Miền đất hứa không dễ dàng

Thứ Tư, 09/08/2023, 11:27

Cuối năm 2022, gần 3 năm sau khoảng thời gian tê liệt vì dịch COVID-19, New Zealand ban hành lộ trình nới lỏng chính sách nhập cư. Bên cạnh một số ngành nghề được ưu tiên cấp visa cư trú, New Zealand còn cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp được tuyển lao động nước ngoài thông qua môi giới ở nước sở tại.

Vì vậy nếu trước kia muốn sang New Zealand định cư thường phải đi theo diện du học, sau đó làm việc một vài năm để tìm kiếm cơ hội định cư, thì với quy định mới, lao động phổ thông cũng có thể đến làm việc. Đó cũng là thời điểm giấc mơ đổi đời tại New Zealand được quảng bá đến người Việt, tuy nhiên hàng ngàn người vỡ mộng khi biết đời thực tại quốc gia này không như những gì họ nghĩ.

8a5cb91b51ae82f0dbbf12.jpg -0
Auckland, trung tâm kinh tế của New Zealand

Quá khứ và hiện thực

Là một trong những nước phát triển trên thế giới cùng mức thu nhập bình quân đầu người 50.000 USD/ năm, New Zealand nghiễm nhiên trở thành điểm đến mơ ước. Tương tự những "cuộc đổ bộ" sang Hongkong, Đài Loan hay Nhật Bản trước kia, hàng ngàn người Việt bắt đầu quan tâm đến New Zealand như một điểm đến lý tưởng mới để làm việc, sinh sống.

Còn nơi nào tốt hơn New Zealand, một quốc gia phát triển nhưng không yêu cầu gì về trình độ chuyên môn và tay nghề? Với những dòng quảng cáo đó, dòng người Việt Nam tìm đến New Zealand thông qua các trung tâm môi giới xuất khẩu lao động bắt đầu tăng lên. Khoản phí trung gian để đến quốc gia này cũng không hề nhỏ, khoảng 400-500 triệu đồng/ người.

Việc New Zealand chấp nhận ủy quyền cho các trung tâm môi giới ở nước ngoài đã vô tình khiến nhiều người nhầm tưởng đây là miền đất có việc nhẹ lương cao. Tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ của nhiều trung tâm, không ít người Việt đã bỏ nửa tỷ đồng đến với quốc gia này, để rồi nhận thấy cuộc sống tại nơi đây không như mình tưởng tượng.

Trong báo cáo năm 2003 của Cơ quan Quản lý Cư trú New Zealand, quốc gia này cho biết họ từng ghi nhận hiện tượng người gốc Việt di cư ồ ạt từ New Zealand sang Australia vào cuối thập niên 90. Đó là thời điểm nhiều người Việt ở New Zealand tìm được cơ hội sang Australia định cư, bởi có nhiều điểm thuận lợi để họ sinh sống hơn.

Báo cáo của Chính phủ New Zealand viết: "Vào khoảng năm 1998, hơn 30% người Việt ở đây đã tới Australia. Họ cảm thấy Australia là nơi dễ tìm được việc làm hơn, thời tiết cũng ôn hòa hơn, và cộng đồng người Việt Nam ở Australia như Sydney, Melbourne cũng lớn hơn. Đó cũng là thời điểm nhiều người mất việc làm vì New Zealand khủng hoảng kinh tế".

Những người Việt Nam ở New Zealand trong quá khứ có một lợi thế không nhỏ khi đến Australia. Phần lớn trong số họ là những người đã ở New Zealand trên 3 năm, có quốc tịch. Đây là điều kiện cần và đủ để họ di cư sang Australia mà không cần đến visa, do hai nước có mối quan hệ gần gũi với nhau.

Nhưng, những người Việt đến New Zealand do xuất khẩu lao động gần đây lại không có điều đó. Khi bước chân đến New Zealand, những lao động phổ thông Việt Nam mới nhận ra một sự thật phũ phàng: Họ gần như chẳng biết miền đất mới như thế nào. Về mặt địa lý và khí hậu, New Zealand rất khác Việt Nam. Quốc gia này bị phân tách do nằm trên hai hòn đảo phía Bắc và Nam. New Zealand có diện tích bằng 2/3 Việt Nam nhưng dân số chỉ hơn 5 triệu người, nên mật độ dân cư rất thưa.

