Ngành nickel khủng hoảng vì… xe điện
Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).
Khi đó, các nhà đầu tư đều phân tích rằng thế giới bắt đầu chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe chạy điện, nickel sẽ trở thành thứ khoáng sản mang tầm chiến lược. Nhưng thực tế hiện tại hoàn toàn trái ngược với những toan tính trên. Giá nickel trên thị trường quốc tế đang trượt dốc không phanh, nguồn cung dư thừa trong khi không tìm được đầu ra. Chính phủ nhiều quốc gia gấp rút phê chuẩn gói vay hỗ trợ khẩn cấp cho các tập đoàn khoáng sản trên bờ sụp đổ.
Nhìn nhận khủng hoảng
Nickel được chia làm hai phẩm: nickel hạng A (nguyên chất hơn) dùng để sản xuất thép không gỉ, và hạng B dùng để sản xuất pin Ni-Li. Indonesia là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, nhưng họ chủ yếu xuất khẩu nickel hạng B. Phải đến mấy năm trở lại đây các công ty khoáng sản ở quốc gia này mới áp dụng trên diện rộng phương pháp HPAL nhằm biến nickel hạng B thành hạng A.
Họ ngâm nickel trong axit sulfuric dưới áp suất cao, sau đó tách nickel nguyên chất từ dung dịch thu được. HPAL đang giúp Indonesia tăng trưởng giá trị nickel xuất khẩu của họ lên hơn 150%/ tấn. Đấy là chưa kể những dự án đầu tư hàng trăm triệu USD vào Indonesia của các tập đoàn nước ngoài như Daewoo, Samsung, Huawei, v.v... nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu ở nước này.
Tuy nhiên việc nguồn cung nickel hạng A tăng quá nhanh trong thời gian quá ngắn đang kéo giá nickel trên thị trường thế giới xuống với tốc độ chóng mặt. Sau thời gian đạt đỉnh giá, hiện nay giá nickel chỉ còn dao động quanh mức 26.000 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Macquarie thì 60% các doanh nghiệp tham gia khai thác và sản xuất nickel trên toàn cầu đang gặp thua lỗ nghiêm trọng. Ông Bruno Paulson, chuyên gia quản lý đầu tư của ngân hàng Morgan Stanley, cho biết: “Giá nickel hoàn toàn có thể chạm “đáy” 15.500 USD/tấn trong quý 2 sắp tới”.
Cùng chung ý kiến này là ông Tom Price, Giám đốc bộ phận chiến lược hàng hóa của Ngân hàng đầu tư Liberum (Anh) cho rằng: “Nickel đang nằm trong số những hàng hóa rủi ro nhất trên thị trường vào lúc này. Đại đa số các nhà sản xuất nickel đang tìm cách đóng cửa mỏ và nhà máy luyện kim để chờ đến lúc tình hình tốt lên. Vấn đề là việc tái khởi động sản xuất bao giờ cũng gây ra chi phí rất lớn, nên các công ty khai khoáng quả thật đang ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Úc và New Caledonia (Pháp) đang chịu tác động mạnh nhất từ việc giá nickel sụt giảm. Tại Úc đã có đến 6 mỏ nickel bị đóng cửa tạm thời kể từ tháng 12/2023. Các tập đoàn khoáng sản lớn như BHP tuyên bố họ chỉ còn đủ tiền để trả lương cho thợ mỏ bị nghỉ việc cho đến hết tháng 4/2024. Dưới áp lực của nghiệp đoàn thợ mỏ và hiệp hội khoáng sản, Chính phủ Úc mới đây đã đưa nickel vào nhóm khoáng sản mang tầm chiến lược quốc gia. Đây là tiền đề để ngành khoáng sản Úc tiếp cận quỹ hỗ trợ khẩn cấp trị giá 4 tỷ AUD của quốc gia này. Khoảng 400 triệu AUD trích từ quỹ này sắp hoàn thành quá trình giải ngân dưới dạng các gói vay khẩn cấp cho doanh nghiệp.
Tình hình còn nghiêm trọng hơn ở New Caledonia. Vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp này có ba mỏ nickel lớn thuộc về ba tập đoàn khác nhau: Eramet (Pháp), Glencore (Thụy Sỹ) và Prony (New Caledonia). Cả ba mỏ đều ngừng sản xuất, khiến cho khoảng 8.000 lao động mất việc làm. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, ba tập đoàn trên sẽ cần ít nhất 1,5 tỷ Euro tiền hỗ trợ để tránh khỏi cảnh phải “tháo chạy” hoàn toàn khỏi New Caledonia. Paris sẵn sàng chu cấp một phần số tiền trên, nhưng họ muốn các công ty khoáng sản ký vào thỏa thuận chung nhằm cải tổ ngành nickel New Caledonia với mục tiêu thu hút thêm nhà đầu tư. Đến thời điểm này việc đàm phán giữa các bên vẫn đang gặp bế tắc.
Đổ vỡ giấc mơ
Đầu tháng 4/2024, Trung Quốc và Indonesia lần lượt tuyên bố sẽ cắt giảm ít nhất 100.000 tấn quặng nickel khai thác trong năm nay. Tính đến hết quý I/2024, hai quốc gia này đã cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 230.000 tấn, hạ nguồn cung nickel trung bình xuống còn 94% so với cùng kỳ. Nỗ lực như vậy vẫn chưa đủ để đạt được mức giá 18.000 USD/ tấn nickel mà Bắc Kinh và Jarkata đang hướng tới.
