Minh triết của nỗi buồn trong thời đại chữa lành

Chủ Nhật, 29/05/2022, 09:02

Trong một cuốn sách mang tên “Minh triết của nỗi bất an”, triết gia Alan Watts từng nói về một thứ "định luật ngược": Khi ta cố nổi trên mặt nước thì ta chìm, mà khi ta cố để bị chìm thì ta lại nổi.

Tôi nghĩ về điều đó khi nghe bạn mình kể chuyện công ty anh buộc nhân viên phải tham gia một buổi học về... tư duy tích cực. Định luật của Watts hơi khác với những gì người ta dạy ở đó, rằng mỗi ngày ta phải tự ám thị mình về những điều tốt đẹp, như là cứ cách một tiếng lại nhắc bản thân rằng: "mình sẽ thành công", "mình sẽ hạnh phúc", "mình sẽ sung sướng". Họ còn dạy rằng ta phải hô thật to lên các tính từ như "giàu có", "tiền bạc", "niềm vui", "khỏe mạnh".

Tất nhiên, không ai hướng dẫn chúng ta hãy hô to những từ như "buồn bã" hay "đau khổ". Chắc trên đời cũng không có lớp học nào dạy ta tư duy tiêu cực, dẫu có cũng không ai học.

Minh triết của nỗi buồn trong thời đại chữa lành -0
Bức “Nỗi buồn” của danh họa Edvard Munch mô tả trạng thái ưu sầu. Trong bức tranh thuộc trường phái Biểu hiện này, cảnh vật bên ngoài như bờ nước hay đường chân trời đại diện cho tâm trạng của nhân vật chính. Tranh về nỗi buồn của Munch còn có nhiều phiên bản khác.

Chúng ta sống trong một thời đại xa lánh nỗi buồn và xiển dương hạnh phúc. Bạn không tin ư? Cứ nghĩ lại mà xem. Chúng ta có ngày Quốc tế hạnh phúc chứ không có ngày Quốc tế nỗi buồn (và ngày Quốc tế hạnh phúc mới ra đời nhõn chục năm). Chúng ta sợ phải nhắc tới những chủ đề như trầm cảm, còn nếu là những vụ tự sát thì xin miễn. Ngược lại, mọi lĩnh vực đều cố áp dụng thứ thuật giả kim biến sản phẩm mình bán thành nguồn cơn niềm vui. Nếu chỉ xem quảng cáo trên tivi thì ta sẽ nghĩ thế giới toàn những con người cười rộng đến mang tai và vô lo nghĩ. Một địa điểm du lịch lý tưởng sẽ là thiên đường hạnh phúc. Một chiếc nệm là nơi ta mơ giấc mơ êm ái. Một cuốn sách hay là cuốn sách có tính chữa lành.

Nhân nói đến chữa lành, có lẽ không cần đợi đến năm ngoái khi Liên Hợp quốc chọn năm 2021 là Năm chữa lành (Year of Healing) mà ta thấy từ "chữa lành" hiện diện khắp nơi. Có lẽ Liên Hợp quốc cũng chỉ nắm bắt xu hướng mà thôi. Bất kể để quảng bá cho hoạt động gì, người ta cũng cố gán thêm hai từ "chữa lành": viết chữa lành, vẽ chữa lành, nghe nhạc chữa lành, bắn cung chữa lành, thiền chữa lành, ăn chay chữa lành,... Ta không chịu nổi dù một vết thương, một vết xước, một vết bầm trong tâm tưởng. Mọi từ ngữ "kêu" nhất, nào là Ikigai, nào là Hygge, nào là chủ nghĩa tối giản, nào là sống xanh, nào là trở về với thiên nhiên, tất cả đều hứa hẹn về một cảm thức hạnh phúc vô biên.

Còn nỗi buồn trở thành thủ phạm của mọi thứ. Có một cuốn sách rất thú vị mang tên “Những sự thật về bệnh ung thư” của David Khayat, một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng tại Đại học Pierre et Marie Curie, vừa vào đề, ông đã say sưa kể lại trường hợp của những bệnh nhân vốn tưởng đã chặn đứng được căn bệnh quái ác này, để rồi một chuyện buồn xảy đến và người đó bỗng nhiên suy sụp. Bác sĩ đưa ra rất nhiều nghiên cứu đáng tin cậy để đi đến kết luận rằng tế bào cũng cảm nhận được tình yêu và khi con người đau khổ, tế bào dễ làm loạn. Nếu đã vậy, chẳng phải tốt nhất là: Buồn ơi, tạm biệt mi? Ta cần gì đến nỗi buồn trong đời sống chứ, khi mà nỗi buồn quá đỗi nguy hiểm mà lại vô tác dụng.

