Lợi dụng thiên tai và hệ luỵ của “nhân hoạ”
Ngay sau khi phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, chỉ từ ngày 1 cho tới ngày 10/9, riêng tài khoản tại Vietcombank của Quỹ cứu trợ thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN) đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ đồng bào muốn sẻ chia. Số lượng giao dịch tới tài khoản kể trên trong 10 ngày đó lên tới con số hơn 12 ngàn trang sao kê.
Và, sau thời điểm 10/9 ấy, số tiền ủng hộ còn tăng vọt hơn như một minh chứng tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt lớn lao đến nhường nào. Nhưng, đằng sau đó cũng là rất nhiều điều đáng suy ngẫm từ những sự việc dù chỉ là cá biệt nhưng đáng chê trách, lên án...
Phải thừa nhận, công tác xã hội từ thiện cứu trợ đồng bào thiên tai năm 2024 này đã có những biến chuyển rất tích cực. Gần như không còn những hiện tượng kêu gọi đóng góp tự phát vào số tài khoản cá nhân và gây ra những hệ lụy về sau nữa. Cộng đồng đã đặt niềm tin vào đúng chỗ, hoặc là Quỹ Cứu trợ thuộc UBTƯ MTTQVN, hoặc là các cơ quan truyền thông uy tín vốn đã có bề dày kinh nghiệm trong công tác từ thiện xã hội. Việc nhiều cá nhân đã gửi phần hỗ trợ của mình vào tài khoản của UBTƯ MTTQVN từ ngày 1/9, tức là ngày mà bão Yagi còn chưa đổ bộ vào đất liền, đã đủ cho chúng ta hiểu tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng lớn tới mức nào.
Nhưng, khi chứng từ sao kê của UBTƯ MTTQVN được công khai, minh bạch, đã bắt đầu có nhiều câu chuyện đáng buồn được phát lộ. Trước khi nói đến những chuyện thiếu tích cực ấy, cũng cần làm rõ một điểm đang tạo ra tranh luận suốt mấy ngày nay. Đó là việc có luồng quan điểm (thiểu số thôi) đặt vấn đề về chuyện công khai sao kê liệu có xâm phạm quyền riêng tư hay không. Thực tế là không và chuyện lồng ghép quyền riêng tư vào đây chỉ là nâng quan điểm một cách vội vàng.
Trong thao tác chuyển khoản ngân hàng, luôn có phần nội dung chuyển khoản. Giả sử, nếu ở nội dung chuyển khoản này, người chuyển khoản muốn giấu tên, chắc chắn phần sao kê sẽ không có danh tính cá nhân của họ. Vì thế, đã có nhiều khoản ủng hộ từ thiện dù nhỏ nhoi về giá trị nhưng gây xúc động cộng đồng. Đó chính là các giao dịch được thực hiện bởi các em thiếu niên, nhi đồng với nội dung như “cháu là học sinh, cháu không có nhiều tiền, nhưng cháu xin được góp hai gói mì ăn liền ủng hộ đồng bào”.
Các sao kê đó không cho chúng ta biết được những học sinh kia là ai nhưng chính những nội dung đi kèm lại khiến ta ấm lòng và tạo nên phản ứng tích cực trong xã hội. Do đó, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, nếu người quyên góp muốn để tên mình trong nội dung giao dịch, nghĩa là họ muốn đơn vị nhận quyên góp biết khoản đóng góp đó đến từ cá nhân nào và ở cương vị của đơn vị nhận quyên góp, việc minh bạch với cộng đồng (mà trong đó có những cá nhân đã lưu lại danh tính của mình ở nội dung chuyển tiền) chính là một trong những nghĩa vụ giải trình.
Chính từ nghĩa vụ giải trình đó, một số tiêu cực đã bị bóc trần và cho thấy đã có những cá nhân trục lợi trên nỗi đau chung của cả nước. Đầu tiên là những trục lợi tài chính từ hoạt động quyên góp từ thiện. Nhiều nhóm bạn bè chơi chung với nhau hoặc nhóm đồng nghiệp đã cùng gom góp tài chính để ủy quyền cho một cá nhân đại diện gửi về tài khoản của UBTƯ MTTQVN cho “ra tấm ra món” nhưng kết cục là người đại diện chỉ gửi một khoản cực nhỏ rồi sau đó Photoshop chỉnh sửa ảnh hóa đơn chuyển tiền để ăn chặn của chính bạn bè mình.
Ngay từ đợt đầu tiên UBTƯ MTTQVN công khai sao kê, đã có không ít cá nhân phải lên mạng xã hội đăng đàn xin lỗi bạn bè, đồng nghiệp, đồng thời “khắc phục hậu quả”. Trên các diễn đàn, cư dân mạng tung ra khá nhiều bằng chứng về hành vi ăn chặn kiểu này. Thực sự, các cá nhân vi phạm đã không thể hình dung nổi hậu quả mà họ phải nhận về. Về mặt luật pháp, có thể xem hành vi ấy như một dạng “tham nhũng vặt” dựa vào việc lạm dụng niềm tin của người khác. Cái lợi về tài chính không đáng bao nhiêu nhưng cái mất thì quá lớn. Chưa nói đến chuyện nếu có khiếu nại, khởi kiện, họ sẽ phải đối diện với phán xử của pháp luật mà chỉ nói đến chuyện các mối quan hệ đang tốt đẹp bỗng dưng đổ vỡ và hệ lụy của chuyện đánh mất lòng tin từ những người xung quanh. Trong tương lai, e rằng sẽ khó có ai dám “chơi” chung chứ đừng nói đến chuyện làm ăn kinh tế với những người đã có tì vết trục lợi từ hoạt động thiện nguyện.
Thứ hai là những trục lợi danh tiếng mà các vụ bóc phốt sao kê ầm ĩ nhiều ngày qua xoáy vào với cái gọi là “phông bạt”. Nhiều cá nhân điềm nhiên lên mạng xã hội khoe mình ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng nhưng cuối cùng, đối chiếu với bản sao kê, hóa ra họ chỉ quyên góp vài chục ngàn, vài trăm ngàn. Thực tế, hoạt động thiện nguyện cần nhất là cái tâm, là tấm lòng.
Quyên góp từ sức mạnh cộng đồng, những đồng tiền ít ỏi của những cá nhân có thể tưởng như không giúp được gì nhiều nhưng hàng chục triệu cá nhân như vậy có thể tạo ra sức mạnh lớn. Tất nhiên, những ai có điều kiện kinh tế khá giả hơn sẽ mang lại những đóng góp hiệu quả hơn, song không ai trong xã hội lại đi đánh giá một cá nhân dựa trên số tiền họ quyên góp là bao nhiêu cả. Nhưng, có nhiều cá nhân chủ đích xây dựng hình ảnh, đánh bóng tên tuổi qua việc gian dối giá trị quyên góp nhằm mục đích tạo dựng lượng người hâm mộ đông đảo, từ đó họ có thể kiếm lợi tài chính từ mạng xã hội về lâu về dài thông qua việc bán hàng, làm quảng cáo v.v... và v.v... Suy cho cùng, hành vi trục lợi này tinh vi hơn trục lợi kiểu “tham nhũng vặt” ở trên bởi nó có toan tính một cách tinh ranh.
Giả sử, UBTƯ MTTQVN không công bố các sao kê minh bạch kịp thời, chắc chắn nhiều cá nhân sẽ ung dung với hình ảnh “chói lòa” ngụy tạo như một nhà hảo tâm thành đạt luôn sẵn lòng vì cộng đồng. Và, cộng đồng sẽ luôn ưu ái những cá nhân như thế về lâu dài, thậm chí sẽ có thể sẵn lòng mang lại lợi ích cho những cá nhân ấy với tâm thức muốn đền đáp lại những người đã có đóng góp lớn. Đáng nói hơn là việc đánh bóng của những thương hiệu, ví dụ như một cơ sở nha khoa ở một thành phố lớn chẳng hạn. Chỉ quyên góp đúng 10.000 đồng thôi, nhưng chủ cơ sở này đã chỉnh sửa biên lai chuyển tiền thành... 300 triệu.
Nói thẳng, đây là kiểu mượn thiên tai, mượn tang thương để làm quảng cáo trá hình. Đó là còn chưa kể tới những hành vi tự chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của mình nhưng nội dung chuyển khoản thì lại ghi “ủng hộ khắc phục hậu quả bão lụt” và chỉnh sửa tên người nhận thành UBTƯ MTTQVN. Hành vi ấy gây hại tới uy tín của UBTƯ MTTQVN nói riêng và các quỹ vận động từ thiện nói chung và nếu không có sự minh bạch về nguồn thu - chi, rất có thể các đơn vị nhận vận động từ thiện sẽ bị hàm oan.
Một kiểu trục lợi khác nữa xuất hiện khá tinh vi chính là giả mạo các trang, các tài khoản giả mạo các quỹ từ thiện, đặc biệt là quỹ của UBTƯ MTTQVN. Trang Thông tin Chính phủ đã phải gửi cảnh báo gấp sau khi đã có những nạn nhân là nhà hảo tâm bị mất tiền oan cho những tài khoản giả mạo kiểu này.
Ngoài câu chuyện sao kê kể trên, mùa bão lũ năm nay vẫn còn tồn đọng một dạng trục lợi khác nữa là nâng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tình trạng này đã xuất hiện từ khá lâu, điển hình là ở thời kỳ dịch bệnh, với chuyện giá khẩu trang bị bơm lên đến chóng mặt. Ở đợt thiên tai vừa rồi, ngoài chuyện đội giá áo phao, thiết bị cứu sinh..., lợi dụng thiệt hại mùa màng quá lớn ở phía Bắc, giá thực phẩm cũng đã bị một số “con sâu” đội lên đến chóng mặt. Thậm chí, có một nhà hàng ở Quảng Ninh còn chặt chém sau khi bão đã tan và kết cục là họ mất sạch những khách hàng quen thuộc bởi phản ứng quyết liệt của cộng đồng.
Thiên tai là chuyện không ai lường trước được hậu quả của nó và mỗi khi thiên tai xảy ra, cả nước đều hướng đến mục đích chung là cứu nạn, hỗ trợ đồng bào khó khăn tái thiết lại đời sống. Với tinh thần nhường cơm sẻ áo, khi cả nước chung một tấm lòng, chúng ta có thể chiến thắng được những hậu quả mà thiên tai để lại. Song, “nhân tai” cũng là một thứ mà cả xã hội cần đồng lòng chống lại và thói trục lợi trên mất mát của đồng bào mình chính là một dạnh “nhân tai” cần phải bị bóc trần, lên án, tẩy chay và thậm chí, tùy theo mức độ hành vi, cần phải bị đưa ra xử lý bằng công cụ pháp luật.