Khi Công an về với buôn làng

Chủ Nhật, 13/08/2023, 09:28

Từ ngày về xã, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng thường xuống các buôn làng nắm tình hình và thăm hỏi bà con. Bên ấm trà nóng, những câu chuyện gia đình, chồng vợ, chuyện làng xóm không đầu không cuối, cứ tỉ tê tâm sự đôi khi lại thành chuyện xã hội liên quan đến an ninh trật tự. Từ đó, mọi thứ đều được phát hiện sớm nhất và xử lý nhanh nhất… 

Về làng "bám dân"

Tròn 33 tuổi, là một trong những cán bộ trẻ nhất được điều về cơ sở, đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Ia Pết, một xã trọng điểm về an ninh chính trị trên địa bàn huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai), Đại úy Nguyễn Thanh Tùng gặp phải không ít khó khăn, thử thách trong những ngày đầu. Vào thời điểm bấy giờ chỉ có một mình vừa là lãnh đạo, vừa là công an chính quy đầu tiên của xã, anh phải gồng gánh đủ thứ việc ở đơn vị mới.

Khi Công an về với buôn làng -0
Đại úy Phưt đã rất hăm hở khi được về công tác cùng bà con trong cộng đồng của mình.

Thượng tá Trần Ngọc Anh, Trưởng Công an huyện Đắk Đoa cho biết, những cán bộ được điều về cơ sở bám buôn làng, sống cùng nhân dân sẽ là cơ hội để tôi luyện ý chí, năng lực và bản lĩnh của người chiến sĩ Công an. Tại đây, họ sẽ phải nỗ lực, dùng nhiệt huyết của sức trẻ cống hiến, thậm chí phải chấp nhận hy sinh rất nhiều thứ để phấn đấu, trưởng thành. Họ sẽ thu được những bài học, biết cách làm việc, cư xử để "đi dân nhớ, ở dân thương".

Đúng như lời Thượng tá Trần Ngọc Anh, khi về xã Ia Pết chúng tôi nhận rõ được tình cảm mà bà con dành cho anh em công an xã. Khi Đại úy Nguyễn Thanh Tùng chở tôi đi trên những con đường làng của Ia Pết, hễ gặp người dân nào họ đều mỉm cười giơ tay chào "chú công an" với một thái độ rất thân thiện. Tùng nhớ tên, nhớ mặt, nhớ hoàn cảnh của từng người, từng gia đình và không quên giải thích rất rõ cho tôi biết điều đó.

Với Đại úy Phưt, về với làng là về quê hương bản quán, về với những người thân yêu nhất trong cộng đồng của mình nên anh đã rất hăm hở cho hành trình này. Năm 2020, đang là cán bộ Đội Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Đắk Đoa, người chiến sĩ dân tộc Ba Na được điều về xã Ia Pết công tác, nơi có hai làng người đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống. Bắt tay vào nhiệm vụ mới, Đại úy Phưt đã tận dụng tối đa khả năng ngôn ngữ bản địa để về làng hỗ trợ bà con. Ai cần gì thì anh giúp, từ việc trong nhà cho đến việc nương rẫy, anh đều không nề hà. Làm việc cho bà con mà… quên luôn việc gia đình mình, đến mùa thu hoạch cà phê anh em đồng đội trong công an xã phải phân công nhau về hái cà phê giúp nhà anh Phưt. "Có lẽ, đó là kỷ niệm mà chỉ những người lính cơ sở như chúng tôi mới có được. Nó thật sự quý giá cho tháng ngày thanh xuân bám làng, bám dân", Đại úy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ. 

Mùa này, dân làng Ia Pết không có nhiều việc nương rẫy nên tranh thủ đi làm thuê tại công ty chuối đóng trên địa bàn xã Ia Pết. Chiều dần buông, sau khi đã hết ngày làm việc hành chính, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng chở tôi ra vựa chuối để xem bà con làm việc. Quả thật, không khí làm việc rất sôi nổi, niềm vui đong đầy trên từng khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Ở đây, công ty tuyển lao động rất linh hoạt, ai đi làm ngày nào thì trả công ngày đó, nếu muốn để dành "một cục" thì cuối tuần hoặc cuối tháng nhận một lần. Công ty cũng có chế độ thưởng cho lao động chăm chỉ, ai đi làm đều cả tuần sẽ được nhận thêm một khoản chuyên cần.

Gặp vợ chồng anh Luân (làng Bia Bre) giữa cánh đồng chuối, Đại úy Tùng giơ tay cười thật tươi, bên kia cũng đáp lại bằng nụ cười tỏa nắng. Gia cảnh vợ chồng anh Luân rất khó khăn, nhà ít đất, đi làm thuê quanh năm nhưng bữa có bữa không, đến cái xe máy cũng tả tơi, hỏng ngang hỏng dọc. Biết vườn chuối đang tuyển người, Tùng giới thiệu vợ chồng anh Luân vào làm, nhờ chăm chỉ mà chỉ ít tháng sau họ đã tậu được xe máy mới toanh. Cuộc sống gia đình bớt nỗi lo cơm gạo nên cũng không còn những cuộc cãi vã hằn học, điều đó góp phần làm bình yên cho xóm làng. 

