Mẹ "thiên thần" Hải An: "Từ đôi mắt của con, tôi muốn nhân lên nguồn sáng diệu kỳ"
Tôi vẫn nhớ một ngày mưa phùn buốt lạnh tháng 2/ 2021, tôi đã gặp chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương - mẹ của thiên thần nhỏ Nguyễn Hải An. Thời điểm đó, tròn 3 năm bé Hải An (7 tuổi) ở Hà Nội trút hơi thở cuối cùng vì bệnh ung thư, để lại giác mạc quý giá đem lại ánh sáng cho 2 người khác.
Lúc đó, trông dáng vẻ u buồn của chị, tôi thật sự thấy ái ngại, không biết chị Dương sẽ sống những ngày tiếp sau thế nào. Bẵng đi cho đến hôm nay, tôi gặp lại chị trong một tâm thế khác
1. Ngày mưa lạnh 3 năm về trước, tôi và chị Dương cùng những người yêu nhớ bé Hải An đứng lặng bên mộ con. Tôi lặng ngắm "ngôi nhà" gắn đầy sticker, rải đầy hoa cúc trắng và Kỉ niệm chương của Bệnh viện Mắt Trung ương tri ân người hiến tặng giác mạc được đặt ngay cạnh đó. Nhìn dáng vẻ gầy guộc, gương mặt nhợt nhạt, đôi mắt buồn xa xăm của chị Dương, tôi biết nỗi nhớ thương con chưa thể nguôi ngoai trong lòng người mẹ trẻ.
Hôm đó tôi đã đến thăm căn phòng trọ của chị Dương. Không gian chật hẹp ấy vẫn chủ yếu bày biện đồ của Hải An. 2 bức ảnh bé An chụp với tập thể lớp và cô giáo vẫn treo trên tường. Búp bê, gấu bông, sách truyện chị Dương vẫn mua thêm. Trên ban thờ, 2 kỉ niệm chương của ban tổ chức giải We choice Award 2017, 2018 để hai bên. Số tiền nhận được từ giải thưởng, chị Dương đã dành để giúp đỡ một bệnh nhi bị trọng bệnh.
Sau nghĩa cử cao đẹp của Hải An, số lượng người đăng kí tham gia hiến mô tạng tăng đột biến. Câu chuyện của bé Hải An cũng truyền cảm hứng, được đưa vào thơ, văn, đề thi ở nhiều cấp học. Nhưng cũng không ít người chưa chấp nhận chuyện này, họ phản đối, miệt thị chị. Điều đó đã khiến chị Dương bị sang chấn tâm lý nặng nề, sức khỏe vốn đã yếu lại càng sa sút. Chị đành lòng phải bỏ nghề y, bỏ công việc ở một bệnh viện để làm công việc khác.
Sau 100 ngày mất của bé An, chị Dương về ở khu trọ đó, vừa gần nơi chị làm việc, vừa gần "nhà" của An, để chị có thể thăm con thường xuyên. Có một điều thật lạ, những đứa trẻ cùng khu trọ ấy đều biết đến An. Bất cứ lúc nào chúng cũng có thể kéo sang phòng chị Dương chơi đùa, đọc sách, tô màu và nhắc đến An như thể An chỉ đi vắng vài ngày. Khi chúng được chị Dương tặng bánh kẹo, chúng đều bảo: "Chị An cho con". Nụ cười, ánh mắt, sự tinh nghịch, những vòng tay ôm của bọn trẻ thêm lần nữa khiến lòng người mẹ bớt trống vắng.
Trước đây, chẳng biết từ lúc nào, An đã biết đọc những câu danh ngôn về tình người, về hạnh phúc trên mạng. Con copy và lưu vào phần ghi chú của iPad. Lẫn trong những dòng trích dẫn đó, An thường gõ xen vào: "Mẹ ơi con yêu mẹ", "Mẹ ơi mẹ phải luôn vui nhé...". Mà phần ghi chú nhiều lắm, hầu như ngày nào An cũng lưu lại. Mãi sau này, khi An đã đi xa, chị Dương mới biết đến phần bí mật này An để lại. Những lúc nhớ con quá, chị lại lần tìm những điều con nhắn nhủ, như một cách để trò chuyện cùng con.
