Mở cửa du lịch và chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”

Thứ Bảy, 27/05/2023, 09:29

Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh sân bay Melbourne (Australia) cho tôi, nhân viên hải quan già nháy mắt và nói đùa: “Welcome home” (mừng bạn về nhà).

1. Đấy là lần đầu tôi đặt chân đến Australia và cũng là chuyến đi xa đầu tiên sau dịch COVID-19. Chuyến bay quá dài làm ai cũng thấm mệt nhưng một câu nói bông đùa đúng lúc cũng đủ để tôi cảm thấy hào hứng hơn với chặng đường sắp tới. Thủ tục diễn ra nhanh gọn và đem lại cảm giác dễ chịu.

Tất nhiên, câu bông đùa cũng có cơ sở: Cộng đồng người Việt ở Australia có số lượng lên đến hàng trăm ngàn và hầu hết tập trung tại Melbourne (bang Victoria) hay Sydney (bang New South Wales). Trên chuyến bay, tôi gặp rất nhiều người Việt trở về Australia sau khi ăn Tết xong. Họ đều đã sinh sống ở đất nước này trong nhiều năm.

Mở cửa du lịch và chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” -0
Tỉ lệ khách du lịch đến Thái Lan và quay lại lên đến 70%. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng, cảm giác được chào đón là rất rõ rệt. Khi nhiều du khách trong đoàn chúng tôi muốn xin một dấu mộc đóng xác nhận đã nhập cảnh vào Australia để làm kỷ niệm (vì hầu hết đều xin visa điện tử nên không có dấu mộc), một nhân viên hải quan đã nhiệt tình thu lại tập thị thực và ngay lập tức đáp ứng nhu cầu của chúng tôi.

Trước đó, Australia được xem như một trong những điểm đến rất khó xin thị thực. Những người xin visa có kinh nghiệm từng khuyên rằng bạn nên có lịch sử du lịch tối thiểu 2 nước phát triển để có thể đặt chân vào Australia, chưa kể việc chứng minh tài chính và ràng buộc ở Việt Nam.

Nhưng, sau dịch COVID-19, thời điểm mà Australia đã đóng cửa toàn diện để hoàn thành mục tiêu chống dịch, chính phủ ngay lập tức hành động: Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố đất nước sẽ chi thêm 60 triệu AUD để thu hút du khách quốc tế trở lại.

Các chính sách cũng chuyển động rất nhanh theo dòng tiền đầu tư. Việc xin visa vào Australia dễ hơn hẳn và thái độ thân thiện của các nhân viên hải quan khẳng định lại một lần nữa rằng họ đã sẵn sàng đón khách du lịch. Các cánh cửa vào Australia được mở ra rất nhanh.

Bạn nhận ra sự ăn khớp hiếm thấy từ bàn giấy chính sách đến đời thực. Bạn cảm nhận rõ không khí chào đón ở quốc gia này, ngay khi đặt chân xuống sân bay. Cảm giác là một thứ rất khó tạo ra, vì chỉ một chi tiết sai thôi là đủ phá đi nỗ lực của cả bức tranh tổng thể.

Tôi nghĩ mãi về chuyện này và đem thắc mắc hỏi những người đã từng đến Australia. Hóa ra là nhân viên hải quan ở đây đều có thái độ kiểu vậy, từ trước tới nay. Tuyên bố đầu tư một số tiền nhất định để kéo khách du lịch trở lại sau dịch là một quyết định chính sách, nhưng không ai có thể can thiệp ngay vào hành vi của các mắt xích tham gia vào quá trình thực hiện một chính sách, nếu từ đầu nó đã không vận hành như thế.

2. Ngày 18/5 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành nghị quyết về tăng tốc phát triển du lịch. Lý do là sau 1 năm mở cửa đón khách quốc tế, du lịch Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với kỳ vọng. Trong 4 tháng đầu tiên, có khoảng 3,7 triệu lượt khách du lịch đặt chân đến Việt Nam, mới đạt khoảng 46% so với mục tiêu năm nay và Chính phủ phải hành động ngay vì các tháng du lịch cao điểm đã cận kề.

Có lẽ là các thông điệp về sự thân thiện và tư thế sẵn sàng đón khách du lịch vẫn chưa ngấm được vào các mắt xích thi hành chính sách. Sau 1 năm, du khách than phiền về sự chậm trễ khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, cũng như thái độ của nhân viên hải quan. Vào tháng 1, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đình chỉ một cán bộ để xác minh về việc vòi tiền tip từ phản ánh của một du khách Singapore.

Mở cửa du lịch và chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” -0
Australia tạo cảm giác thanh bình và mến khách ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc chuyến đi. Ảnh: Phạm An

Khi du lịch mở cửa trở lại, nạn chặt chém du khách nước ngoài cũng quay lại. Cuối tháng 3, một tài xế ở Hà Nội chở du khách đi 3 km và thu 500.000 đồng. Cuối năm ngoái, một tiểu thương ở hồ Hoàn Kiếm bán cho du khách củ khoai với giá... 80.000 đồng. Tại Đà Nẵng, có vụ người đánh giày đã kiếm được 400.000 đồng sau khi chà xong một đôi giày của khách du lịch nhẹ dạ.

