty bất động sản công bố, tôi mừng vì ngân sách Nhà nước có thêm những khoản thu lớn nhưng vẫn chạnh lòng khi chỉ 20% trong số đó được chi cho giáo dục, 80% trong số 20% ngân sách là cho xây dựng cơ bản, tỉ lệ chi cho trang thiết bị còn thấp. Vẫn biết rằng 20% ngân sách nhà nước là con số lớn nhưng dường như nó vẫn chưa chẳng thấm vào đâu, và đấy là lý do ngày càng nhiều trường công phải tự chủ kinh tế để tồn tại chăng?

Đến bao giờ chúng ta sẽ nói với nhau về giáo dục mà không phải thở dài: Tiền đâu?

Hoàng Anh Tú
.
.