Khổ như nhạc sĩ

Chủ Nhật, 12/11/2023, 08:18

Vụ tranh cãi xoay quanh việc nhạc sĩ Đỗ Hiếu tuyên bố đã hết hạn độc quyền các sáng tác cho ca sĩ Noo Phước Thịnh và Noo Phước Thịnh không hề có động thái gia hạn nào đã vạch rõ hơn một diện mạo xấu xí của V Pop nhiều năm qua. Đó là diện mạo "khổ như nhạc sĩ" khi gửi gắm con cưng của mình cho những ca sĩ lừng danh…

Thứ độc quyền dị dạng

Kể từ khi nhạc trẻ Việt Nam sôi động trở lại từ thời kỳ Làn Sóng Xanh cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, đã bắt đầu có một hình thức cấp quyền sử dụng ca khúc mang tên "độc quyền". Nghe hai chữ độc quyền ấy có vẻ oai, và có thể mang lại nhiều tiền cho người sáng tác nhưng thực tế là không. Nhạc sĩ chỉ đủ sống chứ không mấy ai giàu nếu chỉ sáng tác âm nhạc đơn thuần. Và nói thẳng, hình thức độc quyền này có lẽ chỉ có ở mỗi Việt Nam mà thôi.

1.jpeg -0
Vụ việc tranh chấp tác quyền giữa ca sĩ Noo Phước Thịnh (phải) và nhạc sĩ Đỗ Hiếu thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước hết, nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy có 2 dạng ca sĩ/nghệ sĩ âm nhạc. Thứ nhất là những người chỉ hát những gì mình sáng tác. Những nghệ sĩ kiểu này cũng có thể hát lại một sáng tác của người khác nếu yêu thích nhưng không phải là phổ biến. Thứ hai là những ca sĩ hát những gì mà nhà sản xuất tìm cho họ. Với những ca sĩ kiểu này, khai thác một sáng tác cũng không theo dạng độc quyền. Ai muốn hát lại ca khúc ấy phải liên hệ với tác giả, liên hệ với hãng đĩa đang được cấp quyền khai thác (nếu có ràng buộc giữa hãng đĩa và tác giả). Việc khai thác lại một ca khúc của người khác chắc chắn sẽ phải mất phí và một trong những cách thu phí là tính trên phần trăm doanh số phát hành. Ngoài ra, có thể cũng sẽ phải chi trả một phần kinh phí không nhỏ cho việc khai thác lần đầu, tùy theo thỏa thuận.

Nhưng các nghệ sĩ nổi danh của nước ngoài hiếm khi hát lại của người khác những ca khúc mới vừa được phát hành vì họ có tính tự tôn rất cao. Biết đồng nghiệp thắng một bài hit, họ có thích đến mấy cũng không đu bám vào bài hit đó. Chính sự tự tôn đó đã tạo ra một môi trường tự tôn. Và do vậy, chuyện độc quyền mới hiếm khi tồn tại.

Còn ở Việt Nam, cái tâm thế "sợ người khác cướp bài" đã tạo ra trào lưu độc quyền một thời và cho tới nay vẫn còn tình trạng ấy. Việc tuyên bố mua độc quyền cho ca sĩ một vị thế nào đó trong mắt công chúng và họ an tâm với việc không ai dám xâm phạm vào ca khúc (có thể thành) hit của mình. Giá mua bài độc quyền ngày trước thường gấp 2 hoặc gấp 3 giá mua bài tác quyền (tức là chỉ khai thác và sẵn sàng chấp nhận có người khác cùng khai thác). Và giá bài độc quyền cũng thường dao động từ 10-20 triệu đồng cho một hợp đồng 2 năm.

