“Người được, kẻ mất” giữa cơn bão giá USD
Những biến động mạnh mẽ trên thị trường tài chính toàn cầu trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump khiến giá đồng USD sụt giảm nhanh so với rổ tiền tệ quốc tế. Đã có ý kiến cảnh báo tình thế hiện nay sẽ thách thức vị thế thống trị kéo dài nhiều thập kỷ của đồng bạc xanh, nhưng cũng nhiều chuyên gia coi đây là sự tái cân bằng của danh mục đầu tư toàn cầu.
Đồng USD yếu, nhưng khó thay thế
Các nhà kinh tế học lâu nay đồng thuận rằng, đồng USD thường mạnh lên khi Mỹ công bố hàng rào thuế quan, bởi nó làm giảm nhu cầu bên trong nước Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu và phục hồi cán cân thương mại. Tuy nhiên, 3 tháng từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức và ban bố chính sách thuế quan, điều ngược lại xảy ra: trị giá đồng bạc xanh của Mỹ sụt giảm gần 10% so với rổ tiền tệ quốc tế, mức sụt giảm đáng kể nhất từng được ghi nhận từ năm 2022. Chỉ số USD Index đã giảm từ 108,1 điểm (ngày 20/1) xuống 98,4 điểm (ngày 21/4).
Trong đó, tỷ giá giữa USD/yen Nhật giảm từ 155 yen đổi 1 USD ngày 20/1 thành 142 yen đổi 1 USD ngày 21/4; tỷ giá giữa USD/euro sụt giảm từ 0,96 euro đổi 1 USD còn 0,88 euro đổi 1 USD. So với giá đồng franc Thụy Sĩ, một trong những tiền tệ an toàn bậc nhất thế giới, đồng USD mất giá từ 0,91 franc đổi 1 USD còn 0,82 franc đổi 1 USD. Cá biệt, đồng ruble của Nga thậm chí tăng giá hơn 40% so với USD tính từ đầu năm 2025, nguyên nhân là bởi căng thẳng Mỹ - Nga hạ nhiệt và việc Moscow không nằm trong danh sách các nước bị Mỹ áp thuế.

Đồng USD không chỉ là tiền tệ đơn thuần, nó là công cụ quyền lực của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, USD thống trị các giao dịch xuyên biên giới và vai trò “nơi trú ẩn an toàn” cho các quốc gia và nhà đầu tư. Số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, hơn 57% dự trữ ngoại tệ trên toàn cầu là bằng đồng USD.
Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương cho hay, USD chiếm 54% các hóa đơn xuất khẩu của thế giới; 60% các khoản vay, tiền gửi quốc tế; 70% trái phiếu quốc tế. Trong giao dịch ngoại hối, 88% giao dịch có liên quan đến USD. Vị thế đó cho phép Washington vay giá rẻ, chi tiêu mạnh và áp đặt trừng phạt tài chính lên các nước. Ví dụ, Mỹ có thể sử dụng sức mạnh của USD để ngăn cản các nước như Venezuela hay Iran tham gia phần lớn các giao dịch quốc tế, vốn có hàng hóa niêm yết bằng đồng USD.
CBSNews dẫn lời các nhà kinh tế gọi đó là “đặc quyền quá mức” (exorbitant privilege) - thứ mà không có quốc gia nào khác trên thế giới đạt được bằng tiền tệ. Mỹ hiện nợ công hơn 36.000 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP. “Hầu hết các nước có nợ trên GDP như vậy sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn và lý do duy nhất khiến chúng ta thoát khỏi nó là thế giới cần đồng USD để giao dịch”, Benn Steil, một nhà kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói.
Có nhiều nguyên nhân được viện dẫn cho sự suy yếu của USD lần này. Một trong những lý do thường xuyên được đề cập nhất thời gian qua là những lo ngại gia tăng về khả năng suy thoái kinh tế khi căng thẳng thương mại leo thang vì thuế quan. Tuy nhiên, giới chuyên gia hàng đầu khẳng định, đây không đơn thuần là phản ứng của thị trường đối với vấn đề thuế mà nó là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng về việc họ không thể dự báo các chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ, từ quản lý nợ công, lạm phát hay tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trong đó, các chuyên gia đã không thể dự báo mức thuế đối ứng cao mà Tổng thống Trump công bố. Họ cũng không thể dự báo việc liệu ông có hoãn áp đặt chúng hay không và sẽ áp đặt chúng trở lại vào thời điểm nào, mức độ ra sao. Cũng có ý kiến lo ngại Tổng thống Trump sẽ buộc FED giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế ngay cả khi làm như vậy có nguy cơ gây ra lạm phát phi mã.
Theo Wall Street Journal, đồng USD mất giá cùng thời điểm các nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu và trái phiếu kho bạc Mỹ. Tờ này cho biết, các nhà đầu tư trước đây mua cổ phiếu, trái phiếu Mỹ với niềm tin rằng, đó là tài sản trú ẩn an toàn và Mỹ sẽ đi nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong hồi phục kinh tế. Bây giờ họ không cảm thấy như thế nữa. Và khi bán tài sản bằng USD, các nhà đầu tư sẽ chuyển chúng thành tài sản ở một đồng tiền khác, khiến giá của chúng tăng lên so với USD.
