Khi kiếp nạn sinh ra từ "ngáo" mạng xã hội

Chủ Nhật, 26/05/2024, 21:53

87.200.000 là số lượng kết quả tìm kiếm trên Google trong vòng chưa đầy 1 giây khi ta nhập từ khóa "Thích Minh Tuệ". Con số đó nói lên điều gì ngoài sự hiếu kỳ của thời đại mạng xã hội đã và đang tạo ra những kỳ dị xã hội mà có thể được dùng bằng hai tiếng "kiếp nạn".

1. Nếu cần một định nghĩa đúng nhất về hiện tượng "Thích Minh Tuệ", có lẽ chúng ta nên dùng cụm từ (hơi dài) "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm". Người đàn ông độc bước bộ hành đó đã đi nhiều năm rồi và tự thân ông không xưng mình là nhà sư, là thầy tu. Nói chuyện với khách, ông vẫn xưng "con". Hành trình độc bước bộ hành ấy là một quá trình tự thân, để tự chiêm nghiệm, tự tu tập theo lối cổ điển, nguyên thủy của những đầu đà. Song, người đàn ông đó đã không còn độc bước bộ hành nữa bởi những chiếc camera và sự hiếu kỳ thái quá.      

Khi kiếp nạn sinh ra từ
Hình ảnh ông Thích Minh Tuệ trên một trang mạng xã hội.

Sẽ rất khó và hoàn toàn không nên, để minh định về đường lối tu tập của "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" kể trên. Bàn luận về tôn giáo cũng là một việc vô cùng nhạy cảm và nó đòi hỏi một nền tảng kiến thức đủ sâu rộng về chính tôn giáo ấy. Cái mà chúng ta có thể bàn chính là con số hơn 87 triệu kể trên. Không hẳn 100% những thông tin trong số 87 triệu đó đều không đáng giá nhưng đa phần đều là những nội dung tạo ra các tranh cãi xã hội không cần thiết. Chính chúng đã tạo nên những kiếp nạn thật sự cho những người sử dụng mạng xã hội và cho cả những cá nhân khác nữa.

Trong công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ đã lưu ý các địa phương cần tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước, đồng thời cũng cần ý thức về việc tránh tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Hãy nhìn cái cảnh người người lớp lớp cầm điện thoại, máy quay GoPro đi sau, đi trước "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" kia trên dọc quốc lộ, tỉnh lộ, chúng ta sẽ hiểu. Đó là hành vi cản trở giao thông và gây mất an toàn giao thông. Ngay chính "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" cũng từng chia sẻ với những người đi theo mình là nên tránh tụ tập đông theo kiểu đó.

Khi kiếp nạn sinh ra từ
Nhiều người đi theo ông Thích Minh Tuệ cúng dâng vật phẩm, thức ăn, gây lộn xộn trên đường giao thông.

Cách đây 1 tháng, chiều 21/4, trên trục đường Bắc - Nam, đoạn qua địa phận xã Toàn Thắng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), Phạm Đức Hải (còn gọi là Hải “idol”) đã có hành vi xúi giục một số đối tượng khác cùng thực hiện hành vi sử dụng ô tô đỗ xe giữa đường và di chuyển dàn hàng ngang để chụp ảnh. Thời điểm này, các đối tượng dừng xe chụp ảnh đoàn xe, trong đó có cô dâu chú rể và những người cùng đoàn. Sau khi điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lộc đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Đức Hải (SN 1996, trú huyện Gia Lộc) và Vương Đình Trường (SN 2004, quê tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội "Gây rối trật tự công cộng". Cơ quan điều tra đồng thời khởi tố 2 bị can khác gồm Nguyễn Văn Năm (SN 1999, ở huyện Gia Lộc) và Phạm Ngọc Phong (SN 1999, trú tại TP Hải Dương) cùng về tội "Gây rối trật tự công cộng".

Ngày 20/5, trong chương trình "Chào buổi sáng" của VTV, một phóng sự ngắn cũng phản ánh việc nhóm 5 phụ nữ dừng xe giữa đường để... ghi hình múa tập thể nhằm có nội dung đăng mạng xã hội. Các hành vi như vậy, về bản chất, đều vi phạm giống nhau. Song, với sự mộ đạo nhiều khi đến mù quáng, người Việt lại dễ bỏ qua hành vi y chang, chỉ vì nó có liên quan đến chuyện được xem là tu tập.

Hãy tưởng tượng thế này, nếu bạn tu tập tại gia, ngày ngày bạn ngồi thiền định, việc đó có thể sẽ nhận được rất nhiều ủng hộ, động viên của những người xung quanh. Nhưng, vì lý do cá nhân nào đó, bỗng dưng một hôm, bạn ra giữa ngã tư ngồi thiền định, phản ứng của khách quan sẽ như thế nào? "Người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" kia thực tế cũng chỉ muốn độc bước bộ hành như chính ông vẫn làm suốt nhiều năm qua, để chiêm nghiệm ra chân lý cho mình. Và, khi chưa biết được ông đã ngộ ra được chân lý hay chưa thì chỉ một vài video trên mạng xã hội đã làm xáo trộn toàn bộ quãng thời gian tự nghiệm của bản thân ông ấy. Vậy thì những người theo chân ông đang đứng về phía nào: phía ủng hộ hay phía phá hoại, cản trở tiến trình của ông? Xem ra, "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" đang ở trong một kiếp nạn thử thách thực sự.

