Kể thêm về vị tướng tình báo và mối tình đặc biệt
LTS: Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng số Xuân Ất Tỵ (tháng 1/2025) đăng bài viết “Chuyến hành quân ngược tháng 4/1975” của Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ, kể lại chuyến công tác đặc biệt của ông (khi đó là cán bộ của Đoàn Tình báo chiến lược J22 - Bộ Quốc phòng) đưa ông Ba Quốc, tức Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức, từ miền Nam ra Hà Nội. Sau khi báo phát hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chuyên đề ANTG Cuối tháng giới thiệu bài viết mới của Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ về mối tình của Thiếu tướng Đặng Trần Đức với hai người vợ.
1. Những ngày nghỉ Tết, bạn bè, đồng đội tới chơi, có người đã nêu một số câu hỏi liên quan tới nhân vật chính trong bài viết “Chuyến hành quân ngược tháng 4/1975” là Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức (Ba Quốc) - vị Tướng tình báo và hai bà vợ.
Nội dung thứ nhất: “Hơn 20 năm sống trong thể chế “đệ Nhất và đệ Nhị Việt Nam Cộng hòa”, ông Ba Quốc đã chui sâu, leo cao vào cơ quan, đơn vị nào trong thể chế đó?”.
Nội dung thứ hai: “Thời đó, ta đã có đường bay Hà Nội - Phnom Penh và chế độ Sài Gòn cũng có đường bay Tân Sơn Nhất đi Phnom Penh, cấp trên sao không chọn con đường này mà phải “mua” thời gian như vậy?”. Đành rằng Đoàn trưởng J22 có nói “vì sự cố mà anh Ba Quốc không thể xuất hiện ở Sài Gòn”. Sự cố đó, hẳn là điều bí mật? Chiến tranh đã kết thúc tròn nửa thế kỷ. Nhiều điều bí mật đã được giải mã. Vậy sự cố đó là gì?”.

Nội dung thứ ba: “Ông Ba Quốc rời miền Bắc vào Nam năm 1953, khi đó ông đã có vợ và hai con. Vậy, việc ông có người vợ thứ hai vào thời gian nào? Bà ấy là người miền Bắc hay người miền Nam?”.
Chừng đó câu hỏi, thực ra, có những câu không khó khăn gì, bởi báo chí, phim ảnh đã nói công khai về vị điệp viên gạo cội này. 22 năm sống trong sào huyệt địch, điệp viên Ba Quốc đã thủ nhiều “vai diễn” mà “vai diễn” nào cũng đạt chuẩn cao. Tỷ như, ông đã nhiều lần tháp tùng đoàn cán bộ cấp cao “Đảng Cần lao nhân vị của Ngô Tổng thống” đi nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Mấy năm sau, có dịp công cán miền Tây, quan chức địa phương đón tiếp ông theo nghi lễ như một vị Trung ương của Đảng Cần lao nhân vị về thăm địa phương. Cái mác đóng đinh trong cuộc đời hoạt động bí mật của ông trong lòng địch là viên Thiếu tá tình báo của địch; hằng ngày vẫn ra, vào nhiệm sở tại số 3 Bạch Đằng, Quận 1, Sài Gòn. Một điệp viên cộng sản trở thành nhân viên một cơ quan dân sự của chế độ Sài Gòn đã khó, huống chi leo vào một đơn vị đặc biệt là Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo thì quả là siêu đẳng!
Về sự cố khiến trung tâm phải ra chỉ lệnh “bằng mọi giá đưa ngay Ba Quốc rời Sài Gòn về căn cứ”. Thật không ngờ, ông rời gia đình chưa đầy một giờ sau, lực lượng Cảnh sát đặc biệt đã ập tới bao vây nhà và bắt vợ con ông. Việc này tôi chỉ nghe loáng thoáng vậy, phải tới chuyến tháp tùng ông lần này mới hiểu ngọn ngành sự cố.
2. Một ngày chờ xe ở trạm Bù Đốp. Biết ông quá sốt ruột vì phải ra Hà Nội gấp để báo cáo cấp trên về một số nhân vật trong chính giới Sài Gòn. Sau khi từ lán Trạm trưởng về, tôi thông báo với ông ngay: “Ông anh yên tâm, ngày mai có chuyến xe ra, 6 giờ xuất phát. Giờ, em pha một bình trà, anh em mình liên hoan về tin vui này nghen!”.
