Khắt khe với từ thiện

Thứ Sáu, 15/10/2021, 10:51

Tôi có quyền với đồng tiền của riêng mình, và tôi có thể cho bất cứ ai, làm bất cứ điều gì chăng? Ở góc độ cá nhân, điều đó có thể đúng, nhưng ở góc độ cộng đồng, thì việc cho đi mà không giám sát có thể tạo ra nhiều tác hại. 

Từ bê bối của Hội Chữ thập đỏ Mỹ

Được thành lập từ năm 1863 để trợ giúp những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, và đi vào thực tế sâu rộng hơn kể từ Công ước Geneve năm 1949. Có hàng chục ngàn thành viên rải khắp 80 quốc gia, với nguồn tài trợ khổng lồ từ chính phủ và nhiều tổ chức uy tín khác. Hiện có khoảng vài nghìn nhân viên chính thức trên toàn thế giới, và hàng chục tình nguyện viên. Bạn đọc hẳn biết tổ chức này: Hội Chữ thập đỏ quốc tế, một địa chỉ không thể đáng tin cậy hơn khi chúng ta cần quyên góp vì mục đích thiện nguyện.

Khắt khe với từ thiện -0
Bê bối từ thiện diễn ra ở cả những tổ chức uy tín nhất, như Hội Chữ thập đỏ Mỹ khi đi cứu trợ tại Haiti vào năm 2010. Nguồn ảnh: Getty.

Nhưng vào năm 2010, một trong những nhánh lớn của tổ chức là Hội Chữ thập đỏ Mỹ (ARC) đã dính vào một bê bối khó tin: sau khi quyên góp thành công 488 triệu USD để cứu trợ các nạn nhân của trận động đất tại Haiti, họ thông báo rằng đã cấp nhà cho khoảng 130 ngàn người dân bị ảnh hưởng. Một cuộc điều tra độc lập diễn ra sau đó vài năm của hai hãng tin Propublica và NPR cho thấy sự thật ngược lại: Hội Chữ thập đỏ chỉ xây được vỏn vẹn… 6 căn nhà, trong khi số còn lại chỉ đáng gọi là lều tạm bợ.

Hội Chữ thập đỏ tuyên bố rằng 90% nhân viên tham gia vào quá trình cứu trợ là người bản địa, nhưng không chịu công bố chi tiết. Kết quả điều tra cũng phủ nhận điều này: rất nhiều nhân viên của chiến dịch là người nước ngoài, được trả số lương năm cao hơn trung bình 100 ngàn USD so với nhân viên bản xứ.

Tất nhiên là ARC phản đối quyết liệt, tuyên bố các báo cáo điều tra đã thổi phồng quá mức và mô tả không công bằng một chiến dịch đầy thách thức mà tất cả các nhóm viện trợ nhân đạo phải đối mặt ở Haiti. Nhưng trước đó, tổ chức này cũng đã phải nhận những cáo buộc về sự quản lý yếu kém, bao gồm vụ giữ lại "quỹ đen" sau thảm họa 11-9; cứu trợ chậm trễ sau cơn bão Katrina; và chiến dịch cứu trợ thất bại sau bão Sandy.

Daniel Borochoff, chủ tịch của tổ chức CharityWatch (Giám sát từ thiện) cho biết: "Có quá nhiều sự lãng phí và lạm dụng đang diễn ra chỉ vì các tổ chức từ thiện không có trách nhiệm giải trình". Tobias Pfutze, giáo sư kinh tế phát triển tại Đại học Florida, nhận xét rằng, các tổ chức từ thiện có các quy tắc công bố thông tin yếu kém hơn nhiều so với các tổ chức thu lợi nhuận hoặc chính phủ: "Khi bất kỳ chương trình nào của chính phủ xuất hiện ở Hoa Kỳ, bạn sẽ nhanh chóng biết về nó. Nhưng với những số tiền viện trợ nước ngoài, người dân ở đó hầu như không có cách nào nói với người đóng thuế hoặc nhà tài trợ rằng liệu tiền có đến được với họ hay không, hoặc liệu họ có hài lòng với sự trợ giúp hay không".

