Người đàn bà bán nước mắt... lấy tiền

Thứ Năm, 30/09/2021, 21:50

Cách đây 3 năm, người đàn bà ấy đã từng live stream tuyên bố rất hùng hồn: "Cả đời chúng mày sẽ không làm gì nổi tao... Cả đời tao sống bằng cái tâm lương thiện nên tao đố chúng mày lật mặt được tao... Nếu tao lừa đảo, các con tao sẽ...", khi bị một nhóm bóc phốt lợi dụng việc làm từ thiện để chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm.

Nhưng cuối cùng thì ả ta lừa đảo thật, không những lừa đảo mà còn là trùm lừa đảo lưu manh thuộc vào hàng quái dị. Ả tên là Đỗ Thị Kim Ngân, thường được  gọi là Ngân "gốm", SN 1985, trú xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Bị cả làng tẩy chay 

Đó cũng là thú nhận rất thật của Ngân "gốm" trong cơn say với một vài người bạn của ả. Ngân "gốm" bị cả làng Bát Tràng tẩy chay, ghét bỏ. Ngay từ những ngày đầu tiên ả thường xuyên live stream trên mạng xã hội khoe rằng mình có tới 12 cửa hàng ở làng gốm Bát Tràng, là một nghệ nhân, chỉ có ả mới có thể chế tác ra những sản phẩm bát đĩa, cốc chén mạ vàng, nạm ngọc, tượng Phật phát quang tinh vi mà không một ai ở làng Bát Tràng có thể làm được.

Người đàn bà bán nước mắt... lấy tiền -0
Ngân "gốm" có rất nhiều chiêu trò trên mạng ảo.

Rằng đồ gốm ở Bát Tràng thì còn nguyên chì nhưng chỉ có ả là có máy khử chì nên sản phẩm của ả sẽ rất an toàn. Người dân Bát Tràng nghe xong thì cười khẩy, người nào cục tính thì buông lời chửi thề "đồ mất nết". Bởi vì, không cần phải là người dân Bát Tràng mà những người tinh ý một chút cũng có thể nhận ra những tượng Phật phát quang mà Ngân nói do chính tay mình làm, thực chất là tượng Phật chạy bằng pin nhập từ Trung Quốc, giá rẻ bán theo cân, nhưng vào tay Ngân, qua những lời uốn éo hoa mĩ của ả ta, giá trị bị đẩy lên gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, nếu bán hàng fake tự nhận là mình làm, rồi sau khi nhận tiền trả hàng đầy đủ cho khách thì cùng lắm người mua cũng chỉ vớ phải một món hàng tồi mà thôi, nhưng đằng này, có nhiều trường hợp ả không trả hàng cũng không trả lại tiền, khi khách yêu cầu trả tiền là chặn luôn Facebook, zalo, thậm chí live  stream chửi khách luôn và dựng lên một câu chuyện khác hẳn với bản chất sự việc.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rõ về ả vẫn bị mê hoặc bởi những lời gian xảo và vẫn tin theo, tung hê Ngân "gốm" như một "thánh sống" trong việc làm từ thiện cứu người. Mỗi ngày, Ngân dành ra 5 đến 6 tiếng đồng hồ để live stream, nhưng là mượn cửa hàng người khác, hình ảnh sản phẩm của các cửa hàng khác, để lừa mọi người là cửa hàng của mình.

Các cửa hàng nổi tiếng ở Bát Tràng đếm trên đầu ngón tay, khi Ngân live stream, hình ảnh của nhà nào nhà đó nhận ra ngay, nên Ngân cũng chỉ có thể la liếm một hai lần rồi lại phải mò sang nơi khác.

Cho đến khi người dân ở đây không chịu được nữa, cấm tiệt không cho ả bén mảng đến cửa hàng của mình thì Ngân đành phải rời làng ra đi, sau khi đã chửi bới, thách thức và xảy ra nhiều trận cãi vã với nhiều chủ cửa hàng gốm nơi đây. Ả thuê một căn hộ bên Ecopark và tiếp tục sự nghiệp lừa đảo của mình.

Lừa... bất chấp

Không chỉ lừa bán hàng gốm nhập từ Trung Quốc nhưng nói rằng do chính tay mình làm ra như bát đĩa, tượng Phật, lợn đất... ả lừa bất cứ món hàng nào mà ả tìm kiếm được trên mạng cũng như ghé thăm cửa hàng nào đó rồi chụp trộm sản phẩm của người ta và nhận là của mình. Ngân "gốm" đánh vào lòng tham của nhiều người là được mua hàng xịn giá rẻ nên có người thậm chí từ nước ngoài cũng gửi tiền về mua hàng. Từ đồng hồ, máy giặt, bàn ghế đến xe máy... món nào ả cũng lừa, miễn là ra tiền. Ả rao bán chiếc xe ôtô của... người khác với giá vài chục triệu, rao bán chiếc xe SH của... người khác với giá 15 triệu, với lý do rất hợp lý là ra nước ngoài định cư nên thanh lý hết. Nếu chưa từng biết về Ngân thì ai cũng tin, vì lúc nào ả cũng xuất hiện trên mạng với hình thức ảo tung chảo. Vỏ hào nhoáng ấy đã dụ dỗ được nhiều con mồi.

Người đàn bà bán nước mắt... lấy tiền -0
Ngân "gốm" được cộng đồng mạng đặt cho những cái tên như "Thánh sống online", "Bồ tát phe ke"....