Chị Dương bảo, Hải An biết đến những kiến thức y khoa từ rất sớm. Ngày An còn bé, khi chị vừa làm điều dưỡng ở một bệnh viện vừa đi học nâng cao, đã mang theo con đến giảng đường. An đã rất ngoan ngoãn tự chơi cho mẹ học. Đã có lần thầy giáo nói rằng, An là sinh viên nhỏ tuổi nhất của thầy. Khi An lớn hơn một chút, sách vở của mẹ, An cũng mở ra nhìn ngắm, thắc mắc. Chị Dương thường xuyên giải thích cho con hiểu về cơ thể con người, về tiêm truyền, phẫu thuật...
Năm 2018, bà ngoại An bị bỏng nặng phải thay da. Khi Hải An nghe thấy bác sĩ nói có thể thay da tự thân hoặc thay da động vật, con đã nói với bà: "Bà ơi, da mông con nhiều nhất, con tặng lại cho bà". Lớp của An có một bạn bị cụt một tay bẩm sinh, An hỏi mẹ rằng: "Con có thể đổi tay cho bạn ấy được không". An từng nói với mẹ sẽ để tóc dài để tặng tóc cho các bạn nhỏ bị ung thư. Ý nghĩ cho đi một phần cơ thể ở Hải An đã đến từ những tình huống đời thường như thế.
An sớm hiểu về chuyện hiến tạng, ghép tạng. Chị Dương từng nói với con về ý nguyện của mình khi chết đi sẽ hiến toàn bộ thân xác cho nghiên cứu y học, nội tạng sẽ hiến cho những người đang chờ ghép tạng, còn đôi mắt thì dành cho người chị gái bị hỏng một bên mắt do chấn thương. Hải An nói rằng con cũng muốn được như vậy. Và chị đã làm như vậy, theo ý nguyện của con.
Chị Dương khi ấy lấy từ trong túi áo khoác ra 2 chiếc thẻ, là thẻ đăng kí hiến xác để phục vụ cho nghiên cứu y học và thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng. "Lúc nào tôi cũng mang theo bên người, trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể thực hiện được tâm nguyện của mình", lời nói của chị nhẹ bẫng. Khi không có An, người mẹ ấy vẫn đau đáu những tâm nguyện của cuộc đời mình. Việc cho đi những bộ phận quý giá trên cơ thể để người khác có thêm cơ hội sống với chị không phải là quyết định cân não, không là điều gì to tát. Nếu ta nghĩ đến điều đó từ sớm, nghĩ đến thường xuyên với một thái độ sẵn sàng, chủ động thì điều đó sẽ diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, không băn khoăn, không đong đếm. Như những hành động sẻ chia thường ngày của Hải An, như 2 chiếc thẻ luôn nằm trong túi áo của chị Dương để có thể được lấy ra bất cứ lúc nào...
2. Bẵng đi 3 năm, tôi không gặp chị Dương. Bất ngờ, trong một buổi hội thảo về vận động hiến mô, tôi gặp lại chị. Đó là khi chị đứng lên phát biểu về quá trình vận động hiến mô, tạng và giác mạc - công việc mà chị đang làm tại Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Dáng vẻ vẫn gầy gò, nhưng đôi mắt chị sáng, giọng nói mạch lạc và tự tin. Tôi mừng cho chị vì sự thay đổi tích cực ấy.
