Khi thương hiệu “bán danh 3 đồng”
500 không phải là một con số quá lớn nhưng khi gắn liền phía sau nó là hai chữ “nạn nhân” thì rõ ràng, mức độ nghiêm trọng lại rất đáng suy nghĩ. Tổng số 560 người nhập viện điều trị do ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tiệm Cô Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cho thấy sự việc ấy đáng lo ngại đến mức độ nào.
1. Không sống ở Long Khánh, có lẽ chúng ta khó có thể biết tới tên tiệm bánh mì Cô Băng kia. Nhưng, với những ai gắn bó với thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai này, đó là một “thương hiệu” quen thuộc. Con số 560 nạn nhân ngộ độc sau khi ăn bánh mì của tiệm này thực chất chưa phản ảnh hết được tệp khách hàng của họ. Theo như truyền thông khai thác được, bình quân mỗi ngày, tiệm Cô Băng bán ra khoảng 1.000 ổ bánh mì.
1.000 ổ bánh là một con số mơ ước với bất kỳ tiệm bánh mì nào. Nếu bán ở mức 15.000 đồng/ổ, mức giá bình dân phổ biến ở các địa phương hiện nay, doanh thu của tiệm bánh mì Cô Băng có thể lên tới hơn 400 triệu đồng/tháng. Sau sự việc đáng tiếc vừa qua, rất có khả năng tiệm Cô Băng sẽ không bao giờ lấy lại được doanh số mơ ước kia nữa khi tâm lý người tiêu dùng luôn là sợ hãi sau một kinh nghiệm tiêu dùng kinh hoàng nhớ đời. Song, không có tiệm Cô Băng phục vụ, sẽ có những tiệm bánh mì khác. Và, những người đã quen với mức chi tiêu tài chính gia đình được quản lý sát sao, chặt chẽ với chi phí cho một bữa ăn sáng hợp lý là ổ bánh mì có nhân, chắc chắn sẽ sớm quay lại với thói quen tiêu dùng của mình. Chỉ có điều, không phải là bánh mì Cô Băng mà sẽ là một tiệm bánh mì nào khác mà họ tạm tin tưởng hơn.
2. Bây giờ, chúng ta hãy thử đặt ra câu hỏi, có bao nhiêu tiệm bánh mì, tiệm xôi, tiệm bánh bao, bánh giò... có sức tiêu thụ như tiệm bánh mì Cô Băng ở trên khắp Việt Nam này? Sơ sơ, có lẽ con số phải lên tới hàng ngàn, nếu không nói là chục ngàn. Số lượng người lao động bình dân ở Việt Nam là rất lớn. Thu nhập eo hẹp khiến họ phải tằn tiện hơn và một bữa sáng cỡ 15.000-20.000 đồng luôn là mức ngân sách hợp lý nhất. Đó là cả một thị trường tiềm năng với số lượng khách hàng khổng lồ. Và, lao vào khai thác thị trường tiềm năng đó cũng là cả một bộ máy bán hàng khổng lồ, ở đủ cấp quy mô khác nhau, từ một tiệm khang trang cho tới một cái sạp nhỏ xíu vỉa hè; từ một xe đẩy gọn gàng cho tới một thúng xôi đặt trên chiếc ghế...
Chỉ cần sơ tính trên con đường từ Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) cho tới hồ Con Rùa (Q.1, TP Hồ Chí Minh), chúng ta có thể đếm được tới cả trăm hộ kinh doanh đồ ăn sáng như thế. Đông đảo nhất là khu vực đối diện các trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Cảnh sát nhân dân với hàng quán san sát phục vụ một lượng lớn sinh viên. Tiếp đến là con đường từ chân cầu Kinh Tẻ phía Q.4 cho tới chân cầu Ông Lãnh và quãng đường Q.1 từ chợ Cầu Muối xuyên qua những phố trung tâm về phía hồ Con Rùa. Những “cửa hàng” phục vụ kiểu này mọc lên liên tiếp nhau với đủ loại đồ ăn sáng nhanh và tiện lợi. Thức ăn đa dạng, mức giá đa dạng, những người vãng lai chỉ cần dừng xe 5 phút là có ngay một phần ăn sáng lận lưng tới trường, tới công sở. Và, tất nhiên, nguy cơ tiềm ẩn cũng đa dạng vô cùng.
Không một ai mở hàng kinh doanh đồ ăn sáng lại nghĩ tới chuyện khách hàng của mình gặp họa ngộ độc thực phẩm cả. Không phải là câu chuyện đền bù, vì thật ra, họ cũng khó khăn, lấy đâu ra tiền mà đền bù. Nhưng, chắc chắn, cái “đơn vị kinh doanh” mà họ đang vận hành mang lại doanh thu ổn định nuôi sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng, nếu không nói là sụp đổ hoàn toàn. Họ mong mỏi người tiêu dùng cùa mình thấy ngon miệng, no bụng và “chắc dạ” đúng theo nghĩa bóng. Nhưng, bản thân họ cũng không thể lường được điều gì sẽ xảy ra. Vấn nạn ngộ độc thực phẩm như thanh gươm damocles treo lơ lửng trên đầu vậy.
