Khi nước lũ cuốn phăng vẻ hào nhoáng của Dubai

Thứ Sáu, 26/04/2024, 08:32

Nổi tiếng với danh xưng "hòn ngọc trên sa mạc" Trung Đông cằn cỗi, thành phố Dubai của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đánh mất vẻ xa hoa và hào nhoáng thường thấy khi trận mưa kỉ lục kéo dài 48 giờ liên tục khiến ngập lụt nghiêm trọng, gây ra cảnh nhếch nhác chưa từng có.

Dubai nháo nhác vì lũ lụt lịch sử

Từ những con tàu đánh cá neo bên làng chài nhỏ cạnh bờ vịnh Ba Tư trong thế kỉ XIX, hình ảnh Dubai ngày nay nổi tiếng là điểm du lịch hàng đầu thế giới với những hòn đảo nhân tạo độc đáo, những chiếc du thuyền xa xỉ cỡ lớn, những tòa nhà cao ốc tráng lệ cùng nhiều công trình có một không hai trên thế giới cả về quy mô, chiều cao lẫn thiết kế.

Dubai có dân số hơn 3,5 triệu người, nhưng thường xuyên thu hút tới 14 triệu lượt du khách/ năm. Nếu như năm 1975, hoạt động kinh doanh dầu mỏ chiếm tới 2/3 GDP của Dubai, thì ngày nay, nguồn tài nguyên ấy chỉ đem lại 7% doanh thu của toàn tiểu vương quốc. Với Dubai, có lẽ dầu mỏ chỉ là bàn đạp cho sự phát triển thay vì phụ thuộc. Nơi đây đã chuyển mình thành một trung tâm thương mại, tài chính, du lịch và bất động sản. Điều đó khiến Dubai trở thành nền kinh tế hậu dầu mỏ đầu tiên đạt được thành công ở Trung Đông.

Khi nước lũ cuốn phăng vẻ hào nhoáng của Dubai -0
Người dân lội trên đường phố Dubai, xa phía sau là tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, hình ảnh tráng lệ, thành công thường thấy đó của Dubai đã bị xóa nhoà bởi những dòng nước lũ mang đầy bùn đất giữa tháng 4/2024. Theo Reuters, từ đêm 15/4, thành phố Dubai hứng lượng mưa 254 mm, tương đương lượng mưa trung bình trong hai năm trên toàn UAE, khiến phần lớn cơ sở hạ tầng của thành phố chìm trong biển nước. "Nếu Dubai là một thành phố trên Instagram, trận mưa đã rửa trôi filter (các bộ lọc màu) của nó", nhà báo Sean Seddon của BBC ví von.

Trận mưa hình thành do tác động của 4 cụm bão lớn di chuyển qua bán đảo Arab và vịnh Oman. Jordache Ruffels, một người Anh sống tại Dubai, cho hay, thành phố trong ngày 16/4 "như trải qua tận thế". "Tôi sống ở tầng cao, nhưng có lúc chẳng thấy gì. Giữa trưa mà bầu trời như thể nửa đêm vậy", Ruffels kể lại. Từ căn hộ của mình, Ruffels choáng váng trước cảnh tượng đồ đạc bị gió cuốn phăng lên không trung. Trên đường phố, nhiều ô tô sang trọng bị bỏ lại, phần vì mưa lớn khiến tài xế mất tầm nhìn, phần vì nước lũ dâng cao gây nguy hiểm, gồm cả những chiếc Rolls Royce giá hàng trăm ngàn USD. Dòng nước lớn còn làm bật gốc nhiều cây cọ, phá hủy mặt tiền các tòa nhà, gây ra cảnh tượng nhếch nhác.

Các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố, chủ yếu là công trình trong nhà để tránh cái nóng thiêu đốt ngoài trời, đã thất thủ khi dòng nước lũ ồ ạt tràn vào. Caroline Seubert, 29 tuổi, đến từ Anh, đang cùng chồng đến một trung tâm mua sắm lớn ở Dubai thì trận mưa ập đến. "Trung tâm thương mại bị ngập, trần nhà sụp đổ. Chúng tôi được yêu cầu rời đi nhưng tàu điện ngầm dừng chạy, ôtô không thể di chuyển”, Seubert nói. "Chúng tôi bị mắc kẹt và phải ngủ qua đêm ở đây".