Tôi mở ba lô, lấy ra một gói trà Bảo Lộc, một chiếc bi đông đựng nước và chiếc ca inox, bỏ một ít trà vào ca rồi vội đi xuống nhà bếp của trạm xin một ít nước sôi, đổ một ít vào ca trà, thả bi đông vào ca thay nắp. Nhắc nhẹ bi đông lên rồi rót nước ra hai chiếc bát sắt ăn cơm. Đón nhận bát nước chè nóng hổi trên tay tôi, ông nhấp nhẹ một ngụm, gật gật đầu, nhìn tôi khẽ cười: “Tuyệt vời! Tài thiệt! Không có một cọng chè nào ra bát. Quả nhiên là cái khó ló cái khôn!”.
Mấy ngày tháp tùng, tới hôm đó tôi mới bắt gặp nụ cười của ông. Thấy ông vui, tôi mạnh dạn gợi chuyện: “Hôm ở Tha La, Đoàn trưởng nói vì “sự cố” nên anh không thể xuất hiện ở Sài Gòn. Vì sao vậy anh?”.
Trầm ngâm giây lát, ông hạ thấp giọng: “Chung quy cũng từ giao thông liên lạc. Có một tài liệu quan trọng thu thập được từ tổ chức địch cần chuyển gấp về căn cứ. Tài liệu được ngụy trang rất kỹ. Nhưng không may, hôm đó, trạm kiểm soát cuối cùng tại địa bàn cửa ngõ vô căn cứ Cụm H63, địch đã thay tốp cảnh sát mới. Bọn này kiểm tra rất gắt. Tổ trinh sát trong căn cứ đi đón, phát hiện giao thông viên bị bắt, đã nhanh chóng về báo cáo lãnh đạo Cụm. Cụm trưởng điều ngay cơ sở nội tuyến gặp chỉ huy của địch ở quận, thương lượng để giải tỏa. Y đòi hối lộ nửa triệu (500.000 đồng tiền Sài Gòn) sẽ thả người “nguyên vẹn”. Số tiền tương đương 14 chiếc xe Honda Nhật. Số tiền trên ở một đơn vị cấp Cụm không thể có và nó vượt xa quy chế cấp Cụm được duyệt chi. Vì vậy, đơn vị phải điện báo cáo của cấp trên.
Khi nhận được điện chỉ đạo của trung tâm “Bằng mọi giá phải giải tỏa giao thông viên dù phải chi tới 1 triệu đồng”. Thông tin bị chậm mất mấy tiếng đồng hồ mà theo quy định của địch, cấp quận chỉ được tạm giữ 3 ngày. Vì vậy, cấp trên lại ra chỉ thị khẩn cấp “Bằng mọi giá phải đưa Ba Quốc rời Sài Gòn gấp” vì tài liệu ấy lọt vào tay địch, chúng sẽ truy ra nguồn cung cấp ngay. Tôi ra khỏi nhà chưa tới một giờ đồng hồ thì cảnh sát ập tới vây nhà và bắt vợ và các con tôi”.
Thông cảm với nỗi niềm của bậc đàn anh, tôi đứng dậy, nắm chặt tay ông, khẽ thốt lên: “Tiếc quá! Quả là sự cố không ngờ xảy ra. Giờ, mời anh đi nghỉ để mai tiếp tục hành quân. Em đã mắc võng trong lán rồi”.
3. Mừng, vì có chuyến xe ra, nhưng cũng chỉ tới trạm thứ 3 của khu 6, xe phải quay đầu để chở hàng vào. Thế là chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần cuốc bộ. Với tôi, việc đó quá bình thường. Nhưng, với ông Ba Quốc thì đó là một thử thách quá lớn. Ngày đầu, nghe có vẻ êm. Ngày thứ hai, ông tỏ ra đuối sức rõ rệt. Tới trạm giao liên, tôi phải mắc võng cho ông nằm nghỉ ngay. Vội xuống lán nhà bếp xin một bi đông nước nóng về bóp và chườm chân cho ông. Cơm nước xong, tôi lại pha một bình trà. Rót ra hai bát. Bưng bát nước trà mời ông, tôi khẽ cười, hỏi: “Có việc này muốn hỏi ông anh, chị cả ở ngoài kia và hai cháu nhỏ, em có nghe anh em nói. Vậy, còn chị hai trong này, quê miền Bắc hay miền Nam hả anh?”.
Ông lại khẽ cười, nhìn tôi: “Người Bắc chánh hiệu chớ. Miền Nam sao được!”. Nhìn vẻ ngỡ ngàng của tôi, ông chỉ vào bát nước nhắc: “Chú uống nước đi chớ. Chuyện dài dòng văn tự lắm”.
