Mầm ác từ trong tâm

Thứ Tư, 15/03/2023, 09:29

Trên đường xuống Công an huyện Thường Tín (Hà Nội), tôi cứ ngơ ngẩn suy nghĩ, vì lý do gì mà hai phụ nữ trông giữ trẻ lại ác độc đến vậy? Họ cũng đang nuôi con nhỏ, một trong 2 người cũng có đứa con sinh năm 2021, nghĩa là bằng tuổi bé Đ. Vì áp lực công việc, vì kinh tế khó khăn hay vì điều gì nữa, mà hai kẻ có cái tên rất hiền ấy lại nỡ xuống tay tàn độc với một em bé còn chưa biết nói, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình còn chưa biết gọi hai tiếng "mẹ ơi".

1. Lành ngồi trước mặt tôi, đôi mắt sưng mọng vì khóc. Các điều tra viên kể rằng, từ lúc khai nhận tội, cả Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành (trú tại tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, TP Hà Nội) đều khóc rất nhiều. Nước mắt bao giờ cũng làm mềm lòng người đối diện, thế nhưng, hôm nay, tôi không thấy mềm lòng hay có một chút cảm thông nào, thứ cảm xúc thường tình rất dễ đến khi phía bên kia là nước mắt. Mà hôm nay, tôi chỉ thấy một cảm giác uất nghẹn trào dâng. Dù đã cố gắng kìm chế cảm xúc để thực hiện trọn vẹn cuộc phỏng vấn, nhưng đôi lúc giữa cuộc tiếp xúc, vẫn có những khoảng trống im lặng, vì có vẻ như tôi đã bị rơi vào trạng thái "đơ", không biết nói gì, không nhớ cần phải hỏi gì, vì những cảm xúc hỗn độn đan xen, mà phần nhiều trong đó, tôi nghĩ rằng mình đã rất giận dữ.

Tôi hỏi Lành, có biết vụ em bé 8 tuổi trong thành phố Hồ Chí Minh bị người tình của cha tra tấn trong suốt một thời gian dài và sát hại dã man không, người phụ nữ này cúi gằm mặt không trả lời, mãi sau mới lí nhỉ: "Dạ, em biết". "Em cảm thấy hành động của thủ phạm như thế nào, có ác không?" - tôi hỏi. "Dạ, có ác ạ" - Lành lại lí nhí.

Mầm ác từ trong tâm -0
Hai bảo mẫu vụ bạo hành trẻ 17 tháng tuổi cho biết, hành vi bạo hành là để "rèn vào quy củ của lớp".

Nguyên nhân khiến hai "ác mẫu" ra tay với em bé 17 tháng tuổi đơn giản đến không ngờ: Vì bé Đ. mới đi lớp nên hay khóc bởi chưa quen, thay vì dỗ dành, cưng nựng thì hai "ác mẫu" này cùng nhau đánh đập dã man em bé. Một lý do nữa là bé Đ. chậm hơn các bé khác, ăn chậm hơn, chơi chậm hơn, tiếp thu chậm hơn... nghĩa là làm gì cũng chậm hơn so với các bạn trong lớp nên cũng khiến hai người đàn bà trông trẻ này “ngứa mắt”. Mỗi người đều có hai đứa con, riêng đối tượng Lành còn đang nuôi con nhỏ sinh năm 2021, nghĩa là bằng tuổi bé Đ. Thế nhưng, người phụ nữ này không hề xót thương mà chính chị ta là người ra tay đầu tiên đúng vào ngày đầu tiên em bé đến lớp. Tiếp theo là một loạt những hành vi độc ác, táng tận lương tâm của cả hai "ác mẫu" mà bất cứ ai nghe thấy hoặc đọc thấy nội dung vụ án cũng không thể chịu nổi. Bản thân tôi, cho đến khi ngồi viết những dòng chữ này, phải mở tài liệu ra đọc chứ cũng không thể nhớ được chi tiết, bởi thực sự là không muốn nhớ những hành vi độc ác. Vì vậy, tôi cũng xin phép bạn đọc không viết chi tiết vụ án ra đây, cái chúng ta cần bàn tới đó là trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước đối với những cơ sở trông trẻ tự phát, không có điều kiện tối thiểu cần thiết như phòng cháy, chữa cháy, trang thiết bị y tế, những người trông giữ trẻ không được trang bị kỹ năng cũng như kiến thức chăm sóc, dạy dỗ trẻ.

