Người lớn đau đầu – Trẻ con đau đáu

Thứ Ba, 02/11/2021, 10:37

Ba đứa trẻ nhà tôi vừa hoàn thành xong kỳ thi giữa kỳ 1. Online, tất nhiên. Hai đứa lớn năm nay học lớp 10, toàn bạn mới toanh nhưng chỉ biết mặt nhau trên màn hình. Kết nối gần như bằng 0. Qua nửa học kỳ nhưng có bạn vẫn như chưa có bạn. Đúng kiểu bạn bè qua mạng ngày xưa vậy.

Đứa út nhà tôi thì chiều nào cũng nhớ giờ tan học, cả đám kéo nhau lên đồi vọng cảnh. Ở cái tuổi đang căng trào năng lượng, bé út nhà tôi giờ chỉ tha thẩn chơi một mình. Lũ trẻ đã mất một phần tuổi thơ vì COVID.

Phụ huynh giữa muôn trùng vây

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội bắt đầu lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi. Hai đứa lớn mừng lắm (dù cả hai đều có hội chứng sợ tiêm). Con bé út thì mới 11 tuổi và nó khóc. Vì anh chị thì được đến trường. Với những đứa trẻ nhạy cảm, đó là một sự thiếu công bằng. Những đứa trẻ trên 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine nhưng liệu có được đến trường như bình thường hay sẽ tách lớp vì giãn cách, học chia ca, luân phiên? Bao giờ chúng có thể được như xưa? Lũ trẻ đang đau đáu là vậy.

Người lớn đau đầu – Trẻ con đau đáu -0

Người lớn thì đau đầu. Hồi hôm khi tôi viết một bài đăng trên trang cá nhân: Đi học an toàn hay chờ an toàn rồi mới đi học? Tôi bị nhiều phụ huynh giận dữ khi tôi bày tỏ quan điểm: Đi học an toàn chứ đừng chờ an toàn rồi mới đi học. Nhiều phụ huynh nói tôi “đem sinh mạng của con ra thử nghiệm”. Rằng tôi là một ông bố chả ra gì. Nhiều phụ huynh gửi tôi những đường link bài báo về việc một vài trường học ở Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An có ca nhiễm khiến nhiều học sinh bị lây. Và bảo: Đấy! Trắng mắt ra chưa? Nhiều phụ huynh thì tuyên bố luôn: Con tôi thà đúp 1 năm còn hơn mất mạng vì COVID. Mặc dù các số liệu công bố tại TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều ca bệnh tử vong vì COVID nhất cả nước thì chỉ có 13 trẻ tử vong, chiếm 0,01% và tất cả đều là những bé ung thư, có bệnh lý nền nguy hiểm. Nhưng, cha mẹ vẫn sợ hãi. Dù số trẻ tử vong vì đuối nước mỗi năm ở Việt Nam là hơn 2.000, lớn hơn cả số trẻ mắc COVID. Nhưng, sợ thì vẫn cứ sợ. Con vàng con bạc.

Người lớn đau đầu. Không cho con đến trường, con học online cũng được. Nhưng rồi học online cũng xảy ra lắm thứ khiến người lớn đau đầu hơn. Từ việc cha mẹ phải đi làm, để con ở nhà một mình cũng nan giải. Nhất là vừa rồi 2 trường hợp trẻ tử vong khi học online. Trường hợp 1 là bé cắm điện và bị giật. Trường hợp 2 là do vừa cắm sạc, vừa học khiến cháy nổ. Khi mà hầu hết các gia đình không có điều kiện để sắm điện thoại mới, laptop mới, các con học bằng điện thoại cũ thải hồi từ cha mẹ, laptop đã qua sử dụng mua với giá rẻ hay được tặng bởi các chương trình thiện nguyện từ nguồn xin, mua máy tính cũ, điện thoại cũ. Người lớn còn đau đầu hơn nữa với số trẻ bị rối loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc đang tăng lên mỗi ngày khi chúng không được ra đường lâu ngày. Rồi chưa kể việc tiếp xúc màn hình máy tính, điện thoại trong thời gian dài. Những cạm bẫy nguy hiểm trên mạng khi mà cha mẹ bận công việc không kiểm soát được, không để mắt đến việc xem gì của các con. Trùng trùng bủa vây, đáng lo hơn cả virus nCov.