Rồi ông hạ thấp giọng: “Thời đó, tôi được giao phụ trách mấy cơ sở bí mật nội thành. Cô Xuân là giao thông viên của đơn vị, hoạt động hợp pháp. Nhà ở mạn Yên Viên. Theo lịch, hàng tuần vào tối thứ ba, tôi sẽ gặp Xuân tại gia đình cơ sở bí mật, gọi là “hộp thư sống” gần nhà cô ấy để nhận tin tức, tài liệu của một điệp viên quan trọng. Hôm ấy, nghe Xuân báo cáo tình hình xong, khoảng 9 giờ tối, tôi trở về căn cứ. Ra tới giữa cánh đồng thì gặp sự cố, một trái moóc-chê từ bốt địch gần đó, bắn vu vơ ra cánh đồng. Trái nổ cách tôi chừng chục mét. Mặc dù đã nằm xuống bờ ruộng nhưng khi vục dậy, thấy một bên chân tê cứng mới biết mình đã bị thương với nhiều mảnh đạn, máu ra rất nhiều, đành băng tạm chỗ ra nhiều máu, cố tập tễnh đi về nhà cơ sở bí mật.
Cô Xuân nhanh chóng làm động tác sơ cứu và nói nhỏ với tôi: “Anh chuẩn bị tinh thần sớm mai sẽ vào nhà thương Phủ Doãn. Có một vết thương dính nhiều bùn đất, rất dễ bị nhiễm trùng”. Tôi cảm thấy yên tâm khi liếc nhìn bệnh án, đốc-tờ ghi: “Bị thương do ngã xe đạp”. Hàng ngày cô ấy vẫn vào thăm nuôi. Hai ngày sau, cô ấy nói với tôi là đã báo cáo đơn vị về sự cố, lãnh đạo nhắc tôi cứ yên tâm điều trị. Sắp tới ngày ra viện, tôi nói với Xuân, tình hình có dấu hiệu không bình thường. Mấy hôm nay, ngày nào cũng có lính áo đen lảng vảng trước phòng bệnh nhân. Ba ngày sau, cô ấy đón tôi ra viện vào tầm giữa buổi chiều.
Khi tôi đã yên vị trên foóc ba ga, cô ấy quay lại nói nhỏ như ra lệnh: “Ngồi sát vào em, kéo cái mũ thấp xuống, không được nhìn ngang, nhìn dọc”. Chúng tôi về tới khu vực “nhà hộp thư thì trời đã sẩm tối. Cô ấy khẽ cười, nhắc tôi: “Anh nhanh chóng rửa mặt rồi ăn cơm, lát nữa có “bề trên” về gặp anh đấy!”.
Trong thời gian chờ “bề trên” tôi mới được cô ấy tiết lộ ngọn ngành sự việc. Số là cô ấy có một ông chú “cỡ bự” làm việc ở Sở Liêm phóng. Cô ấy đã gặp ông chú trình bày về việc vào nhà thương của tôi. Ông chú hỏi về quan hệ của hai đứa. Cô ấy bảo, em nói đại là người yêu. Ông ấy quắc mắc, gằn giọng: “Chúng mày đừng có qua mắt bọn “phòng nhì”. Thằng này nó bị thương do moọc-chê chứ không phải do ngã xe! Nó là Việt minh chứ công nhân công nheo gì. Mà… chúng mày yêu đương tới cỡ nào?”.
Lặng yên giây lát, cô ấy ngập ngừng trả lời: “Dạ… Hai nhà đã làm đám hỏi, tháng sau sẽ làm đám cưới”. Trầm ngâm giây lát, ông chú hạ thấp giọng: “Việc này tao có thể can thiệp khi nào nó rời nhà thương sẽ không bị bắt. Nhưng nó phải cao chạy xa bay ngay, càng xa càng tốt. Chớ có lai vãng ở đất Hà thành này”. Tình hình căng thẳng như vậy, em không thể nói với anh trong nhà thương, nhưng đã báo cáo ngay với tổ chức, kể cả thời gian ra viện. Có lẽ vì thế mà hôm nay “bề trên” mới bố trí về thăm anh đấy.
