Khi vương miện thật được dùng để cosplay đạo đức
Khi danh tiếng bị lợi dụng để che đậy những thương vụ lừa đảo, ánh hào quang không còn là biểu tượng thành công mà trở thành công cụ thao túng lòng tin. Từ "kẹo rau củ Kera" của hoa hậu Thùy Tiên đến loạt sản phẩm mạo danh "tự nhiên" do người nổi tiếng quảng bá, công chúng không chỉ mất tiền, mà còn đánh mất niềm tin. Và, phía sau những lời tung hô "đạo đức", chỉ còn lại một vở kịch được dàn dựng kỹ lưỡng để bán... nhân cách.
Tấn tuồng đạo đức khoác vương miện
"Kinh doanh bằng sự nổi tiếng thì không sai, nhưng kinh doanh lừa đảo bằng sự nổi tiếng là vô lương". Một câu nói nghe như khuôn vàng thước ngọc, nhưng khi áp vào vụ "kẹo rau củ Kera" thì lại chẳng khác gì chiếc rèm nhung che đậy vở kịch thảm hại, nơi nhân vật chính là một hoa hậu, đạo cụ là livestream và khán giả... thì mất tiền.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên, cái tên từng được tung hô trên đấu trường quốc tế với danh hiệu Hoa hậu Hòa bình giờ lại vang lên trong quyết định khởi tố với tội danh "lừa dối khách hàng". Từ biểu tượng sắc đẹp, cô đã "biến hình" thành gương mặt đại diện của một loại kẹo "giả danh rau củ". Bên trong thì toàn phụ gia, sorbitol và cú lừa được nhào nặn bằng chính độ hot của tên tuổi.
Ai có thể tưởng tượng được "đứa con tinh thần" mà Thùy Tiên từng xúc động nghẹn ngào trên livestream lại là sản phẩm chắp vá từ "chợ hóa chất"? Dây chuyền sản xuất hiện đại mà cô trưng bày hóa ra chỉ là phông nền cho bộ phim quảng cáo dài tập - dối trá, hoành tráng và được dàn dựng chỉn chu. Từ chuyện "ăn rau bằng kẹo" đến chuyện rỉ rả khuyên mẹ bầu, trẻ em sử dụng sản phẩm "thiên nhiên", Thùy Tiên đã khéo léo biến sự thiếu hiểu biết thành... thương hiệu cá nhân. Còn lòng tin công chúng trở thành món hàng khuyến mãi trong chiến dịch kinh doanh vô đạo.
Trớ trêu thay, trước khi bị khởi tố, Thùy Tiên từng được ngợi ca là biểu tượng "lột xác sau đăng quang". Cuộc sống hào nhoáng, hàng hiệu phủ khắp người, bảng vàng thành tích đủ để "bán chạy" trong mọi hợp đồng quảng cáo. Chủ tịch Miss Grand International - ông Nawat từng hào hứng tiết lộ Thùy Tiên kiếm được gần 100 triệu baht (tức khoảng 70 tỷ đồng) chỉ sau thời gian ngắn. Cô thành "hoa hậu đắt show", đại diện của loạt nhãn hàng quốc tế, cát-xê vài trăm triệu đến cả tỷ cho mỗi lần xuất hiện, sải bước tại Paris Fashion Week, đầu tư cổ phần vào chính tổ chức từng trao vương miện cho mình...
Tin đồn tài sản hơn 10 triệu USD từng làm cộng đồng mạng phát sốt, còn cô thì nhẹ nhàng phủ nhận, chỉ mong "sống yên bình" và rằng "thu nhập không tăng quá nhiều". Giờ nhìn lại những câu nói "thấm đẫm đạo lý", người ta mới nhận ra: hóa ra, đó chỉ là lớp phấn nền hoàn hảo để tô điểm cho một vai diễn mang tên "kinh doanh tử tế" mà hậu trường là cả một chiến dịch lừa đảo có chiến lược.
