Không thể có thứ hội họa dễ dãi
Mấy năm trở lại đây, vẽ đã trở thành một thú chơi mới đối với nhiều người. Hội ha như một nơi trú ngụ cho những tâm hồn sau những giờ phút mệt mỏi vì công việc và những thứ khác trong đời sống. Nhưng để tránh khỏi ảo tưởng lại là điều không dễ đối với những người cầm cọ, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp…
Trong hội hoạ Việt Nam đương đại, không ít họa sĩ thành công và thành danh mà xuất thân là tay ngang. Nhưng để đạt được thành tựu ấy, họ đã phải tốn rất nhiều công sức tích lũy, học hỏi và ẩn mình. Tất nhiên, tiềm ẩn trong họ vốn dĩ đã có một năng lực về hội hoạ sẵn có. Song để đánh thức nó, họ có một ý thức rất rõ về sự kiên nhẫn và trui rèn.
Mấy năm trở lại đây, trào lưu học vẽ đang nổi lên khá mạnh mẽ với nhiều lớp dạy cuối tuần được mở ra dành cho những người trưởng thành. Nhiều người yêu hội họa, có am hiểu về hội họa đã tìm tới các lớp học này như một thú vui giải trí lành mạnh. Với một số người, thậm chí vẽ còn được xem như một phương pháp “thiền” bởi nó đòi hỏi tính nhẫn nại và sự tĩnh lặng của trạng thái tinh thần. Nhưng cũng không ít người, sau một vài bức tranh được giới chuyên môn dành cho vài lời động viên, đã ám thị mình như một nghệ sĩ thực thụ.
Cách đây chưa lâu, ở TP Hồ Chí Minh diễn ra một triển lãm của một “họa sĩ mới” mà số lượng tranh trưng bày có thể nói là kỷ lục với gần 100 bức tranh được giới thiệu. Đó được xem là thành quả của tác giả sau một thời gian chỉ vẽ và vẽ nhân cơ hội phong tỏa do đại dịch COVID-19. Nhận xét về buổi triển lãm tranh đồ sộ này, một giám tuyển tên tuổi của một nhà đấu giá quốc tế chỉ cười và nói rất xã giao là “Vui mà”. Giám tuyển này sau đó đã chia sẻ riêng rằng anh không thể nói thẳng những điều anh muốn nói bởi không muốn làm tổn thương người khác. Nhưng theo quan điểm của anh, việc một triển lãm đầu tay của một tác giả tay ngang trưng bày tới gần 100 tác phẩm là điều “kỳ dị” chỉ có ở Việt Nam hôm nay, nơi mà sự hồi sinh khe khẽ của thị trường tranh đang thúc đẩy một thứ hội họa dễ dãi.
Điều đáng buồn là những người có khả năng và cần phải lên tiếng một cách chính trực lại không lên tiếng đúng như lòng mình. Các báo đều mở lời khen ngợi đầy dễ dãi đối với một triển lãm “đồ sộ đến phi lý” của một người nghiệp dư. Cơ bản, những tay bút viết về mảng hội họa hiện thời vốn đã không giàu chuyên môn nhưng lại khá nể nang trong quan hệ. Mối thâm tình với chủ nhân của các bức tranh được trưng bày đã ngăn cản họ làm cái việc cần phải làm: hoặc là phê phán; hoặc là im lặng hoàn toàn.
Chính những ngợi khen dễ dãi và vô lối kia đã càng nuôi thêm ảo tưởng nghệ thuật cho những người tay ngang không đủ tầm. Và cái bẫy hư danh không chỉ mở ra cho những con người nghiệp dư mới bước vào hội họa. Ngay cả những người cầm cọ lâu năm cũng chưa chắc đã thoát nổi mật ngọt ảo mộng đó. Điển hình, tại TP Hồ Chí Minh, một họa sĩ trung niên mới đây ra mắt một bộ tranh mới với chủ đề khá hấp dẫn. Triển lãm nhỏ được giới thiệu ở phòng tranh cá nhân của họa sĩ này đã thu hút rất đông người tới thưởng lãm mà đa số họ là bạn bè quen. Cũng có những người hào phóng mua tranh mang tính ủng hộ. Và kèm theo những ngợi khen đó đây trên báo chí, mạng xã hội vẫn với tinh thần “quen thì nên khen”, họa sĩ đó đã lạc vào suy nghĩ rằng mình đang thành công. Lập tức, anh công bố đang bắt tay cho bộ tranh mới để triển lãm ở dịp cuối năm 2023 này. Với những người làm nghề có thâm niên, có kinh nghiệm, có sự nghiêm cẩn, việc hoàn thành một bộ tranh trên chục bức cho một triển lãm chỉ trong vòng hai ba tháng là điều không ai hình dung nổi. Đơn giản, vẽ không chỉ là việc bôi màu cho xong. Vẽ là sự chắt lọc.