Chừng nửa giờ sau thì “bề trên” tới. Hai người đàn ông đều bận quần áo gụ đã bạc màu. Một người dong dỏng cao, tôi nhận ra ngay đó là anh H, phụ trách lưới của tôi và Xuân. Người kia, tầm thước, da bánh mật, chắc kém tôi mấy tuổi. Cả hai ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào. Cô Xuân nói nhỏ với hai người: “Bà con xung quanh đây đều là người tốt. Em đã bố trí hai người cảnh giới rồi, lát nữa em ra là ba người nên hai anh cứ yên tâm”.
Anh H xua xua tay, đáp: “Vậy là tốt rồi! Cuộc gặp gỡ hôm nay, chúng tôi cần gặp cả hai người. Thời gian gấp lắm. Hai người ngồi đi, tôi sẽ truyền đạt chỉ đạo của cấp trên. Đề phòng địch truy lùng đồng chí (anh chỉ tôi) nên chúng tôi về đây cùng cô Xuân đưa đồng chí về căn cứ của đơn vị ngay trong đêm nay. Nhiệm vụ của Xuân sẽ chăm sóc sức khỏe cho đồng chí sớm bình phục. Nhớ đem theo giấy tờ tùy thân, tư trang thật gọn nhẹ. Cô về nhanh chóng chuẩn bị rồi trở lại đây ta sẽ lên đường ngay”. Anh nhìn tôi và nói tiếp: “Đồng chí cố gắng bám theo, quãng đường nào khó, chúng tôi sẽ thay nhau cõng”. Tôi khẽ cười: “Cám ơn các đồng chí! Vết thương tạm ổn. Tôi sẽ cố gắng”.
Chúng tôi băng qua mấy ngôi làng, chỉ đi ngoài đồng. Con đường quen thuộc này, tôi chỉ đi mất hơn một giờ. Vậy mà hôm ấy, thời gian phải tăng gấp đôi. Về tới căn cứ đã hơn 1 giờ sáng. Đó là một ngôi làng nhỏ bé nằm cách xa vùng kiểm soát của địch. Sau một ngày nghỉ ngơi, đại diện lãnh đạo cấp trên đã làm việc với chúng tôi. Có anh H cùng dự. Sau ít phút thăm hỏi, động viên, lãnh đạo V vào đề luôn: “Tình hình có nhiều biến động, yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng chúng ta phải dốc sức để đáp ứng chỉ đạo của Trung ương. Lãnh đạo đơn vị đã quyết định chuyển địa bàn hoạt động của đồng chí Ba từ Hà Nội vào Sài Gòn. Đồng chí Xuân sẽ tháp tùng đồng chí. Bình phong chức nghiệp chúng tôi sẽ trao đổi kỹ với hai đồng chí trước khi lên đường.
Nhiệm vụ của đồng chí Xuân bây giờ là chăm lo sức khỏe cho đồng chí mình, cố gắng xóa bớt dấu vết bị thương và “tân trang” diện mạo để đảm nhiệm tốt vai diễn sắp tới. Chuyến đi của hai đồng chí phải đối phó với nhiều tình huống có thể xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho hai người nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ Cách mạng giao phó, tổ chức đã cân nhắc kỹ và đi tới quyết định: Cho phép hai đồng chí gắn kết nghĩa tình với nhau, để khỏi phải “đóng kịch”, dễ xảy ra sơ hở đáng tiếc. Đối với chị Ba ở ngoài này, chúng tôi và đồng chí Ba có trách nhiệm khai thông tư tưởng cho chị ấy”.
- Rồi hai chị có gặp nhau không anh? - Tôi hỏi ông Ba.
- Không! Cô Xuân có viết thư, nội dung thăm hỏi sức khỏe, cuối thư có chốt một câu: “Vì nhiệm vụ cách mạng, anh được cử đi công tác xa. Em xin phép được thay chị đi chăm sóc anh. Xin gửi chị một chút kỷ niệm nhỏ gọi là tấm lòng của em”. Cô ấy tháo đôi hoa tai cẩm thạch đang đeo, bỏ vào bao thư, đưa cho tôi, đôi mắt ngấn lệ, nghẹn ngào: “Anh chuyển giùm em thư này tới chị Thanh”. Chuyện về chúng tôi là vậy. Mới đó mà đã 22 năm trôi qua.
Chừng đó thôi, thiết nghĩ đã giải đáp đôi điều băn khoăn của đồng đội tôi xung quanh bài báo Tết vừa rồi về vị Tướng quân tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức và hai bà vợ. Xin trân trọng cám ơn bạn đọc của Báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng đã quan tâm tới bài viết của tôi, người đã có quá trình 10 năm công tác, chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ.