Loạn diễn giả

Thứ Bảy, 15/04/2023, 11:40

Chỉ cần có năng khiếu "chém gió" hơn người một chút, một vài câu nói tạo "trend" trên mạng xã hội, sản xuất vài clip nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng mạng và với tích lũy kiến thức kiểu "đắc nhân tâm" là một cá nhân có thể trở thành diễn giả, có thể đi rao giảng, thuyết trình về mọi lĩnh vực của đời sống. Lĩnh vực nào cũng xuất hiện diễn giả nhưng có lẽ sôi động nhất là các diễn giả dạy làm giàu và khởi nghiệp cho sinh viên.

1. Khi mạng xã hội phát triển, dường như ai hoạt ngôn cũng có thể tạo ra sự ảnh hưởng, thậm chí nổi tiếng trên mạng và trở thành diễn giả ngoài đời.

Có lẽ chưa bao giờ trên mạng xã hội lại tràn ngập các diễn giả, chuyên rao giảng đạo đức, triết lý, nhân sinh, thậm chí cả cách làm giàu, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống như hiện nay. Người người thành diễn giả, nhà nhà thành diễn giả. Cũng không biết thực sự họ đã thành công đến thế nào, tiểu sử ra sao, nhưng mỗi cái nick, cái tên của họ đều rất kêu, như giám đốc công ty truyền thông abc, chuyên gia tài chính, CEO học viện đào tạo xyz...

Loạn diễn giả -0
Không ít người phải ân hận khi nộp tiền dự khóa học làm giàu của các “thánh nổ”.

Trên các kênh TikTok, có người chỉ nói về chuyện quan hệ vợ chồng, có người chỉ dạy về cách làm giàu, có người chỉ nói về những triết lý nhân sinh quan trong cuộc sống... Những clip của họ thu hút được rất nhiều lượt xem, lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Những lời khen ngợi có cánh khiến họ dần ảo tưởng về tài năng của mình. Họ tự nhận mình là diễn giả, là “người truyền cảm hứng” cho thế hệ trẻ. "Diễn giả" là một khái niệm rất mơ hồ và trên thực tế, cái mác “diễn giả” chỉ là tự xưng với nhiều người. Bản thân họ không hề có bằng cấp, chuyên môn trong lĩnh vực mà họ truyền giảng. Câu chuyện về những diễn giả tự xưng trình độ học vấn thấp, chửi tục, nói bậy, lừa đảo... nhan nhản trên các diễn đàn khiến nhiều người “bội thực”. Diễn giả nhưng thực chất là đang... giả diễn. Họ diễn những thứ mà họ không có, nhưng khi họ khoác lên cái áo “diễn giả” quá lớn với bản thân thì dần sẽ lộ ra những nhược điểm.

Mới đây, câu chuyện về diễn giả Đặng Thanh Tứ được mời về tham gia buổi talkshow chia sẻ về khởi nghiệp được tổ chức tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh (HUFLIT) nhưng đến muộn cả tiếng đồng hồ, để 400 con người ngồi đợi nhưng lại giải thích việc đến muộn là do... không tìm được chỗ gửi xe ôtô. Không dừng lại ở đó, vị diễn giả còn có những phát ngôn hết sức "chối tai". Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp nhưng đứng trước hàng trăm sinh viên, diễn giả lại thao thao: “Trong 30 nhân viên của anh, không ai có tấm bằng đại học. Vậy, tụi em học đại học làm gì rồi sau này cũng đi làm thuê cho người ta?”. Thậm chí, còn có sự miệt thị với những bạn nhuộm tóc: “Những bạn nào da trắng thì nhuộm tóc được còn những bạn da đen thì đừng nhuộm tóc, nhìn rất dơ” và nói chuyện rất kiểu “bố đời” như lời các bạn sinh viên chia sẻ.

Thay vì thái độ cầu thị lắng nghe những phản hồi trái chiều thì diễn giả tiếp tục có một màn đáp trả rất ăn thua trên TikTok cá nhân. Trong clip, vị diễn giả đăng tải đoạn chia sẻ của mình có chạy kèm dòng chữ: "Những bạn sinh viên này tương lai sẽ đi về đâu với lối sống này?" đồng thời lên tiếng về loạt chỉ trích đến từ nhóm sinh viên Đại học HUFLIT. Về vấn đề đi trễ, vị diễn giả cho biết đã đến trường lúc 8h30 (giờ bắt đầu chương trình là 8h), nhưng trường không có chỗ gửi xe ôtô. Anh này buộc phải đi lòng vòng, sau đó được ban tổ chức hướng dẫn chỗ gửi xe nhưng cũng không được, cuối cùng phải tìm chỗ gửi khác rồi đi bộ đến trường, dẫn tới việc lên sân khấu trễ. Theo quan điểm của vị này, đại học chỉ dạy sinh viên 5 năm nhưng trường đời sẽ dạy các bạn rất nhiều. Còn về lời nói bị nghi có ý miệt thị ngoại hình, vị diễn giả cho rằng một trong những thứ phải thay đổi là có một con mắt biết nhìn, phải đẹp và chỉn chu.

