Khi "vùng cấm" bị cấm
Từng ngạo mạn tuyên bố mình là “vùng cấm”, việc Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn cũng như ra mắt các sản phẩm trên mọi nền tảng trong thời hạn 9 tháng thực sự là một động thái cảnh tỉnh đối với showbiz Việt vốn dĩ đang khá nhiều thứ nhố nhăng.
1. Ở thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta hãy thử để AI - một thứ không mang cảm tính, thiên kiến của một con người bình thường - đánh giá, nhận xét về lệnh cấm đối với “vùng cấm” Đàm Vĩnh Hưng xem quan điểm “khách quan” ấy là như thế nào.
Và, đây là nguyên văn của ChatGPT phiên bản mới nhất về sự kiện ấy: “Nhìn chung, mức phạt 27,5 triệu đồng và cấm biểu diễn 9 tháng có thể được xem là nặng đối với một nghệ sĩ. Tuy nhiên, trong bối cảnh vi phạm liên quan đến vấn đề nhạy cảm và có khả năng gây tác động lớn đến cộng đồng, án phạt này có thể được hiểu như một biện pháp răn đe để duy trì thuần phong mỹ tục và trật tự xã hội”.
27,5 triệu đồng thực tế chẳng là gì so với khối tài sản đồ sộ mà Đàm Vĩnh Hưng góp nhặt được sau gần 25 năm ở vị trí ngôi sao số 1 làng giải trí. Nhưng, việc là ca sĩ đầu tiên kể từ thời kỳ Làn Sóng Xanh tới nay bị cấm trình diễn, cấm ra mắt sản phẩm trong thời hạn 9 tháng lại không phải chuyện nhỏ chút nào. 9 tháng xa rời sân khấu và không phát hành sản phẩm mới thực tế không phải là một điều gì quá khó khăn đối với một ca sĩ. Song, ở tuổi 50, cái tuổi được xem là tri thiên mệnh, cái tuổi cần thể hiện sự chín chắn, việc Hưng bị cấm vì một hành động thiếu chín chắn, thể hiện sự kém tinh tế cũng như chất ngạo mạn xem mình là số 1 có thể là một thảm họa đối với hình ảnh của Hưng khi sự nghiệp bắt đầu về chiều.
Thời gian gần đây, khi giới giải trí, nghệ sĩ Việt Nam có nhiều hành vi quá lố, cộng đồng đã liên tục nhắc tới hai từ “phong sát”. Thực tế, Việt Nam không có “phong sát” và cũng không áp dụng “phong sát” kiểu như Trung Quốc. Song, cảnh báo về chuyện nghệ sĩ, nhân vật giải trí cần phải tự chấn chỉnh thái độ, hành vi, tác phong, đạo đức của mình đã được đưa ra, bằng các văn bản cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước. Các cảnh báo ấy đã cho thấy trước khả năng sẽ có những xử lý sai phạm và do đó, việc Hưng mắc phải sai phạm như vừa rồi ở chương trình “Ngày em thắp sao trời” cho thấy, dường như giới giải trí, nghệ sĩ đang chưa thể hiện sự coi trọng đối với những cảnh báo được đưa ra. Thực sự, nếu nhận thức được sự nghiêm túc và nghiêm khắc của các cảnh báo kia, rất có thể Hưng sẽ không phải là trường hợp điển hình bị xử lý.
2. Trước kia, ở đầu thập niên 90, ca sĩ Ngọc Sơn từng phải dính vào lao lý vì những sai phạm cá nhân trong nghề và để vượt qua được cú vấp khi còn quá trẻ đó, Ngọc Sơn đã phải nỗ lực rất nhiều, không chỉ trong hoạt động âm nhạc mà còn trong cả những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội. Cho đến tận bây giờ, sau hơn 30 năm, Ngọc Sơn vẫn được nhiều người tôn trọng, đánh giá anh là “giọng ca vàng” của nhạc nhẹ Việt Nam.
Nhưng, điều cơ bản nhất là cả trước lẫn sau cú vấp kia, Ngọc Sơn chưa bao giờ có những phát ngôn ngạo mạn, xem mình là đệ nhất, là bất khả xâm phạm. Rất tiếc, nhiều người đi sau đã không học được điều ấy từ đàn anh đi trước và xem nhẹ bài học mà Ngọc Sơn từng trải qua. Đàm Vĩnh Hưng là một điển hình. Đúng là chất giọng mỗi người mỗi khác, so sánh là khập khiễng nhưng về nội lực giọng hát, chưa bao giờ Đàm Vĩnh Hưng được giới chuyên môn xếp vào ở cùng “đai đẳng” với Ngọc Sơn cả. Nhưng, ngạo mạn thì Hưng hơn hẳn và chính sự ngạo mạn ấy đã khiến Hưng vấp ngã lần này.
Đã có rất nhiều lời khen dành cho Đàm Vĩnh Hưng nhưng song song đó, cũng có không ít những phê bình mỗi khi anh có hành động nào đó hơi thái quá. Song, như người đời vẫn nói vui rằng “con người ta ai cũng chỉ thích nghe khen, đến chết vẫn còn thích nghe kèn”, Hưng bỏ ngoài tai mọi góp ý mà lẽ ra, nhờ chúng, anh có thể hoàn thiện bản thân mình để có thể có một sự nghiệp không tì vết. Bây giờ, với án phạt 9 tháng đang được áp dụng, chắc chắn trong biên niên sự nghiệp của Hưng sẽ luôn xuất hiện một tì vết rất rõ, đặc biệt, khi anh là người đầu tiên bị xử lý làm gương.
