Khi điện ảnh cũng ế vì kể chuyện... cải lương
“Sáng đèn” - một bộ phim của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường làm về số phận của nghệ thuật cải lương trước những thay đổi, biến động của cuộc sống. Bộ phim được làm khá kỹ lưỡng, xúc động, nhưng số phận của “Sáng đèn”, buồn thay, cũng giống như số phận của nghệ thuật cải lương, chẳng mấy khán giả mặn mà.
1. Suất chiếu 1h30 chiều tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vỏn vẹn chỉ có… 8 khán giả, trong đó có 2 người vốn là dân cải lương. Hai chị mắt đỏ hoe vì xúc động và nhiều đồng cảm với câu chuyện của đời nghệ sĩ. “Tôi nhớ lại những ngày còn bé theo mẹ ngủ ở cánh gà, ở sân khấu chờ mẹ diễn”, chị An nói. Dù phim giản dị, mộc mạc và có nhiều điểm chạm đến cảm xúc của người xem. Nhưng thật tiếc.
Các suất chiếu tại rạp CGV không còn. Ở Hà Nội, “Sáng đèn” chỉ còn những suất chiếu rải rác tại rạp của BHD, Galaxy và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia; chắc ít ngày nữa là phim out khỏi rạp. Theo thống kê của Box Office Việt Nam- đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tác phẩm trung bình mỗi ngày chỉ được xếp hơn 200 suất chiếu toàn quốc. Đến trưa 28/3, doanh thu cập nhật từng ngày của “Sáng đèn” chỉ khoảng… 35 triệu đồng, thấp hơn “Muôn vị nhân gian” của đạo diễn Trần Anh Hùng.
“Sáng đèn” là câu chuyện về số phận của một bộ môn nghệ thuật đã có lịch sử hơn 100 năm, từng có thời kỳ hoàng kim và đi đến thoái trào do sự thay đổi về thị hiếu của khán giả. Gánh hát Viễn Phương của ông Bầu (NSND Hữu Châu)- điển hình cho những gánh hát cải lương ở miền Tây phải trở thành một gánh tạp kỹ diễn tuồng xen kẽ các tiết mục xiếc, tấu hài. Từ đoàn ca cổ, hết thời phải đối diện với đời sống “gạo chợ, nước sông”. Rời sân khấu, các diễn viên, nghệ sĩ phải chạy ăn từng bữa và làm đủ công việc mưu sinh. Ban ngày, kép trẻ Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh) đi vác gạo thuê, đào chính Kim Yến (Lê Phương) đánh bóng bàn ghế để kiếm thêm thu nhập. Gánh hát còn đối diện với việc bị giang hồ phá đám, có thành viên rời đoàn. Phân đoạn nhân vật ông bầu Hữu Châu đứng trước bàn thờ tổ nghiệp, bật khóc tuyên bố rã đoàn gợi cảm xúc lắng đọng.
Phim khiến khán giả khóc, cười trước số phận trớ trêu của các nghệ sĩ đam mê với nghề nhưng lại đúng vào thời nghệ thuật cải lương đang lâm vào cảnh “chợ chiều”, khi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Phim còn khai thác mối tình của nhân vật Lê Phương - Cao Minh Đạt (vai Thanh Kim Yến – Phi Khanh). Đôi đào kép trẻ Bạch Công Khanh - Trúc Mây bén duyên qua những lần đóng chung tuồng cổ.
Bộ phim chưa đủ để khán giả thấy được những bước thăng trầm của nghệ thuật sân khấu nói chung và cải lương kéo dài suốt hơn 100 năm qua. Nhưng diễn xuất của dàn cast bao gồm diễn viên, nghệ sĩ gạo cội là điểm sáng nhất, thể hiện trọn vẹn những cảm xúc bi, hài, chính kịch được gửi gắm, chuyển tải cho khán giả, thoại phim không bị gồng cứng, thấy được nét mộc mạc, bình dân nhưng không kém phần sâu sắc của từng vai diễn. Nhìn chung, xem phim là cơ hội để thấy lại nghệ thuật sân khấu đã trải qua những giai đoạn thăng hoa, mai một và lửa nghề cũng như cái cách người nghệ sĩ ra sức giữ nghề, giữ cái nghiệp cầm ca, đáng trân quý như thế nào.
Một khán giả chia sẻ: “Đây là một bộ phim đáng xem, đặc biệt là đối với những người con miền Nam, hơn cả là dân miền Tây xa quê. Xem phim nhớ nhà, nhớ quê, nhớ tuổi thơ. Đờn ca tài tử, cải lương chảy trong máu, trong huyết quản của mỗi người. Phim phục dựng quá chân thật, xúc động nhưng quá ít khán giả đi xem, đáng tiếc”.
Rõ ràng, “Sáng đèn” có nhiều hạn chế ở khâu kịch bản, nội dung rời rạc, dàn trải, màu phim được chỉnh sửa gây hiệu ứng kém tự nhiên. Đặc biệt là đoạn cuối mang tính sắp đặt vô lý, không phản ánh được một cách sâu sắc sự thoái trào của nghệ thuật cải lương. Vì thế, dù diễn xuất của các nghệ sĩ ấn tượng cũng không cứu nổi kịch bản phim dài dòng. Điểm sáng là tuyến phụ của NSND Hồng Vân, tạo nhiều tiếng cười với vai Tư Phượng, nhà tài trợ rót tiền cho gánh hát vì thần tượng chàng kép Phi Khanh.
