Một người thầy Nhật Bản

Thứ Tư, 16/11/2022, 11:01

Tháng 11, tháng tri ân nghề giáo, tôi muốn viết về một người thầy đặc biệt, thầy Takano - giảng viên người Nhật Bản tận tâm dạy tiếng Nhật cho sinh viên Việt Nam. Nhắc đến thầy, nhiều khóa sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn luôn nhớ tới hình ảnh giữa thủ đô Hà Nội, ngày ngày thầy xách chiếc làn nhựa màu đỏ lên giảng đường.

Trong "chiếc làn phong cách" ấy là tranh ảnh, sách, băng đĩa, hộp sắt, còi, giấy thủ công, phấn màu, đèn pin - "tạp hóa" đạo cụ, đồ dùng để dạy tiếng Nhật trực quan. Nhờ chiếc làn ấy mà lớp lớp sinh viên thêm say mê học ngôn ngữ của đất nước mặt trời mọc và thành công trong nhiều lĩnh vực.

1. Một buổi tối tháng 9/2022, tôi được tham dự buổi tiệc nhỏ chào đón thầy Takano trở lại Việt Nam của các cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Kể từ khi thầy Takano quay trở lại Nhật Bản năm 2019, lần này thầy mới về lại Hà Nội. Buổi tối hôm ấy, tôi khá bất ngờ, về nhiều điều. Bất ngờ bởi học trò ở Việt Nam vẫn đón thầy như một người thân yêu đi xa trở về với tình cảm đặc biệt nồng ấm. Một bữa cơm ấm cúng, một không khí ồn ã, hết sức tự nhiên. Không hề xa lạ, khách sáo, những cựu sinh viên cười nói vui vẻ, chia sẻ cho thầy mọi điều, tất nhiên là bằng tiếng Nhật.

Một người thầy Nhật Bản -0
Thầy Takano trong lần quay trở lại Việt Nam giảng dạy tiếng Nhật. (Ảnh chụp tháng 9/2022).

Còn thầy Takano, không chỉ là sự quý mến thông thường, mà thầy thực sự luôn quan tâm, sẻ chia với các bạn sinh viên Việt Nam. Ánh mắt thầy ánh lên niềm vui ấm áp. Thầy bảo rằng, thời họ còn là sinh viên, thầy phát kẹo, rủ họ đi uống trà và thầy luôn là người trả tiền. Còn bây giờ thì họ tranh trả tiền. Thầy vui vì sinh viên của thầy đều có công việc tốt, có thu nhập. Vui hơn nữa khi nhiều người trong số họ  sang Nhật Bản học tập và công tác đều tìm đến thăm thầy.  Có một điều làm tôi thú vị, là buổi tối hôm ấy, trong khi những cựu sinh viên Việt Nam cố gắng giao tiếp với thầy bằng tiếng Nhật, thì thầy Takano vẫn muốn nói tiếng Việt, vẫn chêm xen những từ tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn. Đặc biệt, những từ "phố cổ", "Bác Hồ", "Hà Nội" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện của thầy, nghe ấm áp và gần gũi.

Điều bất ngờ nữa là trí nhớ tuyệt vời của thầy Takano. Thầy mở máy tính, ở đó có riêng một thư mục lưu ảnh sinh viên Việt Nam các khóa trong những giờ học tiếng Nhật. Thầy nhớ từng khóa sinh viên học thầy trong suốt 15 năm ở Việt Nam. Thậm chí, thầy còn nhớ lớp đó có bao nhiêu bạn tên giống nhau và tên đệm của từng bạn là gì. Thầy cẩn thận gửi từng file ảnh cho các bạn cựu sinh viên. Buổi tối hôm ấy, những câu chuyện cứ kéo dài mãi…

Thầy bảo được cùng các bạn trẻ Việt Nam chinh phục một ngôn ngữ khó như tiếng Nhật là một niềm vui. Không chỉ học trong lớp, mà còn học ở những cuộc thi hùng biện, đóng kịch tiếng Nhật. Không chỉ học bằng đầu óc, mà còn kết hợp cả động tác cơ thể. Bởi thế, dù là sinh viên năm đầu còn bỡ ngỡ tập tành từng nét vẽ chữ cái đầu tiên, hay sinh viên năm cuối dịch được cả bài báo tiếng Nhật, đều thích thú và ngóng chờ đến tiết học sôi nổi của thầy.

