Khi nghệ sĩ cảm ơn và xin lỗi

Thứ Tư, 13/12/2023, 14:32

Cảm ơn và xin lỗi, hai lời nói đó vốn dễ phát âm nhưng không phải dễ nói. Đặc biệt, đối với người nổi tiếng, có vẻ như nó còn khó nói hơn nữa thì phải?

1. “Không dám coi thường khán giả của mình nhưng rất tiếc và hối hận vì điều đó đã xảy ra. Đây là 2 phát hiện từ khán giả đã chụp lại và gởi cho mình xem 2 sai sót không nhỏ trong 2 vở kịch có thời điểm xã hội diễn ra tại đất Sài Gòn thời Pháp thuộc trên sân khấu Thiên Đăng:

- Mền chỉ có dệt chữ TP Hồ Chí Minh.

- Con gái nhà gia giáo không để móng tay dài lố đến vậy và nhất là lúc đó không hề có kỹ thuật đắp móng.

1a.jpeg -0
NSƯT Thành Lộc trong một vai diễn.

Xin thay mặt kịch Thiên Đăng xin cảm ơn quý vị khán giả đã phát hiện và đồng thời cũng xin lỗi quý vị khán giả về sự sơ suất chuyên môn thật tệ này”.

Nguyên văn đoạn trích kể trên là những dòng chia sẻ của NSƯT Thành Lộc hôm 2/12 vừa rồi. Là người chịu trách nhiệm chính về chuyên môn, cũng là đại diện tiêu biểu của sân khấu kịch Thiên Đăng, Thành Lộc đã công khai đăng đàn xin lỗi khán giả khi phát hiện trong các tác phẩm của mình có những lỗi dù rất nhỏ. Đây là hai vở kịch lấy bối cảnh xã hội thời Pháp thuộc ở Sài Gòn. Tuy nhiên, một số phân cảnh của vở diễn lại xuất hiện các chi tiết đạo cụ bất hợp lý. Cụ thể, một vở xuất hiện chiếc mền có dòng chữ TP Hồ Chí Minh. Trong một vở khác, diễn viên lại để móng tay dài và đắp móng, trong khi bối cảnh xã hội lúc đó không có kỹ thuật này.

Hành động xin lỗi ấy thực sự rất đáng trân trọng. Không phải nó mang tính hình ảnh đơn thuần cho thấy thái độ cầu thị của một nghệ sĩ mà cơ bản là vì tính chân thành cũng như cái cách mà Thành Lộc trân trọng khán giả của mình. Anh coi vở kịch phải như một bữa tiệc ngon đối với khán giả và một khi trong món ăn còn một hạt sạn nhỏ, coi như bữa tiệc đó đã không đáp ứng được mong mỏi của những người đã ủng hộ bằng cách mua vé vào khán phòng.

Thực tế, những ai quan sát Thành Lộc từ xưa tới nay đều nhận thấy anh kỹ tính và tinh tế thế nào. Trước mọi góp ý của khán giả, chưa bao giờ Thành Lộc không có những lời cảm ơn và xin lỗi (nếu như tác phẩm anh tham gia có mắc lỗi). Trước những ý kiến phê bình, kể cả chưa chắc đã là xác đáng, Thành Lộc cũng giữ một thái độ rất hòa nhã. Anh không phản ứng lại. Thành Lộc không phải nghệ sĩ tự đặt cho mình một cái quyền kiểu như “cấm không được chê tôi” giống như một số người trẻ hơn anh sau này.

Thành Lộc không phải là nghệ sĩ hiếm hoi có được thái độ đúng đắn như thế trước công chúng. Rất nhiều người cùng thế hệ của anh, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, đều giữ một tinh thần cầu thị rất lớn, giữ sự khiêm cung rất lớn. Chính họ, với tấm gương đó, đã duy trì và phát huy một nét văn hóa trong cộng đồng khán giả yêu quý mình. Chưa bao giờ chúng ta bắt gặp những khán giả hâm mộ của Thành Lộc hay những nghệ sĩ như anh tham gia vào các cuộc tranh cãi gay gắt, thậm chí là chửi bới trên mạng xã hội để bảo vệ thần tượng của mình như nhiều “cổ động viên” của những nghệ sĩ, nhân vật giải trí khác. Qua những gì họ và khán giả của họ thể hiện, có thể nói rằng nghệ sĩ có khả năng làm gương cho cộng đồng người hâm mộ của mình noi theo là không ngoa chút nào.

2. Mở rộng hơn từ câu chuyện này, chúng ta dễ dàng nhận thấy suốt những năm qua, số lần những nghệ sĩ mắc lỗi là không ít, từ vạ miệng cho tới hành động. Nhưng quả thực, số lần họ đăng đàn xin lỗi một cách công khai, tự nguyện (chứ không phải từ áp lực khủng hoảng truyền thông nào) là không tương xứng với số lần mắc lỗi ấy. Vậy thì có hay chăng việc đang tồn tại một thái độ phổ biến của lớp nghệ sĩ sau này là “chúng tôi không có nghĩa vụ gì phải xin lỗi ai cả” hay không?

