Mr Đàm và bộ đồ lính phản cảm

Thứ Sáu, 10/05/2024, 10:33

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

1. "Ngày em thắp sao trời", liveshow mới đây nhất (4/5/2024) của Đàm Vĩnh Hưng vừa diễn ra và nhận được những lời khen ngất trời, từ cả "khán giả ruột" của anh cho tới bạn thân trong nghề. Và, vẫn phải khẳng định lại lần nữa, chất lượng trình diễn của liveshow ấy là khá tốt, ở tiêu chuẩn cao nhất của thị trường giải trí Việt, đúng như cái cách mà Đàm Vĩnh Hưng vẫn theo đuổi bấy lâu nay. Nó cho thấy Hưng say nghề, chịu chơi với nghề tới mức nào. Điểm đáng khen này thực sự có thể là tấm gương cho những ca sĩ thế hệ đi sau trong việc đầu tư cả tài chính lẫn công sức cho một dự án của riêng mình.

27-dam-vinh-hung-1.jpg -0
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong bộ trang phục gây tranh cãi.

Nhưng, ngoài cái đáng khen mang bản sắc rất Đàm Vĩnh Hưng ấy, cái đáng chê cũng phải được nhắc tới, khi nó là một hạt sạn to đùng. Và, chính cái đáng chê này đã khiến toàn bộ những gì đáng khen mà Hưng đã làm phải đổ sông đổ biển. Đó chính là một trong những bộ trang phục mà Hưng lựa chọn. Một bộ đồ lính màu kaki được là lượt phẳng phiu, chỉn chu, thẳng tắp. Chỉ thiếu mỗi khẩu súng ngắn bên hông nữa thôi, Hưng sẽ không khác gì sĩ quan... của một quân lực nào đó.

Mr Đàm và bộ đồ lính phản cảm -0
Bộ trang phục của Đàm Vĩnh Hưng trong liveshow "Ngày em thắp sao trời" được cho là lấy cảm hứng từ bộ sưu tập Thu đông 2000-2001 của Dior (nhà thiết kế John Galliano) cách điệu từ quân phục sĩ quan Cộng hoà Pháp sau thế chiến thứ 2.

Ngay sau khi hình ảnh của bộ quân phục cách điệu mà Hưng mặc trong đêm diễn đó lộ diện trên truyền thông, đã có những ý kiến phê phán dành cho Hưng. Thậm chí, có cả những so sánh các huy chương mà Hưng đeo với một số huy chương, huân chương tương tự của chế độ cũ. Tất nhiên, như thường lệ, Hưng phản ứng lại. Trên một bài đăng ở trang cá nhân của mình, Hưng thanh minh đại ý Hưng đã theo đuổi kiểu trang phục này từ hai chục năm qua và đó chỉ là một thiết kế cách điệu của nhà thiết kế Tuấn Trần lấy cảm hứng từ bộ trang phục của một nhãn thời trang nước ngoài. Song, Hưng cũng khẳng định sẽ không mặc bộ này ở đêm diễn tại Hà Nội. Lý do tại sao Hưng không mặc nữa thì Hưng không nói. Nhưng, báo chí đã nói thay Hưng rồi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến và một khi cơ quan quản lý văn hóa đã vào cuộc, đố Hưng dám mặc nó lần thứ hai.

2. Trước tiên, phải nói về thiết kế của Tuấn Trần. Mốt mặc đồ lính là một thứ mốt có thật, luôn hiện hữu và được một số người yêu chuộng. Nó đề cao sự nam tính. Nó cho thấy cả vẻ lịch lãm lẫn trong nét lãng mạn, phong trần. Trước khi xem Hưng như một nhân vật của công chúng, hãy nghĩ Hưng là một người bình thường đã và người bình thường thích một kiểu trang phục khá phổ biến cũng là bình thường. Nhưng, vẫn có điểm bất thường ở bộ trang phục Hưng đã mặc mà ta khó có thể bỏ qua.

Thứ nhất, đừng gọi đó là sáng tạo, là lấy cảm hứng từ một bộ trang phục nước ngoài như cách Hưng biện minh. Nó là sự sao chép đúng nghĩa từ một bộ thời trang mùa thu 2023 của một nhà mốt hàng đầu nước Pháp. Trong bộ trang phục lấy từ cảm hứng một sĩ quan quân đội Cộng hòa Pháp sau Thế chiến II, nữ người mẫu còn đeo cả súng ngắn cách điệu và đội thêm mũ. Bộ đồ của Hưng nhại lại đến gần 90% trang phục kia, từ kiểu dáng cho tới màu sắc, thậm chí là cả phụ kiện. Sự sao chép đó không xứng đáng được gọi là sáng tạo. Nó là đạo nhái đúng nghĩa và nếu tôn vinh tinh thần ăn cắp trí tuệ của người khác, ấy là cái lỗi lớn nhất.

