Ngành du lịch châu Âu vật vã trong lửa đỏ
Du lịch châu Âu đã hoạt động trở lại bình thường khi những hạn chế phòng dịch hoàn toàn dỡ bỏ. Nhưng, những cơn "sóng nhiệt" lại đang đẩy ngành kinh tế này vào cuộc khủng hoảng mới.
Mùa hè "điên rồ"
Đầu tháng 6/2023, Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) công bố một khảo sát cho thấy hơn 70% số người Trung Quốc được hỏi coi châu Âu là điểm đến du lịch đường dài yêu thích nhất của mình. Trong đó, có 50% nói rằng họ sẽ đến châu Âu trong mùa hè này. Con số này áp đảo hơn nhiều so với 32% số người chọn du lịch trong nước. Với các thị trường lớn khác như Brazil, Canada, Mỹ và Australia, số khách chọn châu Âu để đi du lịch trong hè này cũng dao động từ 36-52%, lớn hơn hẳn những lựa chọn khác. Những con số đơn giản, nhưng cho thấy sức hấp dẫn của du lịch châu Âu vẫn còn nguyên vẹn.
Khi những hạn chế bị dỡ bỏ hoàn toàn và mùa hè đến, du lịch châu Âu lại trở về với guồng quay vốn có. Nhiều công ty du lịch Mỹ thông báo 100% tour du lịch mùa hè đã được bán hết ngay trong tháng 6. Thậm chí, hơn 90% những tour đặt trước trong năm 2023 đã kín chỗ, và các công ty này đã phải lên kế hoạch sớm cho năm 2024. Theo nhà cung cấp bảo hiểm du lịch Allianz, số lượng người Mỹ đi du lịch châu Âu vào mùa hè này dự kiến sẽ tăng 55% so với năm ngoái, cao hơn 600% so với "năm đại dịch" 2021. London, Paris, Dublin, Barcelona và Rome đứng đầu danh sách điểm đến của người Mỹ trong năm nay, tất cả đều nằm ở châu Âu.
Đồng USD tăng giá, thúc đẩy du khách Mỹ "chịu chi" hơn khi chọn đến châu Âu. Cùng với đó, trào lưu "du lịch trả thù", sử dụng khoản tiền tiết kiệm từ đại dịch khiến cho du khách Mỹ không quan tâm đến giá vé tăng cao trong mùa cao điểm. Mức chi tiêu của khách du lịch Mỹ tại Italy cho mua sắm hàng miễn thuế tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm 2019. Đây chính là "mùa hè bùng nổ" mà giới chức du lịch châu Âu đã cảnh báo từ năm 2022, khi những giới hạn phòng dịch được dỡ bỏ. Nhu cầu khổng lồ khiến giá cả tăng mạnh. Trang web theo dõi chuyến bay Hopper cho biết: Giá vé máy bay từ Mỹ đến châu Âu đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Theo đó vé khứ hồi đến lục địa này hiện có giá trung bình hơn 1.200 USD, cao hơn khoảng 300 USD so với năm 2022, và tăng 26% so với trước đại dịch vào năm 2019.
Tương tự, giá phòng khách sạn cũng tăng mạnh. Theo Tạp chí kinh doanh du lịch Mỹ (AEGBT), giá phòng ở Paris tăng 10% so với năm trước, cùng với Stockholm (9%) và Dublin (8,5%) là những thành phố có mức tăng bình quân cao nhất. Các sản phẩm dịch vụ du lịch khác cũng tăng trung bình 10% so với mùa hè 2021 và 2022. Dẫu vậy, Jenn Rice, một nhà báo chuyên về du lịch, khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng ở Palermo vào đầu tháng 6 đã mô tả sự đông đúc ở đây là "hoàn toàn điên rồ", với khách du lịch "tràn ra đường như thể đó là lễ hội Mardi Gras".
Dẫu vậy, giá cả đắt đỏ vẫn là lực cản ngành du lịch châu Âu phục hồi. Lượng khách lớn từ Trung Quốc và châu Á nói chung vẫn chưa quay trở lại. Khủng hoảng năng lượng và lạm phát khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 10/2022 tới nay, khi giá nhiên liệu tăng, ước tính chi phí du lịch ở châu Âu đã tăng từ 12-40% so với thời điểm năm 2019. Chính vì thế, dù mùa hè này lượng khách muốn quay trở lại châu Âu là cực lớn, nhưng cũng mới bằng 80% so với thời điểm trước khi đại dịch diễn ra.
Nắng nóng thiêu đốt ngành du lịch
Hằng năm, cứ đến mùa hè, một lượng lớn du khách đổ dồn về khu vực Địa Trung Hải để tránh nóng. Nhưng năm nay một "thảm họa" thực sự lại đang diễn ra tại khu vực hoạt động du lịch sôi động nhất thế giới này, bởi nhiệt độ tăng cao khiến nhiều du khách phải hủy kế hoạch du lịch hoặc điều chỉnh hành trình.
Từ cuối tháng 6, những cơn sóng nhiệt hoành hành đã liên tục đẩy nhiệt độ ở nhiều khu vực lên tới 40°C. Tại Italy, người dân được khuyến cáo "chuẩn bị cho đợt nắng nóng gay gắt nhất mùa hè và cũng là một trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất mọi thời đại". Bộ Y tế nước này đã đưa ra "cảnh báo đỏ" với 16 thành phố, trong đó có các điểm du lịch nổi tiếng như Rome, Bologna và Florence.