Mật độ dân cư thưa thớt khiến người Việt ở New Zealand cũng tản mát ở một số khu vực như Auckland, Wellington và Christchurch. Những cộng đồng người Việt kiểu như như chợ Việt Nam (Đông Âu) hay khu Little Saigon (California, Mỹ và Sydney, Australia) hoàn toàn không tồn tại ở New Zealand.

Miền đất hứa không dễ dàng -0
Phần lớn trang trại, đồn điền tại New Zealand chỉ tuyển dụng lao động vào mùa hè

Vì thế, người Việt tại New Zealand không có cộng đồng lớn để tương trợ lẫn nhau. Họ buộc phải tự đi tìm việc làm. Khi ấy, việc giao tiếp thành thạo tiếng Anh trở thành điều kiện bắt buộc với người lao động. Nhưng liệu có bao nhiêu lao động phổ thông Việt Nam biết tiếng Anh đến New Zealand, khi họ đều tin mình có thể tìm được việc tại đây mà không cần ngoại ngữ?

"Nhiều người Việt tại New Zealand biết ngoại ngữ, biết một số công việc như lái xe, và có cả visa lao động nhưng vẫn không tìm được việc làm bởi chuyên môn không phải lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng. Không hiểu sao nhiều người tin mình có thể sang New Zealand làm việc mà không cần ngoại ngữ và tay nghề", chị Mỹ Hạnh, một người Việt sinh sống tại Auckland cho biết.

Một sự thật bất ngờ là trên các nhóm cộng đồng người Việt Nam ở New Zealand trên mạng xã hội, rất nhiều người quảng cáo dạy tiếng Anh cơ bản. Điều đó cho thấy nhu cầu học tiếng Anh của người Việt tại New Zealand là có thật. Cho đến ngày có thể giao tiếp cùng người bản xứ, họ vẫn phải trầy trật đi tìm công việc phù hợp với bản thân để trang trải cuộc sống nơi xứ người.

Chăm chỉ và thất nghiệp

Phần lớn người Việt tại New Zealand làm việc trong hai lĩnh vực: Luật pháp và Giáo dục. Nhưng để làm việc ở hai mảng này, người lao động buộc phải có chứng chỉ hành nghề quốc tế, tối thiểu là bằng tốt nghiệp từ một trường bản xứ. Chị Mỹ Hạnh cho biết, những người từng làm giáo viên tiểu học ở Việt Nam sẽ không thể tìm được việc tương tự khi đến New Zealand.

Trước khi sang New Zealand vào năm 2019, Mỹ Hạnh là nghiên cứu sinh 4 năm tại Malaysia về lĩnh vực xây dựng. Nhưng trước đó, chị là một… giáo viên tiểu học tại quận 8, TP Hồ Chí Minh. Để hiện thực hóa giấc mơ định cư ở New Zealand, Hạnh phải học tiếng Anh, bán một căn hộ lấy tiền sang Malaysia theo học trước khi nhận việc quản lý dự án và nhận thầu công trình. “Muốn ổn định tại New Zealand, người nước ngoài phải làm công việc trí thức, và là những ngành ít phổ biến”, Hạnh nói tiếp.

Những thông tin trên không bao giờ được công ty môi giới xuất khẩu lao động thông báo đến khách hàng. Nhiệm vụ duy nhất của họ là nhận tiền, đồng thời bảo lãnh cho lao động phổ thông đến New Zealand sau khi nhận tiền môi giới. Vì lý do đó, nhiều người Việt đến New Zealand mới nhận ra chuyên môn của mình chắc chắn không thể tìm được việc làm.

