Một bức ảnh được chọn
"Đắng lòng đi làm kiếm thêm tiền mua bỉm sữa cho con". Đó là cái dòng trạng thái (status) mà Tuấn "Tommy", ông bạn đồng nghiệp kiêm bạn học cũ của tôi đã đăng tải trên trang cá nhân những ngày mùa Hè của 9 năm trước. Kèm theo dòng trào lộng kia là tấm ảnh tôi và ông bạn đó, giữa đêm Hà Nội, ngồi trên bàn làm việc ở cơ quan (địa chỉ cũ), tay này cầm tẩu thuốc, tay kia cầm "bông" kiểm tra.
Cả một mùa ký ức ùa về. Nhanh thật, mới ấy mà gần một nhịp đời (tôi thích cách dùng từ "một nhịp đời" cho mỗi 10 năm của nhà văn Nguyễn Việt Hà) đã trôi qua. Ngày đó, tôi còn công tác ở tòa soạn khác và mới chỉ là cộng tác viên của Báo CAND. Còn hôm nay, tôi đã cùng ông bạn ấy là đồng nghiệp cùng một tòa soạn, chung một "mái nhà".
1. Chín năm trước, Báo CAND cũng tham gia thị trường báo chí nhộn nhịp mùa World Cup bằng một phụ san tin nhanh. Nhận lời mời của anh em, tôi tham gia viết bài, đứng mục, cả bình luận, đưa tin lẫn thảo luận. Nhân một bữa ra Hà Nội công tác, tôi ghé thăm anh em. Còn nhớ, bữa đó sau khi ghé thăm anh em biên tập, dàn trang, soát bông tờ tin nhanh, Phan Đăng và Tuấn "Tommy" còn kéo tôi ra ngay góc phố Yết Kiêu - Vũ Hữu Lợi làm mấy cốc bia, ăn bát phở gà, hàn huyên thêm một lúc.
Bây giờ, đã 2 mùa World Cup trải qua sau cái kỳ World Cup "lịch sử" của Báo CAND năm 2014 ấy rồi. Thị trường báo chí đã khác hẳn. Báo in đã gần như mất hẳn vị thế, nhất là khi dịch COVID-19 đi qua, số đông cũng thay đổi thói quen đọc và các sạp bán báo in cũng gần như đã mất hẳn. Các tờ báo lớn vốn xưa nay hồ hởi với các sự kiện bóng đá thu hút đông người quan tâm như EURO, World Cup cũng đã không còn xuất bản các tờ tin nhanh nữa. Thay vào đó chỉ còn là những chuyên trang trên báo điện tử, rực rỡ màu sắc, đa dạng cách trình bày, đa dạng lối tiếp cận và cập nhật hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Với các chuyên trang như vậy, các tòa soạn lại gần với số đông độc giả hơn và cũng không phải tốn các chi phí in ấn cồng kềnh. Tất nhiên, anh em làm báo thể thao cũng bớt vất vả hơn rất nhiều. Thay vì phải dồn sức như một "chiến dịch" như bao năm trước, giờ chỉ cần tập trung thêm một chút, chăm chút thêm một chút mà thôi. Nhưng những người làm báo thể thao chúng tôi vẫn cảm giác như có gì đó đã mất đi vĩnh viễn không thể nào cứu chuộc lại được. Những ấn phẩm tin nhanh mỗi mùa EURO, World Cup luôn là một thứ gì đó rất bâng khuâng khi được cầm vào. Đơn giản, nó cho chúng tôi cảm giác như đang hòa vào một nhịp thở chung rất rộn ràng, rất hối hả, đầy tính bất khả tiên đoán của mỗi mùa hội túc cầu. Những ấn phẩm ấy giờ đây sẽ chỉ còn là hoài niệm xưa cũ, và cứ mờ dần, mờ dần trong ký ức những thế hệ có thể xem là đã già. Còn những thế hệ sinh ra sau năm 2010, có lẽ với họ, những ấn phẩm tin nhanh tồn tại khoảng 1 tháng trời (từ đầu tháng 6 cho tới giữa tháng 7) sẽ chỉ là một con số không tròn trĩnh. Dễ hiểu, thế hệ ấy không lớn lên với những trang khổ A3 còn nguyên mùi mực mới mà thay vào đó là điện thoại thông minh, máy tính bảng và những ngón tay lướt nhanh với những mẩu tin thậm chí chỉ được làm vội theo định dạng video không có bản quyền hình ảnh rõ ràng.
2. Tự dưng, cái ký ức ấy lại được nhắc ra ở cái năm lẻ (2023) không EURO cũng chẳng World Cup này liệu có vô duyên không nhỉ? Đúng là sẽ hơi vô duyên thật nhưng thực tế, trong kha khá "ký ức mạng" được anh "Mark xoăn" nhắc nhớ mỗi ngày, cái ký ức về mùa World Cup 2014 đáng được lựa chọn nhất khi chính ngày hôm nay, tôi bị đọc quá nhiều những dòng trạng thái mỉa mai, dè bỉu những yếu nhân của VFF, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và cả Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam liên quan đến một tấm ảnh họ tiễn đội tuyển quốc gia bóng đá nữ lên đường dự World Cup 2023 ở New Zealand; họ cho rằng việc các vị kia đứng trước mặt tập thể bóng đá nữ, che hết cả các em là thái độ "ăn hôi", thấy có vinh quang là ùa lên tranh phần.