Hy Lạp, đất nước "sống bằng du lịch", vừa trải qua một "thảm họa" đích thực. Cháy rừng bùng phát ở đảo Rhodes khiến du khách phải tháo chạy khỏi khách sạn, nhiều du khách miêu tả như bị "rơi từ trên thiên đường xuống địa ngục". Hòn đảo du lịch nổi tiếng thường đón 150.000 du khách (dù dân số chỉ có 125.000 người), trong 2 ngày 23-24/7 đã phải sơ tán 19.000 du khách khẩn cấp để tránh cơn bão lửa. Ngoài đảo Rhodes, các đảo Evia, Aigio và Corfu cũng phải đối mặt với các đám cháy. Giới chức Hy Lạp đã ra lệnh sơ tán người ở một số khu định cư trên đảo bằng đường biển.
Ở những khu vực khác, tình hình cũng không khả quan hơn. Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan và Đức cũng đang hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè năm nay khi nhiệt độ cao hơn mức trung bình trong lịch sử. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đảo Sicily được dự đoán có thể hứng chịu nhiệt độ lên đến 48°C (mức cao nhất từng ghi nhận ở châu Âu). Cơ quan Khí tượng Italy đã đặt tên cho đợt nắng nóng hiện tại là Cerberus, tên con quái vật canh giữ cổng địa ngục trong thần thoại Hy Lạp, để mô tả mức độ khủng khiếp của thảm họa này.
Theo dữ liệu mới nhất của ETC, số người dự định đi du lịch đến khu vực Địa Trung Hải trong nửa cuối năm nay đã giảm 10%. Đây là điều bất thường, vì mùa du lịch mới chỉ bắt đầu. Nắng nóng kéo dài đã làm thay đổi trải nghiệm của du khách. Tình trạng du khách bị say nắng, say nóng dẫn đến ngất xỉu xảy ra ở nhiều nơi. Một du khách tới từ Anh khi đi du lịch ở Ý mùa hè này đã phải thốt lên rằng "Quá nóng để làm bất kỳ điều gì".
Chính quyền thành phố Rome đã phải thiết lập các trạm làm mát với lều phun sương, nước miễn phí gần các địa điểm tham quan, để ngăn ngừa những vấn đề phát sinh do nắng nóng. Hạn hán kéo dài tại Tây Ban Nha còn khiến các khu du lịch phải thực hiện tiết kiệm nước. Chính quyền Barcelona đã phải đóng các vòi tắm tráng trên bãi biển Lloret de Mar. Thành cổ Acropolis, điểm hút khách du lịch hàng đầu ở thủ đô Athens, Hy Lạp, đã liên tiếp phải đóng cửa từ 15/7 vào khung giờ nắng nóng buổi chiều để giữ an toàn cho khách.
Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy: 7,6% số du khách khẳng định thời tiết là mối quan tâm lớn nhất đối với các chuyến đi châu Âu thời điểm này. Một làn sóng dịch chuyển du lịch từ phía Nam lên phía Bắc vào mùa hè đã xảy ra, khi các nước Bắc Âu trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn hơn, nhờ thời tiết mát mẻ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ hoạt động du lịch của các quốc gia ở Nam Âu, nơi mà nguồn thu từ du lịch đóng vai trò quan trọng. Nếu như ngành du lịch của EU chiếm khoảng 10% GDP của cả khối thì với khu vực Nam Âu, con số còn lớn hơn. (Tây Ban Nha là 12,5%, Italy là 13%, còn Hy Lạp là 15%). Khi nhu cầu của du khách thay đổi, ngành du lịch tại khu vực này sẽ bị ảnh hưởng, tác động xấu tới nền kinh tế nói chung.
Ngành du lịch châu Âu có trị giá 2.000 tỷ euro, với mức tăng trưởng dự báo 3,2%/ năm, nhờ rất nhiều vào lợi thế khí hậu mát mẻ. Nhưng, biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết vốn thân thiện sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Một nghiên cứu công bố năm 2019 dự báo rằng khí hậu ở Madrid vào năm 2050 sẽ không khác gì thành phố Marrakesh của châu Phi, London sẽ giống với Barcelona và Stockholm sẽ giống Budapest. Những đợt nóng có thể "giảm sự cuốn hút trong dài hạn hoặc ít nhất sẽ làm giảm nhu cầu du lịch trong mùa hè", theo nhận định của Dịch vụ tư vấn Moody's.
Một số nhà nghiên cứu đã dự báo ảnh hưởng khác nhau với các nền kinh tế. Trong viễn cảnh thế giới nóng lên 4 độ C, ngành du lịch ở các đảo của Hy Lạp có thể giảm 9%, trong khi ngành du lịch ở xứ Wales trong cùng viễn cảnh có thể tăng 16%. Trong tháng qua, số lượt tìm kiếm trên mạng các điểm du lịch ở Bắc Âu bởi những người sống ở Nam Âu đã tăng mạnh, đặc biệt khu vực Ireland ghi nhận mức tăng lên đến 1.000%.
Ông Tom Jenkins, Giám đốc Hiệp hội Du lịch châu Âu, tự hỏi: "Liệu ngành du lịch có phải thay đổi trước hành vi của khách hàng không?". Tuy nhiên, rất khó thay đổi một ngành dịch vụ lớn như vậy. "Về cơ bản, các bên vẫn chưa sẵn sàng", chính ông Jenkins thừa nhận.