Thế nhưng, dù giải thích, thanh minh thế nào thì vẫn lộ ra điểm yếu chết người của những người ứng xử kém mà điều đó rất không nên có ở một diễn giả. Câu chuyện của anh ta là câu chuyện cá nhân, đôi khi nó kèm theo cả sự may mắn và nó không thể áp đặt cho số đông. Anh ta có thể không có bằng đại học, các nhân viên của anh ta có thể không có bằng đại học mà vẫn làm giàu, Nhưng, câu chuyện đó không thể là điều nên làm đối với hàng trăm sinh viên được nghe anh ta diễn thuyết. Một xã hội sẽ ra sao nếu tất cả mọi người đều không cần học để lấy bằng đại học?

2. Chưa bao giờ những khóa học dạy làm giàu của các diễn giả được coi là nổi tiếng lại thu hút đông đảo người tham gia như hiện nay. Chỉ cần gõ trên Google cụm từ “dạy làm giàu” sẽ cho ra một loạt diễn giả nổi tiếng được cộng đồng mạng tung hô với những khẩu hiệu kêu như chuông “đánh thức sự giàu có”, “đánh thức những giấc mơ”, “tinh thần doanh nhân”...

Loạn diễn giả -0
Bài viết phản ảnh diễn giả của sinh viên Đại học HUFLIT đăng trên trang confession.

Những clip dạy làm giàu của các diễn giả như vậy... thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ. Chưa biết những học viên này có giàu lên sau những lớp học đó hay không, nhưng nhiều học viên chợt thấy mình "bỗng dưng mất tiền" và được chuốc lấy sự ấm ức là có thật.

N.V.C từng là một trong 4 nhân vật khỏa thân trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) gây bức xúc dư luận năm nào. Khi bị một học viên bóc phốt lừa đảo với lời hứa nộp học phí 600 triệu, cam kết thu về 5 tỉ, vị này đã có màn dọa "xin ngón tay" học viên.

Còn diễn giả H.K.D thì được dân mạng coi là “thánh nổ”, “thánh chém” cuối cùng cũng lộ bản chất khi VTV1 từng có phóng sự bóc phốt. Có khoảng thời gian, cộng đồng mạng cũng như báo chí ca tụng hết lời bà D là doanh nhân thành đạt, "nữ hoàng đầu tư", sở hữu các công ty có trị giá lên đến 50 triệu USD. Những buổi thuyết trình "Bí mật thành công tuyệt đỉnh từ bất động sản” của bà D thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi. Thế nhưng, khi tìm hiểu thông tin về những công ty bà này tự xưng thì nó đều không tồn tại. Và, khi nhiều học viên muốn đòi lại tiền vì cho rằng mình bị lừa đảo thì diễn giả này đã có màn đấu khẩu hệt hàng tôm hàng cá. Cách bà D luôn khoe tài sản gây sự choáng ngợp rồi kêu gọi học viên tham gia các lớp học làm giàu thì không khác gì những buổi thuyết trình lôi kéo người ta vào mạng lưới kinh doanh đa cấp đang phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Và, nếu các học viên từng bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp cho bà D mong được học làm giàu, bây giờ biết được rằng, nữ diễn giả mà họ từng thần tượng, nghề nghiệp chính bây giờ là bán hàng thuê qua mạng cho một số sản phẩm và khách hàng luôn được khuyến mại thêm màn chửi bới online vô cùng tục tĩu, vô văn hóa thì hẳn họ phải cay đắng đến nhường nào vì đã trót bỏ tiền để học từ bà D những thứ vô bổ.

3. Không phủ nhận, tại thời điểm các diễn giả có mặt trong các lớp học dạy làm giàu, khởi nghiệp... đã khơi gợi được sự sôi sục, cuồng nhiệt của tuổi trẻ hoặc những người đã nghèo quá lâu và nhanh chóng muốn được làm giàu. Nhưng, sự sục sôi đó sẽ dừng lại ngay khi ra khỏi lớp, khi micro của diễn giả đã tắt vì bản chất nó chỉ là lý thuyết, thực hành được hay không lại là sự cố gắng và may mắn của mỗi cá nhân.

Việc xuất hiện nhiều lớp dạy làm giàu như hiện nay cũng theo quy luật cung - cầu tất yếu. Khi bạn tìm đến các khóa học làm giàu là khi bạn rơi vào trạng thái khát khao: Khát khao giàu có, khát khao thay đổi cuộc sống hiện tại. Bạn sẽ dễ dàng mê muội và chìm đắm từng lời của diễn giả khi mà khắp trên mạng xã hội, họ nổi tiếng, luôn miệng kể về gia thế khủng của chính mình, xuất bản những cuốn sách tại những nhà xuất bản lớn. Những vẻ hào nhoáng bên ngoài như nhà cửa, xe cộ, quần áo, tiền bạc... luôn được các diễn giả tận dụng tối đa để đánh bóng bản thân. Các “diễn giả” rất khôn khéo, tận dụng được tâm lý này để mời gọi nhiều người vào những khóa học làm giàu, lúc đầu là miễn phí, sau dần người tham gia sẽ mê muội tin theo và bỏ một đống tiền để học. Một điều chắc chắn rằng, những học viên của khóa học làm giàu đã giúp cho những “diễn giả" giàu lên chứ không phải giúp cho chính mình.

Không thể có một công thức làm giàu cho tất cả. Kinh doanh cần phải có kiến thức nền tảng, sự sáng tạo và dựa trên tích lũy kinh nghiệm của bản thân qua nhiều năm, qua nhiều trải nghiệm. Làm giàu không đơn giản là bỏ ra vài triệu hoặc thậm chí vài trăm triệu để mua được công thức làm giàu, rồi có thể kiếm tiền được cả khi đang ngủ.

Hiền Trâm
.
.