Khi người trẻ gồng mình để "phông bạt"

Thứ Ba, 10/12/2024, 15:00

Người trẻ ngày nay dễ bị cuốn vào vòng xoáy của việc xây dựng hình ảnh cá nhân hoàn hảo trên mạng xã hội. Những bức ảnh check-in tại quán cà phê sang trọng, những món đồ hiệu xa xỉ hay những chuyến du lịch đắt đỏ dường như đã trở thành tiêu chuẩn để khẳng định giá trị bản thân. Đằng sau những bức ảnh long lanh, những câu chuyện "sang chảnh" là những áp lực ngấm ngầm mà nhiều người trẻ đang phải gồng mình chịu đựng...

Làm thêm, vay mượn để... sống ảo

Nguyễn Thị Thúy Hường (25 tuổi), một nhân viên văn phòng có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ: "Mỗi khi lên mạng xã hội nhìn bạn bè khoe túi hàng hiệu, check-in những nơi sang chảnh hay khoe những chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất, mình lại cảm thấy mình thật kém cỏi. Có lẽ đó cũng chính là nguồn cơn khiến mình nhận các công việc làm thêm, miễn kiếm được ra tiền chỉ để mua được món đồ xịn xò hay đến được nơi sang chảnh cho bằng bạn bằng bè".

Thời gian đầu, khi đăng những hình ảnh đó lên mạng, Hường nhận về "cơn mưa" lời khen, thậm chí nhiều bạn bè còn tỏ ra ghen tị khiến cô cảm thấy rất mãn nguyện. Thế nhưng, sau một thời gian khá dài theo đuổi những thứ "phông bạt" đó, Hường cảm thấy mệt và đuối sức.

ảnh 1.jpeg -0
Nhiều bạn trẻ đã đến quán cafe này check-in chỉ để "bằng bạn bằng bè".

"Có những lúc không đủ tiền để mua những thứ mình muốn khoe, mình đã phải đi vay tiền người thân, bạn bè rồi sau đó lại nai lưng ra cày để trả nợ. Đến một lúc mình tự nhận ra và nghĩ, sao lại phải khổ sở vậy. Sao lại phải cố khoác lên mình chiếc áo rộng hơn người để rồi kiệt sức vì nó. Ngộ ra vậy nên mình bắt đầu bớt lên mạng xã hội và dần cũng bớt luôn những ham muốn được thể hiện bản thân cho người khác nhìn", Hường chia sẻ.

Tương tự, vào những dịp lễ hay sinh nhật, vì không có người tặng quà nên Thúy Hà (27 tuổi, sống tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy) lại dùng những nick Facebook phụ tự đặt hoa và quà gửi về cho chính mình. Kèm theo những món quà ấy là những lời chúc đầy tình cảm, yêu thương do chị tự soạn. Sau đó, chị chụp ảnh và đăng những món quà, lời chúc này lên mạng xã hội để khoe với bạn bè rằng được nhiều người quan tâm, tặng quà.

Giải thích về hành động "tự biên, tự diễn" này, Hà nói rằng do thấy nhiều bạn bè cùng trang lứa liên tục khoe được người yêu, chồng quan tâm vào dịp lễ, khoe đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, check-in ở những địa điểm nổi tiếng. Không được như các bạn, cô phải tự tìm cách động viên bản thân và cũng là để "lòe" thiên hạ bằng việc tự tặng mình những bó hoa và những món quà và cũng là để có cái khoe trên Facebook. Nhận được những bình luận ngưỡng mộ, chúc mừng, ghen tị của mọi người sau mỗi bài đăng khiến Hà cảm thấy... vui và tiếp tục lặp lại hành động này.

Lối sống này xuất hiện bởi mạng xã hội đã tạo ra những tiêu chuẩn không có thực, dẫn đến việc nhiều người cảm thấy cuộc sống của mình không đủ thành công hoặc hạnh phúc bằng người khác. Hằng ngày, trên mạng, luôn thấy cuộc sống sang chảnh, xinh đẹp, dùng đồ hiệu, đến những địa điểm nổi tiếng... của một số bạn trẻ. Chính những hình ảnh đó làm cho nhiều bạn tự so sánh mình với người khác, tìm mọi cách để được giống những người đó.

Thực tế hiện nay, nhiều người trẻ không ngại vay nợ hoặc làm thêm giờ chỉ để mua sắm và duy trì hình ảnh sang chảnh, xa hoa của mình trên mạng xã hội. Việc luôn phải chứng minh bản thân qua những thứ vật chất hay trải nghiệm xa xỉ khiến người trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu. Họ sợ bị "tụt hậu" so với bạn bè hoặc mất đi sự chú ý từ cộng đồng mạng.

Lối sống "phông bạt" đôi khi khiến các mối quan hệ trở nên thiếu chân thật. Nhiều người chỉ kết nối với nhau qua những bề nổi mà không thực sự hiểu hoặc quan tâm đến giá trị cốt lõi của đối phương.

Mạng xã hội là nơi mà ai cũng muốn thể hiện phiên bản "đẹp nhất" của mình. Việc so sánh với người khác trở thành nguồn cơn của cảm giác tự ti, từ đó thúc đẩy người trẻ chạy theo lối sống hào nhoáng. Không ít người trẻ cảm thấy áp lực từ gia đình, bạn bè khi phải đạt được những thành tựu nhất định hoặc sống "đúng chuẩn mực". Điều này tạo ra nhu cầu chứng minh bản thân qua vật chất.

Thành công thường bị đánh đồng với việc sở hữu nhà sang, xe xịn hay đi du lịch nước ngoài. Quan niệm này khiến nhiều người trẻ bỏ qua giá trị của sự nỗ lực và sự hài lòng từ những điều giản dị.

