Muôn màu cuộc mưu sinh nơi đảo xa

Chủ Nhật, 29/10/2023, 08:01

Tôi ngồi thật lâu trên cảng Bến Đầm, nhìn những con tàu chở hàng rẽ sóng tiến về phía mình. Trên cầu tàu, ánh đèn đã bật sáng, biển quấn quýt ôm lấy từng số phận con người. Không khí cửu vạn cũng hối hả cho kịp chuyến hàng đêm…

1. Tôi thuê chiếc xe máy, một mình chạy dọc con đường độc đạo đẹp như một dải lụa nối thị trấn Côn Sơn (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về cảng Bến Đầm. Biển xanh màu ngọc bích, sóng vỗ ầm ào táp vào chân kè trắng xóa, tôi như nghe thấu khúc tráng ca vượt ngục của những cựu tù kiên trung từ bao năm trước vọng về núi đá khi dừng chân bên đài tưởng niệm. Bia đá nằm tựa lưng vào núi, quay mặt ra biển, trầm mặc với thời gian, ghi dấu sự kiện bi thương của lịch sử nhà tù Côn Đảo.

Đêm 12/12/1952, sau thời gian dài chuẩn bị, 198 tù nhân chính trị đã lên xuồng vượt biển, quyết tâm thoát khỏi ngục tù Côn Đảo về với cách mạng. Giữa đêm tối mịt mù, họ vừa phải cẩn trọng tránh sự phát hiện của địch, vừa phải chống chọi với sóng gió. Những chiếc xuồng gỗ, do phải ngâm giấu lâu ngày dưới biển đã không chịu nổi sóng to gió lớn. Nhiều chiếc bị bục vỡ, 81 người đã anh dũng hy sinh trên biển, 117 người bị địch bắt lại. Dấu tích của cuộc vượt ngục năm ấy còn lại là tấm bia tưởng niệm ngày nay…

Hơn 5 năm nay, ông Nguyễn Ba Bật (75 tuổi, quê Kiên Giang) vẫn âm thầm chăm sóc, lau chùi, quét dọn khu vực bia tưởng niệm. Hễ thấy vị khách nào ghé, ông lại ra phía sau đốt nén hương cho họ thắp. Ông Bật cho biết, năm 2016, ông về Côn Đảo để phụ giúp em trai làm lâm nghiệp. Công ty ở cạnh bia tưởng niệm 198, ngày ngày ông ra đó thắp hương, lâu dần thành thói quen rồi thân thương nơi này từ lúc nào không biết.

Muôn màu cuộc mưu sinh nơi đảo xa -0
Cửu vạn hối hả bốc dỡ hàng hóa trên tàu.

Ông làm việc này một cách tự nguyện, không mưu cầu bất cứ điều gì, vì ông nghĩ mình cũng là một người lính thời chống Mỹ, từng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương nên cảm thấy có một sự gần gũi thân thuộc với bậc tiền nhân đã ngã xuống. Thời điểm công ty ít việc, ông trở về quê nhà thăm vợ con và cháu nội vài ngày rồi lại theo tàu về đảo. Những ngày ở đảo, ông đã dành phần lớn thời gian chăm chút hương khói bia tưởng niệm. Vị trí đặt bia sát với biển nên mỗi trận gió thường thổi rất nhiều cát và bụi bay vào. Ông Ba Bật phải quét bụi và nhặt rác liên tục. Xong ông lại lấy giẻ lau sạch sẽ bệ thờ bát hương, lau từng viên gạch sáng bóng, nắn nót từng dòng chữ khắc ghi… Đôi mắt ông đỏ lên vì cát bay vào, ông liên tục dùng vạt áo quệt hèm trên khóe mi. Tôi dừng chân bên ông khi ráng chiều đã buông đỏ phía góc biển, còn ông Ba Bật vẫn luôn ở đây cho đến cuối ngày, khi không còn vị khách nào nữa. Ông đến xứ đảo để mưu sinh, nhưng rồi ân tình nảy nở, ông trở thành người “sưởi ấm” chốn này.