Bức họa "Nỗi buồn" của danh họa Edvard Munch mô tả một con người trong trạng thái ưu sầu. Trong bức tranh thuộc trường phái Biểu hiện này, cảnh vật bên ngoài như bờ nước hay đường chân trời đại diện cho tâm trạng của nhân vật chính. Series tranh nỗi buồn của Munch còn có nhiều phiên bản khác.

Năm 1928, nhà phân tâm học Carl Jung được một người bạn là nhà Hán học gửi tặng cuốn sách “Thái kỷ kim hoa tông chỉ” (Bí mật bông hoa vàng), một cuốn sách cổ trong truyền thống Đạo giáo ở Trung Hoa. Jung thích cuốn sách vô cùng. Một trong những chi tiết mà ông tâm đắc nhất trong cuốn sách ấy vô tình lại trùng với những ý tưởng của ông, rằng sự hỗn độn là nguồn gốc sức mạnh sinh ra vũ trụ và những gì tưởng chừng trái ngược nhau lại có một mối liên hệ thuần khiết với nhau, như giống đực và giống cái, như bóng tối và ánh sáng, như nỗi buồn và niềm vui.

Với riêng Jung, ông nhận ra điều ấy sau những năm tháng đen tối của cuộc đời, khi mối quan hệ giữa ông và người thầy Freud đổ vỡ, rồi mẹ ông qua đời, còn ở châu Âu chiến tranh nổ ra khắp nơi và ông thường gặp những cơn ác mộng về một cơn lũ càn quét tất cả mọi người, trong khi đại dương hóa thành máu tươi. Để rồi, vào năm 1917, ông viết rằng con người nợ "toàn bộ sự hữu dụng và lý do tồn tại cho sự loạn trí", chính những nỗi đau buộc ta phải chuyển sang "trạng thái sống" với những khả thể đáng giá.

Jung đi về một ngôi làng nhỏ ở Thụy Sĩ, nơi ông sống mà không điện, không nước máy, không điện báo, không máy sưởi, rồi hàng giờ dài ông ngồi một mình ngẫm nghĩ về mối liên hệ giữa những trạng thái tan rã của tâm lý và sự toàn vẹn của tinh thần. Chính trong những giờ cô độc nghĩ suy buồn bã đó, ông đi đến một suy tư rằng cả với Chúa Jesus, nỗi khổ đau đày đọa cũng là bước chuẩn bị để đón nhận ánh sáng hạnh phúc vĩnh cửu. Trên cây thập giá, Chúa không hoang mang, rối trí, sợ hãi sao? Nhưng, phải có những nỗi đau ấy để bản thể cũ vỡ ra, hé lộ một bản thể mới thần thánh tràn ngập dương quang.

Nói theo cách ấy, buồn đau là một cửa ngõ, một sự quá độ để con người đạt tới một hiểu biết mới về cuộc đời. Cuối thế kỷ 15, khi thành phố Florence chớm bước vào thời kỳ Phục hưng huy hoàng, có một vị triết gia tên Ficino sau bao năm tháng cố gắng trốn chạy nỗi buồn trong những trước tác của Plato, liền nhận ra có một điều gì đó không đúng đắn trong sự kỳ thị những xúc cảm đen tối, ngứa ngáy, âm u và tù hãm. Ông tình cờ tìm được một tác phẩm của một tác giả khuyết danh từ thời Hy Lạp cổ, viết rằng: "Tại sao tất cả những kẻ siêu quần trác tuyệt trong giới triết học, chính trị, thơ ca hay nghệ thuật đều là những người buồn bã?". Bị cuốn hút bởi ý tưởng ấy, ông viết nên cuốn “De vita libri tres” (Ba cuốn sách về cuộc đời) chống lại sự vùi dập, phủ nhận, triệt tiêu, quyết tuyệt với nỗi buồn, bởi theo ông, nỗi buồn có thể là một ánh chớp của thiên tài. Và, đúng thế, chỉ những ai biết nhấm nháp sự buồn bã mới có đủ trí tò mò và lòng can đảm để bước ra khỏi căn phòng suy tưởng yên ấm và bước qua những ranh giới tối tăm, vén màn tri thức.