"Sau khi con qua đời, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách. Có những lúc chán nản và mất phương hướng. Nhưng tôi không thể chìm đắm trong nỗi buồn đau mãi được. Hải An muốn tôi tiếp tục sống và lan tỏa yêu thương. Phải cố gắng để vượt qua nỗi nhớ con đến tái tê, nỗi đau âm ỉ của sự mất mát không thể đắp bù để gượng dậy. Tôi muốn giúp đỡ nhiều người hơn nữa, để những câu chuyện như của con gái tôi không còn là cá biệt. Từ đôi mắt của con, tôi muốn nhân lên nguồn sáng diệu kỳ", chị Dương trải lòng.
Thật ấm áp khi hai người nhận giác mạc từ An đã có lần đến thăm chị. Chị từng có ý nghĩ muốn được làm con của bà cụ, là em của người đàn ông xa lạ để gặp lại ánh mắt của con mình. Hiện tại, cả hai người đều đã hồi phục tốt. Giác mạc của họ đã có lại sự trong suốt, thị lực được phục hồi đáng kể, một người trở lại làm việc, còn người kia tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày. Chị cảm thấy như Hải An vẫn luôn ở bên cạnh. Chị bảo, biết đâu sau này bà và chú lại có di nguyện hiến tặng giác mạc cho người khác thì An sẽ tiếp tục đem lại nguồn sáng cho người khác. Và như thế, An sẽ vẫn tồn tại. Đó là những khi chị mơ thấy con trên thiên đàng đầy ánh sáng. Nghe chị nói, tôi biết lòng chị đã ấm áp hơn.
Người mẹ ấy đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, không giấu giếm mà chia sẻ câu chuyện của con gái với mọi người. Mỗi lần kể lại câu chuyện của con gái không chỉ là cách tưởng nhớ con, mà còn khích lệ, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Có thời gian là chị hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ được tiếp cận với các dịch vụ y tế trong khả năng nhỏ bé của chị. Công việc ý nghĩa chị đang làm không chỉ cứu sống nhiều người mà còn là cách tiếp nối câu chuyện con gái Hải An đã viết nên.
Chị mong muốn được góp công sức để mở rộng các chương trình vận động hiến mô, tạng và giác mạc. Ấp ủ việc xây dựng mạng lưới những người hiến mô, tạng, để cùng nhau xóa bỏ những định kiến tồn tại bao lâu nay, cùng lan tỏa thông điệp về tình yêu thương và sự chia sẻ chị vẫn đang đau đáu. Mỗi lần thấy ánh mắt rạng ngời của bệnh nhân sau khi được ghép giác mạc từ người hiến, hay khi nhận được tâm thư của người được ghép giác mạc nhờ chuyển ngữ để gửi sang Mỹ cho người hiến không quen biết, chị Dương có động lực để tiếp tục hành trình đang đi. Chỉ mới đây thôi tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, một bệnh nhân trẻ tuổi bị mất dần thị lực do bệnh lý giác mạc chóp. Gia đình em ấy đã rơi vào tuyệt vọng, nhưng nhờ vào giác mạc hiến tặng của một người không quen biết, em ấy đã có thể nhìn thấy trở lại. Nhìn thấy nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc của em ấy và gia đình sau ca phẫu thuật thành công, chị nhận ra rằng mọi cố gắng của chị không vô ích.
Điều làm tôi lo lắng và ái ngại khi biết rằng hiện tại chị Dương mắc bệnh hiểm nghèo và phải điều trị chuyên sâu. Dường như cuộc đời vẫn tiếp tục thử thách chị. Chị bảo lúc đầu khi đối mặt với bệnh tình của mình, lòng chị tràn ngập nỗi lo lắng và sợ hãi. Chị sợ rằng chị không có thời gian và sức lực để tiếp tục những điều chị ấp ủ. Nhưng tình yêu thương của gia đình và bạn bè, từ ký ức về con gái Hải An và từ những người được hiến tặng mô, tạng đã tạo động lực cho chị bình tâm và lạc quan vượt qua giai đoạn khó khăn này.