2. Hơn 100 năm nay, cải lương đã trở thành một phần trong văn hóa và cuộc sống đời thường của người dân Nam Bộ và lan tỏa ra phía Bắc. Bộ môn nghệ thuật này đã trở thành “nhân vật” trong nhiều phim Việt, đặc biệt các phim được sản xuất ở phía Nam. Nghệ thuật cải lương và Đờn ca tài tử trăm năm nay có lúc thịnh, có lúc suy, nhưng luôn mang đến nhiều cảm hứng với các nhà sản xuất phim.
Nhìn lại lịch sử điện ảnh, từ những năm 1961, đã có bộ phim nhựa đen trắng “Bẽ bàng” chuyển thể từ vở cải lương nổi tiếng “Nửa đời hương phấn” do đạo diễn Thái Thúc Nha thực hiện. Sau năm 1975, NSND Hồng Sến đã làm tác phẩm “Đoạn cuối thiên đường” dựa theo truyện ngắn “Bàn thờ tổ của một cô đào” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng lấy câu chuyện về cải lương.
Năm 2016, khi nghệ thuật cải lương đã thoái trào, công chúng không còn mặn mà, nhưng các đạo diễn vẫn chọn cải lương làm “nhân vật” trong câu chuyện của mình. Phim “Sài Gòn anh yêu em” của đạo diễn Lý Minh Thắng đề cập đến một cặp vợ chồng nghệ sĩ cải lương mang khát vọng giữ gìn nghệ thuật cải lương trong dòng chảy của đời sống. Đến năm 2018, có 3 dự án điện ảnh về nghệ thuật cải lương là “Song lang” của đạo diễn Leon Lê, “Gạo chợ nước sông” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và “Nửa đời hương phấn” được điện ảnh hóa từ vở cải lương nổi tiếng cùng tên.
Trong đó, “Song lang” của đạo diễn Leon Lê là tác phẩm đậm chất điện ảnh, ra đời nhân dịp kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương. Tác phẩm tránh được lối mòn của nhiều phim về nghệ thuật cổ truyền là diễn giải bằng lời quá nhiều. Để mô tả không khí cải lương, đạo diễn chuyển đổi các đúp quay nhuần nhuyễn giữa cảnh sân khấu, nghệ nhân đàn, nhân viên hậu đài và phản ứng khán giả. Dù khắc họa một bộ môn nghệ thuật khác, ngôn ngữ điện ảnh của phim vẫn được duy trì nhất quán. Nhưng rất tiếc, phim ra rạp cũng èo uột, doanh thu chỉ 5 tỷ trong khi kinh phí sản xuất lên tới 20 tỷ. Tuy nhiên, ở góc độ nghệ thuật, phim dành rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như giải Cánh diều Vàng 2018, giải thưởng của Hiệp hội Đạo diễn điện ảnh Úc…
Bộ phim “Gạo chợ nước sông” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lấy cốt truyện từ “Cuối mùa nhan sắc” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chuyện phim xoay quanh đời sống của nghệ sĩ cải lương trong những mùa hát tỉnh, dong thuyền đi khắp miền Tây Nam Bộ. Phim xoay quanh mối tình đời thực và mộng ảo của sân khấu và những người làm nghề hát cải lương.
Rõ ràng, cải lương vẫn là một đề tài hấp dẫn của điện ảnh khi được nhiều đạo diễn tài năng lựa chọn. Khai thác cải lương, đàn ca tài tử và những giá trị văn hóa dân tộc là một hướng đi khả quan để đưa những vẻ đẹp của văn hóa Việt đến gần với công chúng Việt, hơn thế, còn quảng bá ra thế giới. Nhưng làm thế nào để những bộ phim đó thực sự hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của công chúng là một bài toán khó.
Một khán giả trẻ chia sẻ về “Sáng đèn” rằng, đó là một phim rất hay, đối với một người trẻ ở thế hệ cải lương không thịnh hành, sau khi xem bộ phim này đột nhiên lại yêu thích cải lương, đi xem phim với tâm trạng không quá chờ mong và nhận là được cái kết vừa lòng. Tuy nhiên, có nhiều đoạn diễn xuất chưa tới, kịch bản dài dòng khiến khán giả trẻ sẽ không thấy hấp dẫn. “Tôi mong các rạp có thể ưu ái hơn cho một bộ phim về văn hóa dân tộc , có những suất chiếu dễ đến với khán giả. Nhà làm phim cũng cần có những thay đổi tư duy, đột phá hơn, mới mẻ hơn trong cách làm phim và quảng bá để phim đến gần với công chúng hơn”.
Điện ảnh là nghệ thuật có sức ảnh hưởng rất lớn, là cầu nối đưa văn hóa Việt đến với công chúng và đi ra thế giới. Những bộ phim làm về văn hóa dân tộc như nghệ thuật cải lương và có thể sau này, là ca trù, chèo, tuồng, sẽ rất tiếc nếu thiếu vắng khán giả.
Tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh người nghệ sĩ già Cảnh Sơn (Chí Tâm đóng) vừa chơi đàn vừa hát, đôi mắt ông sầu buồn: “Còn đây tiếng nhạc, cung đàn, còn màn nhung, còn tổ nghiệp, còn hơi sức để trên đời. Ân tình nhả tơ trọn vẹn, thác rồi còn vương mối tơ, mơ màng sân khấu cũ xưa”. Số phận của người nghệ sĩ già hay chính là số phận của nghệ thuật cải lương và bộ phim “Sáng đèn” trong dòng chảy ồn ào của đời sống, khi khán giả phần lớn chỉ thích những “món ăn nhanh”?