Các cơ quan giám sát và điều tra viên sau này đã đặt vấn đề cụ thể hơn về cách các tổ chức viện trợ báo cáo chi tiêu của họ trong các danh mục khá mơ hồ như "nhà và chỗ trú" hay "nguồn cung y tế". Những danh mục này đáng ra có thể thống kê chi tiết từ các lán trại tạm thời, chi phí sửa chữa nhà ở cho đến khăn giấy và đồ ăn nhẹ. Trong vòng một thập kỷ qua, các tổ chức viện trợ lớn đã lần lượt lọt vào tầm ngắm, bao gồm Quỹ Clinton, một quỹ từ thiện lớn khác ở Haiti, hiện bị cho là thiếu minh bạch trong các khoản đóng góp.

Thông thường, các tổ chức từ thiện thường bất cẩn và thiếu kỹ năng hơn là lừa đảo, nhưng cũng nhiều trường hợp đã bị phát hiện là cả hai: ban đầu là thiếu sự sâu sát, và sau đó nhận thấy rằng việc làm dễ dãi quá trình từ thiện vừa khiến mọi việc đơn giản hơn, vừa có nhiều lỗ hổng để tư lợi hơn. Vào tháng 5-2015, Ủy ban Thương mại Liên bang (Mỹ) và 50 tiểu bang đã buộc tội bốn tổ chức từ thiện về bệnh ung thư đã biển thủ số tiền trị giá hơn 187 triệu USD.

Từ thiện và cứu trợ từ lâu được nhìn nhận như những hoạt động đòi hỏi lòng tốt đơn thuần, nhưng bê bối xảy ra ở những tổ chức nhân đạo uy tín nhất cho thấy nó còn đòi hỏi nhiều hơn thế, từ kỹ năng tổ chức, quản lý cho đến giám sát.

Từ thiện cá nhân và trách nhiệm của chúng ta

Khi Bộ Công an phải vào cuộc điều tra các bê bối từ thiện, đấy dường như là kết quả của việc hoạt động này từ lâu đã nằm ngoài tầm giám sát của xã hội. Việc cứu trợ lẫn nhau là một hoạt động tích cực của xã hội dân sự, nhưng làm sao cho hiệu quả và minh bạch thì chúng ta chưa sẵn sàng.

Khắt khe với từ thiện -0
Ca sĩ Thủy Tiên trao quà trong chuyến đi từ thiện miền Trung. Nguồn ảnh: cand.com.vn.

Bề ngoài, kêu gọi từ thiện nhìn có vẻ rất dễ dãi, từ việc đăng "tút" lên mạng xã hội, nhận tiền vào tài khoản rồi đi mua quà hoặc phát tiền trực tiếp ở nơi khó khăn. Các ấn tượng nó tạo ra trong cộng đồng gần giống như một lần móc ví cho người ăn xin: không cần năng lực, chỉ cần uy tín trên… mạng xã hội. Chính tôi cũng đã vài lần góp tiền cho nghệ sĩ đi cứu trợ miền Trung, và coi như một khoản sẵn sàng quên đi. Thông lệ là chúng ta không chất vấn lại lòng tốt.

Nhưng sự lúng túng và cả bê bối của những tổ chức lớn trên thế giới cho thấy rằng nó không chỉ đơn giản như vậy. Từ thiện là một hoạt động đòi hỏi nhiều năng lực, từ huy động nhân lực, tổ chức thực hiện, và kiểm toán để tránh thất thoát. Đi làm từ thiện, với tư cách một hoạt động xã hội, cũng phức tạp như bao chiến dịch cộng đồng khác.