Hiện nay, với trào lưu nghe nhạc trực tuyến cùng khả năng khai thác doanh thu từ Youtube, mạng xã hội, những nhạc sĩ thuộc diện được săn đón do viết bài bắt trào lưu, dễ thành hits kiếm được nhiều tiền hơn từ độc quyền. Những cái tên như Tăng Duy Tân, Đồng Thiên Đức đang là những người được xem là "chuyên gia tạo hits" như vậy. Theo như vài ca sĩ cho biết, để mua độc quyền 2 năm của một "chuyên gia tạo hits", ca sĩ có thể phải trả khoảng 150 triệu/bài. So sánh với những tên tuổi lớn, cái giá kia quả thực là trên trời. Song, số lượng nhạc sĩ thuộc diện được săn đón này cũng chỉ khoảng 2-3 người mà thôi và thời của họ cũng ngắn do nhạc đi theo thị hiếu đầy tính thời trang. Nhiều người từng là chuyên gia tạo hits cách nay dăm năm bây giờ cũng đã chìm dần khi gout nhạc của họ cũng không còn theo kịp thời đại nữa.

Nhưng kể cả là có thuộc diện "đắt khách" có khả năng bán 150 triệu đồng/ bài đi nữa, nhạc sĩ vẫn rất khổ. Đơn giản, sau câu chuyện độc quyền kia là gì? Nhạc sĩ có thu được hết các khoản họ xứng đáng được nhận hay không?

Như câu chuyện của Đỗ Hiếu là một ví dụ điển hình. Hết thời hạn độc quyền, Noo Phước Thịnh không gia hạn thêm nhưng vẫn mang bài của Đỗ Hiếu sáng tác đi diễn. Một show như "Thanh âm bên thông" của Noo Phước Thịnh có cátsê không dưới 300- 400 triệu. Nếu như ở nước ngoài, số tiền nhạc sĩ nhận được sẽ được tính trên phần trăm doanh thu của ca sĩ đã nhận trọn gói thù lao (có bao gồm nhiệm vụ trả tác quyền cho nhạc sĩ) thì ở Việt Nam, ca sĩ luôn "đánh bài chuồn". Trường hợp đơn vị tổ chức chịu trách nhiệm trả tiền thù lao tác quyền cho nhạc sĩ thì không sao. Trường hợp đơn vị tổ chức trả trọn gói và yêu cầu ca sĩ thực hiện nghĩa vụ này, khả năng kiện tụng nhau ra tòa là rất cao.

Chính vì thế, nhiều nhạc sĩ từng bán bài hits với giá 15-20 triệu nhiều năm trước giờ chỉ còn lại mỗi niềm hãnh diện suông là "Tôi là tác giả" mà thôi. Còn tiền tác quyền thì "mưa tới đâu mát mặt tới đó". Một ca khúc hits có thể giúp ca sĩ mua biệt thự, xe hơi nhưng với nhạc sĩ thì chắc không đủ tiền để đổ xăng xe ngần ấy năm. Đó là còn chưa kể tới các nhạc sĩ phối khí, những người bị gạt ra khỏi cuộc chơi sở hữu trí tuệ này ngay từ đầu.

Nhạc sĩ phản ứng lại cách nào?

Kiện tụng có vẻ là cách đang được ưa chuộng dần khi các nhạc sĩ cũng không còn chịu được nỗi khổ ấy nữa và họ cũng chịu khó nghiên cứu Luật Sở hữu trí tuệ nhiều hơn. Ngoài ra, đăng đàn tố trên mạng xã hội, báo chí cũng là một cách khác, ngõ hầu hy vọng ca sĩ nghĩ lại mà chia sẻ bớt doanh thu. Nhưng đó chỉ là những cách đối đế mà thôi. Ở tình hình thị trường âm nhạc hôm nay, nhiều nhạc sĩ đã tìm hướng đi khác.

2.jpeg -0
Đỗ Hiếu tuyên bố Noo Phước Thịnh sẽ không được sử dụng 8 bài hát mà anh sáng tác vì đã hết thời gian độc quyền.

