Lệch chuẩn tích cực

Thứ Hai, 20/09/2021, 12:25

Khi tôi ở Úc, có hay đến chơi với gia đình một cựu chiến binh Việt Nam. Ông bà có mảnh vườn rộng rãi. Hai vợ chồng già rồi nên tôi thỉnh thoảng đến giúp làm vườn.

Lần đó, ông chỉ tôi một cây và giới thiệu đây là một cây quí hiếm nhất của vườn nhà, nói nó chữa được bệnh. Với vốn tiếng Anh lẫn hiểu biết ít ỏi về cây trồng, lại ở vùng đất lạ, tôi không hiểu đó là cây gì, chỉ chắc nhẩm là cây thuốc.

Lúc sau, ông đi tỉa cây trong vườn, còn tôi dọn cành lá rơi dưới gốc cây. Đi qua cái cây quí, tôi cứ ngó nghiêng. Chợt thấy nhiều ruồi đậu trên đống cành lá bị tỉa của nó. Tôi giật mình nghĩ nhựa cây tiết ra protein thu hút ruồi đến. Thật là đáng quí! Tôi dự định có khi xin giống đem về Việt Nam cho nhà trồng. Cho đến khi tôi dọn gốc cây đó, vừa đưa tay gom đống cành cây lên, ruồi bay đi hết. Dưới bãi cỏ, một bãi phân chó to lù lù ở đó. Đống cành cây che lấp nó, nhưng lũ ruồi tinh tường vẫn biết để tìm đến. Chỉ có tôi, gà mờ vì óc sáng tạo của mình. Khi nghe kể lại, ông bạn tôi cười an ủi bảo rằng bạn tìm thấy cái bạn đi kiếm, cái đống đó đúng là đạm rồi.  

Lệch chuẩn tích cực -0
Giáo sư Jerry Sternin làm việc với người dân Quảng Xương.

Chúng ta sẽ tìm thấy những gì chúng ta tìm kiếm và điều đó thường ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Lúc đó góc nhìn của chúng ta bị giới hạn, méo mó theo mong muốn của mình. Tuy nhiên, nguyên lý này có thể vận dụng được sáng tạo để giải quyết các vấn đề phức tạp. Một ví dụ đầu tiên đó là phương pháp lệch chuẩn tích cực của giáo sư Jerry Sternin.

Năm 1991, giáo sư Sternin đến Việt Nam làm việc cho quỹ Save the Children. Một nhiệm vụ trọng tâm lúc bấy giờ là cải thiện tình trạng suy sinh dưỡng của trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở các vùng quê, với ước tính tại thời điểm đó là 65%. Những chương trình hỗ trợ trước cung cấp thực phẩm cho các gia đình. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, tình trạng suy dinh dưỡng tiếp tục diễn ra. Nhận thấy tính thời vụ của các giải pháp này, Chính phủ Việt Nam đề nghị giáo sư Sternin triển khai những biện pháp vừa có tác động bền vững hơn. 

Thay vì tập trung vào nghiên cứu các sản phẩm dinh dưỡng, cách thức phân phối hay tìm kiếm nguồn lực cứu trợ như các chương trình khác vẫn đã làm, giáo sư Sternin đã đi xuống dành thời gian trong cộng đồng tìm hiểu. Đến bốn xã nghèo nhất của huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, nơi có khoảng 2.000 trẻ em dưới ba tuổi, ông nhanh chóng nhận ra hiện tượng lạ. Một số gia đình có kinh tế không hơn gì mọi người, nhưng con cái của họ không bị suy dinh dưỡng.

Tìm hiểu kỹ xem chuyện gì đã diễn ra, giáo sư  Sternin nhận thấy những gia đình này có thói quen ăn uống lạ thường. Thay vì hầm xương, nấu cháo, cho con ăn bột như mọi người, các gia đình này cho con ăn tôm, cua nhỏ ở đồng cùng với khoai tây. Hồi đó, quan niệm cho rằng tôm, cua là những thứ đồ tanh (mặc dù rất sẵn trên đồng ruộng), không phù hợp với trẻ con. Một điểm khác biệt nữa, các gia đình này cho trẻ con ăn bốn bữa thay vì hai bữa ăn truyền thống. Kết quả là những trẻ em ở các gia đình này không bị suy dinh dưỡng.