Người nổi tiếng được gắn trách nhiệm cộng đồng. Đúng vậy. Nhưng, trong vụ này, cộng đồng ấy là cộng đồng... nạn nhân. Với hơn 135.000 hộp "kẹo rau củ" được tung ra thị trường, đây không còn là cú sẩy chân của một cá nhân, mà là một đường dây thao túng niềm tin có kịch bản, có đạo diễn, có cả diễn viên quần chúng. Từ hoa hậu, travel blogger, đến vlogger, ai nấy đều "đi thăm nông trại", "đánh giá nhà máy", "nếm thử sản phẩm", mà thực chất là... dẫn khán giả vào chiếc bẫy ngọt ngào được bọc bằng nhãn dán "tự nhiên".
Rồi khi sự thật vỡ lở, fanpage biến mất, TikTok lặn tiêu, một lần nữa, chiêu "bốc hơi" lại được sử dụng, như thể sự biến mất ấy sẽ xóa sạch trách nhiệm. Trong khi đó, công chúng - những người đã tin, đã mua, đã dùng thì vẫn còn ở đó, với ví tiền bị rút và niềm tin bị rách.
Chúng ta từng quá dễ dãi với những màn "khởi nghiệp vì cộng đồng", những lời kể lể "kinh doanh từ đam mê" mà quên rằng: không phải ánh hào quang nào cũng song hành cùng đạo đức. Khi người có sức ảnh hưởng dùng niềm tin công chúng để mưu lợi riêng, thì đó không còn là "sai sót cá nhân", mà là một kiểu lừa đảo được đầu tư bài bản - có ê-kíp, có chiêu trò và có cả... livestream.
Vì thế, đừng ngộ nhận giữa kinh doanh bằng uy tín và kinh doanh bằng... ảo tưởng. Đừng lẫn lộn vương miện với chứng nhận chất lượng. Và, đặc biệt, đừng dễ dàng thứ tha cho những ai đã lấy sự nổi tiếng để mặc cả với đạo đức. Bởi, cái giá cuối cùng luôn là sự xói mòn niềm tin và sự bất an gặm nhấm xã hội từng ngày.
Nếu "hoa hậu" là biểu tượng của lòng nhân ái và sự tử tế thì vụ việc lần này là hồi chuông cảnh báo: vương miện có thể đoạt được, nhưng đạo đức thì không thể... cosplay.
Danh tiếng trở thành món hàng rao bán
Nguyễn Thúc Thùy Tiên không phải người duy nhất góp mặt trong "vở kịch đạo đức giả" đang diễn hằng ngày trên mạng xã hội. Trước cô, bao nhiêu cái tên từng được tung hô trong làng giải trí Việt đã tự tay vứt bỏ hình ảnh để lao vào cuộc mua bán trắng trợn giữa lòng tin công chúng và đồng tiền không sạch từ các nhãn hàng mờ ám. Họ không quảng bá sản phẩm, họ buôn bán chính nhân cách của mình, một cách không chút ngượng ngùng.

Làng giải trí một lần nữa bị lật tung bởi hai cái tên tưởng chừng từng là biểu tượng đáng tin cậy: BTV Quang Minh và MC Thanh Vân Hugo. Họ xuất hiện với những lời tung hô "có cánh" dành cho loại sữa HIUP 27, được tô vẽ như thứ "tiên dược" giúp trẻ em cao lớn thần kỳ. Nhưng, đằng sau lớp áo PR hào nhoáng là gì? Một thứ sản phẩm vô căn cứ, không bằng chứng khoa học, chỉ tồn tại nhờ những cái gật đầu vô trách nhiệm của... người có trách nhiệm và sự tiếp tay của người nổi tiếng.
Công ty sản xuất bị phạt 25 triệu đồng, con số chẳng đáng là gì so với hậu quả gây ra. Nhưng, đau đớn hơn, chính là niềm tin công chúng đã đặt sai chỗ. Quang Minh, người từng được xem là "người đưa tin mẫu mực" trên sóng truyền hình phải nhận mức phạt 37,5 triệu đồng vì sử dụng hình ảnh bác sĩ giả danh để tăng độ tin cậy. Vân Hugo, từng mang hình ảnh một người phụ nữ trí thức, dịu dàng bị phạt 70 triệu đồng vì cố tình quảng bá sai lệch. Hai con số ấy chẳng thể mua lại danh dự đã đánh rơi.