Ngày trước, khi còn phải ra album bằng bản thể lý (băng đĩa), các ca sĩ thường mua độc quyền 2-3 bài họ tin là có thể hits. Khoảng 5 bài còn lại, họ mua tác quyền và thường là những bài tuy hay nhưng khó hits do không xu thời. Ở thời đại ấy, để kiếm đủ bài cho đĩa, ca sĩ cần nhạc sĩ hơn. Nhưng hôm nay, khi mà băng đĩa đã gần như bị khai tử, ca sĩ đã mua bài là phải bài hits, bởi đơn giản họ toàn phát hành dạng đĩa đơn (single). Nói nôm na, thấy bài hay mua đứt liền tay, mang về sản xuất nhanh, sau đó tung lên mạng để tạo dựng vị thế ngôi sao cho mình. Khi mà thời đại chỉ chấp nhận mua mỗi những ca khúc "ra là phải hits" thì chắc chắn nhiều ca khúc "tuy hay nhưng không hits" sẽ phải nằm xếp xó. Nếu nhạc sĩ có đưa cho ca sĩ thì cũng phải đợi ca sĩ ngâm thật lâu và có khi còn "hát như là ban ơn".

Chính cái cung cách làm việc đó đã khiến không ít nhạc sĩ khó chịu mà không nói ra. Gửi đứa con tâm huyết của mình cho ca sĩ nhưng cả năm trời không nhận được hồi âm, nhạc sĩ cũng sẽ mang những ấm ức nhất định. Mà một khi đã gửi người này rồi, nhạc sĩ ngại gửi người khác sợ mang tiếng bất tín với ca sĩ. Nhưng mà bài cứ để mãi đó mà không được vang lên thì không ổn. Từ ẩn ức này, một số nhạc sĩ đã chọn con đường riêng cho mình. Đó chính là tự sản xuất, tự thuê ca sĩ hát, tự phát hành. Nếu có phát sinh doanh thu thì chia thêm cho ca sĩ phần trăm, theo đúng các thông lệ của ngành công nghiệp âm nhạc. Cách làm này đòi hỏi nhạc sĩ phải đầu tư cả tài chính (không nhỏ chút nào) nhưng chắc chắn họ chẳng phải phiền lụy ca sĩ nào, chẳng phải mang tâm thức "đi nhờ ngôi sao hát" và cũng không để những bận tâm về chuyện bán-mua làm mình bực bội.

Nếu như may mắn, ca khúc ấy tìm được khán giả và trở thành bài hát được nhiều người ưa thích, doanh thu từ lượt nghe xem sẽ tới theo dạng "mưa dầm thấm đất", tuy không nhiều nhưng chắc chắn là không thua thiệt. Song, cách làm này có một hạn chế là chỉ có bản ghi âm chứ không có MV bởi đầu tư sản xuất MV là vượt qua khả năng tài chính của giới nhạc sĩ cũng như bản thân họ cũng không có nhu cầu phải làm các sản phẩm ghi hình để ca sĩ được hưởng lợi trong khi ca sĩ không đóng góp gì nhiều.

Cũng từ cách này mà bắt đầu có một số phương thức hợp tác nhạc sĩ - ca sĩ công bằng hơn, đỡ mất lòng sau này và vừa tạo thêm hiệu quả cho ca khúc ra mắt. Tuy nhiên, số lượng hợp tác phương thức "hai bên cùng có lợi" này vẫn còn chưa nhiều nhưng khả năng trong tương lai gần sẽ là phổ biến.

Suy cho cùng, câu chuyện "khổ như nhạc sĩ" chỉ ra rất rõ cái thiếu chuyên nghiệp của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam hiện nay. Để thay đổi, chỉ còn hy vọng vào sự bền bỉ của các nhạc sĩ cũng như một thế hệ ca sĩ tương lai gần (hiện nay họ khoảng 15-16 tuổi) với tư duy văn minh hơn do được tiếp xúc nhiều với các kiến thức về công nghiệp âm nhạc từ những thị trường phát triển có căn cơ và có nền tảng. 

Văn Đoàn
.
.