Người Myanmar loay hoay sinh tồn sau động đất

Chủ Nhật, 13/04/2025, 09:37

Hai tuần sau trận động đất kinh hoàng 7,7 độ richter làm rung chuyển miền Trung Myanmar, cuộc chạy đua với thời gian tìm kiếm người còn sống mắc kẹt bên dưới những đống đổ nát đang dần kết thúc. Với hàng triệu người Myanmar, cuộc đua mới lúc này là nhanh chóng đưa thi thể những người thiệt mạng ra ngoài và đương đầu với cảnh thiếu nơi ở, thiếu thức ăn, nước uống và thuốc men...

Kiệt sức ngóng tin người thân

Bụi đã lắng xuống, gạch đá từ hàng ngàn tòa nhà lớn nhỏ bị đổ sập do trận động đất xảy ra hôm 28/3 được dọn gọn để mở đường cho xe cộ ở thành phố Mandalay và các khu dân cư khác trên khắp miền Trung Myanmar. Sau 2 tuần, các đội cứu hộ Myanmar và quốc tế làm nên nhiều kì tích khi cứu sống hàng chục người kẹt nhiều ngày dưới các đống đổ nát, đôi khi bằng tay không và dụng cụ thô sơ.

Neeraj Singh, người đứng đầu nhóm tình nguyện viên Ấn Độ, hiện đang làm nhiệm vụ tìm kiếm ở Học viện Phật giáo, nơi nghi có hàng chục người mất tích, cho biết, công trình này đổ sập lên nhau như một chiếc "bánh kếp". "Cơ hội tìm thấy người sống thấp, nhưng chúng tôi vẫn giữ hy vọng", ông nói.

Người Myanmar loay hoay sinh tồn  sau động đất -0
Không có nước sạch, người dân Myanmar tắm và sinh hoạt bên bờ sông sau động đất.

Làm việc dưới nắng gắt với nền nhiệt vượt 40 độ C, Singh và đồng nghiệp dùng máy khoan phá các tấm bê tông thành những mảnh nhỏ hơn rồi chuyển chúng ra ngoài. Đây là công việc chậm chạp và tốn nhiều sức. Cuối cùng, khi các tấm bê tông được cẩu lên, không có dấu hiệu nào của người sống ở đó mà chỉ có mùi tử thi nồng nặc. Họ tìm thấy 5 thi thể, nhưng phải mất thêm nhiều giờ mới có thể lần lượt đưa ra ngoài.

Ngồi cách hiện trường vài chục mét, trong một chiếc lều tạm, các gia đình học viên trông ngóng về hướng lực lượng cứu hộ. Họ hiểu rằng, sau nhiều ngày, khả năng sống sót của những người mất tích không còn, nhưng ít nhất họ có cơ hội nhận lại thi thể người thân. Mỗi khi một thi thể được đưa ra ngoài, họ chạy lại, cố gắng chen chân để nhìn tận mắt. Do bị va đập mạnh trong động đất, không phải ai cũng có thể nhận dạng bằng mắt thường. Ông U Hla Aung, một trong số những người có mặt tại đó, nói với BBC rằng, con trai U Thuzana 29 tuổi của ông đang làm bài kiểm tra trong học viện khi động đất xảy ra và khả năng cao đã qua đời. "Tôi rất buồn, đau đớn khôn nguôi khi cuộc đời con trai kết thúc như thế này", ông nói. Lực lượng cứu hộ chưa tìm được thi thể U Thuzana.

Sau nhiều năm xung đột và bất ổn, Myanmar thiếu trang thiết bị và chuyên môn cho các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn quy mô lớn. Ngay sau khi động đất xảy ra, chính quyền quân sự ở Myanmar kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp. Một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia gửi hàng trăm chuyên gia cứu hộ cùng vật tư tới Myanmar hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ; nhiều tổ chức quốc tế trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đã triển khai nhân viên cứu trợ và hỗ trợ điều trị người bị thương, trong khi các nước khác gửi hàng hóa và tiền. Nhưng, các chuyên gia lo ngại, với mức độ ảnh hưởng quá nặng nề, chừng đó hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là không đủ để giúp Myanmar ứng phó. Ngoài ra, động đất đã làm sập một cây cầu đường sắt và một cây cầu đường bộ trên cao tốc Yangon-Mandalay, đồng thời làm đứt gãy nhiều tuyến đường quan trọng khác, khiến việc vận chuyển thiết bị gặp nhiều khó khăn.

Theo Reuters, chưa có thống kê về việc có bao nhiêu tòa nhà bị phá hủy bởi động đất, nhưng gần như mọi tuyến đường ở thành phố Mandalay - lớn thứ hai Myanmar - đều có ít nhất một tòa nhà bị đổ sập hoàn toàn. Một số tuyến phố có hàng loạt công trình chỉ còn là đống đổ nát. BBC mô tả: "Mandalay từng được biết đến là thành phố vàng bởi ở đó có những ngôi chùa lấp lánh và di tích Phật giáo, nhưng không khí ở cố đô của Myanmar giờ đây nồng nặc mùi xác chết". Số lượng người mất tích cũng rất khó thống kê chính xác, bởi nhiều người mắc kẹt bên dưới lớp bê tông dày nhiều mét cùng cả gia đình.