Thị trường lao động tại New Zealand cũng phân hóa rõ rệt theo đảo Bắc và đảo Nam. Tại đảo Bắc, nơi có thành phố Auckland, phần lớn công việc phù hợp với người Việt thuộc ngành Luật pháp. Nếu một giáo viên, hoặc lao động phổ thông Việt Nam đến đảo Bắc, họ sẽ rơi vào cảnh lạc lõng bởi nơi cần công việc của họ nằm ở đảo Nam, miền đất heo hút chỉ có 1,2 triệu người sinh sống nhưng có tới 3,4 triệu… con cừu.

Đảo Nam là nơi phát triển nông nghiệp với nhiều đồn điền, trang trại quy mô lớn. Nhưng đây cũng là miền đất heo hút, buồn tẻ với những ai muốn lập nghiệp. Mật độ dân số trung bình trên đảo Nam là 8 người/1km vuông. Để so sánh, mật độ tại đảo Bắc New Zealand là 35 người/1km vuông. Mật độ dân số Việt Nam là 300 người/1km vuông, và lên tới 2.500-4.000 người/1km vuông ở các đô thị lớn.

Những công việc chân tay người bản xứ muốn tuyển dụng lao động Việt Nam gồm: làm việc ở trang trại, thu hoạch nông sản, chăm sóc gia súc. Chỉ có những người thực sự chăm chỉ, chịu khó mới có thể sinh tồn ở đảo Nam New Zealand, nơi họ chấp nhận một cuộc sống không như mơ. Nếu không, thứ chờ đợi những ai muốn “há miệng chờ sung” là cảnh thất nghiệp và sớm về nước.

Đã có 3 năm làm việc ở New Zealand, anh Mạnh Cường, quê Nghệ An, một thợ hàn than thở: "Sinh tồn ở mảnh đất này không dễ dàng, nhất là trong những tháng mùa đông. Phần lớn gia đình ở đảo Nam sinh hoạt theo lối tự cung tự cấp nên mùa đông thường không có việc làm. Tôi phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, bởi không chê việc là cách duy nhất mưu sinh".

Mọi thứ đều đắt đỏ

Chi phí sinh hoạt ở New Zealand không hề rẻ với người Việt Nam. Bên cạnh tiền thuê nhà, những khoản chi phí sinh hoạt cũng không hề thấp. Chị Tuyết Trinh, một người chuyên nhận bán online đồ ăn Việt Nam cho đồng hương tính giá 4 miếng xôi khúc là 20 NZD (300.000 đồng). Một bát bún bò có giá tương đương 250.000 đồng, chân gà 300.000 đồng/hộp.

"Cùng là người Việt ở nước ngoài, chúng tôi luôn sẵn sàng tương trợ lẫn nhau, đồng thời giúp các bạn có chút đồ ăn quê hương để đỡ nhớ nhà. Tuy nhiên, giá đồ ăn không thể thấp hơn được do các chi phí liên quan cũng cao. Đồ ăn ở New Zealand cũng đắt, chỉ một suất ăn gà rán và bánh mì kẹp thịt ở cửa hàng cũng có giá tương đương 400.000-500.000 đồng rồi", chị Trinh chia sẻ.

Chị Thảo Nguyên, chuyên viên tư vấn nhập cư tại Queenstown cho biết, nhà mình đang có một phòng trống nên cần tìm khách thuê. Chị ưu tiên cho đồng hương Việt Nam đến ở với giá 250 NZD (3,7 triệu đồng)/ tuần, tương đương khoảng 15 triệu đồng/ tháng. Cặp đôi đến ở sẽ chịu mức phí cao hơn một chút là 320 NZD/ tuần.

Với các công việc phổ thông ngắn ngày, người Việt tại New Zealand thường được chào mời mức thu nhập khoảng 25-35 NZD/ giờ, một ngày làm 4-5 giờ. Nếu chăm chỉ, họ có thể kiếm 2.500-3.000 NZD/ tháng, đủ chi trả sinh hoạt phí và dư khoảng 500-1000 NZD tiết kiệm. Học sinh, sinh viên đi làm sẽ khó khăn hơn bởi họ bị nhà trường giới hạn làm việc 20 giờ/ tuần.

Đơn Ca
.
.