Đến ngày 20/4, đường phố và loạt cơ sở hạ tầng Dubai vẫn tê liệt vì nước lũ. Những ngày qua, Dubai phải huy động đông nhân lực đi khơi thông cống thoát nước trên đường phố, trong khi giao thông gián đoạn. Một tuyến cao tốc chạy qua Dubai chỉ có thể lưu thông một làn xe mỗi chiều, trong khi tuyến đường chính nối Dubai với Abu Dhabi đóng cửa. Nhiều phương tiện, kể cả xe bus, chìm nửa thân trong nước. Tại các trạm xăng, dòng người xếp hàng dài chờ mua nhiên liệu, trong khi nhiều người khác phải dùng cano ra ngoài mua thực phẩm. Dù dự báo thời tiết cho thấy có nắng, trời trong, nhưng thành phố vẫn có nguy cơ tiếp tục hứng bão.

Theo CNN, mưa lũ còn gây ra cảnh tượng tồi tệ chưa từng có tại Sân bay Quốc tế Dubai có lưu lượng hành khách lớn thứ hai thế giới, dự kiến phục vụ gần 90 triệu người trong năm nay, gần tương đương dân số Việt Nam. Những chiếc phi cơ khổng lồ trông giống tàu thuyền "rẽ sóng" qua vùng nước sâu, nước bắn tung toé. Bên trong nhà ga, hàng ngàn người hoang mang tìm kiếm giúp đỡ khi các hãng hàng không hoãn hoặc hủy hơn 1.300 chuyến bay đến - đi khỏi Dubai để chờ nước rút. Gần một tuần sau trận lụt, nhiều người vẫn chưa thể lên máy bay để trở về quê nhà. Gerry Byrne, một hành khách chờ khởi hành từ Dubai đi Heathrow (Anh) mô tả sân bay không thể đáp ứng nhu cầu ăn uống và sinh hoạt của hành khách, trong khi cảnh "chen lấn, giẫm đạp nguy hiểm" đã xảy ra, nhưng rất may chưa để lại hậu quả.

Loay hoay tìm thủ phạm

Giống như hầu khắp vùng sa mạc Trung Đông cằn cỗi, khí hậu ở Dubai và phần còn lại của UAE nóng và khô, mưa không thường xuyên. Người dân đã được cảnh báo về trận bão hồi giữa tháng 4/2024, nhưng cơ sở hạ tầng thành phố không được thiết kế để đối phó với trận mưa, được mô tả là tồi tệ nhất 75 năm qua. Do bề mặt thành phố phần nhiều được bê tông hóa, nước mưa không kịp thoát, cũng không thể ngấm xuống đất hay chảy ra biển, nhanh chóng dâng lên gây ngập lụt.

Nguyên nhân khiến nước mưa không thể thoát đã có, những ngày qua, một cuộc tranh cãi đã nổ ra về nguyên nhân dẫn đến mưa lớn dài bất thường. Nhiều hãng tin địa phương ban đầu cho rằng, tình trạng mưa lụt là do Dubai thường xuyên tiến hành tạo mưa nhân tạo để giải quyết nhu cầu nước sạch. Một cuộc thăm dò không chính thức trên mạng xã hội cho thấy, 69% số người được hỏi tin rằng trận lũ lụt ở Dubai đúng là do hoạt động gây mưa nhân tạo gây nên.

Theo Bloomberg, UAE là một trong những nước đầu tiên ở vùng Vịnh sử dụng công nghệ rải hóa chất lên bầu trời để gieo mây tạo mưa từ năm 2002 và chưa bao giờ gặp tai họa ngập lụt trong hai thập kỷ qua. Công nghệ gieo mây cũng liên tiếp được UAE cải tiến. Năm 2017, UAE đầu tư 15 triệu USD cho 9 dự án tăng lượng mưa. Dubai tiến hành khoảng 300 hoạt động gieo mây gây mưa mỗi năm.