“Sau một thập kỉ đổ vốn vào thị trường tài chính Mỹ, mọi người giờ đây tìm kiếm nơi khác”, James Lord, giám đốc toàn cầu về chiến lược ngoại hối tại Morgan Stanley nói. Tờ CBSNews trích báo cáo của ngân hàng Deutsch Bank tin rằng, những diễn biến gần đây cho thấy, “đặc tính trú ẩn an toàn của đồng USD đang bị xói mòn” và cảnh báo về “cuộc khủng hoảng niềm tin”.
Tờ FinancialTimes thì cho hay, đã có những ý kiến cho rằng, sự suy yếu của USD, việc các nhà đầu tư rút lui và chính sách kinh tế khó lường của Mỹ có thể khiến vị thế dự trữ của đồng USD chấm dứt. Tuy nhiên, tờ này dẫn lời các nhà kinh tế hàng đầu nhận định, dù USD mất giá, nó sẽ không thể bị thay thế trong tương lai gần vì thế giới chưa có đồng tiền nào thay thế khả thi, còn USD thì đã “ăn” quá sâu vào cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Reuters bình luận, những gì đang xảy ra với đồng USD là dấu hiệu cho thấy sự tái cân bằng của danh mục đầu tư quốc tế, bởi các nhà đầu tư đã quá tập trung vào tài sản của Mỹ trong 10 năm qua. Ví dụ, thị phần Mỹ trong chỉ số thị trường chứng khoán MSCI World đã tăng từ 48% vào năm 2010 lên 73% vào năm 2025.

Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?
Về mặt lý thuyết, giá USD yếu có thể giúp các công ty sản xuất của Mỹ được hưởng lợi, vì giá sản phẩm của họ rẻ hơn nếu quy đổi ra đồng tiền khác. Khi đó, hàng hóa Mỹ có sức cạnh tranh tốt hơn ở cả trong nước và nước ngoài. Nếu hàng hóa Mỹ bán được nhiều hơn, thâm hụt thương mại sẽ giảm xuống - điều chắc chắn khiến Tổng thống Trump rất hài lòng. New York Times cho biết, Mỹ nhập khẩu 4.100 tỷ USD hàng hóa nước ngoài năm 2024 và xuất khẩu 3.200 tỷ USD. Năm 2024, Mỹ là nước xuất khẩu nhiều hàng hóa thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc với hơn 3.500 tỷ USD và nhiều gấp rưỡi Đức, quốc gia xuất khẩu thứ ba với gần 2.000 tỷ USD hàng hóa bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, lợi thế đó có thể bị suy giảm lập tức nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới can thiệp sâu hơn vào đồng tiền tệ của họ để tránh nguy cơ biến động giá của USD tác động tiêu cực vào nền kinh tế. Ngoài ra, cũng có khả năng các nước sẽ tăng thuế với hàng hóa Mỹ để trả đũa biện pháp thuế quan, khiến sức mua chung suy giảm và không có doanh nghiệp nào được hưởng lợi. Các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng khẳng định sẽ trả đũa thuế quan Mỹ nếu đàm phán không thành công; còn Trung Quốc đã áp thuế tương ứng thuế của Mỹ, dấy lên nguy cơ căng thẳng thương mại bùng phát nghiêm trọng hơn.
Một tác động khác của việc USD suy yếu là giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng. Rất nhiều mặt hàng trong số đó không có doanh nghiệp Mỹ nào sản xuất và người Mỹ sẽ vẫn phải mua hàng ngoại. Cộng với thuế quan mới, hầu hết người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn để mua rượu vang Pháp, ô tô Đức, điện thoại Hàn Quốc hay đồ chơi Trung Quốc. Giá tăng, sức mua hàng ở Mỹ sẽ suy giảm, tác động mạnh đến các doanh nghiệp toàn cầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Với người Mỹ thích du lịch nước ngoài, đồng tiền của họ sẽ đổi được ít tiền địa phương hơn, tức sẽ chi tiêu được ít hơn. Tiếp theo, niềm tin vào đồng USD sụt giảm sẽ khiến lãi suất vay tiêu dùng và vay thế chấp mua nhà hoặc mua ô tô tăng vọt, khi các tổ chức tài chính buộc phải tăng mức bù rủi ro.
Đối với các nước phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu nói chung, trong ngắn hạn, USD yếu đồng nghĩa họ phải trả ít hơn cho các sản phẩm thiết yếu như lúa mỳ và dầu thô. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát tại các nền kinh tế này. Ví dụ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cùng nhiều nước khu vực đồng euro đang dựa vào hàng hóa nhập khẩu sẽ hưởng lợi. Các nước nợ bằng USD cũng lợi hơn khi thanh toán nợ.
Bên cạnh đó, dù chưa thể thay thế hoàn toàn đồng USD, giới quan sát tin rằng, biến động giá bất thường của USD giữa lúc căng thẳng thương mại leo thang sẽ thúc đẩy các nước tìm kiếm giải pháp hạn chế sử dụng USD trong giao dịch quốc tế mà họ tham gia. Khối BRICS gồm Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Nam Phi từ nhiều năm qua nỗ lực giảm sự chi phối của đồng USD với kinh tế toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc hiện chủ yếu sử dụng đồng nội tệ để mua dầu khí Nga, mua bán nông sản với Brazil và thậm chí giao thương một loạt mặt hàng với Hàn Quốc - đồng minh gần gũi của Mỹ ở châu Á. Trung Quốc cũng đang cho phép các ngân hàng trung ương rất cần tiền mặt ở Argentina, Pakistan và các quốc gia khác vay bằng đồng NDT thay thế USD.