Lũ trẻ cần được sớm đến trường

Tôi vẫn cho rằng lũ trẻ cần được đi học an toàn chứ không phải chờ an toàn rồi mới đi học. Là cá nhân tôi, với 3 đứa con của mình. Còn con của mọi người, xin phép, tôi không quyết định được. Chắc chắn sẽ có nhiều trẻ không được đến lớp khi phụ huynh của chúng chưa thấy an toàn.

Tôi không đem con mình ra đặt cược với COVID mà tôi nghĩ các con mình cũng nên bắt đầu học cách thích ứng với cuộc sống có dịch bệnh. Bởi tương lai của chúng, rất có thể, thế giới còn rất nhiều biến động, bất trắc khác. Tôi không thể đi theo, bảo vệ suốt đời chúng được. Chúng cần học cách thích ứng. Bắt đầu từ việc tôi vẫn giao các con xuống nhà nhận đồ ship hoặc đi mua cái này cái nọ xung quanh khu tôi ở. Việc ra đường không quên đeo khẩu trang, khử khuẩn hoặc chậm lại một chút, nhẫn nại chờ thang máy vắng người hơn, không chạm tay vào các bề mặt, vật dụng. Đến cả việc tháo khẩu trang đúng cách. Giữ khoảng cách với các shipper, nhận đồ sau khi khử khuẩn hoặc khử khuẩn sau khi cầm đồ... Là hiểu các nguy cơ và phòng bị trước các nguy cơ thay vì sợ hãi chúng. Vẫn biết không thể 100% nhưng ít nhất chúng đều có khả năng nhận diện nguy cơ, xử lý các nguy cơ có thể xảy ra. Là tôi cùng con xây dựng các luồng xanh an toàn, di chuyển xanh.

Tôi nghĩ, khi chúng tới trường cũng sẽ vậy. Học cách di chuyển xanh, hạn chế tiếp xúc gần. Lũ trẻ cần được chia nhỏ thay vì tập trung, để khoanh vùng, tạo ra các vùng xanh, kiểm soát việc di chuyển để bóc tách và truy vết chính xác mỗi khi xảy ra sự cố không mong muốn. Một trẻ bị F0 sẽ truy vết và bóc tách đúng lớp đó, tổ đó, vùng xanh bị đỏ đó. Lũ trẻ có thể được chia ca, học lệch giờ thay vì các buổi tập trung. Có thể ăn tại chỗ thay vì ăn tập trung. Có thể ra chơi lệch nhau thay vì chuông reo, cả đám túa ra. Hình thành thói quen di chuyển kiểu bong bóng COVID, hạn chế việc lũ trẻ tập trung, chia làn đường đi. Xây dựng tính kỷ luật học đường cũng là cách tạo cho lũ trẻ mai này tham gia giao thông sẽ văn minh hơn cha mẹ chúng. Học cách ngăn nắp và tuân thủ. Tạo ra các quy trình an toàn khi ở trường, ở lớp. Như, đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, nước uống riêng biệt, rửa tay thường xuyên...

Như, trong bộ tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra, 100% các giáo viên đều đã được tiêm 2 mũi, có nhân viên y tế, có phòng cách ly, phòng y tế, tư vấn tâm lý học đường... Có các kịch bản dùng cho việc xử trí trường hợp ho, sốt, khó thở hoặc nghi ngờ mắc COVID tại trường.