Giáo sư Sternin gọi những gia đình trên là những gia đình “lệch chuẩn tích cực”: tích cực vì việc làm của họ có hiệu quả; lệch chuẩn vì họ đã thực hiện những hành vi khác thường. Sau khi phát hiện ra, công việc còn lại là giới thiệu cho mọi người. Giáo sư với cộng sự của mình đã tổ chức những buổi sinh hoạt cộng đồng, giúp các gia đình này chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, tìm kiếm thức ăn của mình để mọi người có thể học theo.

Lệch chuẩn tích cực -0
Hai  vợ chồng nhà trị liệu người Mỹ Steve de Shazer và Insoo Kim Berg.

Chương trình can thiệp của giáo sư Sternin đã giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em bền vững với tỉ lệ 93%. Chương trình được nhân rộng ra đến với 5 triệu gia đình ở Việt Nam lúc bấy giờ và ra thế giới sau này. Nó trở thành một trong những chương trình can thiệp về dinh dưỡng thành công nhất.

Không phải ngẫu nhiên, giáo sư Sternin tìm ra giải pháp cho chương trình của mình. Khái niệm “lệch chuẩn tích cực” lần đầu tiên được đề cập đến từ năm 1960 trong những nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em. Ý tưởng của khái niệm này là, trong cùng một hoàn cảnh về nguồn lực (kinh tế, môi trường, thức ăn) có một số người sẽ tận dụng được tốt hơn những người khác. Công việc của giáo sư Sternin và cộng sự trở nên đơn giản, ông chỉ cần tìm ra những người phụ nữ - chuyên gia đó, rồi giúp họ nhân rộng giải pháp của mình ra cho mọi người. Theo giáo sư Sternin, điều khó khăn nhất trong việc thực hiện phương pháp lệch chuẩn tích cực là thay đổi cách nhìn về cộng đồng. Nếu giáo sư Sternin nhìn cộng đồng đầy rẫy những vấn đề, họ sẽ không tìm thấy giải pháp mà tiếp tục coi mình là chuyên gia để cung cấp giải pháp cho cộng đồng. Ngược lại, giáo sư Sternin và những chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng đã tin rằng người biết rõ nhất giải pháp nâng cao dinh dưỡng cho trẻ lại chính là những người phụ nữ nghèo ở vùng quê Việt Nam. Chỉ khi đó, con tôm đồng, cua đồng và khoai tây mới trở thành những thức ăn bổ dưỡng cho trẻ. Giáo sư Sternin đã tìm thấy cái họ muốn ở cộng đồng.

Không chỉ ở góc độ cộng đồng, góc độ cá nhân, chủ động đi tìm kiếm giải pháp của mình cũng là một cách hiệu quả để giải quyết những vấn đề tâm lý cảm xúc. Nguyên tắc được hai nhà vợ chồng nhà trị liệu người Mỹ Steve de Shazer và Insoo Kim Berg vận dụng để sáng tạo ra phương pháp trị liệu “tập trung vào giải pháp”.

Khi có những vấn đề tâm lý khó khăn trong cuộc sống, con người chúng ta thường chìm vào trong nó, nhìn thấy nhiều khó khăn để giải quyết. Anh Thanh, một khách hàng gần đây của tôi gặp nhiều áp lực trong công việc, về nhà, anh lại xung đột với vợ và mất bình tĩnh khi dạy con. Những lo lắng công việc, bận tâm về con cái và bực mình với vợ làm tâm trí anh đóng lại.

Anh Thanh nghĩ chỉ khi đợt căng thẳng trong công việc này qua đi thì lúc đó anh mới vui vẻ với gia đình được. Còn bây giờ, cuộc sống là một vòng xoáy tiêu cực. Đi làm về mệt mỏi dẫn đến dễ bực dọc làm anh khó bình tĩnh. Khó bình tĩnh sẽ dẫn đến dễ cáu ở nhà và như thế sẽ căng thẳng mệt mỏi không nghỉ ngơi được. Tiếp theo là sẽ mệt mỏi hơn ở cơ quan và làm việc kém hiệ u quả đi rồi vòng xoáy cứ thế mà lặp lại.