Tất nhiên là cơ quan chức năng đã vào cuộc rất nhanh xử lý các sự vụ kiểu này, cũng như các lần trước đây. Nhưng, giống như “bắt cóc bỏ đĩa”: Con cóc vẫn nhảy ra khỏi đĩa, vì bản năng của nó là như thế. Không ai nghi ngờ về chính sách quyết tâm kéo khách du lịch trở lại Việt Nam nhưng hiệu quả của nó thì phải phụ thuộc vào chính những con người tham gia các hoạt động du lịch của chúng ta.

Chuyện này thì ai cũng biết nó đã diễn ra theo những tập quán kỳ dị thế nào trong nhiều năm qua. Đi ăn bún, gặp một bà cô hay chửi khách hàng và từ đó mọi người tạo thành một câu chuyện kỳ quặc về “đặc sản” bún chửi, nơi thực khách cảm thấy thú vị vì được ăn và nghe chửi, báo đài đưa tin ầm ầm và quán ăn lại càng đông hơn nữa.

Chuyện thái độ của các nhân viên hải quan cũng thế: Không có mệnh lệnh hành chính nào có thể bắt họ phải niềm nở, vui vẻ, hay khiến cho thủ tục xuất nhập cảnh trở thành một trải nghiệm dễ chịu với khách du lịch ngay được, nếu họ không cư xử như vậy trước đây...

3.Du lịch quẩn quanh trong những món lợi nhỏ kiểu vậy. Nhưng, nếu tư duy bằng con số, bạn có thể nhận ra được thiệt hại chung có thể mang tầm quốc gia. Ngành du lịch đang đóng góp 6-10% vào GDP của Việt Nam và từ năm 2019, Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách những nước có tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng bậc nhất.

Tháng 3 năm nay, trong một cuộc hội thảo về visa du lịch, các chuyên gia công bố một con số giật mình: Việc thiếu hụt lượng khách quốc tế đã làm cho đóng góp của du lịch vào GDP giảm từ 9,2% xuống còn khoảng 2%. Tại tọa đàm, phó tổng giám đốc một hãng hàng không lớn ở Việt Nam kể lại trải nghiệm nhập cảnh rất dễ dàng vào một nước phát triển ở châu Âu nhờ áp dụng công nghệ và so sánh với thực tế đang diễn ra ở Việt Nam.

Thực ra thì các cuộc tranh luận về du lịch dường như luôn chiếm một không gian không hề nhỏ trong những diễn đàn mạng xã hội của chúng ta. Mỗi khi có một “ông Tây” nào đó bị “chặt chém” là cả hệ thống sẽ vào cuộc giải quyết hậu quả. Kẻ vi phạm sẽ bị nhận diện ngay lập tức, bị xử phạt nghiêm và nạn nhân được cộng đồng mạng giúp đỡ hết sức nhiệt tình.

Nhưng, sự sốt sắng này gần như không tồn tại ở phần cốt lõi của việc thiết kế trải nghiệm du lịch: Đảm bảo cho mọi thứ thân thiện ngay từ những ấn tượng đầu tiên và duy trì được cảm nhận đó xuyên suốt và liên tục trong chuyến đi.

Khi đi Thái Lan, tôi có cảm giác mọi thứ đều rất dễ dàng, từ việc đặt vé máy bay cho đến nhập cảnh, đi lại và thăm thú đây đó. Bất kỳ một người dân nào ở Bangkok dường như cũng có thể dùng tiếng Anh để chỉ cho bạn từ cách đi phương tiện công cộng, nên đi chỗ nào trước, chỗ nào sau thì tiện, hay những nơi có đồ ăn ngon. Đến Australia, bạn nhận ra rằng đây là một nơi bình yên và ấm áp, từ khi bắt đầu đặt chân đến sân bay, cho đến lúc kết thúc chuyến đi. Bạn không cần phải mặc cả, hay lo ngại bị lừa. “Màu” trải nghiệm ở đó không bị phá hỏng bởi sự thiếu nhất quán.

Một nghiên cứu về du lịch cho thấy, thứ quyết định xem du khách có tỉ lệ quay lại một địa điểm cao hơn bình thường chính là các trải nghiệm tích cực được duy trì ở mức ổn định. Một điểm du lịch hút khách thường xuyên không phải lúc nào cũng đem lại những khoảnh khắc “10 điểm” cho du khách, nhưng cảm giác 7-8 điểm luôn thường trực bên họ trong suốt hành trình.

Nhưng, làm thế nào để tạo ra một dạng trải nghiệm tích cực xuyên suốt ấy thì lại không phải là chuyện của riêng cơ quan quản lý nữa. Bạn không thể giả vờ niềm nở mãi được nếu thực sự không phải là người niềm nở. Làm sao để quốc gia trở thành một điểm đến thân thiện cũng là một câu hỏi về cách mỗi cá nhân sẵn sàng thay đổi thái độ của mình, vì một mục tiêu to lớn hơn.

Ban Cầm
.
.