Trên thế giới, ngay cả ở các nước được xem là tự do nhất, việc nghệ sĩ phải trả giá vì các hành vi thiếu chuẩn mực của mình cũng là chuyện thường xảy ra. Ví dụ như ở Mỹ, năm 2013, Katy Perry đã phải công khai xin lỗi khi cô mặc một bộ kimono gây tranh cãi tại lễ trao giải American Music Award. Dư luận chỉ trích cô đã chiếm dụng văn hóa Nhật Bản và đã có một làn sóng phản ứng dữ dội. Xa hơn, hồi 1990, trong tour trình diễn “Blonde Ambition Tour” của mình, Madona đã bị cảnh báo có thể sẽ bị bắt giữ nếu không tiết chế các hành vi gợi dục trên sân khấu. Những vụ việc kiểu như vậy cho thấy các chính phủ thực sự rất quan tâm đến tác động tiêu cực của những nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng trong văn hóa. Họ coi các hành vi có tác động tiêu cực là gây nguy hại cho xã hội, có thể thay đổi cả diện mạo văn hóa của một vài thế hệ bị tác động và do đó, việc xử lý cứng rắn là cần thiết vô cùng.
Trên đây cũng mới chỉ là các hành vi lệch chuẩn văn hóa mà thôi. Nếu dính dáng đến chính trị và an ninh quốc gia, án phạt còn nặng nề hơn nhiều. Tiêu biểu như Cat Stevens, sau khi đổi tên thành Yusuf Islam và cải sang đạo Hồi, nghệ sĩ này đã bị cấm bay, cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 2 năm, từ 2004-2006, vì nghi ngờ có dính líu tới các nhóm cực đoan. Bởi thế, chúng ta đừng nên quá dễ dãi mà suy nghĩ rằng “giải trí chẳng qua cũng chỉ là vui mà thôi”. Đúng là giải trí nhằm để mang tới niềm vui cho khán giả, song vui thôi, đừng vui quá. Trong cái vui ấy cũng cần có sự chuẩn chỉ nhất định và thể hiện một thái độ văn hóa đúng mực nhất định.
Án phạt lần này cho Đàm Vĩnh Hưng chắc chắn sẽ mở ra một tiền lệ cho các nghệ sĩ, nhân vật giải trí khác nhìn vào như thước đo chính bản thân mình. Và, có thể, sẽ không chỉ một mình Đàm Vĩnh Hưng là người phải nhận một án phạt như vậy khi xét đến trường hợp của O Sen Ngọc Mai và Quốc Nghiệp. Sự im lặng của họ chưa chắc đã là khôn ngoan, nhất là khi phía cơ quan quản lý văn hóa và thể thao TP Hồ Chí Minh đã mời lên làm việc. Nếu không tự kiểm một cách rốt ráo và có những nhận lỗi công khai cũng như chủ động gặp gỡ các cơ quan quản lý theo lời mời, khả năng cặp vợ chồng này là đối tượng của án phạt kế tiếp không phải là nhỏ.
Riêng trường hợp Đàm Vĩnh Hưng, nhiều người cho rằng Hưng vẫn sẽ biểu diễn tại Mỹ và các nước khác trong thời gian 9 tháng phạt bởi án này chưa thể có biện pháp triệt để thực thi ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chắc chắn, Hưng thừa khôn ngoan để hiểu điều đó và cũng đủ giật mình sau quyết định vừa rồi của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh. Đó là chưa kể, việc biểu diễn ở nước ngoài của Hưng chắc chắn sẽ bị “soi” rất kỹ và nếu không thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách đầy đủ, Hưng rất dễ bị các quốc gia khác cấm nhập cảnh như một số nghệ sĩ Việt Nam từng bị cách đây nhiều năm vì cáo buộc “đi biểu diễn lậu”. Vì vậy, Đàm Vĩnh Hưng đã kịp thời thông báo hủy các chương trình đã ký hợp đồng ở nước ngoài dù nó có ảnh hưởng rất lớn tới công việc của Hưng. Đây là một lựa chọn đúng đắn không chỉ cho bản thân Hưng mà còn là một thái độ làm mẫu cho những đồng nghiệp khác trong tương lai.
Sau án phạt của Đàm Vĩnh Hưng, TLinh cũng lặng lẽ xóa bản ghi ca khúc được cho là lời lẽ gợi dục. Không biết cô quyết định như vậy là do tác động của trường hợp Đàm Vĩnh Hưng hay do làn sóng dư luận. Tuy nhiên, điều đó đã bắt đầu cho thấy sự tích cực là các nghệ sĩ, nhân vật giải trí Việt Nam đã bắt đầu ý thức được sự nghiêm khắc của pháp luật và họ cũng phải chỉnh lại “thước ngắm nhận thức” trước khi có một động thái nào đó có đủ sức tác động đến cộng đồng.