Một thăng hạng không vui

Thứ Hai, 11/12/2023, 12:29

100 triệu đồng. Con số này không phải là quá lớn thời nay. Nhưng nó là một con số rất đáng quan tâm sau khi Công ty Cushman & Wakefield công bố đó là giá thuê 1m2 mặt bằng/năm ở tuyến đường Đồng Khởi (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Với mức giá thuê như vậy, Đồng Khởi thăng 1 hạng, lên thứ 13 trong nhóm các con đường có mặt bằng bán lẻ đắt nhất thế giới.

Ngay sau khi Công ty Cushman & Wakefield công bố thông tin này, bản tin của các đài truyền hình cũng như nhiều tờ báo đều hồ hởi đưa tin, xem nó như một tín hiệu vui. Dễ hiểu, không ít người Việt đã chuộng hình thức và kỷ lục bao nhiêu năm nay rồi…

Một thăng hạng không vui -0
Không ít cửa hàng trên đường Đồng Khởi đang chờ người thuê như thế này.

100 triệu đồng/1m2/ năm, tương đương khoảng hơn 8 triệu đồng/1m2/ tháng. 8 triệu đồng, đó là số tiền đủ cho một cá nhân thuê tháng một căn hộ nhỏ xinh, loại dành cho người độc thân, ở một đô thị sầm uất như TP Hồ Chí Minh. Thuê nhà để ở khác với thuê nhà để kinh doanh, hoặc làm văn phòng. Thuê căn hộ hạng trung bình, thậm chí hơi thấp, cũng khác xa thuê mặt tiền của Đồng Khởi, con đường được xem là niềm tự hào của người dân TP Hồ Chí Minh. So sánh giữa hai thứ khác biệt nhau cả trời với vực như thế rõ ràng là kệch cỡm. Song, nếu để mở một cửa hàng nho nhỏ bán một sản phẩm tiêu dùng chẳng hạn, chưa chắc gì thuê một mặt bằng ở Đồng Khởi đã hiệu quả bằng việc mở shop tại căn hộ. Việc mở shop tại căn hộ đã manh mún khoảng vài năm trở đây và với công cụ hỗ trợ đắc lực là các kênh bán hàng trực tuyến, “shop gia đình” đang phủ sóng mạnh mẽ, thậm chí đang trở thành nguồn sống của nhiều hộ.

Đó là lý do tại sao phải nhắc tới con số 100 triệu kia, và có so sánh khiên cưỡng kể trên. Khi bước chân ra đường Đồng Khởi để quyết định đầu tư kinh doanh, không ai đi thuê chỉ 1m2 cả. Tối thiểu cũng phải là 5m2 (cực khó kiếm). Phổ biến là từ 10 - 20 m2. Như vậy, định phí cho tiền thuê mặt bằng đã bắt đầu từ mức tối thiểu là 500 triệu đồng/năm.

Chưa tính vội tiền điện, nước, nhân công và vô vàn thứ chi phí khác, chỉ tính trên tiền thuê nhà, bạn sẽ làm gì với bài toán 500 triệu đồng/năm? Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời chút nào. Mở mắt ra là phải nghĩ tới việc kiếm tròm trèm 2 triệu đồng mỗi ngày. Giải bài toán 2 triệu này có thể dễ dàng trong 1 ngày đầu, thậm chí 1 tuần đầu. Nhưng nếu nó là bài toán ám ảnh thành lối mòn hàng ngày, nhiều khi chúng ta không muốn giải nữa.

Và khi các kênh truyền hình rổn rảng làm phóng sự khoe sự đắt giá của đường Đồng Khởi, họ đã “quên” không ghi hình cả một dãy dài cửa hàng trên các tuyến phố trung tâm đóng kín cửa, dán đầy dòng chữ “cho thuê” đã ế ẩm gần 1 năm qua. Đó là đoạn đường không được lựa chọn. Tại sao? Tại vì chính cái mức giá đắt ở thứ hạng thứ 13 trên thế giới đã khiến con đường sầm uất ngày nào giờ trở nên quạnh quẽ hơn rất nhiều. Nghịch lý lớn nhất là giá thuê mặt bằng ở đường Đồng Khởi tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và 40% so với trước đại dịch COVID-19. Đây mới chính là những con số ẩn chứa vấn đề. Hậu đại dịch là lúc cần sự thúc đẩy để phục hồi nền kinh tế và trong khi Chính phủ tìm mọi cách để hỗ trợ các doanh nghiệp thì chính bản thân các “chủ nhà” lại vô tình ngăn cản tiến trình đó chỉ vì ý chí “Quyết không hạ giá cho thuê” của mình.

Một thăng hạng không vui -0
Đường Đồng Khởi, con đường đắt đỏ.

Kết quả, đường Đồng Khởi có giá cho thuê mặt bằng đắt nhất nước, đứng thứ 13 thế giới nhưng nó lại là cái đắt đỏ ế ẩm. Nó không khác gì một CLB bóng đá định giá ngôi sao của mình là 3 tỷ USD, đắt nhất thế giới, nhưng cuối cùng chẳng có đối tác nào hỏi mua anh ta cả. Cái đắt giá đó chỉ mang lại sĩ diện cho cầu thủ và CLB mà thôi, lợi ích kinh - tài vẫn chẳng thay đổi gì.