Để giúp tâm trí cởi mở hơn, anh được đề nghị khám phá một tình huống giả định có tên “điều kì diệu”. Giả như nếu có một điều kì diệu xảy ra tối nay khi anh đang ngủ. Điều kì diệu đó là mọi vấn đề của anh biến mất hoàn toàn, nhưng điều kì diệu đó xảy ra vào buổi đêm nên anh không biết. Anh Thanh được yêu cầu hình dung ngày hôm sau anh sẽ cư xử hành động ra sao, cuộc sống của anh sẽ khác đi như thế nào.

Đặt mình vào tình huống giả định đó, anh Thanh thấy mình sẽ mỉm cười, tươi tỉnh, tập thể dục, làm đồ ăn sáng cho gia đình. Chiều đến anh sẽ đi về sớm hơn, dành thời gian chơi, nói chuyện với con. Anh cũng chủ động hỏi han vợ cũng như giúp đỡ việc nhà. Có rất nhiều thay đổi nhỏ diễn ra trong tình huống giả định đó, nhưng chỉ nghĩ đến nó thôi cũng làm anh cảm thấy dễ chịu hơn.  

Tiếp theo sau tình huống giả định, anh được đề nghị nhớ lại xem đã có những lúc nào những thay đổi anh kể trên diễn ra không. Có một thực tế là hầu hết các vấn đề tâm lý không xảy ra liên tục. Mặc dù công việc căng thẳng thường xuyên mấy tháng nay, nhưng không phải hôm nào anh cũng về nhà với một tâm trạng bực bội, chán nản.  Anh Thanh được đề nghị tìm kiếm những ngoại lệ tích cực.

Ngẫm lại, anh Thanh nhanh chóng nhận ra có những hôm mình nói chuyện với con nhiều hơn, khen con nhiều hơn. Rồi có hôm vợ chồng anh không tranh cãi, căng thẳng. Những hôm ngoại lệ đó là chìa khóa để anh khám phá xem những gì mình có thể làm để thay đổi giải quyết vấn đề của mình. Và thật ngạc nhiên, những giải pháp của anh đến từ những hành động nhỏ chứ không cần phải những thay đổi lớn như chuyển việc hay thuê người dạy con.

Có thể thấy, cả hai phương pháp giải quyết vấn đề trên (của giáo sư Sternin và nhà trị liệu Steve de Shazer) đều dựa trên cùng một nguyên lý, hướng góc nhìn của chúng ta vào sự lệch chuẩn tích cực. Rồi từ đó các giải pháp sẽ được tìm thấy. Hiện nay, cách tiếp cận lệch chuẩn tích cực được áp dụng rộng rãi, không chỉ ở trong can thiệp cộng đồng hay trị liệu cá nhân mà còn  cả trong kinh doanh. Nó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng trong những tình huống khó khăn, nó có thể giúp tìm ra những phương án có hiệu quả bất ngờ.

Hiện tại đất nước chúng ta đang trải qua những đợt giãn cách xã hội dài ngày. Có rất nhiều vấn đề xảy ra dưới góc độ cộng đồng lẫn góc độ cá nhân. Những cộng đồng cách ly gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, vận chuyển thực phẩm, tìm kiếm nguồn lực chăm sóc người bệnh. Cá nhân gặp các vấn đề căng thẳng tâm lý do bối cảnh dịch bệnh.

Nhưng ở đâu đó, có những điểm lệch chuẩn tích cực. Dưới góc độ cộng đồng, một số khu dân cư tự tổ chức mua bán, vận chuyển thực phẩm hiệu quả. Ngược lại, giải pháp sử dụng quân đội phân phối thực phẩm cho thấy không phải là phương án tối ưu. Dưới góc độ cá nhân, có những lúc mỗi cá nhân tìm thấy sự bình an hay niềm vui trong thời kì giãn cách. Nếu chúng ta thay đổi góc nhìn, chủ động tìm kiếm những giải pháp dựa vào cộng đồng, dựa vào bản thân, có thể những giải pháp hiệu quả sẽ được tìm ra.

Ts tâm lý Nguyễn Cao Minh
.
.