Thứ hai, điểm này mới quan trọng nhất và đáng lên án nhất, chính là việc Hưng lựa chọn bộ trang phục theo mẫu hình quân phục sĩ quan quân đội Pháp sau Thế chiến II cho một liveshow diễn ra chỉ trước đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời cũng là kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, rõ ràng là một lựa chọn ngớ ngẩn. Nó có thể đến từ sự vô tâm, không cố ý, sự chủ quan, sự tự tin thái quá của một Đàm Vĩnh Hưng luôn tôn xưng mình là Đàm “Tướng quân” nhưng nó xúc phạm rất nhiều người có thân nhân ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như rất nhiều cựu chiến binh thời chống Pháp.

Đặc biệt, nguy hại hơn, nó có khả năng kích động những phát ngôn bừa bãi của những người hâm mộ Hưng (tham khảo các bình luận trên Facebook cá nhân của Đàm Vĩnh Hưng). Có những người vào mỉa mai kiểu "lần sau anh cứ mặc nguyên bộ màu xanh lá cây xem sao". Ở vị trí một thần tượng được xem là hàng đầu ở Việt Nam, Đàm Vĩnh Hưng có nghĩ đến các hệ quả do chính sự dẫn dắt từ hành vi thiếu cân nhắc của mình không?

27-dam-vinh-hung-2.jpg -0
Một tiết mục trong liveshow của Đàm Vĩnh Hưng.

3. Thời gian qua, đã có không ít sự việc nhạy cảm liên quan đến những bộ quân phục, những bộ đồ lính nhái theo quân phục của quân đội các nước khác cũng như của chế độ cũ. Từ đó, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, đã có không ít ý kiến tiến bộ lên tiếng về chuyện ý thức của những người trình diễn tập thể các trang phục này ở nơi công cộng. Hành vi đó vẫn đang tạo ra những tranh cãi dai dẳng. Vậy thì ở vai trò của người có khả năng dẫn dắt một lượng công chúng đáng kể, lựa chọn của Đàm Vĩnh Hưng phải chăng cho thấy cái tôi bất chấp của anh, chỉ cần vì sở thích cá nhân của riêng mình mà mặc kệ những quan điểm khác trong xã hội, nhất là khi những quan điểm đó có những lý lẽ, những cái đúng đắn riêng của nó?

Là một người bình thường, lựa chọn một trang phục như thế nào đã là câu hỏi mà mỗi người cần phải tự vấn mình, bởi cái sự mặc của mình có ảnh hưởng tới mắt nhìn của những người xung quanh nữa. Mặc đồ lính là một sở thích mà nhiều người trong chúng ta có thể có, song mặc bộ đồ nào, mặc ở đâu, mặc trước mặt ai, mặc ở thời điểm nào lại là câu chuyện cần cân nhắc kỹ. Với người thường, sự cân nhắc đã là quan trọng và cần thiết rồi, với người nổi tiếng, sự cân nhắc ấy càng phải được đề cao hơn nữa. Nhất là khi mặc nó lên trên sân khấu lớn, trước ống kính máy quay và máy ảnh cùng hàng ngàn ánh mắt của khán giả phía dưới, một bộ trang phục nhiều khi ẩn chứa rất nhiều thông điệp ngầm mà ngay cả người mặc nó chưa chắc nghĩ tới.

Cộng đồng có thể cảm thấy giận dữ khi một nữ ca sĩ ăn mặc quá hở hang, lố lăng, vậy thì cũng sẽ công bằng thôi nếu một bộ phận cộng đồng nổi giận khi cho rằng bộ đồ lính nhại theo quân phục sĩ quan Cộng hòa Pháp mà Hưng mặc ở cận lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên là một sự xúc phạm cha ông và lịch sử.

Và, về phần Đàm Vĩnh Hưng, anh đang ở đỉnh cao thì anh càng nên phải lắng nghe những đóng góp, cho dù lời đóng góp rất khó nghe đi nữa. Vả lại, làm sao người đời không thể không phê phán cho được khi bộ đồ lính của anh chỉ là một thứ sao chép được khoác lên trên sân khấu ở đúng thời điểm vô cùng phản cảm và nó lại còn được bao biện theo lối kiểu như đó là "sở thích lâu nay rồi" hay "một sáng tạo của nhà thiết kế trẻ tài năng"...

Văn Đoàn
.
.