2. Chia tay ông Ba Bật, tôi đi về cảng Bến Đầm tọa lạc ở vịnh Bến Đầm, có vị trí nằm giữa Hòn Bà và đảo Côn Sơn. Nơi đây được che gió bởi đỉnh Tình Yêu và núi Thánh Giá nên quanh năm sóng lặng, cảnh đẹp yên bình. Tôi ngồi thật lâu trên cảng Bến Đầm, nhìn những con tàu chở hàng dần tiến về phía mình. Buổi chiều tắt nắng, không khí lao động của cánh cửu vạn dường như đang hối hả hơn. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu chở theo hàng hóa, nhu yếu phẩm khởi hành từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Phước Tỉnh (Bà Rịa – Vũng Tàu)… cung ứng cho người dân toàn huyện Côn Đảo.

Chồng bốc vác phía trên tàu, ở dưới cảng, chị Trần Thị Nhung (37 tuổi, quê Kiên Giang) liên tục sắp xếp giỏ hàng của mình, là vài chai nước ngọt, mấy bịch đá, một hũ chanh, đường, muối… để bán cho cửu vạn. Mỗi ngày hai chuyến tàu về, chị Nhung đều xách giỏ tạp hóa của mình ra đây ngồi bán. Hôm nào cửu vạn nhiều thì bán được hai ba trăm ngàn, ít được vài chục ngàn. Ngày nọ bù ngày kia, mỗi tháng chị Nhung kiếm được khoảng 5 đến 6 triệu đồng. Thu nhập của chị đủ trả tiền thuê nhà trọ cùng chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 người. Khoản lớn hơn thuộc về anh Lê Văn Tính (32 tuổi cùng quê Kiên Giang), chồng chị Nhung. Anh Tính người nhỏ thó, nước da ngăm sạm nhưng là cửu vạn nhanh nhẹn và chịu khó ở cảng Bến Đầm. Ngày nào làm việc đủ 8 tiếng, anh Tính kiếm được 800 ngàn, ngày ít cũng từ 300-500 ngàn. Chị Nhung cho biết, đây là số tiền khá cao, đủ để gia đình chị sống ở xứ đảo này, hơn hẳn những ngày còn ở quê nhà, vợ chồng bươn chải bằng đủ thứ nghề mà vẫn thiếu trước hụt sau.

Muôn màu cuộc mưu sinh nơi đảo xa -0
Ông Ba Bật đốt hương cho khách tại bia tưởng niệm 198 cựu tù vượt ngục.

Anh Tính trước kia là ngư dân, theo tàu lớn đi bạn (làm thuê trên tàu đánh cá) khắp các vùng biển khơi ở Tây Nam. Một ngày tàu dạt vào Côn Đảo trú bão, anh Tính gặp được người bạn lâu năm đang sinh sống ở đảo, làm nghề cửu vạn. Nghe bạn kể về mảnh đất và công việc nơi này, anh Tính cảm thấy yêu thích ngay. Trở về sau chuyến biển dài, anh Tính nói với vợ sẽ ra Côn Đảo làm cửu vạn. Ngày anh đi, chị Nhung ôm con thấp thỏm lo lắng, không biết bước ngoặt của chồng có nên cơm cháo gì không. Bởi, nghề cửu vạn thì “sang chảnh” với ai, suốt ngày nai lưng ra gồng gánh, bê vác. Thôi cứ để chồng đi một thời gian xem thế nào, dù sao cũng là một lựa chọn giữa lúc khốn khó. Anh Tính gửi tiền về đều đặn cho vợ một khoản kha khá, hơn hẳn nghề trước đây. Hai năm sau, chị Nhung quyết định dẫn theo hai con nhỏ đáp chuyến tàu hàng đoàn tụ với chồng.

Họ thuê một căn phòng trọ trong khu dân cư trên triền đồi, cách Bến Đầm vài trăm mét. Hai con nhỏ được đi học đàng hoàng, chị Nhung lận lưng được cái sạp buôn bán tạp hóa ở cảng, cuộc sống gia đình ổn thỏa. Cứ cuối tuần hoặc hôm nào anh Tính làm được nhiều tiền là cả nhà lại chở nhau ra thị trấn Côn Sơn chơi và ăn một bữa “xả láng”.

“Ở đây không ồn ào, bon chen gì cả. Đường về quê nhà cũng thuận lợi, chỉ cần lên tàu ngủ một giấc hơn 4 tiếng là về tới. Đã đi khắp nơi rồi, nhưng tôi thấy nơi này thật bình yên và thoải mái”, chị Nhung chia sẻ.

