Khổ như ở chung cư “cao cấp”, “thông minh”
Ở Việt Nam không có nhiều chung cư cao cấp đạt chuẩn. Thời gian qua, người dân một số khu chung cư mà chủ đầu tư tự xưng là cao cấp, thông minh đã phải chịu rất nhiều phiền phức, thậm chí khổ sở…
1. Sau mấy năm kinh doanh bết bát do đại dịch COVID-19, vợ chồng chị Lan Anh (quê ở Nghệ An, hiện đang sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết định bán căn nhà mặt phố, đi thuê chung cư, nhằm lấy vốn xây dựng lại công ty. Năm ngoái được bạn bè giới thiệu khu đô thị "cao cấp" ở quận Nam Từ Liêm mới được xây dựng chưa lâu, lại có rất nhiều tiện ích cho cư dân nên chị Lan Anh đến tìm hiểu.
Theo nhiều môi giới ngoài việc gần công viên, siêu thị, chợ, trường học... khu đô thị này còn được lắp đặt hệ thống ra vào bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt, đồng thời còn có hệ thống chống cháy, chống trộm rất thông minh, hiện đại… Sau khi tham quan và khảo giá một số căn hộ thì vợ chồng chị quyết định thuê một căn gồm 2 phòng ngủ + 1 full đồ (đã đầy đủ đồ đạc) với giá 12 triệu đồng/tháng.
Thời gian đầu về nhà mới, gia đình chị ít nhiều cảm thấy vui vẻ. Do không phải leo lên leo xuống như nhà tầng, tất cả sinh hoạt đều chung một sàn. Thêm vào đó, xe cộ để hết dưới hầm nên nhà cửa khá sạch sẽ. Tuy nhiên, sống một thời gian thì anh chị mới "nếm mùi đau khổ" khi ở chung cư cao cấp.
Đầu tiên, ở đây phí dịch vụ có 2 loại là "trong nhà" và "bên ngoài"; mỗi tháng anh chị phải trả thêm khoảng 1 triệu đồng tiền phí dịch vụ. Thêm chừng 1-2 triệu đồng tiền điện, tiền nước (tùy mùa), tiền internet nữa là tổng số tiền cứng phải chi mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Đã thế, dù quảng cáo gần chợ, song mỗi lần đi chợ Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) chị cũng rất ngại.
Rồi việc chờ thang máy khi vào giờ cao điểm cũng khiến chị toát mồ hôi. Mặc dù quảng cáo là cư dân sẽ sử dụng vân tay, quét khuôn mặt để "check in" khi lên phòng, hay sử dụng tiện ích như ở công viên, bể bơi… song thỉnh thoảng vân tay lại bị lỗi. Mỗi lần vào thang máy, cư dân lại "tranh nhau" quét vì nếu không nhanh thang sẽ chạy qua tầng của mình, phải đợi thêm rất mệt mỏi. Rồi còn nhiều bất tiện nữa khi gia đình ở tầng trên "làm việc mạnh" sẽ gây ồn ào xuống nhà mình. Hoặc rủi có nhà hàng xóm cho bọn dân chơi "bay lắc" vào thuê homestay thì còn được nghe nhạc sàn "miễn phí" cả đêm. Tiện ích gia tăng như công viên trung tâm, siêu thị được quảng cáo là đẹp đẽ, tiện lợi thì cách nhà tầm 2km, muốn đi thì phải sử dụng xe bus hoặc xe máy.
Không phải thuê nhà như trường hợp trên, song niềm vui về căn nhà mới của vợ chồng anh Long (quê Thái Nguyên) cũng "tắt ngấm" sau vài tháng chuyển về khu đô thị được coi là "cao cấp, thông minh" này.
Do chỉ có khoảng 50% tổng số tiền giá trị của căn hộ, nên anh Long mua căn nhà dưới dạng trả góp. Mỗi tháng tính cả gốc lẫn lãi phải trả cho ngân hàng đã "bay" gần hết thu nhập của chồng. Sinh hoạt của cả gia đình chủ yếu trông chờ từ thu nhập của vợ. Thời gian đầu chuyển đến, anh Long tính gửi xe máy dưới hầm, còn xe ô tô có thể "vứt" ở vỉa hè trên mấy trục đường loanh quanh khu đô thị. Tuy nhiên một thời gian sau, chủ đầu tư làm chặt, "lùa" tất cả xe ôtô phải gửi tại bãi nổi cách nhà từ 300-500m (tùy tòa). Cư dân nào cố tình để dưới đường lập tức bị khóa bánh, phải nộp phạt. Việc gửi xe khiến anh Long mỗi tháng tốn thêm hơn 1 triệu đồng. Hơn nữa khoảng cách di chuyển từ nhà đi ra bãi nổi để xe lỡ cỡ, đi xe máy thì gần mà đi bộ lại quá xa.
Thực trạng không có chỗ để xe ô tô có thể gặp rất nhiều ở các khu chung cư được coi là cao cấp. Tại khu chung cư G.W người mua nhà xong còn phải bỏ thêm nửa tỷ đến cả tỷ bạc để mua chỗ để xe ô tô. Còn tại khu đô thị ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhiều cư dân đã mua nhà, chấp nhận trả phí đỗ xe cao song cũng không có slot, đành phải vứt vạ vật ngoài đường phơi mưa nắng.