“Cơn sốt” nickel một thời đã đem lại lợi nhuận khủng cho các tập đoàn khoáng sản toàn cầu, nhưng nó cũng khiến những khách hàng của họ đi tìm giải pháp thay thế nickel. Câu trả lời nằm ở pin lithi-sắt-phosphat (LFP). Đa phần xe hơi chạy điện ở Phương Tây sử dụng pin lithi-nickel-cobalt (Li-NCA). Pin Li-NCA có khả năng sinh điện tốt và kích thước nhỏ gọn, nhưng giá thành mua nguyên liệu rất cao mà nguồn cung lại không ổn định. Mặt khác phản ứng hóa học trong pin Li-NCA tạo ra khí oxy, mà khi oxy gặp phải hỗn hợp nickel-colbalt thì rất dễ xảy ra cháy nổ.
Về hiệu năng thì pin LFP kém hơn hẳn so với Li-NCA, nhưng giá thành sản xuất LFP cũng rẻ hơn, mà pin cũng không chứa khí oxy nên sử dụng an toàn hơn. Điểm mạnh lớn nhất của pin LFP là số lần sạc lại được nhiều hơn trước khi bị chai pin so với Li-NCA.
Pin LFP được sáng chế từ sự hợp tác của các nhà khoa học Trung Quốc và Pháp tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. Bắc Kinh hiện hướng đến tầm nhìn sử dụng 100% pin LFP trong các loại xe điện (tỷ lệ hiện nay là 70%). Tesla là nhà sản xuất ô tô điện đầu tiên ngoài Trung Quốc sử dụng pin LFP, nhưng các đối thủ cạnh tranh của họ như Toyota, Renault và Hyundai đều đã công bố kế hoạch sản xuất xe chạy pin LFP.
Sự phổ biến của pin LFP ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu và giá bán nickel trên thị trường toàn cầu. Tháng 10/2021, giá nickel đã giảm nhẹ khi Chính phủ Trung Quốc công bố một số chính sách ưu đãi sản xuất và sử dụng pin LFP. Giá nickel chỉ phục hồi và tăng mạnh sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra khiến Tập đoàn Norilsk Nickel (nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới) của Nga gặp khó khăn trong việc hoàn thành các đơn hàng. Bây giờ thì “nút thắt” đó đã được tháo gỡ nhờ sự hợp tác giữa Moscow, Bắc Kinh cùng chính phủ nhiều nước Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ.
Tương lai nào cho nickel?
Chính phủ Indonesia đang “đau đầu” vì bài toán nickel. Một ý tưởng được ông Subianto, tổng thống vừa đắc cử của Indonesia, đề xuất là thành lập một khối “OPEC” của các nước sản xuất nickel. Kế hoạch này có thể thành hiện thực nếu Indonesia thuyết phục được Philippine (nhà xuất khẩu nickel lớn thứ hai) và Nga (thứ ba).
Cuộc khủng hoảng nickel một mặt giống như “gáo nước lạnh” cho tham vọng của nhiều quốc gia. Từ hơn 10 năm trở lại đây, sự mở rộng của ngành sản xuất điện tử và xe năng lượng sạch đã đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ các loại khoáng sản như nickel và đất hiếm. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Indonesia, Úc, New Caledonia,... nuôi tham vọng sử dụng nguồn tài nguyên của họ để vực dậy nền kinh tế sau những cuộc khủng hoảng liên tiếp trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21. Họ không thể ngờ rằng sự phát triển khoa học và thay đổi trong nhu cầu tiêu thụ của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng lại có thể khiến một thị trường triển vọng “tụt dốc” nhanh như vậy.
Nhu cầu tiêu thụ nickel dự báo có thể phục hồi phần nào trong cuối năm nay, nhưng theo nhiều chuyên gia thì kể cả trong trường hợp khả quan nhất, giá bán nickel cũng khó vượt ngưỡng 16.000 USD/tấn. Mức giá này không thể đáp ứng các đòi hòi trả lãi những khoản vay mà nhiều chính phủ, doanh nghiệp khoáng sản đã dùng để đầu tư một cách “quá đà”. Điều mà các bên có liên quan cần làm nhất vào lúc này là tìm được cho mình một chiến lược cắt giảm sản lượng nickel hay thậm chí là từ bỏ hẳn loại mặt hàng này để giảm thiểu tổn thất.
Một loại khoáng sản khác có khả năng rơi vào khủng hoảng tương tự như nickel là rhodi. Bởi vì nhu cầu về bộ chuyển đổi xúc tác cho xe hơi tăng mạnh nên giá bán rhodi cũng đã tăng gần 50 lần kể từ năm 2016 đến nay và hiện đứng ở mức 4.715 USD/ounce. Tuy nhiêu giữa lúc ngành sản xuất xe hơi thế giới có nhiều biến động tiêu cực, hoàn toàn có khả năng thứ kim loại quý hiếm này sẽ sớm chứng kiến một sự sụt giảm giá bán đáng kể.