Khi phụ huynh phó mặc cho khóa tu
Khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi khi hè về, rất nhiều phụ huynh chọn các khóa tu trong chùa hoặc các lớp kỹ năng sống kiểu “học kỳ quân đội” để gửi con tham gia. Dù chi phí cho một khóa học từ 7-10 ngày này không hề rẻ, nhưng không ít người vẫn hy vọng con mình thay đổi sau khi tham gia. Tuy nhiên, kết quả nhiều khi lại không như kỳ vọng...
“Đi cho nên người”
Bạn tôi vốn chưa bao giờ phải trải qua những môi trường có kỷ luật kiểu quân đội, anh được cha mẹ chăm sóc và bao bọc khá kỹ lưỡng, từ khi còn nhỏ cho đến lúc đi làm. Con anh cũng được nuôi dạy kiểu “có điều kiện” tương tự. Nhưng, khi anh đọc được quảng cáo trên mạng về sự hiệu quả của mô hình trại hè kiểu quân đội, trong việc “rèn ý thức, sự tự chủ, kỷ luật cho trẻ” và thấy con mình bắt đầu có biểu hiện hơi ngang bướng ở nhà. Thế là anh lập tức đăng ký cho con mình, để mong muốn khắc phục ngay những vướng mắc trong lòng.
Sau này, khi đón con về, chính anh là người đầu tiên than phiền về chuyện con mình thậm chí không dám... tắm rửa thường xuyên vì nhà vệ sinh quá bẩn, hay thức ăn không đầy đủ, làm nó “gầy và đen đi hẳn”. Rồi, điều kiện ăn ở không giống như quảng cáo, làm thằng bé về bị dị ứng mẩn ngứa mất vài tuần.
Tất nhiên, vẫn có những đứa trẻ thích thú và phù hợp thật sự với các trải nghiệm kiểu này, nhưng có lẽ không phải số đông. Khi một phụ huynh “kêu cứu” trên mạng về việc con chị bị đánh trong thời gian tham gia khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà, chúng ta giật mình nghĩ lại về quyết định đưa con vào các môi trường giáo dục có tính tập thể và nghĩ rằng chúng sẽ trưởng thành ngay lập tức.
Trước khi tuyên bố chấm dứt khóa tu sau rắc rối vào tháng 6 vừa rồi, khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà đã diễn ra được 3 năm. Nội dung khóa tu, cũng như rất nhiều các khóa tu đang được tổ chức trên chùa chiền cả nước, hướng trẻ đến việc hiếu thuận, yêu thương cha mẹ. Trẻ sẽ được học đạo đức, giữ 5 giới theo giáo lý nhà Phật, không sát sinh, không nói lời ác, không nghiện game...
Các phụ huynh, đa số rất tin tưởng giáo lý Phật pháp và kỷ luật quân đội, chỉ cần có vậy. Họ tính toán ngay một sự chuyển đổi đơn giản, từ những thứ mình tin sang những thứ họ nghĩ con cái mình sẽ tin và phó mặc cho những khóa học tập thể ấy dạy dỗ con mình, nghĩ rằng nó là một chìa khóa vạn năng cho quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Nhưng, nhiều trẻ em gặp khó khăn khi tách khỏi gia đình để hòa nhập vào một môi trường giáo dục tập thể (như trường học, trại huấn luyện, khóa tu v.v...) không chỉ vì bị bắt nạt (mặc dù đó là vấn đề đáng kể đối với nhiều trẻ em). Phải ở chung với những người khác cả ngày mà không có không gian để thư giãn, tiếng ồn liên tục và những nhà vệ sinh rất... mất vệ sinh, những chi tiết nhỏ này có thể là nỗi ảm ánh riêng tư của bất kỳ đứa trẻ nào. Nhiều trẻ em chỉ đơn giản thấy những điều này khó khăn, nhưng với một số trẻ em khác, chúng không thể chấp nhận được.
Ở một mức độ nào đó, chúng ta thấy rằng tất cả trải nghiệm thế giới theo những cách khác nhau. Từ rất sớm trong cuộc đời, một số đứa trẻ có thể giữ bình tĩnh trong các tình huống khác nhau, trong khi những đứa trẻ khác bị xáo trộn bởi những tiếng kêu nhỏ nhất và cần được trông nom thường xuyên để chúng cảm thấy an toàn. Trẻ em không phải là những trang sách trắng. Một phương pháp không thể hiệu quả với tất cả.
Tuy nhiên, khi đặt chúng vào một môi trường giáo dục tập thể, chúng ta dường như quên điều này. Chúng ta nghĩ rằng một phương pháp sẽ hiệu quả với tất cả mọi người và rằng tất cả trẻ em nên phát triển trong cùng một hệ thống, rằng đặt chúng vào tập thể là một trong những cách để cho trẻ em “nên người”. Nhiều chuyên gia nghĩ rằng tập thể là nơi tự nhiên cho tất cả trẻ em và nếu trẻ em không hạnh phúc, vấn đề là ở trẻ em, không phải ở tập thể.