Và, có mấy câu hỏi cũng rất đáng được đặt ra: Những ai là chủ nhân của những video đầu tiên được tung lên mạng? Những video ấy được tung lên vì mục đích gì? Nói thẳng, tu tập có rất nhiều phương pháp và đầu đà hành giả cũng chỉ là một trong các phương pháp mà thôi. Không có phương pháp nào là đúng (hoặc sai) tuyệt đối cả. Mỗi người muốn tu tập sẽ tự phải trải nghiệm để lựa chọn ra phương pháp hợp nhất với tâm và thể của cá nhân mình. Chính những video câu like, câu view của những người kém hiểu biết về tu tập đã là những cái loa vô tri, vô minh đầu tiên cổ xúy cho những người mê muội tham gia vào một phương pháp tu tập chưa chắc đã phù hợp với họ. Rồi, kéo theo đó, chính các video ấy còn so sánh này kia và tạo ra những mâu thuẫn rất lớn về quan điểm tôn giáo trong xã hội. Đó chính là kiếp nạn kinh hoàng nhất mà họ đã và đang gây ra cho cả cộng đồng mà khi bị nhắc nhở, bị phản bác bởi người khác, họ lại bù lu bù loa lên về chuyện "tự do tín ngưỡng".

Khi kiếp nạn sinh ra từ
Đoàn xe đón dâu dừng giữa đường chụp ảnh ở Gia Lộc, Hải Dương.

2. Hãy tự hỏi mình: "Ta đang sống ra sao trong một xã hội như thế nào?". Bao năm qua, chúng ta quá quen mặt với các tin tức dạng video về những vụ đánh ghen tập thể, những vụ bắt nạt tập thể ở trường học mà khách quan chứng kiến đều dửng dưng theo kiểu "đừng dây vào" bởi nó "chẳng liên quan tới mình". Thay vì ngăn cản một đám trẻ con bắt nạt một đứa trẻ khác hoặc đơn giản hơn là gọi điện thoại cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhiều người dễ dàng rút điện thoại ra và... livestream. Sự thèm khát những lượt like, view đã đẩy chúng ta đi quá xa trong cái bả hư danh của mạng xã hội.

Và, hôm nay cũng vậy, việc một người đàn ông vừa đi, vừa chiêm nghiệm, lựa chọn cuộc sống khổ hạnh nhất, vốn dĩ cũng chỉ là một việc quá ư bình thường, là lựa chọn cá nhân bình thường. Vậy thì 87 triệu kết quả tìm kiếm kể trên đã và đang thể hiện điều gì? Tất cả đang biến cái bình thường kia thành bất thường đúng nghĩa. Và, nói đơn giản nhất, cái quyền riêng tư cơ bản của "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" kia đã và đang bị những chủ nhân các tài khoản mạng xã hội xâm phạm một cách thô bạo.

Trong Phật học, trung đạo là một con đường đã được nhắc tới rất nhiều. Vậy thì việc ca tụng thái quá cũng như chê bai thái quá "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" đã đúng với tinh thần trung đạo hay chưa? Thêm vào đó, cứ cho là những người đang tụ tập thành đám đông xoay quanh "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" kia là những người mộ đạo thì liệu họ có hiểu chính cái sự xáo trộn xã hội không cần thiết mà họ đang tạo ra đang là gây nghiệp hay không?

Nể phục hành động của một ai đó là lựa chọn cá nhân của mỗi người song tác động lên những khách quan khác để họ cũng nể phục theo mình lại là điều làm trái với lẽ tự nhiên. Nhận thức của mỗi cá nhân là độc lập nhưng 87 triệu kết quả trên Google nói trên liệu có đang khiến cho những người khác mất đi hoặc suy giảm đi, khả năng nhận thức độc lập hay không?

Tất cả chỉ nói lên một điều đơn giản nhất, chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của ham muốn chứng tỏ mình trên mạng xã hội quá sâu rồi. Giữa hành vi chụp một bức ảnh, thậm chí quay một video ngắn và để riêng cá nhân mình thi thoảng xem lại, lấy đó làm một động lực tích cực để sống với hành vi tung nó lên Facebook Reels, TikTok, YouTube nhằm mục đích loan tin cho cả cộng đồng biết có hệ quả và động cơ khác nhau hoàn toàn. Để riêng cho cá nhân, nó là động cơ trong sáng và có khả năng mang lại kết quả tốt. Còn ngược lại, nó chỉ cho thấy động cơ của sân, si và khả năng tạo ra hệ lụy thì xứng đáng có thể gọi là kiếp nạn.

Hãy để cho tất cả được yên. Hãy để cho "người-bộ-hành-tự-chiêm-nghiệm" kia được yên. Và, hãy để cho chính mình được yên.

Hà Quang Minh
.
.