Nguyễn Thị Lành từng tốt nghiệp trung cấp dược nhưng không xin được việc làm, nghĩ rằng công việc trông giữ trẻ rất dễ dàng, bất cứ ai cũng có thể làm được, từ bà già giúp việc cho đến một đứa trẻ con mới lớn cũng trông trẻ được, nên Lành cùng An thuê nhà mở chung cơ sở giữ trẻ chui tại xã Vạn Điểm. Trước đó, cơ sở này đã bị phạt hành chính 2 lần nhưng cả 2 vẫn lén lút hoạt động. Buổi sáng, sau khi nhận trẻ từ phụ huynh, An - Lành sập cửa kín mít và nhốt những đứa trẻ bên trong. Cho đến tận buổi chiều, khi gia đình đến đón, hai "ác mẫu" mới kéo cửa lên giao trẻ rồi lại đóng sập xuống.

Khi được hỏi, nếu chẳng may có trẻ nào đó bị nôn trớ, hóc dị vật thì có biết cách sơ cứu không, cả hai đều lắc đầu. Tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến những em bé "may mắn" hơn Đ. hằng ngày được bố mẹ gửi tới cơ sở trông giữ của An - Lành. Trời ơi! Chúng còn chưa biết nói, chưa biết kể lại với người thân những gì cô giữ trẻ làm với mình. Chỉ là một thời điểm nào đó thôi, nếu vụ án không bị phát hiện, mãi mãi bí mật sẽ nằm sâu dưới nấm mồ cùng với bé Đ., liệu có bé nào khác cũng sẽ bị hai "ác mẫu" này hành hạ nữa hay không.

Trên mạng xã hội, nhiều người gọi An và Lành là hai con quỷ. Vì họ bức xúc quá, vì lương tâm người cha, người mẹ nào cũng đều không cho phép hành động đó xảy ra với trẻ em. Cứ hình dung em bé 17 tháng tuổi ngây ngô, chỉ biết khóc vì sợ hãi khi nhìn thấy hai "ác mẫu", về nhà cũng không biết kể lại với cha mẹ, thật đau nhói lòng.

Mầm ác từ trong tâm -0
Nơi cháu Đ. học đã bị đình chỉ.

2. Cũng giống như vụ án bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị sát hại bởi nhân tình của bố, hành vi bạo hành bé Đ. không phải bộc phát, nó được lặp đi lặp lại nhiều lần, cho thấy nguyên nhân sâu xa dẫn tới hậu quả đau xót này chính là sự suy thoái về đạo đức của họ. Mặc dù, việc bạo hành nạn nhân theo hai đối tượng là do không kiềm chế được cơn giận dữ, bực bội tại thời điểm đó, nhưng đó cũng chỉ là kết quả phản ánh sự lệch lạc về nhân cách. Phải chăng, trong tâm lý của họ có thể đã chứa đựng những đặc điểm tiêu cực như sự ích kỷ, vô cảm, độc ác. Bình thường, những đặc điểm ấy nó sẽ lặn sâu vào trong, chỉ khi trong một số tình huống cụ thể nó mới bộc lộ ra ngoài.