3. Trên cầu tàu, ánh đèn đã bật sáng, biển quấn quýt ôm lấy từng số phận con người. Sáu Em bụm tay vào miệng, hú gọi anh em cửu vạn xuống tàu nghỉ ngơi. Sáu Em tên đầy đủ là Lê Văn Em (25 tuổi, quê Sóc Trăng) làm cửu vạn trên tàu chở hàng từ Trần Đề về Bến Đầm được hơn một năm nay. Cứ mỗi chuyến hàng về Côn Đảo, bốc dỡ xong, Sáu Em được nghỉ ngơi một ngày rồi lại trở về Sóc Trăng. Khác với anh em cửu vạn trên bờ, Sáu Em là cửu vạn trên sóng nước, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để chống chịu được những chuyến đi biển dài, những mùa biển động, gió chướng hoặc bão tố, phải là người không say sóng và bơi giỏi.

“Thật ra lúc đầu em cũng say tàu muốn chết đi sống lại, tưởng phải bỏ nghề rồi. Nhưng lúc ấy hoàn cảnh khó khăn, cha lại đang đau bệnh nên em ráng chịu đựng. Mỗi ngày cố một chút rồi thành quen và bây giờ thì khỏe re, đi tàu như đi chơi vậy”, Sáu Em hồn nhiên kể. Cũng giống như Sáu Em, những anh em bốc xếp mà tôi trò chuyện, dường như chẳng ai nhớ cụ thể mình đã trở thành một cửu vạn tàu biển từ lúc nào, điểm chung mà họ đều nhớ là khi ấy trong túi không còn một đồng xu cắc bạc, trước mắt là những tháng ngày dài không nghề nghiệp, tương lai mù mịt. 

Muôn màu cuộc mưu sinh nơi đảo xa -0
Chiều về, những con tàu đánh cá neo mình trên bến cảng nghỉ ngơi.

Nghề cửu vạn nhiều việc nhất vào 6 tháng biển lặng (từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch). Thời gian ấy, hàng hóa từ đất liền đổ về rất nhiều, cánh cửu vạn bốc cả ngày lẫn đêm. Đã có thời điểm nhiều việc làm liên tục, chưa xong chuyến bốc hàng đã có người thuê bốc cá, bốc mực… kiếm về vài ba triệu là bình thường. Bù lại, mùa biển động từ tháng 10 đến tháng 3 (âm lịch) lại ít hàng, có khi cả tuần gió bão, áp thấp, biển bị cấm, anh em ngồi thu mình ở nhà, chán lại gọi nhau ra biển ngồi uống nước trông trời, ngóng gió đoán tình hình thời tiết. Một số tàu cá neo bờ có vài việc như đóng đá lạnh, xếp cá khô thì họ sẽ tuyển chọn những cửu vạn chăm chỉ, khéo tay, chi phí nhân công thấp. Dân miền biển vốn sẵn tính phóng thoáng, thay vì tranh giành nhau để có việc làm, thì họ đã lui lại phía sau cho người khác cơ hội. “Vợ tôi bán tạp hóa, mỗi ngày vẫn có đồng vào đồng ra, hai vợ chồng bàn nhau việc ít sẽ nhường người khác, họ khó khăn hơn mình”, anh Tính bộc bạch.

Làm cửu vạn là đi bán mồ hôi và sức lực. Thời gian và tuổi tác sẽ lấy đi của họ nhiều thứ. Bước qua tuổi 45, bệnh nghề nghiệp thường xuất hiện với dân cửu vạn, phổ biến nhất là đau xương khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm phổi… Họ buộc phải bị đào thải và không được hưởng bất cứ đế độ nào, bởi trên danh nghĩa, họ là lao động thời vụ. Khi tôi nhắc điều này, vợ chồng anh Tính cười xòa: “Làm ngày nào hay ngày đó, cuộc sống muôn màu lắm. Hiện tại có công việc là vui rồi”.

Cũng giống vợ chồng anh Tính, chị Nhung, cánh cửu vạn trẻ tuổi như Sáu Em cũng chẳng suy tính thiệt hơn cho ngày mai của đời mình. Họ vẫn ấm nồng hơi thở của công việc, trong cuồn cuộn những múi dây neo thân tàu. Và có những ngày, hòa trong ráng chiều đỏ lịm, một vài người ngất ngưởng đi ra từ một quán rượu nghèo, họ quẳng lại phía sau lưng bao âu lo vật vã đời thường. Để ngày mai, một sức sống mới sẽ lại oằn mình trên những con tàu ăm ắp tư lương nơi xứ đảo yên bình. 

Ngọc Hoa
.
.