Trong sự tăng trưởng đáng mừng của thị trường hội họa thế giới năm vừa qua, tranh Đông dương nói chung và Việt Nam nói riêng đang có sức hút khá tốt đối với những nhà sưu tập. Thêm vào đó, sưu tập tranh hiện cũng đang tạo cơn sóng ngầm rất thú vị trong lòng thị trường nội địa khi ngày càng xuất hiện nhiều hơn những nhà sưu tập người Việt mới mẻ, dám chi tiền và cũng khá am tường. Giữa tình hình sáng sủa, đầy dấu hiệu tích cực ấy, giới họa sĩ lẽ ra nên càng cần cẩn trọng hơn để rút kinh nghiệm tại sao tranh Việt mất giá cách đây khoảng 20 năm trước. Thế nhưng vẫn có kha khá những họa sĩ trẻ lại chọn con đường dễ dãi. Đơn giản, họ muốn bán nhiều tranh, kiếm tiền nhanh và do đó mất đi ý thức tiết chế bản thân để có thể đưa ra những tác phẩm sáng giá thực sự.
Nếu ai quan tâm tới thị trường mỹ thuật sẽ hiểu câu chuyện để có được một triển lãm ra mắt (debut), một họa sĩ sẽ phải trui rèn và nhẫn nại đến mức nào. Ví dụ đơn giản, ở Indonesia, mỗi khi trường mỹ thuật tổ chức buổi triển lãm báo cáo tốt nghiệp thường niên, sẽ có rất nhiều nhà sưu tập cũng như các chủ gallery tới tham dự. Khi các chủ gallery nhìn nhận thấy một điểm sáng nào được các nhà sưu tập để ý tới, họ sẽ nhanh tay ký hợp đồng với tác giả với kỳ vọng sau này tác giả ấy sẽ trở thành một họa sĩ có uy tín. Sau khi ký hợp đồng với gallery, nhanh thì cũng phải mất 5 năm họa sĩ mới bắt đầu có thể có được buổi triển lãm ra mắt đầu tiên của mình. 5 năm đó không phải là quãng thời gian mà gallery bắt nghệ sĩ phải chờ đợi để thử lòng kiên nhẫn mà đơn giản, nó là 5 năm lao lực tập trung kiếm tìm tiếng nói riêng, con đường riêng. Và tất cả những gì họa sĩ vẽ suốt 5 năm trời kia phải được chắt lọc rất kỹ để chọn ra từ cả trăm bức đã vẽ chỉ chừng chục bức đặc sắc nhất nhằm đảm bảo tinh thần “đã ra quân là thắng trận”. Rồi sau triển lãm ra mắt sẽ là gì? Họa sĩ còn phải chờ đợi sự thẩm định khắt khe của giới chuyên môn. Sự thẩm định đó được thể hiện bằng lời mời tham gia trưng bày ở các liên hoan lưỡng niên (Biennale) danh tiếng. Chỉ khi xuất hiện ở Biennale rồi, họa sĩ mới coi như chính thức được ghi danh trong “sảnh đường” của mỹ thuật thế giới đương đại. Như vậy, tính cả thời gian trên giảng đường, một họa sĩ muốn định danh mình nhanh nhất cũng cần hơn một thập niên.
Sự khắt khe đó chính là kỳ sát hạch chặt chẽ nhất đối với giới hội họa và khẳng định không cần chứng nhận thành văn (certificate) nào về vị thế một họa sĩ đương đại. Và quá trình thời gian trui rèn kể trên không chỉ là đặc thù riêng của Indonesia mà nó như một công thức chung toàn cầu, ở bất kỳ quốc gia nào có nền hội họa phát triển.
Nhưng nó có tồn tại ở Việt Nam hiện nay hay không? Thực sự, trong quá khứ đã từng tồn tại một dạng thẩm định kéo dài chặt chẽ như thế. Còn hôm nay, ở thời đại mà chỉ cần có tiền đầu tư là có thể xây dựng được một dự án “tạm gọi là” nghệ thuật và đủ mua được cả những đánh giá tích cực, rất nhiều người không thèm quan tâm tới cái quy trình thẩm định giúp bản thân trau dồi mình. Họ chỉ cần cái danh “họa sĩ” khoác lên mình cho thêm phần long trọng mà thôi. Trong khi đó, họ không hiểu rằng với nhiều người am hiểu và đúng đắn với nghệ thuật, nếu được tặng tranh của họ, những người đó không dám treo trong phòng khách nhà mình.
Hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung đang bị dễ dãi hóa quá mức ở Việt Nam hôm nay. Không tin, hãy thử gõ ba chữ “triển lãm tranh” trên thanh công cụ tìm kiếm mà xem, bạn sẽ thấy kha khá giới thiệu các buổi triển lãm đang diễn ra và sắp diễn ra. Điểm lại, số lượng họa sĩ ở đâu sao mà đông đến thế cùng với việc tìm hiểu tên tuổi họ uy tín tới mức nào, chắc chắn bạn sẽ giật mình. Và nếu so sánh với số lượng triển lãm mà những nghệ sĩ thực sự như Hồng Việt Dũng, Thành Chương, Trần Lương, Đặng Xuân Hòa… đã giới thiệu suốt những năm qua, bạn hẳn sẽ giật mình. Những tên tuổi kể trên bút lực như thế nào, giới hội họa đều hiểu. Nhưng tại sao họ vẫn tiếp tục ẩn mình? Cơ bản, với họ, vẽ không thể dễ dãi, vẽ cần sự chắt lọc chính mình và một khi đã giới thiệu mình, chắc chắn phải để khách quan tâm phục, khẩu phục.