Sau khi nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng, Ngân "gốm" lập tức chặn Facebook, zalo, khiến khách hàng không có cơ hội đôi co chứ đừng nói đi tìm ả ở đâu để đòi tiền. Rất nhiều người bị lừa số tiền một vài triệu đã tặc lưỡi bỏ qua, nhưng cũng có những người số tiền bị lừa lên đến hàng trăm triệu nên đã gửi đơn tố cáo. Đó là lý do vì sao Ngân "gốm" đã bị bắt giữ để phục vụ cho việc điều tra của Công an. Ngay trong ngày đầu tiên bị bắt, Ngân "gốm" đã thừa nhận hành vi lừa đảo của mình đúng như nội dung các đơn tố cáo với chiếm đoạt số tiền khoảng 300 triệu đồng của những người này.

Một trong những bị hại của Ngân "gốm" là anh L (ở tỉnh Đắk Lắk). Theo trình báo của anh L, tháng 9/2020, qua mạng xã hội, anh thấy tài khoản facebook của Ngân đăng bán bộ bàn ghế bằng gỗ trắc và chiếc đồng hồ Rolex với giá 150 triệu đồng. Theo thỏa thuận, anh L chuyển tiền trước cho Ngân. Ả ma mãnh nhắn lại cho anh L xác nhận là đã nhận đủ tiền và hàng hóa đã cho lên xe container để chuyển vào Đắk Lắk.

Nhưng, làm gì có chuyến hàng nào, hình ảnh đồng hồ và bộ bàn ghế đều là do ả lấy trên mạng để lừa anh L. Đợi chờ nhiều ngày mà vẫn không nhận được hàng, anh L yêu cầu Ngân trả lại tiền thì ngay lập tức ả thách thức chửi bới nạn nhân. Câu nói quen thuộc của Ngân là "chúng mày thích thì cứ đi mà kiện, tao chấp hết".

Nghe tin Ngân bị bắt, nhiều người là nạn nhân của ả đã tới tấp làm đơn gửi Công an. Có những người từ nước ngoài cũng gửi đơn về. Tuy nhiên, con số thực tế có bao nhiêu người bị Ngân "gốm" lừa có lẽ không thể đếm hết được.

 "Thánh sống" online

Kể về Ngân "gốm" thì cả làng Bát Tràng đều nắm rõ tiểu sử của ả này một cách tường tận. Ngân học hết lớp 12 rồi lấy chồng. Chồng Ngân là người cùng làng Bát Tràng, sau khi sinh hai đứa con thì vợ chồng ả sang Angola lao động, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là về nước rồi vợ chồng Ngân bỏ nhau. Trong một lần lên Sapa chơi, Ngân đã gặp cậu bé khuyết tật A Sủng bên đường. Như con sói vớ được con mồi ngon, ngay lập tức Ngân live stream kêu gọi quyên góp tiền từ thiện. Thấy Ngân đưa cậu bé về Hà Nội, rất nhiều người đã gửi tiền cho cậu bé nhưng thực tế, Ngân chỉ nộp đúng 10.000.000 viện phí ban đầu, còn sau đó bệnh viện đã chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho cậu bé này. 

Nhưng đồng tiền kiếm được cũng rất dễ ra đi. Bản chất Ngân "gốm" là một kẻ có lối sống phóng túng, chơi bời sa đọa. Lúc nào ả cũng nói rằng mình là mẹ đơn thân nuôi hai con, nhưng ả chơi bời, nốc rượu như nước lã, có lần Ngân lái xe trong tình trạng say xỉn, vừa khóc lóc vật vã vừa live stream ở Sapa, khiến Công an phải can thiệp. Đã từng có một bài báo viết về Ngân đăng trên một trang báo điện tử, nhưng khả năng cao để đánh bóng bản thân, và đây chính là phương tiện để Ngân lừa đảo khách hàng, nhiều người cảm phục khi nhìn tấm gương mẹ đơn thân chèo lái nuôi hai con, đã liên tục mua hàng "giá rẻ" của Ngân và liên tục nhận về những cái kết đắng.

 Trong quá trình tìm hiểu về ả đàn bà hành nghề lừa đảo này, chúng tôi đã được tiếp cận với một người khuyết tật. Anh tên là Hà, ở Nghệ An. Trường hợp của anh Hà cũng giống hệt trường hợp A Sủng. Tức là trong mỗi live stream của mình, Ngân luôn đưa anh Hà ra để câu like, câu nước mắt, câu tiền của mọi người. Nhưng anh Hà sớm nhận ra bản chất lừa đảo của Ngân nên tìm cách bỏ của chạy lấy người. Anh nói rằng, dù rất cần tiền nhưng anh không thể chịu nổi sự lừa đảo trắng trợn của Ngân khi nghe ả nói: "Bát Tràng tẩy chay chị rồi, lấy hàng đâu mà bán. Không nhập Trung Quốc thì lấy ở đâu, thằng nào ngu mua phải thì chịu". Khi biết anh Hà không hợp tác, không lợi dụng được nữa, Ngân "gốm" lên mạng chửi rủa hạ nhục, sỉ vả, đe dọa. Ả dùng những lời lẽ hết sức cay nghiệt, thậm chí xúc phạm cả người thân như vợ con anh Hà. Quá sức chịu đựng, anh đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan Công an.

Những kẻ như Ngân "gốm" được cộng đồng mạng đặt cho những cái tên hết sức mỉa mai là "Thánh sống online", "Bồ tát phe ke". Ngân "gốm" bị bắt đúng thời điểm trend "sao kê" được nhắc khắp các diễn đàn, các kênh mạng xã hội, ám chỉ việc làm từ thiện có dấu hiệu không minh bạch của nhiều người, không chỉ riêng nghệ sĩ. Nó như một tín hiệu cảnh báo đến những người sử dụng mạng xã hội cần phải cảnh giác hơn với những chiêu trò kiếm tiền bằng "nghề" làm từ thiện của những kẻ luôn rao giảng đạo lý mà lại luôn dương tính với "mai thúy”. 

Đinh Hiền
.
.