Không chỉ bị phạt tiền, họ còn buộc phải xóa bỏ quảng cáo, cải chính thông tin. Nhưng, ai sẽ "xóa" được vết nhơ trong lòng công chúng? Bao nhiêu lời xin lỗi, bao nhiêu bản cam kết "rút kinh nghiệm" nữa thì đủ?
Câu hỏi đặt ra: Vì sao những người nổi tiếng liên tục trượt dài trong những cú "vấp ngã" chẳng mới mẻ gì? Câu trả lời nghe mà đau: vì thiếu hiểu biết, vì cẩu thả, và quan trọng nhất: vì coi rẻ trách nhiệm xã hội. Họ biến danh tiếng thành vỏ bọc, lợi dụng lòng tin của hàng triệu người để đổi lấy vài hợp đồng quảng cáo trục lợi.
Không chỉ Quang Minh hay Vân Hugo, trước đó, từng có NSND Hồng Vân, NSƯT Cát Tường, MC Quyền Linh, ca sĩ Phương Mỹ Chi... góp mặt trong "đại nhạc hội niềm tin bị phản bội" - nơi mà thuốc chữa ung thư trá hình, sữa tăng chiều cao thần tốc được rao bán như hàng quốc bảo. Mỗi gương mặt là một "con dấu sống" để hợp pháp hóa sự lừa dối trắng trợn.
Thay vì giữ gìn hình ảnh, họ chọn cách đánh đổi danh tiếng lấy lợi nhuận. Một đoạn livestream, vài phút lên hình - và hàng trăm triệu đồng đổ vào tài khoản. Nhưng, cái giá công chúng phải trả là niềm tin bị tổn thương, là sức khỏe bị đánh cược.
Chiêu trò cũ rích "tôi không biết", "tôi bị lừa", "tôi tin nhầm người" không còn lừa nổi công chúng. Khi đã nhận tiền, đứng tên quảng bá, thì đồng nghĩa với việc gánh trách nhiệm trước pháp luật và dư luận. Không thể vừa muốn hưởng lợi từ danh tiếng, vừa phủi tay khi tai họa xảy ra. Nếu không đủ hiểu biết thì đừng làm, còn đã làm thì đừng trốn trách nhiệm.
Thực chất, nghệ sĩ đang bán ảo ảnh đạo đức, chứ không còn là nghệ thuật. Họ hóa thân vào vai bác sĩ, chuyên gia, doanh nhân không phải để diễn xuất, mà để lừa dối công chúng bằng chính thương hiệu cá nhân của mình. Một thứ "niềm tin có gắn logo" được rao bán công khai trên mọi nền tảng.
Danh hiệu "Hoa hậu", "Nghệ sĩ ưu tú", "Đại sứ thiện chí" lẽ ra phải là cam kết đạo đức, là chuẩn mực hành vi - thì giờ đây bị biến thành tấm bình phong để che chắn cho những thương vụ lừa đảo. Càng nổi tiếng, càng phải có trách nhiệm. Tiếc thay, nhiều người lại chọn cách lợi dụng sự nổi tiếng để trốn tránh trách nhiệm.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử phạt, điều tra. Nhưng, xử phạt hành chính chưa đủ. Đã đến lúc cần mạnh tay: truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật, buộc hoàn tiền cho người tiêu dùng, cấm quảng cáo đối với nghệ sĩ tái phạm. Chỉ khi họ hiểu rằng, sự nổi tiếng không phải là tấm khiên bất khả xâm phạm thì những "vở diễn đạo đức giả" mới có thể bị dẹp bỏ.
Bởi, nghệ thuật chân chính không thể song hành với sự dối trá. Và, công chúng không nên bị coi là con rối trong những vở diễn tiếp tay cho lừa đảo.
Đừng chỉ tẩy chay sản phẩm bẩn, hãy dứt khoát gạch tên những người nổi tiếng đã đánh mất đạo đức. Họ có thể đẹp, có thể ăn nói ngọt ngào nhưng nếu từng nhắm mắt bán niềm tin công chúng chỉ để đổi lấy vài hợp đồng quảng cáo thì thứ còn lại chỉ là một vỏ bọc lấp lánh bên trong rỗng tuếch. Một sự hổ thẹn được dát vàng.