Thậm chí, những năm gần đây còn bắt đầu phổ biến hiện tượng cứ hễ bị phê bình là nghệ sĩ, nhân vật giải trí nổi tiếng sử dụng mạng xã hội, truyền thông thân quen cũng như cộng đồng “cổ động viên” của mình rêu rao rằng mình bị “đánh”, bị hại. Giống như gần đây, ở trường hợp của một sản phẩm điện ảnh gây ầm ĩ chẳng hạn. Nhất loạt từ đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên cho tới cả những nhân vật thầm lặng trong ê-kíp đều gióng giả lên một điệu than vãn chung là “phim bị đánh”. Trong khi, họ không dám nhìn thẳng vào thực tế là sản phẩm của họ có sạn và việc dù nó có sạn đi nữa, nó vẫn có doanh thu cao nhất và ngất ngưởng trong các phim chiếu cùng thời điểm. Bối cảnh chung của điện ảnh năm 2023 là sức tiêu thụ kém, do ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng thay vì nhìn vào cái bối cảnh chung ấy để lý giải việc mình không đạt được kỳ vọng doanh thu, cả dàn đồng thanh đều đổ lỗi cho những ai góp ý phê bình là “đánh cho phim tụt hạng”.

Khi nghệ sĩ cảm ơn và xin lỗi -0
Từ trái qua: NSƯT Hữu Châu, diễn viên Lê Phương, NSƯT Thành Lộc trong một vở diễn của sân khấu Thiên Đăng.

Trước đó nữa là chuyện nghệ sĩ huy động từ thiện rồi “bận quá nên quên chưa giải ngân cho đồng bào”. Chưa một lời xin lỗi chính đáng nào được đưa ra công khai cả. Chỉ có thanh minh và đổ tại hoàn cảnh là chủ yếu. Rồi ngoài chuyện đó ra còn có cả chuyện những nghệ sĩ khi bị góp ý, phê bình thì hờn mát theo kiểu “không xem được thì chuyển kênh” hoặc viết bài mắng xéo công chúng trên mạng xã hội. Dường như, sự nổi tiếng đã khiến họ tự cấp cho mình một cái quyền là xem thường tất cả thì phải. Và chỉ khi vấp phải sự phản ứng dữ dội của khán giả, như vụ một diễn viên quảng cáo lố gần đây, thì may ra họ mới đăng đàn xin lỗi theo kiểu “giải pháp cuối cùng”. Nhưng những người thực hiện giải pháp này thường không có quá đông người hâm mộ nên họ mới “sợ” khán giả tẩy chay mà thôi. Còn một khi lực lượng người hâm mộ đủ đông, họ và ê-kíp sẵn sàng ngấm ngầm “xua quân” phản công lại khi gặp sự công kích từ công chúng.

3. Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hồi tháng 7/2023 vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu rằng: “Nghệ sĩ phải tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ xã hội”. Qua phát biểu này, ta nên hiểu thế nào là các nhiệm vụ xã hội? Thực chất, nhiệm vụ xã hội không chỉ là những việc lớn lao qua các hoạt động xã hội như làm từ thiện, tham gia các phong trào cộng đồng mà nó còn cần được thể hiện qua hình mẫu của chính nghệ sĩ ấy. Người nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đối với những người hâm mộ mình. Họ dễ trở thành hình tượng để nhiều người noi theo và chính các hành vi ứng xử của họ sẽ có tác động rất lớn đối với cộng đồng ấy. Thái độ nghệ sĩ ra sao sẽ quyết định thái độ của nhóm người hâm mộ nghệ sĩ ấy. Sẽ không thể có những cuộc tranh cãi, chửi bới ồn ào trên mạng của người hâm mộ nếu như chính nghệ sĩ yêu cầu khán giả yêu mến mình thể hiện sự văn minh khi tham gia mạng xã hội. Nhưng rất tiếc, nhiều nghệ sĩ, nhân vật giải trí trẻ hiện nay không có được ý thức ấy. Đối với họ, danh và lợi là quan trọng nhất còn nhiệm vụ xã hội thì họ gần như thờ ơ, hoặc nếu có chú ý tới thì chỉ thông qua vài phát ngôn bóng bẩy mang tính làm sang cho chính bản thân mình mà thôi.

Song, có lẽ, câu chuyện liên quan tới một ca sĩ gần đây bị tẩy chay vì ồn ào quan hệ đời tư sẽ đủ sức để nghệ sĩ có nhận thức đúng đắn hơn về quyền lực của khán giả. Khi còn nhiều người yêu mến, điều đó không có nghĩa là nghệ sĩ có được sự bảo vệ đảm bảo từ khán giả của mình bởi lực lượng khán giả trung lập, khách quan rất đông đảo. Lực lượng này thường cực kỳ hiếm khi lên tiếng trong các tranh cãi xoay quanh phát ngôn hay hành vi của nghệ sĩ nào đó. Với họ, đây là việc mất thời gian. Tuy nhiên, một khi họ nhận thấy thái độ của nghệ sĩ đi quá giới hạn và sức chịu đựng của họ không còn nữa, họ sẽ có phản ứng và phản ứng đó sẽ mạnh mẽ khó lường. Đã không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng “bay” luôn cả sự nghiệp khi có hành động khiến lực lượng khán giả trung lập này nổi giận. Và không có gì khắc nghiệt như showbiz. Đặt chân vào đó và tìm kiếm được một chỗ đứng đã khó rồi. Nếu bị đào thải khỏi nó, quay lại tìm một chỗ đứng còn khó hơn vạn lần.

Văn Đoàn
.
.