Kiến tạo biểu tượng - tại sao không?

Thứ Bảy, 20/08/2022, 12:41

Hình ảnh Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế (ĐHQG Hà Nội) mặc áo nhung đỏ, đeo vòng cổ, tay cầm quyền trượng bước lên sân khấu trong lễ tốt nghiệp của sinh viên đã tạo nên những tranh cãi lớn trong dư luận. Với bạn, người đang đọc bài báo này thì sao? Hình ảnh đó đã và đang để lại trong bạn những suy nghĩ gì?

Tôi đoán (chỉ là đoán mò thôi), bạn sẽ rơi vào một trong hai nhóm dư luận sau:

- Nhóm 1: Phê phán kịch liệt. Nếu ở nhóm này, chắc chắn bạn cho rằng hình ảnh một vị lãnh đạo như thế là quá màu mè, phô trương, vọng ngoại. Bạn sẽ bảo, tại sao một lễ tốt nghiệp ở Việt Nam mà lại có nhiều màu sắc “hoàng gia” Anh đến vậy?

van-mieu-quoc-tu-giam-768x456.jpg -0
Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: S.t

- Nhóm 2: Ủng hộ. Nếu ở nhóm này, bạn sẽ truy nguyên ý nghĩa sâu xa của áo choàng, vòng cổ, quyền trượng, và nói rằng nó là hình ảnh rất phổ biến trong các lễ tốt nghiệp ở các trường đại học phương Tây. Bạn sẽ bảo, quyền trượng có thể hơi lạ với người Việt, nhưng thực ra là biểu tượng của QUYỀN UY TRI THỨC, và thực tế là nhiều vị hiệu trưởng/nhiều giáo sư đầu ngành ở các nước phương Tây thường xuyên cầm quyền trượng trong các lễ tốt nghiệp của sinh viên.

Tôi không thuộc cả hai nhóm này, cũng không muốn lao vào những tranh cãi bất tận này. Điều suy nghĩ lớn nhất của tôi trong câu chuyện thực sự cũng không nằm ở chuyện phê phán hay ủng hộ, mà là, trong những sự kiện hết sức ý nghĩa như lễ trao bằng tốt nghiệp cho học sinh/sinh viên, liệu chúng ta có thể sử dụng những hình tượng văn hóa truyền thống của chúng ta không? Đã đành quyền trượng là biểu tượng của quyền uy tri thức, nhưng nó hoàn toàn là sản phẩm của văn hóa phương Tây, đã đành trong thời đại hội nhập, chuyện giao thoa văn hóa dung nạp văn hóa là hết sức bình thường (như cái cách gen Z bây giờ chấp nhận ngày tình yêu 14-2, ngày Halloween 31-10), nhưng sử dụng những vốn liếng văn hóa truyền thống của mình, trong những đại lễ diễn ra trên lãnh thổ quốc gia mình vẫn là một điều cần nghiền ngẫm.

Nếu ai đó nói rằng chúng ta chưa từng xây dựng một biểu tượng văn hóa mang tính Việt Nam trong các lễ tốt nghiệp ở các trường đại học thì tại sao bây giờ chúng ta không nghĩ đến việc xây dựng nó. Bởi nhìn lại dòng lịch sử, chúng ta có những cơ sở để nghĩ về nó, và tạo dựng nó.

- Chúng ta có Vua Lý Thánh Tông xây Văn Miếu năm 1070, Lý Nhân Tông xây Quốc tử giám năm 1076 – hai sự kiện quan trọng, xác lập một cột mốc lớn về lịch sử học hành người Việt thời quân chủ chuyên chế.

- Chúng ta có Hồ Quý Ly với những cải cách thi cử mang tính cách mạng. Những cải cách thi cử nói riêng và những cải cách xã hội nói chung của Hồ Quý Ly không đạt được hiệu quả như ông mong muốn, nhưng lại giúp người hậu thế mở ra những suy ngẫm vô cùng quan trọng về chuyện đổi mới giáo dục của một dân tộc.

- Chúng ta có Vua Lê Thánh Tông – tác giả của ý tưởng dựng bia tiến sĩ trong Văn Miếu, để đời đời lưu danh những người tài năng, đỗ đạt.

- Chúng ta có Chu Văn An với đạo học và đức độ truyền đời.

- Chúng ta có sử thần Thân Nhân Trung nói một câu nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

- Chúng ta có một Lê Quý Đôn được ngợi ca là “nhà bác học hiếm hoi” thời chuyên chế.

- Chúng ta có một Cao Bá Quát vì quá trọng người tài mà đã đụng bút sửa một số bài thi “phạm huý”.

- Chúng ta có một Nguyễn Siêu mang ước vọng “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh) tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội).