Khi nước lũ cuốn phăng vẻ hào nhoáng của Dubai -0
Mưa lớn làm ngập một hầm đường bộ ở Dubai, nhấn chìm nhiều xe cộ Ảnh: RD.

Ông Ahmed Habib, chuyên gia ở Trung tâm Khí tượng quốc gia (NCM), xác nhận, UAE tiến hành hoạt động gieo mây vài ngày trước trận lũ. Máy bay được triển khai từ sân bay Al Ain để tác động tới những đám mây đối lưu hình thành trong vùng. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định hoạt động đó không thể là nguyên nhân dẫn đến trận bão lũ. Trên thực tế, công nghệ gieo mây chỉ có tăng lượng mưa từ 15-30% và không thể tạo ra mưa khi không có mây trên bầu trời. Bên cạnh đó, việc tạo mưa nhân tạo có tác động ở khu vực diện tích nhỏ. Phần lớn hoạt động gieo mây ở UAE được tiến hành ở vùng ngoại ô phía Đông, cách xa trung tâm thành phố Dubai. Trong trận bão vừa qua, láng giềng của UAE là Bahrain và Oman cũng ghi nhận mưa lớn gây lũ, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.

Theo hãng tin DW, hầu hết các nhà khoa học có chung quan điểm tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến trận mưa lũ gây hỗn loạn Dubai. Khi bầu khí quyển trở nên nóng hơn, nó có thể giữ được nhiều hơi ẩm bốc lên từ biển, cuối cùng, hơi ẩm đó sẽ tụ thành nước hoặc tuyết trước khi rơi trở lại bề mặt trái đất. "Trong hầu hết các trường hợp, sự nóng lên toàn cầu đóng vai trò trong việc gây ra các hình thái thời tiết khắc nghiệt", Friederike Otto, nhà khí hậu học tại Imperial College London, nói. Esraa Alnaqbi, nhà dự báo cấp cao tại NCM thì mô tả, áp suất thấp ở tầng trên bầu khí quyển và bề mặt trái đất đã tạo ra một hệ thống "ép" không khí. Lực ép đó, được tăng cường bởi sự chênh lệnh nhiệt độ (ấm hơn dưới bề mặt trái đất, lạnh hơn trên bầu khí quyển), khi cộng dồn với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng giông bão nguy hiểm có thể xảy ra. Trong thời điểm giao mùa tháng 4 hàng năm, áp suất khí quyển còn thay đổi nhanh chóng hơn.

Cần nhắc lại rằng, trận lụt vừa qua là nghiêm trọng nhất trong lịch sử 75 năm của Dubai, nhưng không phải lần đầu tiên đô thị này bị ngập do mưa lớn. Năm 2019, những trận mưa kéo dài cũng khiến nhiều tuyến đường của thành phố lớn nhất UAE bị lụt. Các chuyên gia khi đó đã bắt đầu đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Trong đánh giá mới nhất về khí hậu, các nhà khoa học của Liên hợp quốc nhận thấy tình trạng mưa bão diễn biến khác nhau ở các khu vực khác nhau. Họ không thu thập đủ dữ liệu để đưa ra kết luận chắc chắn về xu hướng lượng mưa ở Bán đảo Arab và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chúng như thế nào. Tuy nhiên, họ tin rằng nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục xấu đi trong những thập kỷ tới, những trận mưa lớn tại vùng Trung Đông có thể sẽ trở nên dữ dội hơn và thường xuyên hơn tại một số khu vực, nhưng lại thấp đi ở một số khu vực lân cận.

Với góc nhìn khác, tờ JapanTimes dẫn lời các nhà tư vấn chính sách kêu gọi các chính phủ cần tính toán đến những tình huống bất thường của thời tiết để tránh tình trạng hỗn loạn như vừa xảy ra ở Dubai. "Các thành phố ở vùng khô cằn đã thiếu chuẩn bị cho các trận mưa; các tòa nhà, hạ tầng không được thiết kế tối ưu thoát nước. Biến đổi khí hậu làm đảo lộn những giả định lâu nay trong thiết kế và quy hoạch", chuyên gia Zachary Lamb thuộc Đại học California (Mỹ) nhận định.

Phùng Nguyễn
.
.