Chỉ 1 tháng trước khi xảy ra vụ ở Long Khánh, tại Nha Trang cũng có vụ ngộ độc tập thể khiến gần 400 người nhập viện sau khi ăn cơm gà ở một tiệm quen thuộc. Cũng ở Khánh Hòa, cách đây 1 năm đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể ở một trường học với số nạn nhân lên tới hơn 600 người và được ghi nhận là vụ ngộ độc học đường nghiêm trọng nhất Việt Nam từ trước tới nay. Mỗi năm đều có những vụ như thế xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước và nạn nhân đa phần là học sinh, sinh viên hoặc công nhân khu công nghiệp. Điều đó khiến chúng ta bật ra một câu hỏi khác: “Phải chăng, ngộ độc thực phẩm chỉ rơi xuống những người tiêu dùng bình dân, thu nhập thấp?”.
3. Thực ra, những người kinh doanh các mặt hàng ăn sáng kể trên đều vận hành trên một thứ duy nhất: niềm tin. Như nói ở trên, họ không bao giờ muốn khách hàng của mình gặp rủi ro khi sử dụng sản phẩm. Và, họ cố gắng làm tốt nhất dựa vào niềm tin họ dành cho đơn vị cung cấp thực phẩm cũng như kinh nghiệm chế biến, bảo quản của mình. Khó có thể thanh tra, giám sát hết được vệ sinh an toàn thực phẩm của cả một bộ máy kinh doanh cơ động hùng hậu như vậy. Việc đó đòi hỏi một quân số khổng lồ, làm việc không ngừng nghỉ với thù lao thậm chí có thể đủ cung cấp bữa sáng giản dị miễn phí cho đại đa số những khách hàng thường xuyên của hệ thống kinh doanh ăn sáng kể trên.
Giải pháp kiểm soát an toàn thực tế là cực khó kiếm tìm. Hãy thử hình dung, lực lượng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ra quân đồng loạt một ngày để rà soát toàn bộ các hộ kinh doanh thức ăn sáng trên toàn TP Hồ Chí Minh chẳng hạn. Kết quả sẽ là gì? Có thể sẽ có những tiệm phải chịu xử phạt, thậm chí phải đóng cửa; có những tiệm vượt qua kiểm tra an toàn của ngày hôm nay nhưng không chắc ngày mai, ngày kia đồ ăn họ phân phối sẽ tiếp tục an toàn; có những người kinh doanh cá thể bị xử lý ở địa điểm này, họ tạm nghỉ vài ngày rồi lại cơ động quay lại hoặc hôm sau tạm dời đi bán ở chỗ khác. Mọi việc sẽ lại đâu vào đó. Chỉ có một cách duy nhất, kiểm soát chặt từ nguồn cung thực phẩm. Và, việc này vẫn được làm rất sát sao, song tình trạng bán chui thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm sắp hư hỏng vẫn diễn ra thường xuyên. Dễ hiểu, lực lượng kiểm soát không thể túc trực 24/24 nên kẽ hở sẽ luôn tồn tại.
Và, câu hỏi: “Bao nhiêu cái 500 nữa?” sẽ vẫn còn nguyên đó, không phải là hỏi để thống kê số lượng tiệm có khả năng phân phối cho hơn 500 khách hàng mỗi ngày, mà con số 500 ở đây là nguy cơ các vụ ngộ độc tập thể trong tương lai. Đó là còn chưa kể tới các bếp ăn gia đình tham gia vào mạng lưới bán hàng online với đầy đủ các công cụ công nghệ phục vụ họ. Khi số lượng bán ra ở tầm kiểm soát được, vệ sinh có thể đảm bảo, an toàn có thể được đảm bảo khi không có tình trạng sử dụng thức ăn lưu cữu. Nhưng, khi con số đã phình lên đến mức độ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn suất mỗi ngày, sức quản trị của một hộ gia đình vài người, với công nghệ sơ sài của một bếp ăn gia đình là không thể đáp ứng được yêu cầu an toàn. Từ đây, đáp án có thể có hướng ra. Quản trị trên quy mô là thứ cần phải được chú ý tới, với các định lượng đánh giá chuẩn hóa thực tế.
Không khó để cấp quản lý một địa phương có thể nhận biết được hàng bánh mì nào có sức tiêu thụ ra sao. Nhận diện một tiệm bánh mì, tiệm xôi... có sức bán trên 500 suất là không khó. Nhận diện được họ, cần phải có quy định ngặt nghèo về chế biến, lưu trữ đối với họ. Bếp ăn của họ đáp ứng quy mô lớn hay chưa? Số lượng nhân sự của họ đáp ứng quy mô lớn hay chưa? Sức bán của họ nên được đưa khỏi diện kinh doanh hộ gia đình hay chưa? Tất cả những câu hỏi này đều gắn liền với quản trị. Và, khi đã quản trị chặt chẽ, khả năng rơi xuống đầu nạn nhân của thanh gươm damocles trong an toàn thực phẩm cũng được giảm thiểu đi rất nhiều.
Quản trị các đơn vị kinh doanh nhỏ như thế này không chỉ là câu chuyện về thuế khóa mà còn cả là câu chuyện về ảnh hưởng cộng đồng, ảnh hưởng tới xã hội. Và, chúng ta đã bỏ ngỏ họ lâu quá rồi, hàng chục năm trời. Để rồi, khi mỗi vụ ngộ độc xảy ra, chúng ta chỉ có mỗi xót xa mà không hề chịu rút ra một kinh nghiệm hành động nào phù hợp cả.