Nếu ta sở hữu 1 căn nhà và bình thường ta vẫn cho thuê với giá 50 triệu đồng/tháng nhưng sau đại dịch, căn nhà ấy bỏ không 1 năm trời rồi, ta có sẵn sàng cho một người rón rén đến trả giá 35 triệu hay không? Câu hỏi này sẽ được trả lời tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, tâm thế của mỗi người. Nhưng thường thì những người giàu, sở hữu nhiều bất động sản rải rác đó đây trong thành phố và đang cho thuê chúng một cách ổn định, sẽ lựa chọn “thà bỏ không còn hơn cho thuê rẻ”.

Những căn nhà ở đường Đồng Khởi vẫn đóng cửa im ỉm chờ người thuê một cách mòn mỏi chỉ vì chủ nhân của chúng có lẽ thuộc diện “bất cần” kể trên. Trong khi đó, chuyện có thật, một biệt thự ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh đã phải điều chỉnh giá cho thuê còn 50% so với trước dịch để căn nhà ấy có thể tiếp tục mang lại thu nhập cho chủ thay vì để hoang. Trước dịch, chủ nhà cho thuê làm nhà hàng, với giá 15.000 USD/tháng. Hết dịch, nhà hàng cũng hết hơi, và chủ nhà rao cho thuê cả năm trời không có khách nào dám ký hợp đồng cả. Hạ giá xuống 12.000 USD, vẫn ế. Cuối cùng, trước đề nghị “Bảy ngàn rưởi, thuê 8 năm, sau 3 năm đầu có thể điều chỉnh tăng 20%” của một công ty mới thành lập, chủ nhà đành phải gật đầu bởi họ quá hiểu, thời buổi khó khăn này, không còn người dám bạo chi cho tiền thuê mặt bằng nữa.

Chuyện giá thuê mặt bằng sau đại dịch thực sự là một vấn đề đang được rất nhiều người lưu tâm. Phần đông người Việt ở đô thị hoạt động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Họ bám lấy mặt phố để mưu sinh và nhu cầu mặt bằng ở phố là rất lớn. Nhưng đối diện họ là những chủ nhà có tư duy tiếp cận khác nhau. Có nhiều chủ nhà sẵn sàng hạ giá, hỗ trợ tối đa cho người thuê trong giai đoạn phục hồi gian nan này. Họ muốn đồng hành với người thuê nhà như một chia sẻ giữa đồng bào với nhau. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều chủ nhà không bao giờ chấp nhận từ bỏ cái vị thế mà họ đã có từ trước đại dịch. Câu chuyện của C. là ví dụ điển hình.

Trước dịch, C. có một nhà hàng chuyên bán ẩm thực đêm ở mặt tiền đường Lý Tự Trọng, quận 1. Anh thuê căn nhà mặt tiền ấy từ năm 2009 và suốt thời gian dịch, dù cửa hàng đóng cửa, anh vẫn trả 70% tiền thuê (theo mức hạ giá của chủ nhà) chỉ nhằm duy trì chỗ làm ăn và giữ khách quen. Hết dịch, C. muốn gia hạn hợp đồng, sẵn sàng trả mức giá cũ (50 triệu đồng/tháng) với điều kiện hợp đồng phải trên 5 năm vì anh muốn đầu tư sửa chữa lại căn nhà sau 10 năm hơn đã hoạt động kinh doanh và có nhiều chỗ xuống cấp. Nhưng chủ nhà thì kiên quyết phải là 60 triệu đồng và chỉ ký hợp đồng từng năm một. Kết quả, họ chia tay nhau và sau khi chuyển sang một địa điểm mới, C. coi như phải gây dựng lại từ đầu do mất đi một lượng lớn khách từ khách quen cũ.

Sự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh chính là thứ mà mỗi con người chúng ta cần nhất. Nền kinh tế tổn thương sau đại dịch, bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn vì các biến động chính trị trên thế giới, rất cần được “bồi bổ”. Sự “bồi bổ” này không thể chỉ đến từ các chính sách vĩ mô mà nó rất cần sự tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Giảm giá, tăng cường dịch vụ thêm, sẵn sàng cho gối đầu v.v và v.v chính là cách mà mỗi cá thể trong cả một chuỗi có thể cùng góp sức để có được liều thuốc bổ đúng nghĩa cho nền kinh tế. Không ai có thể tồn tại một mình trong cả một chuỗi dài móc xích nhau của xã hội này cả. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng không nhỏ những cá nhân nghĩ rằng “tôi vẫn tồn tại và tôi tồn tại là đủ”. Và vô tình, họ đã làm chậm lại một chút nữa quá trình phục hồi. Họ cũng quên mất rằng, trong quá trình chậm lại đó, chính bản thân họ cũng đang chậm lại.

Nếu giá thuê mặt bằng ở đường Đồng Khởi không tăng hạng lên thứ 13 và tăng 40% so với trước dịch, có lẽ, giờ này đã có nhiều cửa hiệu hơn đang hoạt động trên con phố này. Song, chữ nếu ấy không tồn tại. Ở vào giai đoạn cuối năm, giai đoạn của tiêu thụ, các căn nhà vẫn đóng cửa im ỉm.

Vậy thì cái thăng hạng ấy để đạt được mục đích gì? Và nó có mang lại niềm vui thật sự?

Hà Quang Minh
.
.