Vụ án làm chúng ta liên tưởng đến cái chết thương tâm của em bé 8 tuổi. Trang - ả nhân tình của bố nạn nhân 8 tuổi cũng giống như hai đối tượng An - Lành, họ đã rất ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích của mình nên dẫn tới việc phản ứng cực đoan trước những điều không như ý. Đối với bé 8 tuổi là việc cô bé không tiếp thu kịp những kiến thức khi Trang dạy học, hơn hết đó là thói ích kỷ, hẹp hòi của Trang khi cô ta "ngứa mắt" trước đứa con riêng của chồng nên trút mọi bực tức giận dữ lên cô bé. Những bức xúc tâm lý hình thành rất nhanh và những ả đàn bà ác độc này đã làm mọi cách để giải tỏa nó. Nhưng, mấu chốt vấn đề chính là ở những người đàn bà này không có tấm lòng nhân ái, không có sự yêu thương thật lòng với những đứa trẻ mình có trách nhiệm trông giữ. Khi trẻ quấy khóc, họ chỉ thấy một sự khó chịu, bực bội, chứ không tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại thế. Khi mầm ác đã có ở trong tâm, người ta thường hướng đến việc sử dụng bạo lực, thay vì lựa chọn cách giải quyết khác phù hợp với đòi hỏi của pháp luật và xã hội.

Một nguyên nhân nữa cũng cần phải đề cập, đó là sự thiếu hiểu biết, hạn chế trong nhận thức của hai "ác mẫu" trông trẻ đã ảnh hưởng tới toàn bộ thái độ, hành động của hai người này. Chính sự thiếu hụt trong nhận thức, khiến An - Lành không ý thức được hậu quả của việc mình làm, không kiềm chế được cảm xúc cá nhân. Lẽ ra, làm nghề bảo mẫu, họ đều phải biết trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt của pháp luật, mọi hành vi bạo hành với trẻ đều không thể tha thứ và biện minh, hậu quả pháp lý đối với người có hành vi bạo hành trẻ em là rất nghiêm khắc.

Nếu hiểu được những điều này, họ sẽ ý thức được giới hạn hành vi mình có thể làm với trẻ em. Nếu biết cách kiềm chế cảm xúc, họ sẽ không để cơn giận dẫn dắt và hành động theo bản năng. Xã hội căm phẫn, bất cứ ai nghe thấy câu chuyện này cũng đều căm phẫn. Căm phẫn đến nỗi, khi nghe những lời xin lỗi "từ đáy lòng" của Nguyễn Thị An và nhìn thấy chiếc vòng trên cổ tay chị ta in chữ "Nam mô A Di Đà Phật", người ta chỉ thấy giận dữ hơn mà thôi.

Nếu không có sự quyết liệt vào cuộc của Công an huyện Thường Tín, mà đích thân là đồng chí Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện chỉ đạo xác minh làm rõ, thì giờ này, em bé đã được lo hậu sự xong xuôi, bởi bố mẹ bé tin đó là một tai nạn, rằng con mình nghịch ngợm nên ngã, hai "ác mẫu" vẫn tiếp tục công việc trông giữ trẻ và không biết tiếp theo sẽ còn thêm nạn nhân nào nữa. Cần phải nói thêm về những người phụ nữ có hai cái tên rất hiền này để thấy mầm ác nếu xuất phát từ tâm nó khủng khiếp đến dường nào. Khi được đưa về trụ sở công an, ban đầu họ khai khớp nhau đến từng chi tiết, chứng tỏ đã được bàn bạc kĩ lưỡng cách thức đối phó. Chỉ đến khi những tài liệu, chứng cứ Cơ quan công an thu thập được chứng minh sự vô lý trong lời khai thì An mới khóc rú lên nhận tội.

Không có lý do gì để biện minh tội ác của An và Lành, nhưng còn những đứa trẻ, con của hai người phụ nữ này sẽ lớn lên như thế nào khi mà đi đâu chúng cũng bị người đời soi mói "là con của một người mẹ ác độc". Trời ơi, chúng cũng là những đứa trẻ. Tội ác của hai người đàn bà gây ra không chỉ cướp đi tính mạng một đứa trẻ vô tội mà còn làm liên lụy đến tương lai của chính con cái họ.

Hiền Trâm
.
.