Nỗi sợ giáo dục tập thể
Khi trẻ em gặp khó khăn với các tập thể, cha mẹ được yêu cầu phải đòi hỏi chúng đến, bất kể điều gì xảy ra. Họ được cho rằng con của họ sẽ tụt lại về mặt học vấn, kỷ luật và đạo đức làm ảnh hưởng đến điểm số, kết quả học tập, thậm chí là tương lai của chúng. Như nhà tâm lý học Joanne Garfi nói trong cuốn sách nổi tiếng của bà “Overcoming School Refusal” (tạm dịch: Vượt qua chứng sợ hãi trường học) xuất bản năm 2018, sách hướng dẫn cho các chuyên gia và cha mẹ: “Nếu chúng ta học được trong thời thơ ấu rằng chúng ta có thể né tránh trách nhiệm như một học sinh, chúng ta sau đó có thể sợ rằng điều tương tự sẽ xảy ra trong môi trường làm việc... Khắc phục sự từ chối trường học từ đầu là cách duy nhất để tránh những hậu quả”.
Trong các cuốn sách về nỗi sợ trường học, lời khuyên như vậy là phổ biến. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng việc ép buộc trẻ em gia nhập các khóa học tập thể mà không giải quyết được nguyên nhân của vấn đề sẽ không giúp ích gì cho trẻ em. Thay vì đòi hỏi chúng tham gia bất kể điều gì xảy ra, chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân của sự từ chối ấy và tìm cách giúp trẻ em vượt qua sự khó khăn của chúng.
Một số giải pháp có thể bao gồm tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia như nhà tâm lý học hoặc cải thiện môi trường học tập của trẻ em, tìm kiếm các hoạt động thú vị và cải thiện mối quan hệ giữa trẻ em và bạn bè. Quan trọng nhất là phải lắng nghe và hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của trẻ em, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Gia đình là cốt lõi trong quá trình này, vì đấy là môi trường phát hiện ra những gì mang tính cá nhân nhất của một đứa trẻ. Bạn mới chính là người hiểu con bạn phù hợp với điều gì nhất, chứ không phải các ban tổ chức ngoại khóa.
Các bậc phụ huynh có vẻ đang dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho các hoạt động giáo dục, luôn đưa con cái đến các lớp học âm nhạc và sân bóng; đi thăm viếng các bảo tàng và phòng trưng bày; đi nghỉ để tiếp cận văn hóa khác nhau và nâng cao CV cá nhân của con cái. Tuy nhiên, mặc dù áp lực ngày càng tăng, không có nhiều lời khuyên để hướng dẫn các bậc phụ huynh về điều gì quan trọng trong giáo dục.
Một nghiên cứu độc lập của Lee Elliot Major, giáo sư người Anh tiên phong nghiên cứu về sự dịch chuyển trong xã hội, cho thấy rằng những thói quen đơn giản trong gia đình có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong cuộc đời. Ví dụ, bạn chỉ cần ngồi xuống và đọc sách với con mỗi ngày trong vòng 20 phút là có thể thay đổi khả năng học hỏi của chúng.
Những thói quen đều đặn (bữa ăn, tắm rửa, đi ngủ) quan trọng cũng như việc chuẩn bị cho chúng trước khi đến trường (đảm bảo chúng có đủ thức ăn và giấc ngủ để học tập). Nếu bạn muốn giúp đỡ con cái với việc học tập, hãy thường xuyên hỏi chúng, vì đó là kỹ thuật hiệu quả nhất để nhớ các kiến thức.
Nhưng, việc thực hành giáo dục từ gia đình là không dễ, bởi sự chênh lệch về nguồn lực và cả mối quan tâm giữa các gia đình. Nhà xã hội học người Mỹ Annette miêu tả các hoạt động sôi nổi của những bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu là "nuôi dưỡng đồng thuận", liên quan đến việc đưa con cái tham gia các hoạt động văn hóa có cấu trúc và thảo luận trên bàn ăn. Trong khi đó, bậc phụ huynh tầng lớp lao động thường thực hành "nuôi dưỡng tự nhiên" - tiếp cận giáo dục một cách thụ động.
Thậm chí, một trung lưu đô thị như anh bạn tôi đề cập ở đầu bài viết còn không quan tâm nhiều lắm đến quá trình định hướng giáo dục từ gia đình: Sự tiện lợi có lẽ là điều anh nghĩ đến, khi đọc quảng cáo về các hình thức ngoại khóa tự cho là có thể “định hình tích cực nhân cách của trẻ”.
Nhưng, chìa khóa của quá trình trưởng thành của một đứa trẻ có thể nằm ngay trong chính căn nhà của họ. Một quảng cáo khóa tu hay trại hè quân sự chỉ dành cho những phụ huynh lười tìm kiếm chìa khóa ấy.