Việc cho lũ trẻ học thích ứng an toàn trong trường học thật sự là một “môn học” bổ ích. Nhà trường sẽ giúp lũ trẻ của chúng ta hiểu biết sâu hơn, rõ hơn về COVID thay vì nghe nỗi sợ của cha mẹ hay những fake news rỉ tai trong chính lũ học trò. Hiểu về COVID để không kỳ thị bạn bè mắc COVID, có người nhà từng mắc COVID. Không sợ COVID và không bị virus kiểm soát cuộc sống của mình. Chúng hiểu và chúng sẽ học cách thích ứng an toàn như một kỹ năng để mai này nếu thế giới xảy ra bất cứ một bệnh dịch nào chúng đều có kinh nghiệm để xử trí.

Mà muốn vậy, xin hãy bắt đầu từ chính chúng ta, các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo. Hãy coi COVID như một cơ hội để giúp lũ trẻ trưởng thành. Là còn chưa kể COVID suốt 2 năm qua với hàng trăm câu chuyện có thể đưa vào bài học cuộc sống, bài thi và những câu chuyện để lũ trẻ chia sẻ cho nhau. COVID đâu chỉ là những khuôn mặt, câu chuyện gớm ghiếc, COVID còn là những cuộc vượt qua nghịch cảnh, những bài học thấm thía về tình người về lý tưởng về trách nhiệm và về cả việc chúng ta thay đổi thế nào để thích ứng với nó. Như câu chuyện tích lũy mà tôi vẫn chia sẻ với con mình, câu chuyện về tiết kiệm chi phí mùa dịch và cả cách chúng tôi tìm niềm vui tự thân trong mùa giãn cách. Mỗi cha mẹ, thầy cô đều có hàng chục câu chuyện thú vị, tích cực để chia sẻ với con mình về cái con COVID này, hãy biến nó thành vốn sống cho con.

Bạn có như tôi, sẵn sàng cùng con thích ứng an toàn với cuộc sống có dịch?

BỘ TIÊU CHÍ CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI

Trước khi học sinh đến trường:

1. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học (thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch).

2. Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường và tình hình dịch bệnh tại địa phương.

3 và 4. Toàn bộ học sinh, giáo viên và nhân viên khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường.

5. Vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón theo hướng dẫn của ngành y tế.

6. Xây dựng đội ngũ nhân viên y tế trường học, thành lập phòng cách ly, phòng y tế và tổ chức tư vấn tâm lý học đường.

7. Tuyên truyền, tập huấn cho học sinh, cán bộ, giáo viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh, đồng thời xây dựng phương án xử trí trường hợp có sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 tại trường.

Khi học sinh đến trường:

8. Đo thân nhiệt cho toàn bộ học sinh, giáo viên và nhân viên trước khi vào lớp.

9. Tổ chức đón và giao nhận học sinh mầm non và tiểu học tại cổng trường.

10. Đảm bảo giãn cách trong và ngoài lớp học, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại trường.

11. Khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh sau mỗi lần đưa đón; đeo khẩu trang trong thời gian ở trường.

12. Bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng phòng dịch cần thiết khác cho buổi học tiếp theo.

13. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong trường.

Khi học sinh kết thúc buổi học:

14. Toàn bộ học sinh, giáo viên duy trì giãn cách, đeo khẩu trang từ trường về nhà.

15. Đảm bảo toàn bộ học sinh mầm non, tiểu học được giao nhận đầy đủ.

Mỗi tiêu chí sẽ được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạt. Nếu đáp ứng 11 tiêu chí trở lên, trong đó 4 tiêu chí 4, 5, 10 và 11, các trường được đánh giá thực hiện tốt, trường học an toàn và đủ điều kiện đón học sinh trở lại.

Trường hợp đạt 8-10 tiêu chí, trong đó 4, 5, 10 và 11, trường học ở mức độ thực hiện khá, trường học an toàn. Những trường này được phép hoạt động và đón học sinh trở lại nhưng sẽ được kiểm tra định kỳ để cải thiện tiêu chí chưa đạt.

Nếu chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, các trường bị đánh giá chưa thực hiện tốt, không an toàn và không được hoạt động.

Hoàng Anh Tú
.
.