Áp lực vì sợ "không bằng bạn bằng bè"

Thời gian gần đây, giới trẻ Hà Nội phát cuồng với quán "Xofa cafe & Bistro" tọa lạc tại phố Tống Duy Tân ở phố Hàng Bông. Nhiều người trẻ vẫn nói với nhau rằng, "ở Hà Nội mà không đến Xofa là quê". Nơi đây được gọi là quán cafe của các girl phố, boy phố. Trong "bảy bảy bốn chín nghìn" tấm ảnh mà giới trẻ check-in ở "Xofa cafe & Bistro" thì hầu hết đều có cùng mô-típ một "nàng thơ" cầm cuốn sách, ngồi mơ màng bên cạnh chiếc Macbook, trước mặt là đĩa khoai tây chiên và phía sau nhất định phải là chiếc tường gạch cũ nham nhở. Bất kỳ lúc nào bước chân đến quán, thứ người ta thấy nhiều nhất chính là Macbook. Chính vì thế mà nhiều người đã đặt biệt danh cho quán là "cafe Macbook".

ảnh 2.jpeg -1
Một tài khoản TikTok đăng bài cho thuê xe SH để “phông bạt”.

Vượt hơn 30 cây số từ huyện ngoại thành Mỹ Đức đến đây để checkin, Hồng (17 tuổi) chia sẻ: "Thấy nhiều bạn cùng quê đã ra quán Xofa và check-in nên em với mấy người bạn thân cũng rủ nhau ra đây để cho bằng bạn bằng bè". Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, nhóm của Hồng đã mượn được của chị gái một người trong nhóm chiếc Macbook để thỏa mãn “sáng tạo nghệ thuật”. Không riêng gì nhóm của Hồng mà nhiều bạn trẻ khác cũng sẵn sàng đi vài chục, thậm chí cả trăm cây số chỉ để được check-in cái không gian sống ảo đang sốt rần rần trên mạng xã hội và cũng là để có cảm giác mình không bị... tụt hậu.

Mắc bệnh "phông bạt" đến mức nếu hôm nào đó không mượn được chiếc xe Vision bản thể thao của anh trai thì Nguyễn Thế Bảo, 19 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) nhất định không đi chơi cùng bạn bè, thậm chí là không đi học. Những người bạn thân của Bảo kể rằng, Bảo quen "phông bạt" nên giờ sợ mất hình ảnh. Dù bản thân Bảo khi vào đại học cũng được bố mẹ tậu cho chiếc xe Wave để đi lại nhưng thanh niên này rất hiếm đi. Bảo chỉ đi chiếc xe này ra ngoài đường khi biết chắc sẽ ít có "nguy cơ" gặp... bạn bè.

Cũng "phông bạt" giống Bảo, Trần Mạnh Huy, sinh viên năm nhất Đại học Quốc gia Hà Nội, luôn phải dồn tiền... thuê xe SH mỗi khi đi chơi với bạn gái. Lý do là bởi để tán được bạn gái cùng lớp gốc Hà Nội, Huy đã tô vẽ cho mình hình ảnh một thiếu gia. Và, cho đến thời điểm này, khi đã yêu nhau được 3 tháng, Huy vẫn không dám thú thật về điều kiện gia đình là trai tỉnh lẻ, bố mẹ làm công nhân. Để duy trì hình ảnh "phông bạt" này, mỗi tuần Huy phải thuê xe SH ít nhất 2 lần, rẻ cũng mất 700.000 đồng/lần, đắt thì tới cả triệu. Có xe đẹp rồi thì "thiếu gia" đương nhiên sẽ phải dẫn người yêu ăn chơi ở những nơi sang chảnh. Để có tiền chi phí cho cuộc tình này, Huy đã phải chạy xe ôm công nghệ ngoài giờ học.

Ngay cả khi mua xe máy cũ, nhiều bạn trẻ sẵn sàng trả trả thêm tiền triệu chỉ để mua những chiếc xe có biển số ở quận trung tâm. Đặng Thành Trung, sinh viên năm 2, Trường Đại học Kiến Trúc chia sẻ: "Dù là sinh viên năm 2 rồi nhưng khi đi học bọn em vẫn thường tỏ ra ngưỡng mộ những bạn nào có xe biển C1, C2 (biển số xe của quận Hoàn Kiếm). Dân tỉnh lẻ bọn em vẫn thường bị trêu đi xe biển X, Y (dân huyện). Nhiều khi chỉ vì trêu nhau chuyện biển số mà sẵn sàng lao vào đánh nhau".

Lối sống "phông bạt" của một bộ phận giới trẻ hiện nay là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội. Đây là lối sống mà các bạn trẻ đặt nặng hình thức, chạy theo những giá trị bề ngoài như hàng hiệu, xe cộ, công nghệ, tiền bạc và cả việc cố thể hiện cuộc sống hào nhoáng, xa hoa nhằm gây ấn tượng với người khác. Tuy nhiên, lối sống này lại thiếu đi giá trị chân thật, bền vững, lâu dài trong phát triển cá nhân.

Sống "phông bạt" có thể mang lại cảm giác hào nhoáng nhất thời, nhưng ẩn sau đó là những cái giá đắt đỏ mà người trẻ phải gánh chịu. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại giá trị thực sự của bản thân, thoát khỏi áp lực của sự hào nhoáng ảo để sống một cuộc đời ý nghĩa và bền vững hơn. Bởi lẽ, hạnh phúc không nằm ở những lượt "like", mà ở sự bình yên từ bên trong. 

Phong Anh
.
.