Chiếc áo sơ mi kẻ, lối nói chuyện linh hoạt, hài hước và nụ cười luôn thường trực khiến thầy Takano rất "thanh niên", dù mái tóc thầy đã bạc trắng, khóe mắt đã nhăn nheo. Lần này, quay lại Việt Nam, thầy muốn làm được thật nhiều việc. Muốn gặp lại những sinh viên thầy từng dạy, muốn tham gia giảng dạy tiếng Nhật ở một số trường đại học và làm việc với nhà xuất bản để tiếp tục phát hành sách. 15 năm gắn bó với Hà Nội, thầy đã xuất bản bốn cuốn sách, tất cả đều bằng tiếng Nhật. Đặc biệt, với cuốn từ điển tiếng Nhật, từ điển chữ Hán, thầy phải mất đến 7- 8 năm mới hoàn thành, với sự hỗ trợ dịch sang tiếng Việt của các thầy cô giáo Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Một người thầy Nhật Bản -0
Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cùng thầy Takano trong một giờ học tiếng Nhật.

2. Buổi tối hôm ấy, thầy Takano nói nhiều hơn về quê hương, nơi mà thầy luôn đau đáu nhớ về. Thầy sinh ra ở Tokyo, đi học và làm việc cũng ở đây. Nhà thầy sống trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, gần cánh đồng và bên một dòng sông lớn. Bố mẹ của thầy là những người nông dân chăm chỉ làm nông nghiệp, trong nhà thường nuôi thỏ và dê. Bây giờ thầy đã rời xa làng quê ấy, khoảng nửa năm mới về thăm được một lần. Quang cảnh quê hương giờ đã đổi thay, ruộng đồng xưa giờ đã thành nhà máy hiện đại. Mỗi lần nhìn dòng sông, thầy vẫn nhớ về thời thơ ấu đẹp đẽ bên mẹ cha.

Thầy là người truyền cảm hứng học tiếng Nhật cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam. Nhưng có một điều thú vị, là thầy rất yêu tiếng Việt và là người học tiếng Việt một cách bài bản. Thầy Takano thuộc lớp sinh viên đầu tiên theo học tiếng Việt ở khoa Đông Dương, Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo - ngôi trường nổi tiếng nhất về sư phạm ngôn ngữ ở Nhật. Lý do thầy chọn tiếng Việt vì muốn khám phá vẻ đẹp của một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ. Thầy đã từng đi nhiều nước từ châu Âu sang châu Á, nhưng cuối cùng, Việt Nam lại là sự lựa chọn để thầy gắn bó dài lâu. 15 năm sống và làm việc tại Hà Nội (từ năm 2004 đến 2019) là khoảng thời gian vô cùng quan trọng trong cuộc đời thầy. Thầy đã đưa cả vợ đến Hà Nội và cô từng dạy tiếng Nhật ở Trường Đại học Ngoại thương.

15 năm ở Hà Nội, phương tiện di chuyển chủ yếu của thầy cô là xe bus. Thầy nhớ cả số hiệu chuyến xe chở thầy đến trường mỗi ngày. Thầy bảo ở Nhật Bản,  không gian xe bus yên ắng lắm, không có thứ âm thanh nào khác phát ra ngoài tiếng loa nhắc đảm bảo an toàn và thông báo điểm dừng kế tiếp. Còn ở Hà Nội, xe bus rộn rã lạ thường. Thầy thường lắng tai nghe những câu chuyện không đầu không cuối của đám sinh viên ríu ra ríu rít, nghe những bài hát trên Đài VOV.