Minh triết của nỗi buồn trong thời đại chữa lành -0
Bức "Nỗi buồn và sự bí ẩn của một con phố" của danh họa Giorgio de Chirico - người có ảnh hưởng lớn tới sự ra đời trường phái Siêu thực. Không có nỗi buồn, ta liệu có những tác phẩm hội họa thế này?

Có bao nhiêu vĩ nhân thật sự hoan lạc và hạnh phúc? Nếu Dostoevsky yêu đời mĩ mãn thì liệu ông có viết ra được những “Tội ác và hình phạt” hay “Anh em nhà Karamazov”? Hay, đúng như ông nói, một người vĩ đại là người có những nỗi buồn vĩ đại và đau đớn khổ sở thì làm sao tránh được với một trái tim sâu sắc? Ngay bản “Tụng ca niềm vui” cũng phải do một "kẻ ghét đời" như Beethoven viết nên, bởi phải có một hố sâu cô đơn đủ thăm thẳm thì người ta mới khao khát về một niềm vui lớn lao đến vậy nhằm lấp đầy mọi bi thương.

Người viết tiểu sử cho Abraham Lincoln kể lại rằng, trong khi bạn bè ông nhìn thế giới "được trang trí bằng vẻ đẹp, sự sống, hành động; và vì vậy mà cái nhìn đều ít nhiều sai lệch", thì ngược lại, vị tổng thống lỗi lạc "nghiền nát cái không thực, cái không chính xác, cái rỗng và cái giả tạo - mọi thứ đến với ông trong hình dạng và màu sắc thật của nó", điều ấy khiến ông nhạy cảm với nỗi đau hơn nhưng cũng cho ông sức mạnh và sự sáng suốt để lèo lái đất nước mình qua cuộc khủng hoảng đạo đức kinh khủng nhất. Nghe thì khó hiểu nhưng giả như Lincoln không biết đau buồn trước tình cảnh của những nô lệ da đen, nếu ông chỉ luôn tư duy tích cực, lan tỏa niềm vui hay học cách chữa lành, liệu ông có thể day dứt với sự tàn bạo của chế độ nô lệ bạo tàn ở miền Nam nước Mỹ mà xóa bỏ nó?

"Người ta bảo, thế giới thật điên cuồng nhưng những trí tuệ lớn càng điên cuồng hơn thế và cái đụng chạm của nỗi buồn là một thiên tư đáng sợ. Nỗi buồn là gì nếu chẳng phải chiếc kính viễn vọng nhìn chân lý?", thi sĩ Lord Byron viết. Những người lớn đều là ông vua, bà hoàng trong vương quốc nỗi buồn.

*

Tôi từng đọc một truyện ngắn kể về một cậu bé mắc phải tai nạn trong rừng, kể từ ấy đôi mắt của cậu nhìn mọi thứ đều được tô màu hồng. Bạn hẳn nghĩ, vậy cậu phải sung sướng lắm đây. Mẹ cậu cũng nghĩ vậy, bà mừng rỡ biết bao, cho rằng đó là dấu hiệu của trái tim hiền lành, dịu dàng và trong sáng nơi đứa bé con.

Nhưng, sự thật là nó không hạnh phúc, nó căm ghét màu hồng và không chịu nổi cái sắc màu nhàn nhạt ấy. Rồi nó bắt đầu làm những điều độc ác, đầu tiên là giết một con mèo, rồi làm chột mắt một bé gái đi trên đường, đẩy một người mù xuống vực sâu, đốt một ngôi biệt thự - tất thảy chỉ để được thấy một màu nào khác. Thậm chí, nó xô cả một đứa bạn thân xuống nước những mong thấy cái màu xanh lục của kẻ chết đuối. Có lẽ, đó là một câu chuyện ngụ ngôn hoàn hảo cho thời hiện đại, rằng hạnh phúc cũng có thể là một căn bệnh, một hội chứng bất thường, còn một con người bình thường cần cả hạnh phúc, cần cả nỗi đau, nên đôi khi, ta hãy cứ: “Bonjour tritesse” - Buồn ơi, chào mi.

Hiền Trang
.
.