- Chúng ta có một Phan Châu Trinh mà khi bàn đến kế sách cứu nước đã nghĩ ngay đến chuyện “Khai dân trí”.

Có nghĩa là trong truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam, chúng ta có không ít những nhân cách tiêu biểu trong chuyện thi cử, học hành. Khảo cứu lại cuộc đời của những nhân vật tầm cỡ; đọc, nghiền ngẫm lại những câu chuyện, những kỷ vật liên quan tới tri thức của họ, chẳng nhẽ lại không thể chọn ra một biểu tượng nào đó cho sự học hôm nay? Theo tôi,  ngành giáo dục, ngành văn hóa và ngành sử học cần ngồi lại để trả lời một cách thấu đáo, rành mạch câu hỏi này. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế về vấn đề này: “Tổ chức lễ tốt nghiệp như thế nào cho HSSV ra trường để các em có ấn tượng tốt, kỷ niệm đẹp với ngôi trường mình từng gắn bó trong nhiều năm là điều rất nên làm. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo cho lễ tốt nghiệp tạo được hình ảnh đẹp, hay, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Một vấn đề nổi bật trong lễ tốt nghiệp là trang phục. Cho đến nay, hầu như chúng ta đều dùng các loại lễ phục “nhập khẩu” 100%, khá xa lạ với trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống của người Việt Nam vốn rất phong phú, đẹp và không kém phần trang trọng, lại rất phù hợp với tầm vóc, tính cách con người Việt Nam. Trong thời kỳ quân chủ phong kiến, các triều đại độc lập của nước ta đều đặc biệt chú ý đến chế độ Y Quan (tức trang phục) và Lễ nhạc, xem đó là biểu hiện của trình độ văn minh. Bởi vậy, ta cũng có đủ các loại lễ phục, triều phục, tế phục, tang phục, thường phục... sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau. Với giới trí thức, ngày xưa nếu đỗ Tiến sĩ thì được triều đình ban cho áo mũ cân đai rất trang trọng. Tôi cho rằng, các trường đại học trong nước nên nghiên cứu để chọn loại trang phục phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Gần đây, cố đô Huế đã vận động toàn bộ lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành cùng thầy cô giáo, các em học sinh mặc áo dài truyền thống khi tham gia lễ tôn vinh học sinh danh dự của 367 trường trong toàn tỉnh, tạo nên hình ảnh rất đẹp, trang trọng và giàu bản sắc. Đó là một ví dụ điển hình mà cả nước nên tham khảo”.(1). Và tôi cũng rất chia sẻ ý kiến của GS.TS Thái Kim Lan: “Việt Nam hội nhập với thế giới không có nghĩa là chúng ta phải đồng hóa với thế giới. Hội nhập không phải là chúng ta “bắt chước” hết những cái của họ, mà phải hội nhập có chọn lọc, hiểu được cái nào tốt, hay, phù hợp với xã hội Việt Nam, nhất là cho giới trẻ trên phương diện giáo dục. Phản ứng của cộng đồng đối với hành động “bắt chước” nói trên cho thấy rằng không phải tất cả sự “bắt chước” nào cũng đáng noi theo. Mọi sự đổi mới cần phải có suy nghĩ, tham khảo vốn liếng truyền thống của cộng đồng bản địa, cũng như tính cách truyền thống của thế giới” (2).

Ai đó sẽ lại bảo, sử dụng quyền trượng là sử dụng một biểu tượng tri thức có từ thời Phục Hưng (một số nguồn tài liệu cho biết như vậy), có sức ảnh hưởng lớn ở tầm nhân loại, còn sử dụng những biểu tượng mới sáng tạo ra là sử dụng những thứ chưa được thử nghiệm qua thời gian. Xin thưa, nếu cứ sợ hãi nghĩ như vậy thì không bao giờ có thể tạo nên những biểu tượng của riêng mình. Cái mà hôm nay có thể là “chưa từng được thử nghiệm”, sau 10 năm có thể trở thành thói quen, sau 100 năm có thể trở thành giá trị. Nó đáng để những thế hệ con người của 10 năm, 20 năm, 50 năm… hy sinh lắm chứ.

Nhờ những hy sinh như thế mà 100 năm sau, trong một lễ tốt nghiệp đại học nào đó ở dải đất hình chữ S, những lớp người hậu thế có thể tự hào sử dụng những biểu tượng văn hóa của mình, thay vì cứ phải dùng một chiếc áo choàng, một chiếc vòng cổ, hay một chiếc quyền trượng phương Tây.

Trong tầm nhìn vượt thời gian của một dân tộc, kiến tạo văn hóa, kiến tạo giá trị có thể bắt đầu bằng những điều rất nhỏ, nhưng rất ý nghĩa này.

(1), (2): Nguồn: Báo Văn hóa ngày 3-8-2022.

Vương Trọng Tín
.
.