Trong quá trình ngộ ra tầm quan trọng của minh bạch, chúng ta đã đi từ chỗ không có nhu cầu biết tiền của mình đang được sử dụng như thế nào đến trạng thái cực đoan: có những người chửi bới toàn giới nghệ sĩ, mà không dựa trên căn cứ nào cả. Trong khi cách đây 5 năm thôi, một MC kỳ cựu của VTV đã từng bị ném đá tới tấp trên mạng xã hội vì "dám" chất vấn động cơ làm từ thiện của một nhóm thiện nguyện trong chương trình tranh luận về chuyện làm từ thiện.

Có hai quan niệm đạo đức về hành vi cho đi: một là anh không cần quan tâm đến kết quả, mà cho đi chỉ đơn giản là tự làm bản thân vui hơn; hai là anh phải đi đến cùng để thấy cái "quả" mình đã gieo cuối cùng nó có lớn lên được không. Ví dụ như nếu tôi nhìn thấy một người ăn xin tàn tật trên phố và quyết định giúp anh ta vài đồng rồi bỏ đi, dù trong đầu đã hiện lên khả năng xấu nhất: đấy không phải một người tàn tật. Đơn giản là cho đi như thế giải phóng tâm trí của chính tôi. Nhưng nếu tôi chọn việc quan sát để xem anh ta có tàn tật thật hay không, để chắc chắn rằng số tiền ấy được cho đúng người, thì tự thân tôi đang giám sát chính việc cho đi của mình.

Cả hai, với tư cách cá nhân, đều đơn giản là một lựa chọn: tôi có quyền với đồng tiền của riêng mình. Nhưng dưới tư cách một cộng đồng, thì việc cho đi và không giám sát còn có hại. Khi một chiến dịch xã hội không hiệu quả, nó đơn giản là chỉ làm lãng phí các nguồn lực đã được huy động, trong khi hiện trạng vẫn tồi tệ, và niềm tin thì suy giảm. Một người ăn xin lừa đảo không chỉ làm tổn thương người đã cho anh ta, mà còn ngăn chặn cơ hội được giúp đỡ của những người khó khăn thật sự.

Luật pháp Mỹ và nhiều nước phương Tây không cho phép cá nhân được kêu gọi từ thiện, mà phải lập ra các quỹ, nhưng điều này cũng không ngăn nổi việc từ thiện thường xuyên là điểm mù của nỗ lực giải trình minh bạch: Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chính sách (Anh), sau khi kiểm toán các tài khoản của 50 tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, họ phát hiện ra rằng dù các tổ chức này tuyên bố họ huy động được khoảng 3,1 tỷ bảng Anh từ các nguồn tài trợ công, con số này trên thực tế có thể cao gấp đôi.

Chúng ta có thể hiểu được sự lúng túng của các nghệ sĩ đã kêu gọi từ thiện thời gian qua: hầu hết họ phải làm thay một khối lượng công việc khổng lồ vốn chỉ dành cho các quỹ chuyên nghiệp. Một số như Thủy Tiên, Công Vinh đã chọn đi đến tận nơi để cứu trợ, nhưng một số đã nhanh chóng nhận ra giới hạn của từ thiện cá nhân: Trấn Thành phải chuyển khoản để nhờ người khác đi hộ, còn Hoài Linh thậm chí không thể đến được nơi nhận cứu trợ, và chỉ giải ngân sau vài tháng.

Nhưng khi sự việc tiếp tục phải vời đến công an vào cuộc, thì không chỉ những người đi làm từ thiện có lỗi: bất kỳ những ai đã đóng góp tiền vào nhưng mặc kệ nó trôi dạt và không có nhu cầu đòi hỏi sự minh bạch từ đầu, cũng góp phần tạo ra kết quả này. Nhìn một cá nhân hay tổ chức làm từ thiện với sự khắt khe như khi nhìn một chính sách có thể sẽ không làm bạn khuây khỏa, nhưng những người cần sự giúp đỡ thực sự hẳn sẽ nhiều hơn.

Một chiến dịch có giám sát, từ chính chúng ta, hẳn sẽ hiệu quả hơn. 

Ban Cầm
.
.