Là một người từng được mời tham dự rất nhiều các buổi họp báo xuất quân, mừng công… của nhiều đội bóng, tôi thận trọng mở lại toàn bộ nội dung video buổi lễ xuất quân diễn ra ở Hà Nội ấy. Quả thực tôi không nhầm một chút nào. Trong buổi xuất quân, trọng tâm chính luôn là các nữ tuyển thủ và ban huấn luyện. Những VĐV từng là nhà vô địch thế giới, vô địch Olympic của Việt Nam như Thúy Hiền, Hoàng Xuân Vinh cũng được tôn vinh nhưng luôn ở trong vai trò là nguồn cảm hứng cho các em chuẩn bị ra sân nay mai. Ngay phần tặng quà cho tập thể đội, những cá nhân "đang bị ném đá kia" cũng cẩn trọng rút lui ngay để nhường sân khấu cho những nhân vật chính. Chỉ khi người dẫn chương trình mời họ lên nhận quà đáp lễ của ĐTQG nữ thì họ mới cùng xuất hiện trên sân khấu và chụp chung tấm ảnh. Đó cũng chỉ là một tấm ảnh nhỏ nhoi trong vô vàn tấm ảnh khác mà ở đa số các tấm ảnh đó, ĐTQG nữ luôn là trọng tâm rõ nét nhất.
3. Một tấm ảnh không đủ kể tất cả câu chuyện nhưng lại đang được tạo thành một câu chuyện mà đáng buồn thay, có nội dung hạ thấp nhân phẩm của người khác một cách đầy ác ý. Ngay cả khi tôi gửi đường dẫn cái video trọn vẹn buổi lễ cho một số người quen của mình, dường như họ cũng không buồn xem nó đến một giây thì phải.
Họ khẳng định rằng họ đúng và các nhân vật áo quần đạo mạo kia có vấn đề; rằng thuế họ đóng ra có một phần để đầu tư cho bóng đá (cái này là giọng quen nhưng mà rất lạ nhé) không thể để cho các nhân vật như thế lên phô diễn trên sân khấu của các em trong ĐTQG nữ. Không một ai buồn quan tâm tới các em hồ hởi thế nào và tôi còn chắc rằng đa số họ không mấy ai biết được giải VĐQG bóng đá nữ thường khởi tranh tháng mấy, kết thúc tháng mấy, có bao nhiêu đội, đá ở những sân nào và đội nào đang là đương kim vô địch.
Các em cần được họ thấu hiểu bằng cách theo dõi, động viên công việc hằng ngày của các em hơn bởi chỉ có sự quan tâm ấy mới tạo ra một xu hướng truyền thông bền vững đủ để đời sống bóng đá nữ có thêm thu nhập như một nghề ổn định, vững chắc. Và tôi nhớ, những buổi Gala trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam mà Báo Sài Gòn giải phóng thường niên tổ chức.
Sau lễ trao giải ấy, ngay cả phóng viên thể thao cũng có xu hướng đến tham dự tiệc mừng của các nam Quả bóng Vàng, bạc, đồng hơn là mời các em đoạt giải bên bóng đá nữ một bữa ăn khuya chia vui. Thế thì quyền gì mà họ có thể nhân danh các em bóng đá nữ để hả hê rủa xả những quan chức VFF, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ vì một bức ảnh "được chọn"?
Một bức ảnh không nói được hết câu chuyện nhưng tiếc thay, ở vào thời đại mà các nền tảng xem video trực tuyến có thể cho phép người ta tiếp cận toàn bộ câu chuyện thì không ít người lại cố tình bỏ qua câu chuyện ấy trước khi vẽ chuyện trong cơn hồ đồ online của mình. Cái video lễ xuất quân đi World Cup của ĐTQG bóng đá nữ tính cho đến lúc tôi viết những dòng này cũng mới chỉ được có vài chục ngàn lượt xem mà thôi. Trong khi đó, một cái video ngắn ngủi, cỡ chưa tới 10 phút, của một đồng nghiệp trẻ tôi quen khá thân, nói về một cầu thủ nước ngoài chưa phải dạng siêu sao với những hình ảnh trong video đa số không có bản quyền thì lại kéo được tới gần 500.000 lượt xem chỉ sau 1 ngày đăng tải. Con số ấy biết nói nhiều điều thật khó nói. Và con số hàng chục ngàn lượt chia sẻ, lượt thích ở các bài đăng của những người "dựng chuyện" từ một tấm ảnh "được chọn" lại càng nói ra được những điều cay đắng hơn.
Đó là khi sự hả hê cộng hưởng với thói hồ đồ online, nó cho thấy dường như đang tồn tại những thứ méo mó đến đáng sợ trong xã hội hôm nay, nơi người ta luôn sẵn sàng "tay lăm lăm cục đá".