Qua vườn chuối, Tùng lại chở tôi đi về phía cánh đồng điện gió của Ia Pết. Gặp Binh, anh chàng bảo vệ công ty điện gió, Tùng dừng lại hỏi thăm. Trước kia, Binh hay tụ tập chơi bời ở làng Bia Bre; nhưng từ ngày được gặp, trò chuyện với Đại úy Tùng, Binh đã thay đổi suy nghĩ. Thấy Binh hay đi làm ăn xa, công việc không ổn định, anh Tùng nhờ người quen xin cho cậu vào làm bảo vệ tại công ty điện gió, với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Tuy thu nhập không cao nhưng ổn định và trên hết, Binh được làm việc trên chính mảnh đất của quê mình, được trở về gia đình khi ca làm kết thúc.

Nhiều bà con tại Ia Pết cũng được cán bộ Công an xã kết nối xin việc. Có công ăn việc làm, cuộc sống bớt khó khăn. Tôi đã không còn ngạc nhiên khi thấy những nụ cười, cái vẫy tay, lời chào chân thành của dân làng Ia Pết khi gặp các anh Công an xã trên đường làng.

Những ấm trà trong ánh hoàng hôn

Đại úy Tùng bảo rằng, từ ngày về xã cho đến bấy giờ đã hơn 4 năm, anh vẫn giữ thói quen hết giờ làm là xách xe máy chạy xuống làng. Đầu tiên, Tùng vào nhà của anh em an ninh thôn trước để nắm tình hình xem bà con hôm nay có gì khác mọi ngày, có đám đông nào tụ tập, có người lạ nào tới không? Sau khi vơi ấm trà, cũng là lúc anh em công an xã nắm bắt được toàn bộ thông tin từ báo cáo của an ninh thôn.

H1-1691634598517.JPG
Công an xã Ia Pết về làng hỏi thăm đời sống bà con.

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Võn (làng Aroh), người được Đại úy Nguyễn Thanh Tùng đánh giá là một an ninh thôn nhiệt tình, năng nổ và có trách nhiệm với dân làng. Đất đai ít, vợ chồng anh Võn phải đi làm thuê kiếm sống mỗi ngày nhưng trách nhiệm với công việc chung thì chưa bao giờ xao lãng. Không kể đêm hôm, mưa gió, hễ Công an xã yêu cầu là anh Võn có mặt ngay. Nhờ đó, làng Aroh có bất cứ chuyện gì là Công an xã đều nắm được và xử lý rất nhanh, rất sớm.

Võn nói với tôi, trước kia từng làm lĩnh vực khác nhưng từ ngày gặp các chú Công an xã về làng, đặc biệt là "mê" cái khí chất hào hiệp, hòa nhã của Trưởng Công an xã Nguyễn Thanh Tùng nên muốn đi theo và giúp đỡ các anh.

Không chỉ Võn làm cánh tay nối dài của Công an xã tới các làng mà còn có già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng nhiệt tình giúp đỡ khi Công an chính quy về cơ sở. Trong đó phải kể đến chị Til, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Bia Bre. Người phụ nữ dân tộc Ba Na năm nay vừa tròn 40 tuổi nhưng đã là "thủ lĩnh" của làng, một tay quán xuyến việc làng và hỗ trợ rất đắc lực Công an xã.

Tôi ngồi nghe những câu chuyện giữa chị Til và Đại úy Nguyễn Thanh Tùng. Họ nói về hoàn cảnh của từng nhà trong làng, về những điều nhỏ bé bình thường nhất trong đời sống thường nhật, về kế hoạch phát động toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng CAND trong các làng của xã Ia Pết. Mỗi chi tiết, dù là rất nhỏ nhưng đã toát lên một sự tinh tế nhạy bén về việc nắm bắt tình hình an ninh cơ sở của lực lượng Công an.

Thượng tá Ksor Định, Phó trưởng Công an huyện Đắk Đoa cho biết, các trinh sát an ninh của Công an huyện Đắk Đoa thường xuyên bám buôn làng, cùng với lực lượng Công an xã đã nỗ lực tuyên truyền vận động quần chúng cho đến cuối năm 2022, tại điểm nhóm Tin lành Liên hiệp truyền giáo và điểm nhóm Tin lành Việt Nam (miền Nam), thôn Bia Bre, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, nhiều người dân từng tham gia nhóm họp sinh hoạt tôn giáo không đúng quy định đã được chính quyền tạo điều kiện cho làm lễ trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận. Trước đó, trên địa bàn xã Ia Pết, một số người đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức tụ tập cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo trái phép với âm mưu, ý đồ phục hồi hoạt động FULRO "Tin lành - Đê ga" gây mất an ninh, trật tự. Tuy nhiên, những hành vi trên đã bị lực lượng Công an phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn. Được sự giáo dục, giúp đỡ của chính quyền và người có uy tín tại các điểm nhóm tôn giáo, những người lầm lỡ đã nhận ra bản chất của FULRO lưu vong, tình nguyện xin được trở về sinh hoạt tôn giáo cùng bà con.

Ia Pết bây giờ đã bình yên theo một lẽ rất tự nhiên, phản ánh đúng với lời nguyện cầu từ bao đời này của tổ tiên các tộc người khai sáng. Những con đường làng thênh thang rộng mở, có những hàng hoa vàng khoe sắc rực rỡ trong nắng cao nguyên cuối hạ. Dưới cánh đồng điện gió là cảnh lao động chăm chỉ, hiền hòa của bà con, là cái vẫy tay thay lời chào chân chất thật thà dành cho anh em Công an xã, những người đang lặng lẽ bảo vệ bình yên trên mỗi xóm làng Ia Pết.

Ngọc Hoa
.
.