Ngăn chặn “bão choai choai”
Nếu có phép thuật “xuyên không”, ngược dòng thời gian về quá khứ sẽ thấy học sinh rủ nhau đạp xe tới nhà cô giáo chúc mừng, tặng hoa ngày 20/11. Quà tặng cô thường là túi cam. Lại cũng thấy cô giáo thường đạp xe tới thăm nhà học sinh để biết gia cảnh. Sự tương tác thật thân tình, nhân văn.
Trở lại thế kỷ 21, hỏi các con về địa chỉ giáo viên chủ nhiệm thì phần lớn các con không biết nhà cô giáo ở đâu. Dễ hiểu thôi. Ngày nay, nhà trường giao tiếp với từng phụ huynh bằng email và nhóm Zalo. Việc phản ảnh qua lại xảy ra hàng ngày qua internet nên cô giáo và học trò ít khi biết địa chỉ thật.
Nếu có sự tương tác thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hãy xem đoạn hội thoại sau.
Thầy giáo gõ cửa nhà học sinh và hỏi người đàn bà mở cửa: Chị có phải mẹ của cháu Nguyễn Văn A phải không?
Nữ phụ huynh: Thưa thầy đúng ạ. Có việc gì không thầy?
Thầy giáo: Con trai chị liên tục không làm bài tập, nên tôi cần bàn với gia đình…
Nữ phụ huynh: Trời đất ơi! Thầy dạy thế nào con tôi lại không làm bài tập?
Thầy giáo: Tôi muốn cùng gia đình phối hợp giáo dục…
Nữ phụ huynh: Thưa thầy, việc nào cũng phải phân minh ạ. Gia đình thì nuôi dưỡng, còn nhà trường thì giáo dục. Ở nhà thì cháu nó cũng không làm việc nhà mà tôi có gặp thầy để yêu cầu thầy hợp tác đâu…
Tất nhiên trên đây chỉ là đoạn hội thoại giả tưởng mang tính châm biếm nhưng có lẽ cũng không xa rời thực tế. Chúng ta không lạ gì việc phụ huynh phó mặc nhà trường việc giáo dục con cái. Khi có chuyện gì lại trách nhà trường không tròn trách nhiệm. Thậm chí một số phụ huynh cực đoan còn tìm mọi cách cho con cái du học sớm để thoát khỏi môi trường giáo dục mà họ cho là lạc hậu. Tất nhiên không phải phụ huynh nào cũng chiều con nhưng họ bất lực trước sự ngang bướng của lứa tuổi “thể hiện”.
Người ta bảo bố mẹ làm gương thì con sẽ ngoan, nhưng gương sáng cũng chưa chắc được con cái soi. Có những phụ huynh gia giáo mẫu mực mà vẫn có đứa con “rạch trời rơi xuống”. Có những sếp chỉ huy đơn vị cả ngàn người nhưng bó tay khi chỉ huy đứa con của mình. Nhiều khi không biết bố chỉ huy con hay con chỉ huy bố.
Thí dụ quy định không giao xe máy cho con ở tuổi vị thành niên dường như chưa bao giờ tồn tại. Các cậu ấm cô chiêu vẫn phóng xe ầm ầm như đi chỗ không người.
Nhà ngay gần trường nhưng không mua cho xe máy thì cháu không đi học. Cháu bỏ học cho ba ngày thì phụ huynh xanh mặt. Không giao xe thì cháu lăn ra đành đạch, bỏ ăn bỏ uống, gớm hơn là bỏ nhà đi bụi. Giao xe thì lành ít dữ nhiều mà không giao thì cháu nó hành cho phụ huynh khốn khổ, sống không bằng chết. Nhiều cháu về nhà thì một thưa hai dạ nhưng ra đường lại thành “anh đại”, “chị đại”, cưỡi xe máy, cầm tuýp sắt, phóng lợn, khua đại đao quét đường tóe lửa.
Người viết bài từng chứng kiến cặp đôi nam nữ phóng SH “thông chốt” còn phanh xe lăng mạ tổ công tác với lời lẽ rất vô giáo dục, rồi rú ga phóng mất dạng. Trên vỉa hè có những nơi chuyên phục vụ ăn khuya, biển quảng cáo là “bún tổ”, “phở tổ”… chính là để phục vụ những tổ lái này đi bão đêm.
Ngày 3/11/2024, sau 0 giờ, một đoàn đua xe tự phát đã tông vào cô Q, 27 tuổi đang dừng chờ đèn đỏ ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hà Nội), khiến cô tử vong. Quái xế là nữ tuổi teen bày tỏ ân hận nhưng đã quá muộn. Người đã mất thì không thể sống lại. Biện pháp nào răn đe có hiệu quả? Tịch thu xe? Các cháu chỉ dùng xe của người khác và không có tiền. Tuổi của dân tổ lái hầu hết là vị thành niên nên những biện pháp thẳng tay cách ly xã hội có thể để lại những hệ lụy lâu dài. Vấn đề phải giải quyết từ gốc là gia đình. Giáo dục luật giao thông không phải chờ tới tuổi teen mà phải là bài học từ bố mẹ, trò chơi từ mẫu giáo, tiểu học.
Hà Nội lập nhiều chốt công tác liên ngành thiết lập trật tự an toàn giao thông, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh nên tệ nạn đua xe đã giảm đi đáng kể. Người dân thấy tổ công tác là yên lòng. Không ai có thể nói được trước những cuộc đua xe tự phát. Siêu bão Yagi có thể dự đoán được chứ bão tự phát của đám choai choai này thì khó mà phát hiện kịp thời. Phụ huynh hay nói cháu còn trẻ dại chưa biết gì nhưng thực ra các cháu cũng chỉ giả vờ ngây ngô.
Đám tổ lái vẫn đối phó bằng cách lập ra các nhóm chat trên mạng xã hội để báo cho nhau biết mà né sớm. Thí dụ trang nhóm “Thông chốt báo chốt 24/7”, “Hội hóng chốt, tránh chốt 141”… luôn cập nhật các khu vực có tổ liên ngành. Các cháu nhắn nhau: Ngã tư A có “tạch tạch”, gần bệnh viện B có “vợt muỗi”… Có thành viên còn đăng ảnh Google map đánh dấu các vị trí để mở đường thoát chốt.
Với đám choai choai, xử lý nhẹ thì không xong mà nặng thì không nỡ, thành ra có hiện tượng “giơ cao đánh khẽ”. Gần đây, nhiều cơ quan cho cán bộ, nhân viên viết giấy cam kết không vi phạm nồng độ cồn là đáng mừng. Sẽ là đáng mừng không kém nếu phụ huynh và nhà trường cũng phải viết giấy cam kết không giao xe máy cho các con ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.