Người Myanmar loay hoay sinh tồn  sau động đất -0
Tòa nhà ở Myanmar đổ sập như "bánh kếp", vùi lấp nhiều người.

Ngồi thất thần chờ đợi nhiều ngày liên tiếp, đối diện công trình xây dựng 5 tầng bị đổ sập trên một con phố vắng người qua lại ở Mandalay, bà Nan Sin Hein, 41 tuổi, tin rằng, con trai 21 tuổi của bà đang mắc kẹt bên dưới đó và vẫn còn sống. Bà hy vọng có ai đó sẽ đến giúp bà tìm con. "Nếu hôm nay họ có thể bắt đầu giải cứu, biết đâu nó được cứu sống", bà nói. Theo BBC, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đội cứu nạn sắp được triển khai đến công trình này, bởi khu vực ảnh hưởng quá rộng, còn nhân lực cứu nạn thì quá ít và họ vẫn đang vất vả làm việc tại những địa điểm khác.

Không nhà cửa, không thức ăn và nước uống

Do các đợt dư chấn, nhiều tòa nhà không đủ kiên cố tiếp tục sập xuống và số người chết vẫn tăng lên từng giờ, còn những người may mắn sống sót không dám trở về nhà mà ngủ lại trên đường phố hoặc trên bãi cỏ công viên. Cả thành phố Mandalay sống trong thấp thỏm, bởi kể từ 28/3, đêm nào cũng có dư chấn lớn xảy ra. "Tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Tôi vẫn sợ khi nhớ lại khoảnh khắc động đất", bà Daw Khin Saw Myint, 72 tuổi, đang đứng xếp hàng chờ nhận nước cứu trợ cùng cháu gái nhỏ, nói. "Chúng tôi chạy được ra ngoài nhưng nhà sập hết. Nơi tôi sinh sống bây giờ là một tán cây".

Trong khi đó, tại bệnh viện thành phố Mandalay, hàng chục bệnh nhân không có phòng bệnh mà nằm rải rác trên cáng hoặc các tấm bìa các tông ngay trên bãi đỗ xe gần cổng vào. Tình hình lúc này không còn lộn xộn như ngay sau động đất, nhưng bác sĩ Kyaw Zin tại bệnh viện này thừa nhận, những người bị thương vẫn đang được chuyển đến viện dù không đủ bác sĩ để chăm sóc họ. "Đến tăm bông cũng sắp hết", bác sĩ Zin nói trên tờ New York Times.

Theo số liệu được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra cách đây ít ngày, 20 triệu người Myanmar, trong đó có hàng triệu trẻ em, tương đương 1/3 dân số, đã cần viện trợ nhân đạo trước trận động đất. Tình thế lúc này khó khăn hơn nhiều, do hầu hết cơ sở hạ tầng bị hư hại. Tại vùng gần tâm chấn Sagaing, do cây cầu vượt sông kết nối với thị trấn này sập vì động đất, hành trình từ Mandalay tới Sagaing thường chỉ tốn 45 phút thì nay mất cả một ngày, khiến hàng cứu trợ khó chuyển tới tay người dân.

Một số xe tiếp tế đã xuất hiện ở Mandalay hoặc Sagaing nhưng đều là xe tải nhỏ, hàng hóa có hạn, thường do cá nhân hoặc tổ chức địa phương quyên góp. Và, vì số lượng không đủ nên thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng tranh giành. France24 nói rằng, nhiều người chờ đợi nửa ngày để nhận thức ăn và nước uống cứu trợ, nhưng đôi khi họ được phát chỉ vài gói café và một hộp thuốc chống muỗi, những thứ vốn không thể khiến họ bớt đói.

Người Myanmar loay hoay sinh tồn  sau động đất -0
Lực lượng cứu hộ Ấn Độ tìm kiếm tại một tòa nhà bị sập ở Myanmar.

Trevor Clark, quan chức khu vực của UNICEF, cảnh báo, ngoài khủng hoảng lương thực, các cơ quan nhân đạo còn cần sớm bố trí nguồn lực để chăm lo sức khỏe cho những người phải di dời. Các bệnh lây truyền qua nước đang là mối đe dọa gia tăng ở Myanmar vì hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Trong khi đó, nhiều nhóm nhân đạo còn kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar khôi phục liên lạc và Internet trên khắp đất nước để "mọi người có thể phối hợp hoặc kêu gọi viện trợ".

Sau một vài sự cố với các hoạt động cứu trợ, chính quyền quân sự Myanmar từ ngày 3/4 đã tuyên bố tạm đình chỉ hoạt động quân sự chống lại các nhóm vũ trang đối lập, mở đường để các tổ chức nhân đạo trong nước và quốc tế mở rộng hoạt động. Nhân chuyến thăm Myanmar, Tổng Thư ký LHQ Guterres đã hoan nghênh động thái nêu trên và khẳng định LHQ sẽ "tiếp tục thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ cứu hộ cho người dân Myanmar tới chừng nào họ còn cần". Ông đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tạm gác bất đồng và tìm mọi cách để hỗ trợ người dân Myanmar vượt qua khủng hoảng.

Nguyễn Viết
.
.