Bên cạnh đó, vợ chồng anh Long còn "toát mồ hôi" mỗi lần đi chợ. Ở dưới chân đế các tòa trong khu đô thị đều có shophouse cung cấp thực phẩm cho cư dân. Tuy nhiên hầu hết các loại thực phẩm này đều hệt như ở các chợ truyền thống song lại được bán với giá "trên trời". So sánh giá các loại thực phẩm với chợ truyền thống cách nhà khoảng 3km, vợ anh Long kinh hãi khi thấy bị đội lên gấp 2-3 lần. Thêm vào đó, mỗi lần lấy xe ra vào thì phải có thẻ từ do ban quản lý khu đô thị cấp. Lỡ quên lại phải thêm một lần chờ thang máy lên xuống căn hộ để lấy thẻ.
Thêm một nỗi khổ nữa cho người dân tại khu đô thị cao cấp thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là việc học hành cho con cái. Nếu gia đình nào có điều kiện cho con học trường tư thì không nói, song muốn đi học trường công thì lại không đơn giản. Vì số lượng cư dân tăng quá nhanh, nên có hai điểm trường tiểu học (A và B) được phân theo tuyến cho hàng chục tòa nhà cao tầng tại khu đô thị. Con em cư dân thuộc các tòa này (hoặc người thuê nhà có đăng ký tạm trú) sẽ được phân về một điểm trường B cách đó khá xa. Muốn cho con học gần để tiện việc đưa đón thì phải lại "chạy chọt", tốn thêm một khoản tiền kha khá.
2. Có thể nói đa phần các hộ gia đình đi thuê nhà, thuê chung cư cũng là do tài chính có hạn, chưa thể mua đứt một căn hộ nên mới phải chịu cảnh thi thoảng lại phải chuyển nhà. Dù vậy, thời gian qua giá thuê nhà tại nhiều chung cư ở Hà Nội, đặc biệt là các chung cư được cho là cao cấp tăng nhanh khiến cho nhiều người thuê nhà khốn khổ.
Trường hợp chị Hương (quê ở Tuyên Quang) hiện đang làm việc tại một công ty thiết kế là một ví dụ. Chị cho biết do công việc khá linh hoạt nên chị đã thuê một căn studio tại khu đô thị ở quận Nam Từ Liêm. Vì muốn decor căn hộ theo sở thích nên chị chọn thuê căn nội thất cơ bản của chủ đầu tư, còn đồ đạc như giường tủ, salon hay tivi, tủ lạnh… chị đều sắm mới. Tất cả được "đo ni đóng giày" cho hợp với căn hộ mini có diện tích hơn 30m2.
Sau khi chị thuê được gần một năm, kinh tế khó khăn, công ty của chị bị cắt giảm lương; hợp đồng làm bên ngoài cũng gần như không có. Đã thế, chủ nhà còn thông báo nếu muốn gia hạn hợp đồng thuê nhà thì phải tăng thêm 30%. Chị đang loay hoay không biết nên ở tiếp hay tìm nơi an cư mới.
Một thân một mình như Hương đã sốt sình sịch vì chung cư tăng giá, trường hợp vợ chồng chị Loan (quê Hải Phòng) đành phải tìm một phương án thuê nhà khác.
Chị Loan kể, hai năm trước vợ chồng chị cùng một cháu nhỏ thuê căn hộ được gọi là cao cấp thuộc một khu đô thị tại quận Hoàng Mai với giá ban đầu 12 triệu đồng cho căn hộ 78m2, đủ trang thiết bị, "chỉ cần xách vali vào ở". Tháng 8 năm ngoái đến đợt gia hạn hợp đồng mới, chủ nhà thông báo tăng thêm 1 triệu đồng vì "mặt bằng chung nó thế". Vợ chồng chị đành chấp nhận vì đã quen sống ở đây.
Tuy nhiên đầu tháng này, chủ nhà lại báo giá thuê tăng 2 triệu nữa. Đóng tiền 3 tháng một lần nên họ sẽ cần chuẩn bị 45 triệu đồng. "Năm nay kinh tế khó khăn, cái gì cũng tăng mà thu nhập lại giảm. Khoản tiền nhà thực sự là gánh nặng", chị Loan than thở. Mà đấy mới chỉ là riêng tiền thuê nhà. Còn bao nhiêu thứ tiền khác nữa như tiền điện, tiền nước, tiền Internet, phí dịch vụ…
Vợ chồng cứ dùng dằng mãi không quyết, vì cháu bé đang học ngay gần đấy, việc đưa đón rất thuận tiện. Song tính đi tính lại, cuối cùng vợ chồng chị tìm được một căn hộ mặt đất hợp túi tiền hơn. Diện tích sàn tuy chỉ được 20m2, song có bốn tầng nên diện tích sử dụng lên đến 80m2, đã thế tiền thuê chỉ 7,5 triệu đồng/tháng, rẻ được một nửa so với ở chung cư. Bé nhà anh chị cho xin học tại trường công, giảm thêm khá nhiều tiền học phí.
"Tuy phải leo cầu thang hơi mệt một chút, và nhà cửa có lem nhem hơn, phải chuyển đồ khá là vất vả; song chuyển xong nhà cái là hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm như cất được một gánh nặng trên vai" - chị Loan tâm sự.