15 năm ở Hà Nội, thầy thường ăn cơm ở quán bình dân trên phố Chùa Láng, ngồi uống trà đá vỉa hè khu vực Trường Đại học Bách khoa để được lắng nghe sinh viên nói chuyện và góp vui bằng những câu chuyện về các bạn sinh viên Nhật Bản.

15 năm ở Hà Nội, bí quyết của thầy Takano khi sang đường là đội một chiếc mũ nổi bật và giương cái ô màu đỏ thật cao để xe cộ dễ quan sát mà nhường đường. Thầy luôn giữ bên mình cuốn sổ liên lạc ghi thông tin số điện thoại người quen, cả bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt sẽ hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp.

15 năm, không ít những sự cố xảy ra. Đó là lúc đi taxi, rồi những tình huống trớ trêu khi đi chợ... Khi thầy tạm về Nhật một thời gian mà chưa kịp thanh toán tiền điện nước thì có người đứng ra trả tiền thay cho thầy. 15 năm đó, chưa bao giờ vợ chồng thầy muốn rời Việt Nam để quay trở về Nhật.

Không chỉ là ngôn ngữ, thầy Takano truyền dạy cho nhiều khóa sinh viên Việt Nam nhiều điều hơn thế. Thầy cho họ một điểm nhìn chân thực nhất về đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản. Thầy vẫn hay nói rằng khi ai đó đặt chân tới Nhật Bản thì nhất định phải đến 4 địa điểm. Đó là Hiroshima, Nagasaki, Okinawa và khu Yokoami thuộc quận Sumida ở Tokyo. Hiroshima và Nagasaki thì có lẽ nhiều người biết, nơi xảy ra thảm kịch bom nguyên tử. Người bị thương hay bị ốm thì không kể xiết. Và hòn đảo Okinawa - nơi tập trung 75% căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Đó là minh chứng cho những gì đau thương do chiến tranh gây ra.

Theo thống kê cứ 4 người dân Okinawa thì có 1 người chết. Địa điểm thứ 4 là Yokoami thuộc quận Sumida ở Tokyo - nơi từng chứng kiến thảm kịch chiến tranh. Đêm 20/3/1945 đã có 200 nghìn người đã chết. Đó là những kí ức buồn về chiến tranh ở đất nước mặt trời mọc. Hãy đến và cảm nhận nỗi đau trong sâu thẳm của người Nhật nói riêng và nhân loại nói chung. Những lúc như thế, vẻ sôi nổi, vui vẻ thường ngày biến mất, gương mặt thầy trở nên trầm tư, giọng nói trầm xuống đầy xúc động.

Thầy nói với tôi, ở Việt Nam đã từng có chiến tranh ác liệt. Các bạn trẻ không được chứng kiến, nhưng chắc chắn trong ký ức của ông cha vẫn còn đọng lại. Vì vậy, thầy muốn các bạn trẻ Việt Nam học từ chính trong lịch sử của Việt Nam, rằng phải "chống chiến tranh, không để cho chiến tranh quay trở lại". Hiện tại, khi chúng ta đang sống cuộc sống bình yên, nhưng chiến tranh vẫn đang hiện hữu ở Ukraine và không ai muốn điều đó xảy ra.

Thầy Takano muốn bất cứ ai đến Nhật Bản đều nhìn thấy đất nước này có nhiều hình ảnh đẹp. Nhưng điều mà thầy muốn các bạn trẻ cần phải biết không chỉ là những mảng sáng của Nhật Bản mà còn cả những mảng tối. Nhật Bản là đất nước tươi đẹp với biểu tượng núi Phú Sỹ và hoa Anh đào nổi tiếng trên khắp thế giới, với lịch sử và truyền thống, tự hào về trình độ khoa học kỹ thuật và công nghiệp phát triển. Trái với điều đó, những mặt tối cũng có rất nhiều. Ví dụ như vấn đề ô nhiễm nguồn nước và không khí do nước thải từ các nhà máy hóa chất, do khí thải từ nhà máy và xe ô tô, gây ra nhiều bệnh về phổi. Thầy muốn người Việt Nam học bài học từ Nhật Bản và đừng để điều đó lặp lại…

Huyền Châm
.
.